Thời trang thập niên 30

Tiếp nối “những năm hai mười gào thét” – một thập kỷ bùng nổ trên mọi phương diện phát triển xã hội, thập niên 30 cũng là một giai đoạn đạt được nhiều thành tựu trong lịch sử thời trang. Bên cạnh một loạt các phát kiến mới về việc ứng dụng nguyên phụ liệu may mặc, các nhà […]

Đã cập nhật 31 tháng 5 năm 2016

Bởi TopOnMedia

Thời trang thập niên 30

Tiếp nối “những năm hai mười gào thét” – một thập kỷ bùng nổ trên mọi phương diện phát triển xã hội, thập niên 30 cũng là một giai đoạn đạt được nhiều thành tựu trong lịch sử thời trang. Bên cạnh một loạt các phát kiến mới về việc ứng dụng nguyên phụ liệu may mặc, các nhà mốt tiêu biểu của giai đoạn này cũng liên tục cống hiến những ý tưởng mới trong thiết kế và tạo mẫu. Sự phổ biến của kỹ thuật cắt chéo, những chiếc váy được “cắt, quấn” thực dụng mà tinh tế, hay sự chuyển biến của các hình bóng thời trang đã tạo nên một bảng màu đa sắc cho thập niên 30.

1. Bối cảnh lịch sử

Đó là thập niên của cuộc đại khủng hoảng thế giới, thời kỳ suy thoái toàn cầu diễn ra từ 1929 đến hết những năm 30 và “tràn” sang đầu thập kỷ 40. Tàn cuộc của các phong trào tự do và nổi loạn của giai đoạn 1920, thập niên 30 được ví như đêm trước Chiến Tranh Thế Giới II, sự nghèo đói và thiếu thốn bao trùm lên mọi lĩnh vực. Dù vậy, tầng lớp thượng lưu vẫn gìn giữ phong thái của các quý ông và những quý cô năm cũ. Lối sống của họ trong suốt một thập kỷ khó khăn này, vẫn phong lưu, vẫn quý phái và cao nhã. Vì lẻ đó mà trở thành cảm hứng thời trang của thời đại mới, của ngày hôm nay mà các tạp chí thời trang, nghệ thuật và giải trí vẫn hết lời ca tụng, ngưỡng mộ.

2. Đặc trưng

Hình tượng nữ tính quay trở lại trong những năm thập niên 30. Những đường cong đằm thắm, váy dài chít eo tôn dáng và các kiểu vai áo rộng với đệm lót và đỉnh vai tạo phồng,… trở thành điểm nhấn của phong cách thời trang giai đoạn này.

Những đường cắt vải chéo tôn vinh từng centimet đường cong của phụ nữ, thống trị thời trang cao cấp trong những năm 1930 bởi nhà mốt Madeleine Vionnet. Dẫn đường cho xu hướng mới gợi cảm này là các nữ diễn viên nổi tiếng bậc nhất trong thời đại đó, càng giúp nâng cao danh tiếng của nhà mốt Vionnet.

Sự phân cách rõ rệt giữa trang phục ngày và đêm là xu hướng điển hình của thời trang thập niên 30. Phụ nữ trong giai đoạn này bắt đầu chạy theo cuộc sống lao động tất bật và bận rộn. Trang phục ngày chủ yếu là đầm, váy midi và cũng bắt đầu phổ biến kiểu quần váy (culottes), hầu hết được thiết kế kín đáo, thanh lịch với độ rộng của váy hẹp hơn và kéo dài thêm đến giữa bắp chân, chủ yếu gọn gàng để thuận tiện trong công việc. Nhưng đêm về, họ lại tự do vận trên mình những bộ đầm thướt tha, diễm lệ. Các quý cô thập niên 30 tích cực làm việc và hướng đến sự độc lập tài chính. Tuy nhưng cũng không quên giữ nét kiêu sa cùng những bộ váy lấp lánh, những đường cắt gợi cảm, trang điểm lộng lẫy và nổi bật lung linh dưới những ánh đèn đêm tại những buổi party, vũ hội.

Sự coi trọng vẻ đẹp hình thể, cùng với việc chăm sóc sức khỏe, là những yếu tố quan trọng trong lối sống của xã hội những năm 1930. Trào lưu tắm nắng thịnh hành, trang phục đi biển bao gồm đồ bơi, khăn, áo choàng, jumpsuit, quần thủy thủ, mũ mềm, giày sandal,… trở thành phân khúc thời trang phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ này, được các nhà mốt thỏa sức sáng tạo và tận dụng triệt để.

Một hình tượng cổ điển rất đặc trưng của phụ nữ trong những thập niên đầu ở thế kỉ trước, là cách mà các quý cô nhìn ra thế giới sau một lớp mạng che màu đen huyền bí và kiêu kỳ, như cái cách mà minh tinh màn bạc Marlene Dietrich định trang cho chính mình trong bộ phim Shanghai Express (1932). Từ đây, mạng che mặt một lần nữa trở thành trào lưu (là một xu hướng đã từng đạt đến đỉnh cao ở những năm đầu 1910, tuy nhiên suy yếu và mất dần trong thập kỷ 20), từ Hollywood lan rộng ra các kinh đô thời trang khác trên thế giới. Theo đó là những chiếc mũ cũng nhỏ hơn, đội nghiêng một bên, để dễ dàng kết hợp mạng che mặt với các loại trang phục ngày và đêm. Phong cách tóc không có quá nhiều thay đổi so với thập niên 20. Tuy nhiên, phụ nữ bắt đầu làm việc nhiều hơn, các món trang sức tóc dần thay thế bằng khăn xếp (turbans) hoặc khăn quàng tóc (headscarves), lưới tóc (noods) giúp thuận tiện hơn trong công việc hàng ngày.

3. Tính phổ biến

Bắt đầu phổ biến rộng rãi từ những năm đầu thập niên 30, ngày nay, phương pháp cắt vải chéo đã trở thành một trong những kỹ thuật cắt may cơ bản, được các nhà thiết kế sáng tạo triệt để. Kỹ thuật này tận dụng sự căng dãn được tạo nên bởi 2 trục sợi ngang dọc của vải chéo, làm nổi bật các đường cong với độ ôm rũ nhẹ nhàng, mềm mại. Những bộ trang phục được cắt vải chéo là một trong những thiết kế mang tính biểu tượng của nhà mốt Madeleine Vionnet trong những năm cuối 1920 kéo dài đến hết giai đoạn 1930. Đây cũng chính là một kỹ thuật cắt may thiết yếu của phong cách cổ điển, chưa bao giờ vắng bóng trong các trào lưu vintage từ suốt những năm tháng thời trang đương đại cho đến nay.

“Nhịp đập” của thập niên 30 là những trào lưu thời trang được hình thành một cách “từ tốn” và thích ứng một cách “lặng lẽ” với các nhu cầu của xã hội. Các mốt thời trang của giai đoạn này trôi qua chóng vánh, nhanh chóng biến chuyển, trở thành tiền đề hoặc sớm hồi sinh mạnh mẽ trong các giai đoạn thời trang sau đó. Điển hình là hình bóng chữ V với vai độn nam tính, eo cao nhỏ; đến gần cuối thập niên này, khoảng 1937 – 1938, đã dần nhường chỗ cho xu hướng hình ống và bút chì, vừa vặn với vóc dáng tự nhiên và định hình cho phong cách của các thập niên kế tiếp.

4. Nhãn hiệu & Nhà thiết kế

Được ca ngợi là “Nữ hoàng của những đường cắt chéo”“Nhà kiến trúc may mặc”, nhà thiết kế Madeleine Vionnet nổi tiếng với những bộ váy theo phong cách trang phục Hy Lạp, ứng dụng những đường cắt chéo thanh lịch của cô, trở thành hình mẫu phổ biến thời bấy giờ, và là niềm cảm hứng của các nhà thời trang trong thời đại ngày nay.

Là một biểu tượng của thời trang nửa đầu thế kỷ XX, nhà thiết kế huyền thoại của Pháp – Coco Chanel có một đối thủ xứng tầm trong giai đoạn này, một nhân vật nổi loạn trong giới thời trang Italy – Elsa Schiaparelli. Những thiết kế suit cách tân, hay phụ liệu bo thun (thường dùng cho jersey jacket) của Coco Chanel và những ý tưởng dây kéo, nút và phụ kiện trang trí theo phong cách nghệ thuật của Schiaparelli ( với các bản in thực hiện bởi Dali và Cocteau) là những đại diện “đậm nét” của thời trang thập niên 30.

5. Các gương mặt đại diện

Những gương mặt “lăng xê” cho phong cách thời trang thập niên 30 có thể kể đến như: Hoàng Tử xứ Wales (Quốc vương Edward VIII từ tháng 01/1936 – 12/1936), Wallis Simpson (vợ của Công Tước xứ Windsor); cũng như những nhân vật tiếng tăm trong xã hội thời bấy giờ: Nicolas de Gunzburg, Daisy Fellowes, Mona von Bismarck; và những người mẫu nổi tiếng, ngôi sao điện ảnh Hollywood như Jean Harlow, Fred Astaire, Carole Lombard, Joan Crawford, Katharine Hepburn, Marlene Dietrich, Greta Garbo, Lilly Dache, Sylvia Sidney,…