Khủng hoảng tuổi lên 2: Cùng con vượt qua như thế nào?

Khủng hoảng tuổi lên 2 là vấn đề mà mẹ hẳn đã từng nghe qua trong những cuộc trao đổi với chuyên gia hay các mẹ khác. Đây là một trong những giai đoạn phát triển hoàn toàn bình thường của trẻ nhưng thường kèm theo những cơn giận dữ, hành vi bất đồng, cảm xúc thất vọng. Cùng VNCare tìm […]

Đã cập nhật 12 tháng 4 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Khủng hoảng tuổi lên 2: Cùng con vượt qua như thế nào?
  1. Khủng hoảng tuổi lên 2 là vấn đề mà mẹ hẳn đã từng nghe qua trong những cuộc trao đổi với chuyên gia hay các mẹ khác. Đây là một trong những giai đoạn phát triển hoàn toàn bình thường của trẻ nhưng thường kèm theo những cơn giận dữ, hành vi bất đồng, cảm xúc thất vọng. Cùng VNCare tìm hiểu khủng hoảng tuổi lên 2 là gì và làm sao giúp con vượt qua giai đoạn này mẹ nhé!

    Khủng hoảng tuổi lên 2 là gì?

    Đây là giai đoạn chuyển biến tâm lý rõ rệt của trẻ ở thời kỳ từ 18 tháng đến 3 tuổi khi trẻ gặp khó khăn với việc phụ thuộc vào cha mẹ và mong muốn tự lập.

    Bé háo hức làm mọi thứ theo cách riêng của mình, nhưng  bé bắt đầu phát hiện ra rằng phải tuân theo những quy tắc nhất định. Khó khăn của sự phát triển bình thường này có thể dẫn đến hành vi không phù hợp, thất vọng, cảm giác mất kiểm soát và nổi cơn thịnh nộ.

    Khủng hoảng tuổi lên 2
    Cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 (Nguồn: Sưu tầm)

    Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 2

    Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 không nhất thiết bắt đầu sau khi trẻ được 2 tuổi mà có thể đến sớm hơn. Thậm chí, một số trẻ có biểu hiện thay đổi tâm trạng thường xuyên và hay cáu giận từ trước khi tròn 1 tuổi.

    Thông thường, đây là giai đoạn bé bắt đầu chập chững biết đi, phát triển đầy đủ về trí tuệ và thể chất. Bé cũng đang bắt đầu biết:

    • Đi bộ
    • Nói chuyện
    • Có ý kiến cá nhân
    • Tìm hiểu về cảm xúc
    • (Thỉnh thoảng) thấu hiểu thông qua việc biết chia sẻ và nhường nhau

    Đồng thời, trong giai đoạn này, trẻ sẽ tự nhiên muốn khám phá môi trường của chúng và làm những gì bé muốn theo cách riêng của mình. Bên cạnh đó, thời kỳ này được đặc trưng bởi hành vi thách thức, bao gồm nói “không”, đánh, đá, cắn hoặc bỏ qua các quy tắc đã được ba mẹ đặt ra từ trước.

    Thực ra, trẻ đang cố thể hiện sự độc lập của mình, nhưng lại không có đủ kỹ năng giao tiếp và vốn từ vựng về cảm xúc để bày tỏ. Do không có cách nào thể hiện được các cảm xúc của mình, trẻ trở nên bực bội, cáu kỉnh, có những hành vi như la hét, cắn, đá hoặc bỏ chạy.

    Dưới đây là một số trường hợp dẫn đến tình trạng khủng hoảng ở bé giai đoạn lên 2 tuổi:

    • Không có kỹ năng ngôn ngữ để thể hiện rõ ràng những gì trẻ muốn.
    • Trẻ có thể không đủ kiên nhẫn để đợi đến lượt mình.
    • Trẻ nghĩ mình có thể phối hợp tay và chân nhịp nhàng, tự mình đổ sữa hoặc bắt bóng. Nhưng thực ra trẻ chưa thể.
    Khủng hoảng tuổi lên 2
    Nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tuổi lên 2 (Nguồn: Sưu tầm)

    Dù không có danh sách rõ ràng về các dấu hiệu cho thấy bé đang trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 và mỗi bé đều có cách thể hiện khác nhau nhưng vẫn có một vài dấu hiệu chung để nhận biết sau đây:

    Cơn thịnh nộ

    Những cơn giận dữ có thể bao gồm từ than vãn nhẹ đến những cơn giận dữ “kinh hoàng”. Ngoài việc khóc trong cơn giận dữ, trẻ còn có thể vô tình thể hiện các hành vi, bao gồm:

    • Đánh
    • Đá
    • Cắn
    • Ném mọi thứ

    Theo kết quả từ một nghiên cứu năm 2003, ước tính khoảng 75% các cơn giận dữ ở trẻ từ 18 đến 60 tháng kéo dài từ 5 phút trở xuống. Mức độ xảy ra ở trẻ em trai hay gái đều như nhau.

    Muốn độc lập

    Mỗi ngày, trẻ sẽ học thêm được nhiều kỹ năng, khả năng mới và muốn trải nghiệm nó. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ phản đối những điều mà trước đây ba mẹ vẫn thường làm cho trẻ như nắm tay sang đường, giúp bé mặc quần áo hoặc leo lên cầu trượt ở sân chơi.

    Về cơ bản, khủng hoảng tuổi lên 2 cho phép bé thử nghiệm, khẳng định sự độc lập, học cách truyền đạt nhu cầu và mong muốn, cũng như nhận ra rằng những ham muốn đó đôi khi có thể khác với người khác.

    Hoặc đôi lúc trẻ sẽ làm bạn bối rối khi bày tỏ “không” một cách vô nghĩa trong nhiều tình huống, ví dụ như khi bạn đưa cho bé đồ ăn vặt, đồ chơi yêu thích, chúc bé ngủ ngon,… Tuy nhiên, hãy thông cảm và thấu hiểu cho trẻ trong giai đoạn này nhé!

    Tâm trạng bất thường

    Mẹ có thể nhận thấy một phút trước trẻ đang hạnh phúc và yêu thương, nhưng phút tiếp theo la hét, khóc lóc và đau khổ. Tất cả đều có thể bắt nguồn từ các cảm xúc thất vọng khi muốn tự mình làm mọi việc mà không có kỹ năng cần thiết để hiểu và trao đổi cùng đối phương.

    Tâm trạng bất thường khi bé gặp khủng hoảng tuổi lên 2
    Giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 của bé (Nguồn: Sưu tầm)

    Bảo vệ lãnh thổ

    Và cũng trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2, trẻ đang tìm hiểu khái niệm về sự sở hữu. Do đó, bé sẽ trở nên nhạy cảm với “lãnh thổ” của mình và sẵn sàng đánh nhau với mọi người nếu cảm thấy “lãnh thổ” bị xâm phạm ngay cả khi đó chỉ là một chiếc ghế bé ngồi ăn cơm hay chỗ nằm trên giường.

    Khủng hoảng tuổi lên 2 kéo dài bao lâu?

    Khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ giảm bớt khi trẻ hiểu rõ bản thân, quy tắc hơn, biết cách truyền đạt được ý muốn của mình tới người khác cũng như học cách giữ bình tĩnh để kiểm soát cảm xúc của mình. Mỗi trẻ lại có một tốc độ phát triển, học hỏi khác nhau, thế nên rất khó để khẳng định cụ thể được khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ chấm dứt khi nào.

    Cách đối phó và cùng trẻ trải qua khủng hoảng tuổi lên 2

    Việc đối phó với giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 của trẻ không dễ dàng. Vì vậy, Huggies sẽ bật mí cách giúp bạn cùng con vượt qua quá trình này như sau:

    • Đừng lên lịch đi chơi hoặc hoạt động quan trọng vào những thời điểm mà mẹ biết con có khả năng tức giận nhiều nhất, thường là gần giờ ngủ trưa hoặc giờ ăn.
    • Thay vì cố gắng dỗ khi bé đang khóc, mẹ hãy chuyển sự chú ý của trẻ sang hướng khác.
    • Chuyển “không” thành “có”, những lúc trẻ nhỏ giận dữ và muốn ném đồ. Thay vì nói: “Con không được làm như vậy nghe không?”, mẹ hãy gợi ý về việc ra ngoài chơi ném bóng chẳng hạn.
    • Trong giai đoạn tập đi, bé vẫn có thể ngủ trưa từ 1–  3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, đừng để con chợp mắt khi gần đến giờ ngủ buổi tối. Nếu không, cả mẹ lẫn bé đều sẽ thức trắng đêm đấy!
    • Hình phạt vẫn là điều cần thiết để bé không hình thành thói quen xấu. Những khi con có xử sự không phù hợp với hoàn cảnh, mẹ hãy bế bé đến một góc yên tĩnh để giúp con có thể bình tĩnh trở lại.
    • Nếu ba mẹ không thể làm cho trẻ nghĩ đến việc khác, hãy phớt lờ hành vi của trẻ. Điều này cho trẻ thấy rằng hành vi đó sẽ không đem lại phản ứng mà mình muốn. Ba mẹ cần hành động thật kiên định, đừng “đầu hàng” nhé!
    • Khi trẻ đã bình tĩnh và cư xử tốt hơn, ba mẹ không cần nhắc lại những hành vi tiêu cực trước đây. Thay vào đó, hãy khen ngợi những hành động tốt của trẻ bằng thật nhiều lời nói yêu thương, ấm áp.

    Khủng hoảng tuổi lên 2 rõ ràng không đơn thuần chỉ là cuộc “khủng hoảng” của riêng đứa trẻ. Mà rõ ràng nó cũng là cuộc khủng hoảng của cả cha mẹ. Cha mẹ hoang mang với những hành vi và cảm xúc của con mình. Rồi vô tình một lúc nào đó chính ba mẹ lại lỡ làm tổn thương đứa trẻ.

    Vì thế, người lớn cũng cần hiểu rằng sẽ có thể xảy ra nhiều xung đột với trẻ trong giai đoạn này là điều không thể tránh khỏi. Nhưng tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tâm lý của trẻ. Đừng bắt trẻ phải liên tục che giấu những nhu cầu của bản thân hay phải lo lắng cố gắng đoán ý của người khác và hành động theo ý người khác muốn. Điều này chắc chắn dẫn đến sự phát triển tâm lý không tốt cho trẻ.

    Bằng cách thấu hiểu những thay đổi về tâm lý của con, yêu thương và tôn trọng con, mẹ sẽ giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 2 đầy khó khăn này đấy!

    Ngoài ra, mẹ có thể tìm hiểu thêm các thông tin khác tại chuyên mục Tin tức.

    Nguồn: Huggies

Tags: