Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng

Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức thường đi ngoài từ 2 – 3 lần mỗi ngày với phân sệt. Vậy nếu trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần hơn và lỏng hơn thì sao? Liệu có phải bé bị tiêu chảy không? Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy như vậy có […]

Đã cập nhật 12 tháng 4 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng
  1. Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa mẹ hoặc sữa công thức thường đi ngoài từ 2 – 3 lần mỗi ngày với phân sệt. Vậy nếu trẻ sơ sinh đi ngoài nhiều lần hơn và lỏng hơn thì sao? Liệu có phải bé bị tiêu chảy không? Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy như vậy có nguy hiểm không? Có cần phải đi khám bác sĩ không? Đó luôn là những thắc mắc của các ông bố bà mẹ nuôi con lần đầu.

    Trẻ sơ sinh đi ngoài thế nào là bình thường?

    Có sự khác biệt giữa phân của trẻ được nuôi bằng sữa mẹ và sữa công thức.

    Trẻ sơ sinh đi ngoài như thế nào là tốt khi nuôi bằng sữa mẹ? Phân của trẻ được nuôi bằng sữa mẹ thường mềm hoặc lỏng và có ít hạt trắng. Thường có màu vàng hoặc màu cam nhưng thỉnh thoảng có thể có màu xanh lục nhạt. Trẻ sơ sinh bú mẹ có thể đi ngoài tới 8-10 lần một ngày hoặc vài ngày không đi ngoài vẫn được xem là bình thường nếu bé khỏe mạnh và tăng cân tốt.

    Bé bú sữa công thức có xu hướng đi ngoài phân đặc hơn so với trẻ bú mẹ. Phân bình thường ở trẻ bú sữa công thức thường là khối mềm, màu sắc có thể thay đổi từ xanh xám, vàng, hoặc nâu, phụ thuộc vào loại sữa công thức mà trẻ sử dụng. Số lần đi ngoài thường từ 1 đến 2 lần mỗi ngày, đến mỗi 1 hoặc 2 ngày.

    Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị tiêu chảy?

    Trẻ sơ sinh bị đi ngoài nhiều lần trong ngày với các tính chất sau thì có khả năng là trẻ bị tiêu chảy. 6 dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tiêu chảy là:

    • Nhiều lần hơn bình thường của bé.
    • Có bọt.
    • Tóe nước.
    • Thay đổi màu sắc.
    • Có nhầy hoặc máu.
    • Có mùi thối.

    Nguyên nhân bé bị tiêu chảy là gì?

    Các khả năng có thể làm cho trẻ sơ sinh bị tiêu chảy khá đa dạng, có thể kể đến một số nguyên nhân như sau:

    • Mất cân bằng hệ vi khuẩn: Tiêu chảy thường gặp nhất gây ra do mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột.
    • Nhiễm trùng đường ruột: virus rota, vi khuẩn salmonella và ký sinh trùng giardia có thể gây tiêu chảy cho trẻ, kèm các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiêu hóa như: nôn mửa, đau dạ dày, đau đầu và sốt.
    • Không dụng nạp lactose: Lactose là một loại đường có trong sữa mẹ, sữa công thức và cả sữa bò. Khi cơ thể trẻ sơ sinh không sản xuất đủ enzyme cần thiết để tiêu hóa lượng lactose này trong sữa sẽ khiến cho hàm lượng này bị tích tụ ở ruột, gây nên các vấn đề về đường ruột, tiêu chảy.
    • Rối loạn tiêu hóa: Do hệ tiêu hóa của con vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện và rất nhạy cảm với những thay đổi cho dù là nhỏ nhất.
    • Các nguyên nhân khác: đột ngột chuyển từ sữa mẹ sang sữa công thức, mẹ ăn thức ăn lạ dẫn đến ảnh hưởng chất lượng sữa mẹ,…

    Ảnh hưởng khi bé bị tiêu chảy?

    Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy làm cơ thể bé mất nhiều nước và điện giải. Bé có thể mất nước rất nhanh trong 1 đến 2 ngày sau khi bắt đầu tiêu chảy và nó có thể rất nguy hiểm, đặc biệt đồi với trẻ mới sinh.

    Khi nào mẹ nên đưa trẻ bị tiêu chảy đi khám bác sĩ?

    Mẹ hãy tìm sự giúp đỡ của bác sĩ để con được thăm khám và đánh giá một cách chính xác khi bé bị tiêu chảy kèm các dấu hiệu sau:

    • Nếu bé có sốt.
    • Nếu bé nôn hơn 12 tiếng.
    • Nếu bé có dấu hiệu mất nước (môi khô, mắt trũng, khóc không có nước mắt, vật vã, kích thích,…)
    • Nếu phân có máu hoặc nhầy hoặc có màu đen.
    • Nếu phân có mùi thối hoặc giống có mỡ.
    • Nếu tiêu chảy nặng hơn 48 giờ.
    • Nếu bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi hãy gọi bác sĩ càng sớm càng tốt khi bé bị tiêu chảy hoặc nôn.
    Trẻ sơ sinh đi phân lỏng
    Trẻ bị tiêu chảy nếu có dấu hiệu sốt, nôn hơn 12 tiếng thì mẹ cần đem con đến gặp bác sĩ (Nguồn: Sưu tầm)

    Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy phải làm sao? 

    Khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị tiêu chảy, mẹ nên đưa con thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để xác định đúng nguyên nhân và chữa trị. Bên cạnh đó, mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà bằng cách:

    • Cho con bú nhiều hơn: Theo verywellfamily, với bé sơ sinh, việc gia tăng số lần bú sữa mẹ sẽ giúp bù nước và chất dinh dưỡng bị thiếu hụt, cũng như cung cấp nhiều lợi khuẩn, kháng thể tốt cho miễn dịch đường tiêu hóa cho bé.
    • Bù nước và điện giải bằng Oresol thẩm thấu thấp: Mẹ có thể mua các sản phẩm này tại các hiệu thuốc toàn quốc, mẹ nhé.
    • Giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé.

    Các mẹ đang cho con bú cũng nên tránh các thức ăn làm cho trẻ bị tiêu chảy nặng hơn, như:

    • Đồ ăn nhiều dầu mỡ.
    • Sản phẩm có nguồn gốc từ sữa như sữa bò, phô mai.
    • Đồ ngọt như bánh, soda, thức uống có ga.

    Tiêu chảy do virus hoặc vi khuẩn rất dễ lây. Mẹ nên rửa tay với nước ấm và xà phòng mỗi khi thay tã cho bé để ngăn sự lây nhiễm. Giữ tã mới ở chỗ sạch và không bị nhiễm bẩn. Hãy giữ bé ở nhà để chăm sóc cho đến khi bé hết hẳn tiêu chảy.

    BS. Nguyễn Phước Mỹ Linh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc bù nước cho trẻ bị tiêu chảy như sau:

    bac si

    Khi trẻ bị tiêu chảy sẽ mất một lượng nước qua phân. Mẹ không nên quan trọng việc cầm tiêu chảy mà hãy chú trọng việc bù nước cho trẻ. Nếu trẻ tiêu chảy nhiều nhưng bù nước tốt và đúng cách thì trẻ sẽ có thể tự hồi phục mà không gây biến chứng nặng.

    bac si

    Phòng ngừa trẻ sơ sinh bị tiêu chảy như thế nào?

    Phòng bệnh hơn chữa bệnh, mẹ có thể chủ động phòng tránh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng một số biện pháp đơn giản sau:

    • Mẹ cần rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
    • Không cho bé ăn đồ chưa được nấu chín và uống nước chưa được đun sôi.
    • Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày.
    • Tránh xa những khu vực đang có dịch.
    • Không làm ô nhiễm nguồn nước bằng các hoạt động như vứt xác động vật chết, đổ rác, nước sinh hoạt xuống sông, giếng, ao, hồ gần nhà.
    • Trong trường hợp gia đình có thành viên bị tiêu chảy cấp, cần dùng vôi bột hoặc Cloramin B để sát khuẩn cầu tiêu sau khi đi vệ sinh.
    • Cho trẻ bú sữa mẹ đến 18 – 24 tháng tuổi. Từ 4-5 tháng tuổi có thể cho trẻ ăn dặm thêm.
    • Một biện pháp phòng ngừa khác là cho trẻ nhỏ vắc-xin rota để phòng ngừa tiêu chảy do rotavirus gây nên. Tuy nhiên, mẹ nên xin tư vấn từ bác sĩ trước khi quyết định tiêm vắc-xin cho trẻ.

    Nguồn: Huggies