Các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng từ 0 -24 tháng tuổi

Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là việc làm cần thiết và quan trọng nhằm đảm bảo Sức Khoẻ của trẻ. Đâu là các mũi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh mà mẹ không được bỏ quên? Cùng VNCare tìm hiểu các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng từ 0-24 tháng tuổi […]

Đã cập nhật 11 tháng 4 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng từ 0 -24 tháng tuổi
  1. Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là việc làm cần thiết và quan trọng nhằm đảm bảo Sức Khoẻ của trẻ. Đâu là các mũi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh mà mẹ không được bỏ quên? Cùng VNCare tìm hiểu các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng từ 0-24 tháng tuổi trong bài viết sau mẹ nhé!

    Vắc xin là gì?

    Vắc-xin là một từ ngữ phổ biến, nhưng không phải tất cả các mẹ đều hiểu được ý nghĩa của nó. Nội dung tiếp theo sẽ giúp làm rõ vấn đề đó!

    Khi vi khuẩn hoặc virus tấn công cơ thể, chúng sẽ gây ra mầm bệnh cho trẻ. Có những căn bệnh có tính nguy hiểm cao, có thể gây ra chết người hoặc để lại di chứng. Chính vì các yếu tố nguy hiểm đó, các nhà khoa học đã phát minh ra vắc-xin, với mục đích bảo vệ con người khỏi những mầm bệnh đáng sợ.Vắc-xin chính là cơ sở nền tảng của tiêm chủng. Đây là một loại thuốc có chứa 1 phần hoặc nguyên cơ thể vi khuẩn, có thể đã chết hoặc còn sống nhưng giảm độc lực. Tiêm chủng là đưa vắc-xin vào cơ thể, để gây ra hiện tượng nhiễm trùng giả. Hiện tượng này sẽ giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra trí nhớ hoặc đáp ứng miễn dịch. Trẻ em khi đã được tiêm chủng đầy đủ, cơ thể đã có sự chuẩn bị trước, nên việc đánh bại những tác nhân gây bệnh thực sự sẽ dễ dàng hơn. Đây chính là lợi ích lớn nhất của của tiêm chủng đầy đủ.

    Vắc xin là gì?
    Vắc xin được tạo ra để bảo vệ chúng ta trước các căn bệnh nguy hiểm (Nguồn: Sưu tầm)

    Tại sao cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ?

    Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trong độ tuổi từ 0 – 24 tháng, sức đề kháng và hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu. Trong khi đó, điều kiện thời tiết phức tạp, khí hậu biến đổi, nhiệt độ diễn biến bất thường,… tạo ra môi trường cho nhiều loại dịch bệnh phát triển. Dịch bệnh là một trong những yếu tố luôn thường trực đe dọa đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 
    Bên cạnh đó, hiện nay một số dịch bệnh đang có xu hướng ngày càng tăng và có diễn biến phức tạp như SARS, bệnh bại liệt, Covid -19,… Tuy nhiên, y học hiện đại vẫn còn gặp khó khăn trong quá trình điều trị các căn bệnh đó, thậm chí vẫn có thể tử vong hoặc để lại di chứng dù đã được cứu chữa kịp thời. Đây là lý do vì sao trẻ em dưới 5 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

    Tại sao cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ
    Tiêm chủng giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ ( Nguồn: Sưu tầm)

    Các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng

    Ở từng giai đoạn phát triển, trẻ sẽ được tiêm những loại vắc-xin khác nhau, phù hợp với độ tuổi. Sau đây là các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng từ 0-24 tháng tuổi.

    Giai đoạn sơ sinh

    Trong 24h đầu sau sinh: Tiêm vắc-xin Engerix B/ Euvax B phòng bệnh Viêm gan B. Nếu trẻ bị hoãn chưa thể tiêm trong vòng 24h sau sinh, cần tiến hành tiêm càng sớm càng tốt.

    Trong vòng 30 ngày sau sinh: Tiêm vắc-xin BCG phòng bệnh Lao.

    Giai đoạn 6 tuần đến 2 tháng tuổi

    Từ 6 tuần tuổi trở lên: Tiêm vắc-xin Synflorix, Prevenar 13 phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não (mũi 1) do phế cầu.

    Khi đủ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc-xin 6 trong 1 phòng 6 bệnh gồm bạch hầu – uốn ván – bại liệt – ho gà – viêm gan B và các bệnh do Haemophilus Influenzae týp B gây ra (mũi 1).

    Tiêm vắc-xin Rotarix, Rotateq hoặc Rotavin để phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra (mũi 1).

    Giai đoạn 3 tháng tuổi

    Tiêm vắc-xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus (mũi 2).

    Tiêm vắc-xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 2).

    Tiêm vắc-xin 6 trong 1 phòng 6 bệnh (mũi 2).

    Giai đoạn 4 tháng tuổi

    Nếu sử dụng vắc-xin Rotateq của Mỹ, tiêm vắc-xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus mũi 3.

    Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 3).

    Tiêm vắc-xin 6 trong 1 (mũi 3).

    Giai đoạn 6 tháng tuổi

    Tiêm vắc-xin Vaxigrip Tetra để phòng bệnh cúm (mũi 1). Khoảng cách thời gian giữa 2 mũi tiêm là một tháng. Loại vắc-xin này cần tiêm nhắc lại hàng năm.

    Tiêm vắc-xin VA-MENGOC-BC nhằm phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C (mũi 1). Mũi 2 tiêm cách mũi 1 tối thiểu 6 tuần, thông thường là 2 tháng.

    Giai đoạn 9 tháng tuổi

    Tiêm vắc-xin VA-MENGOC-BC phòng bệnh viêm màng não (mũi 2).

    Tiêm vắc-xin MVVac phòng bệnh sởi.

    Tiêm vắc-xin Varilrix phòng bệnh thủy đậu.

    Tiêm vắc-xin Imojev để phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

    Giai đoạn 12 tháng tuổi

    Tiêm vắc-xin 3 trong 1 MMR-II nhằm phòng 3 bệnh sởi, quai bị, rubella.

    Trong trường hợp chưa tiêm vắc-xin Varilrix, tiêm vắc-xin Varivax/ Varicella phòng bệnh thủy đậu.

    Tiêm vắc-xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B. Bao gồm 2 mũi tiêm, cách nhau 1 đến 2 tuần.

    Tiêm vắc-xin Avaxim 80U/0.5ml phòng bệnh viêm gan A. Tiêm mũi nhắc lại sau 6 đến 18 tháng.

    Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não (mũi 4).

    Giai đoạn 15 – 24 tháng tuổi

    Tiêm vắc-xin 6 trong 1 phòng 6 bệnh (mũi 4).

    Tiêm vắc xin Avaxim 80U/0.5 ml phòng bệnh viêm gan A (mũi nhắc lại)

    Tiêm vắc-xin Vaxigrip Tetra phòng bệnh cúm (mũi 3 – cách mũi thứ 2 một năm).

    Giai đoạn 24 tháng tuổi

    Tiêm vắc-xin Menactra nhằm phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A,C,Y,W-135

    Tiêm vắc-xin Jevax để phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi 3)

    Tiêm vắc-xin Typhoid VI/Typhim VI phòng bệnh thương hàn.

    Uống vắc-xin mORCVAX phòng bệnh tả dành cho trẻ sống ở vùng có nguy cơ cao. Gồm 2 liều uống, liều 2 sau liều 1 một tuần. 

    Các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng
    Các mũi tiêm phòng cho bé theo tháng đầy đủ (Nguồn: Bệnh Viện nhi đồng thành phố)

    Những lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

    Chống chỉ định vắc xin

    • Có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng với vắc xin lần trước như sốt trên 39 độ, co giật, dấu hiệu não, màng não, tím tái, khó thở.
    • Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh hoặc mắc phải HIV): không tiêm VC sống giảm độc lực.
    • Chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất từng loại VC.

    Các trường hợp tạm hoãn

    • Suy chức năng cơ quan như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…
    • Mắc bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng.
    • Sốt từ 37,5°C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5°C (tại nách).
    • Dùng globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng.
    • Dùng corticoid liều cao tương đương prednison ≥ 2mg/kg/ngày, hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày, hoãn tiêm VC sống giảm độc lực.
    • Trẻ bị tim bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính có tăng áp lực động mạch phổi ≥ 40mmHg.

    Các trường hợp tiêm phòng cho trẻ tại bệnh viện

    • Trẻ có cân nặng dưới 2kg.
    • Có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại VC.
    • Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim phổi, tiêu hóa, tiết niệu, máu ung thư chưa ổn định.
    Tiêm phòng cho bé
    Một số trường hợp nên tiêm phòng vắc-xin cho trẻ ở Bệnh Viện để đảm bảo an toàn (Nguồn: Sưu tầm)

    Chăm sóc và theo dõi trẻ sau tiêm chủng như thế nào?

    Sự an toàn của trẻ sau khi tiêm chủng là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Điều đó không chỉ đến từ nguồn gốc và chất lượng vắc-xin, mà còn phụ thuộc vào sự chăm sóc và theo dõi trẻ sau khi tiêm của bố mẹ. Sau đây là những yếu tố bố mẹ cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe của con:

    Theo dõi sau tiêm chủng

    • Trẻ cần được ở lại điểm tiêm chủng để theo dõi tối thiểu 30 phút. Nếu xuất hiện những dấu hiệu như nôn, thở nhanh, da mẩn đỏ,… bố mẹ cần báo ngay với nhân viên y tế.
    • Trong 1 – 2 ngày tiếp theo, bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt và những sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Đồng thời, cần quan sát vùng tiêm và da toàn thân của trẻ để kiểm tra xem có sưng hay nổi mẩn đỏ hay không.

    Chăm sóc sau tiêm chủng

    • Nên cho trẻ mặc trang phục mỏng, thấm hút mồ hôi.
    • Duy trì chế độ dinh dưỡng và cho trẻ uống nhiều nước.
    • Nếu trẻ bị sốt cao, có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng phù hợp.
    • Nếu vết tiêm sưng, đỏ, bố mẹ có thể chườm đá để giảm sưng đau.
    • Không tự ý dùng Aspirin và các loại thuốc khác.

    Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến việc tiêm phòng cho trẻ trong độ tuổi từ 0 – 24 tháng. Mong rằng bài viết của VNCare sẽ giúp các mẹ an tâm hơn khi cho con đi tiêm phòng.

    Nguồn: Huggies