Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn có đáng lo không?

Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh là gì? Vì sao trẻ bị rụng tóc vành khăn? Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn có đáng lo không? Cùng VNCare và bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh giải đáp chi tiết mọi thắc mắc về vấn đề rụng tóc ở trẻ sơ sinh trong bài […]

Đã cập nhật 12 tháng 4 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn có đáng lo không?
  1. Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh là gì? Vì sao trẻ bị rụng tóc vành khăn? Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn có đáng lo không? Cùng VNCare và bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh giải đáp chi tiết mọi thắc mắc về vấn đề rụng tóc ở trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây bố mẹ nhé!

    Rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh là gì?

    Trước hết, chúng ta tìm hiểu quá trình phát triển tóc bình thường của trẻ sau sinh. Khi mới sinh, tóc của trẻ sẽ mọc dần dài ra mà dân gian gọi là tóc máu. Đến 2-3 tháng tuổi, do sự sụt giảm các hormon nội tiết mà mẹ truyền cho bé trong thời kỳ bào thai, tóc máu của trẻ sẽ bắt đầu rụng dần. Giai đoạn này, tóc mẹ cũng rụng tương tự trẻ. Quá trình rụng tóc thường bắt đầu trong khoảng 8 đến 12 tuần tuổi, sau đó, tóc sẽ mọc trở lại vào khoảng 3 đến 7 tháng. Nhưng phải đến khoảng 2 tuổi, mái tóc bé mới thực sự dày và đẹp. Tóc của bé giai đoạn này thể hiện rõ đặc tính tóc của người trưởng thành, là kiểu tóc xoăn, thẳng, mượt, màu tóc đen, nâu… phụ thuộc vào một số yếu tố như giới tính, dân tộc, di truyền …

    Rụng tóc vành khăn là hiện tượng rụng tóc thành một vòng tròn ở khu vực sau gáy tạo thành hình vành mũ xung quanh đầu. Hiện tượng này thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 3 – 6 tháng, trong giai đoạn thay tóc máu thành tóc như người trưởng thành.

    Biểu hiện rụng tóc vành khăn ở trẻ sơ sinh

    Rụng tóc ở trẻ sơ sinh khi nào bình thường và khi nào bất thường?

    • Rụng tóc bình thường: rụng tóc vào giai đoạn 2-3 tháng tuổi, tóc không rụng thành đám. Tóc không rụng nhiều. Không có hình vành khăn. Trẻ không có biểu hiện gì bất thường, vẫn bú giỏi, ngủ ngoan và tăng cân tốt.
    • Rụng tóc bất thường: rụng tóc xảy ra bất cứ thời điểm nào, rụng cả chân tóc và thành từng đám, tóc rụng quay sau đầu thành hình vành khăn. Thường kèm các biểu hiện như quấy khóc, ra nhiều mồ hôi, chậm vận động…

    Nguyên nhân trẻ bị rụng tóc vành khăn

    Bé sơ sinh bị rụng tóc vành khăn
    Trẻ rụng tóc vành khăn do tóc mỏng và nằm nhiều (Nguồn: Sưu tầm)

    Rụng tóc vành khăn ở trẻ nhỏ không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, cần điều trị, một số nguyên nhân làm cho trẻ bị rụng tóc vành khăn bao gồm:

    • Tóc mỏng và nằm nhiều: Phần lớn thời gian của bé là nằm ngửa, vùng phía sau đầu tiếp xúc trực tiếp với mặt gối trong thời gian dài khiến cho tóc khó mọc hơn. Đối với trẻ có sợi tóc mảnh mai, dễ rụng thì hay xuất hiện tình trạng này hơn các trẻ có tóc cứng và chắc khỏe.
    • Thói quen giật tóc: Nếu em bé có xu hướng chơi với tóc của bản thân hoặc gặp phải tình trạng trichotillomania (hội chứng nghiện giật tóc) thì đây sẽ là nguyên nhân giải thích vì sao tóc bé ngày càng thưa dần.
    • Tác dụng phụ của thuốc: Đây là một nguyên nhân khác gây rụng tóc ở trẻ sơ sinh bị ốm và phải sử dụng một số loại thuốc.
    • Do trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng: nguyên nhân chính dẫn đến bệnh rụng tóc vành khăn ở trẻ em là do thiếu các vi chất dinh dưỡng cần thiết. Trong đó chủ yếu là do thiếu vitamin D. Ngoài ra còn có thể do trẻ bị thiếu kẽm, sắt, vitamin C hoặc canxi. Theo các nhà khoa học, vitamin D chịu trách nhiệm trong việc phát triển lông, tóc, móng. Khi trẻ bị thiếu vitamin D, chân tóc sẽ bị yếu và dễ rụng. Do đó, trẻ nằm, phần đầu cọ xát xuống chiếu sẽ dễ bị rụng… Trẻ thiếu vitamin D gây còi xương sẽ có những dấu hiệu đi kèm rõ rệt như: thường xuyên quấy khóc, khóc nhiều vào ban đêm, thóp rộng, chậm đóng. Trẻ thiếu vitamin D thường ngủ không sâu giấc, hay bị giật mình, về đêm đổ nhiều mồ hôi (hay còn gọi là đổ mồ hôi trộm).
    • Suy tuyến yên: nếu tuyến yên hoạt động kém, trẻ sơ sinh có thể mắc phải tình trạng suy tuyến yên, dẫn đến rụng tóc nhiều.
    • Suy giáp bẩm sinh: giảm chức năng của tuyến giáp có thể dẫn đến rụng tóc quá mức, vàng da kéo dài, táo bón, chậm vận động, chậm mọc răng, ngủ nhiều, ít khóc…
    • Nhiễm trùng da đầu: Nhiễm trùng da đầu, bao gồm nhiễm nấm như hắc lào, có thể gây rụng tóc ở trẻ sơ sinh. Tình trạng này có thể gây ra các mảng hói có dạng tròn trên da đầu bé. Phụ huynh không nên bỏ qua tình trạng này vì nấm da đầu sẽ kéo dài và lây lan sang các vùng khác trên cơ thể.
    • Dị ứng: Phản ứng dị ứng dưới mọi hình thức có thể dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị rụng tóc. Em bé có thể bị dị ứng với dầu massage hoặc sản phẩm tắm gội. Tình trạng viêm da tiết bã cũng có thể khiến tóc rụng phần nào.
    • Bệnh tật và căng thẳng: Căng thẳng do bệnh tật hoặc sốt có thể làm cho nang tóc yếu đi và dẫn đến trẻ sơ sinh bị rụng tóc.

    Trẻ sơ sinh bị rụng tóc vành khăn phải làm sao?

    Việc tìm ra căn nguyên gây hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh là mấu chốt quan trọng, từ đó mới có thể đưa ra cách điều trị phù hợp.

    • Khi trẻ bị rụng tóc do nằm sai tư thế, các mẹ nên khắc phục bằng cách thay đổi tư thế nằm của trẻ, không đặt trẻ nằm quá nhiều và quá lâu ở một tư thế. Bên cạnh đó, mẹ cũng không nên bao bọc bé trong nhà trong giai đoạn sơ sinh. Nếu có cơ hội, hãy chọn một vài ngày có nắng sớm hay chiều mát, mẹ đưa trẻ ra ngoài để hít thở khí trời trong lành, vừa giúp trẻ cứng cáp mà còn có thể hạn chế tình trạng này. Bố mẹ cũng chọn chất liệu gối, chăn mềm mại để không làm tổn thương da đầu bé. Thường xuyên vệ sinh chăn, chiếu và gối. Hạn chế đội mũ quá lâu, mũ chật, đồng thời giữ vệ sinh mũ nón cho trẻ. Đối với hiện tượng rụng tóc do tư thế nằm, từ 6 tháng đến 1 tuổi trở đi sẽ tự hết và tóc có thể mọc đều bình thường. 
    • Trẻ bị rụng tóc do thiếu dưỡng chất: trẻ cần được bổ sung qua bữa ăn hàng ngày bằng các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như: tôm, cua, lòng đỏ trứng gà, các loại đậu,… Một khẩu phần ăn nếu muốn vitamin và khoáng chất hấp thụ tốt hơn thì nên thêm một chút dầu mỡ. Một cách khác để tổng hợp vitamin D hiệu quả cho trẻ đó là tắm nắng. Quá trình tắm nắng vào sáng sớm sẽ giúp các tiền Vitamin D biến thành Vitamin D có lợi cho cơ thể trẻ, không những giúp ngăn ngừa rụng tóc mà còn cho trẻ phát triển khỏe mạnh hơn. Thời gian tắm nắng tốt nhất là 7 – 8 giờ sáng và chỉ tắm từ 5 – 7 phút hàng ngày. Vào mùa hè thì nên tắm sớm hơn từ 6 – 7 giờ. Tuyệt đối không cho trẻ tắm sau 9 giờ, khi mặt trời đã lên cao và nắng chói chang vì khi đó trong ánh nắng có chứa tia cực tím có hại cho da và mắt của trẻ. Cha mẹ cũng lưu ý không được tắm nắng cho trẻ ở phía sau cửa kính bởi ánh ánh mặt trời khi rọi vào cửa kính có thể sẽ phản xạ vào chúng ta với cường độ mạnh, rất nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ em bởi làn da chúng còn quá nhạy cảm. Nếu không tắm nắng được, mẹ có thể cho trẻ uống vitamin D 400iu mỗi ngày.
    • Rụng tóc do bệnh lý như nấm da đầu cần sử dụng thuốc kháng nấm, Ngoài ra, với các triệu chứng do suy tuyến yên, suy tuyến giáp, thuốc, dị ứng và tình trạng bệnh tật: mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp với từng nguyên nhân.

    Như vậy rụng tóc vành khăn không phải do 1 nguyên nhân, khi thấy trẻ có biểu hiện này mẹ không nên vội vàng đi mua thuốc canxi bổ sung cho bé vì nghĩ trẻ thiếu canxi. Mẹ hãy cho trẻ đi khám bác sĩ để tìm nguyên nhân, có nguyên nhân không cần can thiệp gì như rụng tóc vành khăn do tư thế nằm, có nguyên nhân nghiêm trọng cần sự tư vấn kỹ càng và biện pháp điều trị phù hợp từ bác sĩ mẹ nhé!

    Nguồn: Huggies