Làng cổ Đường Lâm với nhiều nét đẹp xưa là điểm du lịch văn hóa vô cùng hấp dẫn.Ngôi làng quy tụ rất nhiều nét đẹp của một ngôi làng Việt với cổng làng, đình làng, cây đa sân đình, giếng làng, đền chùa… cùng những ngôi nhà bằng đá tổ ong, mái gạch nung mang đậm nét kiến trúc phong kiến xưa.
1. Vài nét về làng cổ Đường Lâm
Đường Lâm, tên nôm na gọi là Kẻ Mía. Tục danh này bắt đầu từ cái tên Cam Giá (mía ngọt). Cam Giá xưa được chia thành hai tổng: Cam Giá Thượng và Cam Giá Hạ, trong đó Cam Giá Thượng là các xã thuộc miền Cam Thượng, Thanh Lũng, Bình Lũng… (nay thuộc huyện Ba Vì); Cam Giá Hạ là xã Đường Lâm ngày nay. Vào đầu thế kỷ XIX, Đường Lâm là nơi đặt sở lỵ của trấn Sơn Tây. Khu vực làng cổ hiện nay địa giới vốn thuộc các làng Sàng Mông Phụ, Đông, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm nằm cạnh nhau. Các làng này nối liền với nhau thành một khu vực nên có phong tục, tập quán, tín ngưỡng giống nhau.
Đây là quê hương của nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố cái Đại Vương Phùng Hưng, Thám hoa Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Chúa Mía (vương phi của Chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại (Phó Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 4 nhiệm kỳ), Hà Kế Tấn (Bộ trưởng Bộ Thủy lợi 1964-1973), Phan Kế An (Họa sĩ vẽ tranh biếm họa của báo Sự thật)…
Làng cổ Đường Lâm hiện nay có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, những ngôi nhà nằm ẩn mình và phủ màu rêu phong trên bề mặt những viên ngói mũi ri, tạo nên hình thù võng lưng, gắn liền với nhà sàn, vườn, bếp, nhà ngang, giếng nước, chuồng trại, cây rơm, ao.
2. Tham quan làng cổ Đường Lâm
Đến với làng cổ Đường Lâm, các bạn có thể dừng chân thăm Làng nghề chạm khắc gỗ Sơn Đồng. Những bức tượng, án thờ từ làng Sơn Đồng đã có mặt trong rất nhiều ngôi chùa, đình làng, đền, miếu trên cả nước. Bạn cũng có thể ghé thăm nhà một số nghệ nhân, tìm hiểu các kỹ thuật chế tác tượng, sơn son thếp vàng tinh xảo.
Nơi đây được ví như là “thiên đường” về đồ thờ cúng hay đồ trạm khắc thủ công mỹ nghệ. Làng nghề Sơn Đồng với hơn 250 hộ dân thì trong đó có tới hơn 80% số hộ làm và sinh sống bằng nghề này. Trong đó có hơn 1000 thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân giỏi.
Đường xá ở đây được xây dựng theo hình xương cá với một trục đường chính và nhiều đường ngõ nhỏ thông với nhau, đình làng Mông Phụ là khu vực trung tâm. Đình làng có sàn gỗ cách mặt đất, mô phỏng kiểu kiến trúc nhà sàn. Bạn sẽ phải trầm trồ bởi đây là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc, những nét chấm phá có một không hai.
Một địa điểm nên tham quan nữa đó chính là Đình làng Mông Phụ -một trong những công trình có niên đại xưa nhất ở làng cổ Đường Lâm. Đình đã có cách đây 380 năm, trải qua thời gian dài tồn tại, kiến trúc của đình đã bị thời gian bào mòn những vẫn giữ được nét kiến trúc Việt – Mường chủ đạo của mình.
Tiếp đó lại đến nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh. Di tích nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh nằm ở trung tâm làng cổ Đường Lâm. Di tích được xây dựng vào thời vua Tự Đức.
Công trình nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh được xem là một trong những công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn với thiết kế chữ nhị, sảnh đường quay về hướng Nam. Đây cũng là một trong những công trình đầu tiên sử dụng gạch Tự Đức.
Hiện nay, nơi đây trở thành điểm dừng chân tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Ở nơi đây, như đã nói là mảnh đất của nhiều vị anh hùng, đặc biệt là Ngô Quyền nên Lăng Ngô Quyền cũng được gạch tên vào những nơi đáng tham quan khi đến Đường Lâm. Lăng Ngô Quyền được xây dựng tại một vị trí rất đẹp trên đồi Cấm, cửa lăng hướng ra ruộng lúa rất đẹp. Lăng được xây dựng năm Tự Đức thứ 27 (1874), giữa lăng là ngai, bên trong có bia đá ghi 4 chữ Tiền Ngô Vương Lăng như rồng như phượng.
Hàng năm đến ngày 14 tháng 8 âm lịch, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ tưởng nhớ công ơn của vua. Lễ hội cũng thu hút khá đông du khách đến tham dự.
Và hiển nhiên không thể bỏ qua các ngôi nhà cổ như:
– Nhà cổ bà Điền: ngay khi vừa bước vào, một lối kiến trúc cổ xưa đã hiện ra ngay trước mắt. Ngôi nhà này đã có tuổi đời 200 năm. Ở sân nhà, bà cụ là cháu của bà Điền đã ngồi ngay đó để có thể tiếp đón những du khách muốn tìm hiểu về ngôi nhà này. Cụ năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, nói chuyện và chia sẻ với chúng tớ về những giá trị lịch sử của ngôi nhà này.
– Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng: được xây dựng từ năm 1649 cũng được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại một. Ngôi nhà được kết cấu theo kiểu 5 gian 2 chái, 3 gian giữa là nơi thờ cúng tổ tiên, thêm bộ trường kỷ dùng để tiếp khách. Hai gian bên cạnh dùng làm nơi ngủ. Ngay khi đến thăm, du khách sẽ ngạc nhiên trước chiếc cổng được xây dựng theo lối xưa bằng đất đá, bã trấu, bùn để tạo chất kết dính và lối vào rợp bóng bởi cây tơ hồng.
– Nhà cổ của chị Dương Lan: được xây từ năm 1780, lại không phải là nhà cổ dân sinh. Ngôi nhà vốn thuộc về cụ tổ chồng chị là quan đốc học Đỗ Doãn Chính. Bục cửa được thiết kế rất cao khiến cho người vào nhà đều phải cúi rạp mình khi bước qua. Chị Lan lý giải, bục cửa xây cao như vậy là để nhắc nhở khách đến nhà phải luôn nhớ kính trọng một vị quan, một người thầy.
Nếu yêu thích vẻ đẹp cổ kính và mang đậm giá trị lịch sự qua từng con hẻm từng mái nhà thì hãy đến với làng cổ Đường Lâm.