Trẻ hay khóc đêm: Vì sao và lời khuyên dành cho mẹ

Trẻ hay khóc đêm và khó ngủ luôn là vấn đề trăn trở, lo lắng của các bậc cha mẹ. Vì ba mẹ hoàn toàn hiểu rằng, khóc có thể là hành động biểu lộ sự mong muốn hoặc điều gì đó mà con chưa nói được. Nếu bé khóc nhiều về đêm, chất lượng […]

Đã cập nhật 12 tháng 4 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Trẻ hay khóc đêm: Vì sao và lời khuyên dành cho mẹ
  1. Trẻ hay khóc đêm và khó ngủ luôn là vấn đề trăn trở, lo lắng của các bậc cha mẹ. Vì ba mẹ hoàn toàn hiểu rằng, khóc có thể là hành động biểu lộ sự mong muốn hoặc điều gì đó mà con chưa nói được. Nếu bé khóc nhiều về đêm, chất lượng giấc ngủ của con sẽ bị ảnh hưởng. Vậy ba mẹ nên làm gì để khắc phục tình trạng này. Mẹ cùng VNCare tìm hiểu trong bài viết dưới nhé! 

    1. Nguyên nhân trẻ hay khóc đêm

    Trẻ khóc đêm thường có nhiều nguyên do và trong số đó có những nguyên nhân sau đây:

    • Bé đang đói: Từ khi sinh ra đến 2 tháng tuổi, hầu hết trẻ  thức giấc hai lần mỗi đêm để bú. Từ 2 đến 4 tháng tuổi, hầu hết trẻ  cần cho bú một cữ vào giữa đêm. Khi 4 tháng tuổi, hầu hết trẻ bú bình đều ngủ nhiều hơn 7 giờ mà không cần cho bú. Hầu hết trẻ 5 tháng tuổi bú mẹ đều có thể ngủ liền một mạch khoảng 7 giờ vào ban đêm, bình thường ở độ tuổi này trẻ không cần bú sữa vào ban đêm.
    • Trẻ cảm thấy mệt mỏi: Có thể do ban ngày bé vận động nhiều hoặc là dấu hiệu báo trước bé sắp bị bệnh, thường gặp là nhiễm siêu vi, hay có những dấu hiệu mà bác sĩ gọi là tiền triệu như mệt mỏi, biếng ăn, quấy khóc,… 
    • Quá lạnh hoặc quá nóng: Thời tiết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bé, đặc biệt khi bé càng nhỏ tuổi như trẻ sơ sinh hay khóc đêm do khả năng thích nghi của bé càng kém khi nhiệt độ hay thời tiết thay đổi. 
    • Cần thay tã do tè hay đại tiện: Trẻ nhỏ thường đi tiểu không báo trước cho mẹ biết, chỉ khi bé lớn hơn 6 tháng mới có khả năng điều chỉnh được. Vì cảm giác ẩm ướt gây khó chịu nên nó cũng là lý do trẻ khóc đêm. 
    • Cần được an ủi: Một số bé khi thức giấc giữa đêm, có thể tự thích nghi tự ngủ lại được, một số bé khác lại không như vậy, bé sợ bóng tối, cảm giác lạc lõng cô đơn nên khóc để tìm sự hỗ trợ của bố mẹ. 
    • Chướng bụng: Có thể do mẹ cho bé ăn hay bú vượt sức của bé, hay bé bị bệnh hay do thuốc điều trị làm khả năng tiêu hóa thức ăn của bé kém, làm chướng bụng đầy hơi. Điều này làm đội cơ hoành lên, làm bé càng khó thở, vì vậy khiến bé ngủ không được. Trẻ càng nhỏ thì dung tích dạ dày càng nhỏ, mẹ nên lưu ý nó là lý do làm trẻ sơ sinh khóc đêm. 
    • Quá kích thích do đùa giỡn ban ngày hoặc rối loạn giấc ngủ: Đôi khi tạo những giấc mơ tạm gọi là ác mộng, có thể làm bé sợ hãi, những phim hành động,… bé vô tình xem cũng có thể gây hiệu ứng không tốt đối với hệ thần kinh còn non yếu của bé. 
    • Bị bệnh: Thiếu calcium, do bị chứng đau quặn bụng colic hay còn gọi khóc dạ đề hoặc do nghẹt mũi, nhiễm siêu vi,… Đa số các trường hợp bé bệnh đều có thể gây ra biểu hiện này, bé thường mè nheo, nhưng đôi khi cũng sẽ khóc thét do không chịu đựng được các cơn đau. Vì vậy, mẹ nên lưu ý vì có những tình huống đôi khi cần xử lý cấp cứu như lồng ruột hay viêm ruột thừa, viêm ruột hoại tử,… 
    • Tình huống khác: Do côn trùng đốt hay chui vào tai bé, giun kim thường quấy rối bé vào buổi đêm,… Nước ta ở vùng nhiệt đới, nên số lượng côn trùng cũng khá đa dạng, mẹ nên chú ý giữ an toàn cho bé khỏi các động vật có chân đốt như kiến, bọ xít hút máu hay rết, rắn,… mẹ nhé! 
    • Không rõ nguyên nhân: Kèm với việc trẻ hay khóc đêm, mẹ có thể thấy bé có các biểu hiện như nấc, hắt hơi,… Đôi khi trẻ sơ sinh khóc đêm không có lý do gì cả. Nếu điều này xảy ra, hãy cố gắng an ủi con bằng cách vỗ về, hát, nói chuyện nhẹ nhàng, hoặc quấn bé vào chăn,… Chẳng bao lâu mẹ sẽ có thể cho biết con mình cần gì qua cách bé khóc. 
    trẻ hay khóc đêm phải làm sao
    Trẻ hay khóc đêm có thể con đang đói, phòng ngủ quá nóng hoặc quá lạnh,… (Nguồn: Sưu tầm)

    2. Trẻ hay khóc đêm khi nào là bình thường?

    Từ lúc mới sinh cho đến 8 tuần tuổi, nếu bé thường quấy khóc, và đặc biệt là quấy khóc về đêm thì ba mẹ đừng lo lắng nhé, việc này được xem là bình thường.

    Theo Medial News Today, con chỉ đang làm quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ, với chu kỳ giấc ngủ, nên thấy lạ lẫm nên “mít ướt” một chút thôi.

    Tình trạng này sẽ giảm dần nhanh chóng khi con được 4 tháng tuổi trở lên. Lúc này, ba mẹ đã “hiểu ý” con hơn, và con cũng đã dần quen với môi trường bên ngoài rồi. Nhưng nếu bé khóc đêm vẫn dữ dội và kèm các biểu hiện khác như: giật mình, ngủ ngáy, hoảng sợ và khóc thét,… ba mẹ nên lưu tâm nhé!

    3. Bé hay khóc đêm khi nào là bất thường?

    Với những trẻ hay khóc đêm bất thường và có kèm với một số biểu hiện như ngủ ngáy, khi ngủ hay giật mình, hoảng sợ, khóc thét,… có thể là hiện tượng sinh lý. Nhưng nếu những hiện tượng này xảy ra thường xuyên và kéo dài có thể ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của trẻ. Khi đó, bố mẹ cần phải nghĩ ngay đến vấn đề bé khóc do bệnh lý. 

    Trẻ hay khóc đêm bất thường, giật mình khi ngủ hoặc thức dậy giữa đêm, la hét là do hệ thống thần kinh của bé đang phát triển, chưa hoàn thiện và khả năng ức chế kém. Vì thế, nếu ban ngày trẻ có những hoạt động phấn khích, quá sức sẽ khiến não bộ vẫn còn đang trong tình trạng hưng phấn làm cho bé quấy khóc khi đang ngủ. 

    Tuy nhiên, nếu con bạn thường hay giật mình khi đang ngủ cũng có thể là biểu hiện bất thường về cấu trúc hay chức năng não bộ của bé. Chính vì thế, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám để có nhiều thông tin cũng như thực hiện các xét nghiệm cần thiết để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác hơn.  

    Với những trường hợp trẻ hay khóc đêm bất thường, khóc dai dẳng, khóc hơn 3 giờ đồng/ngày hay thường khóc vào ban đêm, trong hơn ba ngày/tuần và kéo dài 3 tuần. Nguyên nhân có thể là bé yêu của bạn bị dị ứng với protein sữa bò. Lúc này, bố mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa để xác định nguyên nhân chính xác có phải bé bị dị ứng protein sữa bò hay không. 

    Trẻ sơ sinh hay quấy khóc đêm không chịu ngủ, khóc không rõ nguyên nhân và khi khóc thường co 2 đầu gối gập vào bụng thì có thể bé đang bị đau bụng sinh lý. Cơn đau này thường xảy ra vào chập tối và kéo dài khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ rồi bé sẽ tự nín. Mặc dù trẻ khóc và bị đau bụng nhưng vẫn tăng cân tốt thì khoảng 3 – 4 tháng sẽ tự nhiên hết quấy khóc đêm. Do đó, bố mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế đều đặn hàng tháng để có thể theo dõi sức khỏe và cân nặng của em bé. 

    Tuy nhiên, nếu bé khóc nhiều về đêm hay cơn khóc kéo dài hơn cũng có thể là dấu hiệu của trẻ bị còi xương. Bệnh này thường làm cho bé cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và sinh ra trẻ hay khóc đêm trong thời gian dài. Nguyên nhân có thể do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo, thiếu canxi, vitamin D hoặc chăm sóc bé trong phòng quá kín. Vì thế, mẹ cần phải cho trẻ tắm nắng vào mỗi buổi sáng sớm hoặc uống bổ sung vitamin D 400ui/ ngày, vệ sinh phòng thông thoáng và không để thiếu ánh sáng mặt trời. Nếu trẻ có xuất hiện các triệu chứng đi kèm như chậm mọc răng, ra mồ hôi trộm hay rụng tóc vành khăn thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ để có biện pháp điều trị cùng chế độ ăn phù hợp. 

    Ngoài ra, nếu trẻ khóc dữ dội, cơn khóc kéo dài kèm những triệu chứng như ưỡn người, bỏ bú, nôn và đi tiểu ra máu rất có thể là dấu hiệu trẻ bị lồng ruột. Khi đó, bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ cấp cứu kịp thời. 

    4.1. Trẻ khóc đêm ảnh hưởng như thế nào?

    4.1. Trẻ hay khóc đêm ảnh hưởng đến mẹ

    • Tắt sữa: Mất sức do phải chăm con, stress từ việc nghe tiếng con khóc nên mẹ dễ bị mất sữa, hoặc tắt tia sữa tạm thời
    • Trầm cảm sau sinh.

    4.2. Ảnh hưởng đến bản thân bé

    • Chậm tăng cân và phát triển chiều cao.
    • Hệ thống miễn dịch và tiêu hóa của bé kém phát triển.
    • Làm tăng áp lực máu não, huyết áp và áp lực lên tim dẫn tới tim đập nhanh.
    trẻ khóc đêm mẹ phải làm sao?
    Trẻ hay khóc đêm khiến mẹ trầm cảm sau sinh và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của con (Nguồn: Sưu tầm)

    5. Trẻ khóc đêm mẹ phải làm sao?

    Có thể không phải lúc nào mẹ cũng có thể để an ủi bé. Đây không phải là lỗi của mẹ. Cố gắng kiên nhẫn và bình tĩnh khi trẻ không ngừng khóc. Nếu cần, hãy nhờ người khác ở lại với con để mẹ nghỉ ngơi. Không bao giờ lắc bé trong tình huống nào. Lắc bé có thể gây ra tổn thương não nghiêm trọng, được gọi là “Hội chứng trẻ bị rung lắc”(Shaken Baby Syndrome), dẫn đến tàn tật suốt đời.

    Điều quan trọng mẹ nên để ý, giọng khóc bé xem có bình thường không nhé.

    • Trước tiên mẹ nên loại trừ các tình huống thông thường như: kiểm tra tã có bị ướt, bé có bị đói (thử cho bú). Mẹ nên ghi nhật ký hằng ngày của bé, khi nào bé thức và ngủ, khi nào bé ăn… điều này giúp mẹ có thể biết khi nào bé ngủ, khi nào bé thức, khi nào bé sẽ đói,…
    • Kiểm tra những gì mẹ có thể thấy được: xem da bé, nhất là những vùng hở (không có áo quần che phủ) xem có bị nổi mẫn đỏ gì không, xem trong người bé có bị tổn thương gì khác không, sờ trán bé để cảm nhận xem bé có bị sốt không? Bé có bị nghẹt mũi, bụng bé có chướng không?…
    • Nếu như mẹ kiểm tra vẫn không thấy gì, xu hướng bé khóc càng tăng lên, tiếng khóc có cường độ càng lớn thì khả năng cao là do bé bị đau (có thể đau bụng, đau đầu, đau họng,…). Mẹ nên cho bé đi khám.
    • Bé có cảm giác sợ hãi, ôm chầm mẹ, vẻ mặt hoảng hốt, dù mẹ có vỗ về bé vẫn không cải thiện, lúc này mẹ nên cho bé khám bác sĩ mẹ nhé!

    Hãy liên lạc với bác sĩ nếu trẻ sơ sinh khóc nhiều hơn bình thường, khóc vào một giờ khác ngoài ngày bình thường, hoặc nếu tiếng khóc có vẻ khác với thông thường. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bé của mẹ bị bệnh.

    Như vậy, trẻ hay khóc đêm có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bố mẹ có thể tham khảo một số lời khuyên khi bé hay khóc đêm qua bài viết trên đây.

    Nguồn: Huggies

Tags: