Nhiều người về hưu do chưa chuẩn bị tâm lý nên bị stress, trầm cảm dẫn đến sinh bệnh.
Nghỉ hưu mà cứ nhớ còn đương chức
Ông NVT ở TP.HCM là một giám đốc mới về hưu. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng ông vẫn thấy hụt hẫng và stress khi sống với môi trường này, tính tình ông thay đổi hẳn. Từ chỗ là người nho nhã, từ tốn, ông trở nên nóng nảy, cáu gắt thất thường, trí nhớ cũng sa sút nghiêm trọng. Có lần mới sáng sớm ông T. đã ăn mặc lịch sự, xách cặp ra đứng trước nhà. Khi hỏi đi đâu, ông bảo đến cơ quan và chờ tài xế đến đón. Khi đó vợ ông mới nhắc là ông đã về hưu rồi đưa ông vào nhà ăn sáng.
Tương tự, ông TDC nguyên là giám đốc một công ty xây dựng nhà nước ở Biên Hòa (Đồng Nai). Đến tuổi nghỉ hưu, ông không tham gia các hoạt động chuyên môn mà về sống an nhàn với con cháu. Tưởng đâu được thư thái tinh thần nhưng sinh hoạt hằng ngày bị thay đổi. Con cháu đi làm từ sáng sớm đến chiều tối nên cũng không có dịp trò chuyện, tâm sự. Ông cũng không có việc gì để làm nên chỉ đi ra đi vào, hết xem tivi, đọc báo lại tìm đến chiếc radio để bầu bạn. Được một thời gian ông thấy trong người mệt mỏi, tay chân đau nhức, luôn hồi hộp, lo lắng. Mặc dù có đi khám bác sĩ vài lần nhưng vẫn không tìm ra bệnh. Sau đó, gia đình đưa ông đến Trung tâm Tham vấn tâm lý, BV Tâm thần Trung ương 2, để được giúp đỡ. Qua quá trình tư vấn và thăm khám, các bác sĩ phát hiện ông C. bị trầm cảm do hậu quả một bệnh lý stress lâu ngày.
Một trong bốn biến cố lớn nhất của đời người
Dưới góc nhìn y học, PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhìn nhận về hưu là một trong bốn biến cố lớn nhất của đời người gặp phải, đó là: bệnh tật, ly dị, mất việc và về hưu.
Khi về hưu, nếu không chuẩn bị đầy đủ, cơ thể sẽ phải đi vào một chu trình hoạt động khác rất khó thích nghi. Ví dụ, một người trước đây cứ 5 giờ sáng thức dậy và 6 giờ 30 đi làm. Cơ thể lúc này đã được lập trình thường xuyên. Các loại nội tiết tố và chất trung gian hóa học như các cortisone, dopamin, serotonin… đã được chuẩn bị. Nhưng khi về hưu thì chu trình sinh học đó bị đảo lộn, sáng 7 giờ vẫn ở nhà, không biết làm gì cho hết thời gian. Cùng với thời gian nghỉ hưu là các mối quan hệ xã hội bị phá vỡ, người nghỉ hưu thấy trống rỗng, là người thừa nên tự ti, mặc cảm. Đây là nguyên nhân của stress, nếu nặng hơn sẽ đi đến trầm cảm và từ đó ảnh hưởng đến tim mạch gây cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa đưa đến tiểu đường…
Nên chuẩn bị tâm lý từ đầu
Theo ThS Lê Minh Công, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, qua khảo sát một số trường hợp bị stress và rối loạn tâm lý khi về hưu, đa số họ đều chưa chuẩn bị trước tâm lý. Chính điều này khiến họ hụt hẫng, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với những người từng giữ chức vụ, khi về hưu không còn tham gia công việc quen thuộc hằng ngày, họ có cảm giác mình không còn giá trị cuộc sống, lo lắng khi không được người khác tôn trọng. Họ cảm thấy như vừa bị mất đi tất cả: quyền lực, sự nể trọng, sự phục tùng của người khác… Điều này gây cho họ một cú sốc về mặt tâm lý thật sự. Một số người nếu không thích ứng được với môi trường sống mới sẽ rơi vào trạng thái stress và rối loạn tâm thần. Đối với nhóm người này, họ thường mắc chứng trầm cảm, rối loạn, lo âu, sa sút về trí nhớ và các bệnh về nhận thức, cảm xúc…
Để chuẩn bị cho tuổi về hưu, ThS Lê Minh Công cho rằng: “Người sắp nghỉ hưu nên chuẩn bị tâm lý thật tốt để thích ứng với cuộc sống về hưu. Sau đó nên chuẩn bị thêm về mặt kinh tế, không gian, môi trường sống sao cho thoải mái nhất. Nếu có điều kiện thì người về hưu nên tham gia các công việc phù hợp với lứa tuổi như giảng dạy, nghiên cứu khoa học hoặc tham gia các hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ… để không bị cô đơn. Đối với những người không có điều kiện thì nên tham gia hội người cao tuổi, câu lạc bộ dưỡng sinh gần nhà để được giao lưu, trò chuyện với mọi người nhằm tạo một tinh thần và thể chất tốt nhất”.
Theo Nam Trân từ Tư Vấn Pháp Luật