Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sao cho đúng?

Thống kê cho thấy, có đến 40% trẻ em dưới 1 tuổi tại Việt Nam bị thiếu kẽm. Tuy nhiên, nên bổ sung kẽm cho bé trong bao lâu hay liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào thì không phải mẹ nào cũng biết. Vì vậy, hãy cùng VNCare tìm hiểu trong bài […]

Đã cập nhật 11 tháng 4 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sao cho đúng?
  1. Thống kê cho thấy, có đến 40% trẻ em dưới 1 tuổi tại Việt Nam bị thiếu kẽm. Tuy nhiên, nên bổ sung kẽm cho bé trong bao lâu hay liều lượng bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào thì không phải mẹ nào cũng biết. Vì vậy, hãy cùng VNCare tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

    Vai trò của kẽm

    Kẽm giúp tăng sản sinh tế bào, từ trong giai đoạn bào thai đến quá trình phát triển của trẻ về sau. Bà mẹ mang thai thiếu kẽm có nguy cơ sinh non gấp 3 lần, trẻ sinh ra nhẹ cân, chiều cao thấp hơn so với bà mẹ mang thai bình thường. Thiếu kẽm trẻ sẽ chậm tăng trưởng, dễ bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, rối loạn sự hình thành xương, kém chiều cao cân nặng, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục. Bổ sung đủ kẽm, trẻ thấp lùn có thể đạt chiều cao bình thường, chứng suy dinh dưỡng cũng sẽ sớm được cải thiện.

    Kẽm có trong cấu trúc tế bào của 80 loại enzym bao gồm các enzym trong hệ thống vận chuyển, thủy phân, đồng hóa, xúc tác phản ứng gắn kết các chuỗi AND, xúc tác các phản ứng sinh năng lượng  như các enzym gan, các enzym chống ôxy hóa và hoạt hóa các enzym khác. Do vậy, kẽm tác động đến hầu hết các quá trình sinh học, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp acid nucleic, protein, những thành phần căn bản của sự sống. Rất nhiều các cơ quan tổ chức khi thiếu kẽm dễ sinh các biểu hiện bất thường hay bệnh lý. Cụ thể:

    • Kẽm giúp tổng hợp- bài tiết hormone tăng trưởng làm tăng cường khả năng miễn dịch, chống nhiễm khuẩn, thiếu kẽm dễ sinh các bệnh.
    • Kẽm có nồng độ cao trong não ở vùng đồi hải mã (hippocampus), vỏ não, bó sợi rêu,… Vì vậy, nếu bị thiếu kẽm sẽ dẫn tới các rối loạn thần kinh, gây bệnh tâm thần phân liệt.
    • Kẽm điều hòa chất chuyển vận thần kinh, thiếu kẽm sẽ dẫn đến rối loạn tập tính.
    • Kẽm giúp vận chuyển canxi vào não, thiếu kẽm khiến sự vận chuyển này bị trở ngại, dễ sinh cáu gắt.
    • Kẽm điều hòa chức năng nội tiết tố của tuyến yên, sinh dục, giáp trạng, thượng thận. Kết hợp với hệ thần kinh nội tiết tố điều hòa hoạt động sống bên trong, phản ứng linh hoạt với các tác động bên ngoài giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh. Do đó, thiếu kẽm, con người kém thích nghi với các biến đổi của môi trường
    • Kẽm phân bổ vào da tóc, móng giúp chúng phát triển bình thường, thiếu kẽm khiến tóc xơ cứng, màu tóc chuyển vàng, móng tay dễ gãy, mọc chậm, da khô, sạm, xuất hiện bớt trắng trên da.
    • Ngoài ra, thiếu kẽm còn làm cho sự nhạy cảm của vị giác giảm hoặc mất hẳn, gây tình trạng chán ăn, ăn không ngon, và có thể gây ra một số bệnh lý như viêm niêm mạc miệng…

    Lượng kẽm trẻ cần bổ sung mỗi ngày

    Khi nào nên bổ sung kẽm cho trẻ? Kẽm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Vì thế, trong mỗi giai đoạn phát triển, mẹ cần chú ý bổ sung cho trẻ như sau:

    • Trẻ từ 7 tháng đến 3 tuổi: 5mg kẽm nguyên tố/ngày
    • Trẻ từ 4-13 tuổi: 10mg kẽm nguyên tố/ngày
    • Người lớn: 15mg kẽm nguyên tố/ngày.
    • Phụ nữ có thai: 15 – 25mg kẽm nguyên tố/ngày.

    Biểu hiện trẻ thiếu kẽm mẹ cần biết

    Khi trẻ thiếu kẽm kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, mẹ có thể nhận biết thông qua một số biểu hiện như:

    • Chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, thấp còi hơn bạn bè đồng trang lứa. Do thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng đến vị giác và khứu giác của trẻ, khiến trẻ không còn cảm giác ngon miệng khi ăn. Về lâu dài, trẻ sẽ biếng ăn, lười ăn, gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, chậm tăng trưởng chiều cao .
    • Rối loạn tiêu hóa và rối loạn chuyển hóa: Trẻ sẽ có biểu hiện đầy bụng, táo bón, buồn nôn và nôn.
    • Rối loạn giấc ngủ: Gây trằn trọc, khó ngủ, trẻ ngủ không sâu giấc, quấy khóc đêm kéo dài; rối loạn cảm xúc: thờ ơ, lãnh đạm với mọi thứ, thay đổi tính cách hoặc trầm cảm; suy nhược thần kinh như giảm trí nhớ, đau đầu, dễ bị kích thích,…
    • Suy giảm chức năng miễn dịch: Trẻ dễ bị viêm đường hô hấp tái phát như viêm mũi họng, viêm phế quản phổi, dễ viêm đường tiêu hóa, viêm da, viêm niêm mạc,…
    • Tổn thương biểu mô: Trẻ thường xuyên bị khô da, viêm da, bong da, nám da,… viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng, khi bị thương thì vết thương lâu lành, tóc dễ gãy, rụng tóc, loạn dưỡng móng,…
    • Tổn thương mắt: Một biểu hiện của trẻ thiếu kẽm khác là sợ ánh sáng, hay bị quáng gà, mất khả năng thích nghi với bóng tối, khô mắt, loét giác mạc,…

    Thực phẩm bổ sung kẽm cho trẻ

    Mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh bằng cách luôn cung cấp cho mình thực đơn giàu kẽm. Vì sữa mẹ sẽ là nguồn dinh dưỡng quý giá cho trẻ.

    Với các trẻ đã bước vào giai đoạn ăn dặm, có rất nhiều cách bổ sung kẽm cho bé, trong đó việc sử dụng nguồn thực phẩm để bổ sung cho trẻ được đánh giá hiệu quả và an toàn nhất. Dưới đây là một số nguồn thực phẩm bổ sung kẽm cho trẻ mẹ cần lưu ý:

    Hàu

    Hàu là loại hải sản đứng đầu danh sách giàu kẽm. Một con hàu có kích thước vừa chứa đến 5,3 mg kẽm. Bên cạnh đó, hàu cũng rất giàu protein, ít calorie, giàu các loại vitamin và khoáng chất như vitamin C, B12 và sắt. Mẹ có thể chế biến nhiều món ăn với hàu, tuy nhiên hãy nấu thật chín nhé!

    Cua, tôm

    Đây là 2 loại hải sản điển hình giàu chất kẽm. Ngoài cua và tôm ra, một số loại cá như: cá mòi, cá hồi, cá bơn cũng chứa kẽm nhưng với lượng ít hơn. Màu sắc vàng bắt mắt của cua và tôm khi nấu chín sẽ hấp dẫn khiến bé thích thú với bữa ăn. Bên cạnh đó, nguồn kẽm từ cua và tôm còn rất tốt cho sức khỏe tim mạch của trẻ.

    thức ăn giúp bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
    Những thực phẩm bổ sung kẽm cho trẻ như: tôm, cua, các loại đậu, rau củ quả,… (Nguồn: Sưu tầm)

    Thịt đỏ và thịt gia cầm

    Trong thịt bò, thịt lợn và thịt gà là ba loại thịt dễ kiếm, bổ dưỡng và rất giàu kẽm. Mẹ nên chọn lựa loại thịt nạc, không mỡ hoặc sườn non để chế biến cho trẻ. Bò cuốn lá lốt, súp gà hay sườn ram là những món gợi ý để mẹ có thể dễ dàng thực hiện cho bé yêu. Đồng thời, một quả trứng gà cỡ lớn cũng chứa khoảng 0,6 mg kẽm.

    Các loại đậu

    Các loại đậu nói chung rất giàu chất xơ, chất sắt và kẽm. Một số thiếu sót lớn nếu mẹ quên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn bằng đậu đấy. Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng,… sẽ tạo nên một bữa ăn đầy màu sắc, kích thích vị giác của trẻ.

    Rau củ quả

    Mẹ có biết một số loại rau củ quả như nấm, cải bó xôi, bông cải xanh và tỏi rất giàu kẽm cũng như vitamin và khoáng chất? Trong 125g rau củ các loại như nấm, bông cải… có chứa khoảng 0,4 mg kẽm (tương đương 2%) nhu cầu sắt hàng ngày. Đây là những nguồn thực phẩm bổ sung kẽm cho trẻ mà không chứa quá nhiều calorie.

    Các loại hạt

    Các loại hạt như hạt bí, hạt điều, hạt chia, đậu phộng cũng cung cấp một lượng kẽm thiết yếu cho trẻ hàng ngày. Mẹ có thể làm cho trẻ ăn kèm với các món ăn chính hay tráng miệng như: kem, chè, sinh tố, gỏi,…

    Ngũ cốc nguyên hạt

    Không còn nghi ngờ gì nữa, ngũ cốc nguyên hạt cũng chính là một loại thực phẩm vô cùng tuyệt vời trong việc bổ sung kẽm cho trẻ. 62g yến mạch có chứa khoảng 0,9 mg kẽm. Tương tự, 62g gạo nâu có chứa khoảng 0,6 mg kẽm. Một lát bánh mì nguyên hạt có chứa 0,5 mg kẽm.

    Sữa và sản phẩm bơ sữa

    Cuối cùng là sữa và sản phẩm làm từ sữa cũng có thể cung cấp nhiều canxi cũng như kẽm cần thiết cho trẻ.

    Những thông tin trên đây giúp mẹ hiểu thêm về vai trò và cách bổ sung kẽm cho bé từ những nguồn thực phẩm hàng ngày. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu thiếu kẽm nêu trên mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và bổ sung kẽm kịp thời nhé!

    Nguồn: Huggies