Những ngày này, thông tin xung quanh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership) mà Việt Nam là một nước thành viên đang dần được truyền thông Việt Nam đăng tải khá nhiều, đặc biệt trong thời điểm tiến trình đàm phán vừa kết thúc. Thông tin chính thức về Hiệp định không có nhiều bởi hiệp định TPP được đàm phán phần lớn trong bí mật. Rất nhiều bạn bè và người quen của tôi băn khoăn về ảnh hưởng của TPP, bởi các quốc gia thành viên của Hiệp định này chiếm đến 40% GDP toàn cầu, trong đó nổi bật là sự tham gia của các nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới như hoa Kỳ, Nhật Bản… Cũng không ít những ý kiến trái chiều cho rằng hiệp định TPP sẽ không thể sớm thành hiện thực vì vấp phải nhiều vấn đề gai góc và bất đồng, dẫn đến không thể tìm được một công thức chung mà tất cả thành viên đều cùng có lợi.
Cá nhân tôi khá lạc quan về triển vọng của TPP, và dẫu sao, không bao giờ là quá thừa khi chuẩn bị cho mình những hiểu biết cần thiết để đón đầu những thay đổi có thể sẽ diễn ra. Suy cho cùng, là quốc gia, là doanh nghiệp hay nhân viên bình thường, người chủ động là người chiến thắng trong cuộc chơi của toàn cầu hoá.
Qua bài viết này, trước hết các bạn sẽ hiểu một cách đơn giản và sơ lược nhất về tác động của hiệp định TPP đến thương mại toàn cầu, đến quốc gia thành viên mà trọng tâm là Việt Nam, từ đó, dưới góc nhìn của một Nhà đầu tư, tôi sẽ tập trung phân tích những ảnh hưởng cơ bản của hiệp định TPP đến Doanh nghiệp.
Trước hết hãy điểm qua một vài nét sơ bộ về hiệp định TPP: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên đang được đàm phán, với mục tiêu thiết lập một khu vực tự do chung giữa các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiện nay đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP (bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Úc, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản. Hiệp định TPP duy trì tính “mở” , tức có cơ chế kết nạp thêm thành viên mới trong tương lai và các bên có thể tiếp tục đàm phán những vấn đề phát sinh sau khi Hiệp định có hiệu lực. Ngoài các nội dung đàm phán mang tính truyền thống về tự do thương mại, TPP còn thảo luận về hợp tác trong các vấn đề hoạch định chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phát triển chuỗi cung cấp và sản xuất, nâng cao sự tham gia của doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Về khía cạnh ngoại thương, Việt Nam nằm trong top các quốc gia trên thế giới về xuất khẩu các ngành hải sản, nông sản, dệt may… Trong 12 nước thành viên đang buôn bán với nhau, Việt Nam hiện là nước đang trả lượng thuế nhập khẩu cao nhất cho hàng hoá xuất sang thị trường các nước còn lại. Như vậy Việt Nam chính là đối tượng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc đưa thuế quan về 0 từ TPP.
Khi thương mại được đẩy mạnh nhờ thuế quan được gỡ bỏ, doanh nghiệp ở Việt Nam có nhiều cơ hội sản xuất nhiều hơn để bán nhiều hàng hoá hơn, đồng thời đó cũng là cơ hội dành cho các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn mở rộng thị trường thông qua đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy, đó là vận hội lớn để tạo thêm nhiều công ăn việc làm trong nước. Cùng với đó là gia tăng sản xuất, dẫn đến mức thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để thu hút người tài cũng sẽ dần nâng mức giá sức lao động – tức tiền lương. Người dân Việt Nam sẽ giàu lên.
Khi nói đến các ngành, chắc chắn những ngành xuất khẩu, nhập khẩu nhiều sẽ là những ngành nhận ảnh hưởng nhiều nhất. Gọi là “nhận” bởi chuyện kẻ được người mất còn tuỳ. Những ngành xuất khẩu mạnh sẽ càng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường khi giá thành giảm đi nhờ được miễn thuế nhập khẩu. Tuy nhiên đồng thời, các nước thành viên còn lại cũng sẽ được hưởng những ưu đãi tương đương dành cho nhau, như vậy sự cạnh tranh vẫn còn đó, thậm chí còn gay gắt hơn vì thị trường giờ đã là của chung, không còn rào cản – rào cản thuế quan là một công cụ thường thấy để bảo vệ các doanh nghiệp non trẻ ở thị trường nội địa.
Chưa kể, hiệp định TPP sẽ có quy định nghiêm ngặt về xuất xứ sản phẩm, trong đó yêu cầu tỉ lệ phần trăm nhất định trong những yếu tố tạo nên hàng hoá phải có nguồn gốc từ nước thành viên. Hiểu nôm na là để hưởng ưu đãi, trong 1 sản phẩm xuất đi từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ hoặc Nhật bắt buộc có bao nhiêu phần trăm các yếu tố cấu thành sản phẩm là do doanh nghiệp Việt Nam tự tạo ra. Hầu hết các ngành xuất khẩu mạnh của Việt Nam như nông sản, dệt may đều có khả năng tạo ra gần như 100% giá trị sản phẩm. Nhưng thực tế rất nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn đang nhập khá nhiều nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất hoặc đơn giản là gia công giai đoạn cuối rồi xuất đi.
Tình hình còn ít khả quan hơn khi nói đến các ngành công nghiệp, Công Nghệ – những ngành mang lại giá trị gia tăng cao. Hiện nay ở Việt Nam bắt đầu có nhiều doanh nghiệp đang vươn lên tạo ra phần trăm giá trị cao hơn, nhưng cũng còn rất nhiều chỉ đang đóng vai trò là nhà gia công đơn giản. Hi vọng, với những bước tiến như việc thành lập các nhà máy của Samsung ở Việt Nam, dần dần các doanh nghiệp Việt Nam sẽ học hỏi thêm về công nghệ, các nhà cung cấp Việt Nam sẽ có chỗ đứng tốt hơn ở các ngành công nghiệp. Các công ty trên sàn càng cần phải lưu tâm hơn nữa vấn đề này khi nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn trước và sẽ tìm kiếm những công ty có triển vọng tự nâng cao giá trị gia tăng nhiều hơn.
Một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt Nam khi thị trường mở cửa tiếp nhận nhiều đầu tư nước ngoài hơn, đó là quản lý nhân lực và chi phí. Song song với việc được tiếp cận và học hỏi kỹ năng, công nghệ, họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi những nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tìm kiếm nhân lực sẵn kinh nghiệm ở thị trường nội địa. Để giữ nhân lực chất lượng, doanh nghiệp cần trả giá (lương) cao hơn, dẫn đến chi phí sản xuất tăng lên và lợi nhuận giảm. Để không lỗ, giữ được lợi nhuận, lúc đó, doanh nghiệp cần cải tiến để sản xuất hiệu quả hơn nhiều về chi phí.
Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, về mặt sản xuất, với quy mô lớn hơn, họ được hưởng lợi thế theo quy mô (economy of scale) – tức là chi phí trên một đơn vị rẻ hơn khi sản xuất với số lượng lớn. Đồng thời, giá của vốn vay (lãi suất) ở nước ngoài hầu hết đều khá thấp, ở mức 1-2% trong khi ở Việt Nam lên đến 5-6%. Như vậy, với chi phí thấp hơn, họ có điều kiện để giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Chưa kể, những công ty này thường đạt hiệu quả sản xuất cao hơn với nhiều năm kinh nghiệm và công nghệ, trong khi ngoài các công ty đã lớn mạnh như Vinamilk hay Masan… ít các doanh nghiệp Việt Nam đạt được mức hiệu quả sản xuất nhờ công nghệ. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần thay đổi nhiều về cách thức quản trị để tăng hiệu quả hoạt động lên cao hơn nữa mới có thể cạnh tranh được trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, về vĩ mô, Nhà Nước Việt Nam có thể hỗ trợ như thế nào khi những rào cản thuế quan và dần dần cả phi thuế quan sẽ bị gỡ bỏ? Trước mắt việc cần làm là giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn với giá (lãi suất) thấp hơn. Tiếp đó, Nhà nước cần tăng cường những chính sách khuyến khích liên doanh, hợp tác giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệm và công nghệ. Đồng thời, cơ sở hạ tầng đang được đầu tư nhiều hơn sẽ giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả sản xuất, giảm chi phí vận hành và vận chuyển, dần đưa doanh nghiệp Việt Nam vào những môi trường chuyên nghiệp như khu công nghiệp, khu công nghệ cao…
Là nhà đầu tư, tôi đang tìm kiếm điều gì? Chúng tôi mong muốn tìm kiếm những công ty thuộc diện trung bình, chẳng hạn nếu có 100 công ty trong ngành thì những công ty ở khoảng 50-55 sẽ là những đối tượng tiềm năng. Tại sao lại là số 50-55? Bởi vì từ những vị trí này, khi đầu tư để đưa họ lên những vị trí dẫn đầu, giá trị gia tăng dành cho các nhà đầu tư sẽ cực kỳ lớn. Tôi cho rằng những doanh nghiệp này sẽ hấp dẫn hơn các doanh nghiệp ở tốp đầu mặc dù họ cũng có rủi ro cao hơn. Đơn giản, đã là nhà đầu tư, ai cũng hiểu rằng rủi ro càng cao, lợi nhuận càng nhiều.
Nhưng tất nhiên, những nhà đầu tư thông minh sẽ tìm cách để chắc chắn mình đang chọn những “rủi ro tốt hơn”, bằng cách đánh giá những doanh nghiệp có tiềm năng để giúp đỡ. Bản thân tôi mong muốn sẽ giúp đỡ xây dựng những công ty vươn lên hàng đầu Việt Nam trong khoảng 5 đến 10 năm tới. Để lựa chọn công ty nào, tôi sẽ nhìn vào hai yếu tố chủ chốt: thứ nhất, Động Lực: họ có khao khát vươn lên lớn mạnh, dẫn đầu hay không?; và thứ hai, Hành Động: họ có kế hoạch hành động và và với khả năng của họ, kế hoạch đó có khả thi hay không? “Motivation” và “Execution” – tôi cho rằng nhiều nhà đầu tư cũng sẽ đồng ý với tôi rằng đây là hai yếu tố cốt yếu để một doanh nghiệp thành công trong việc tìm kiếm sự ủng hộ về vốn.
Như vậy, để đón đầu cơ hội và vượt qua thách thức, doanh nghiệp Việt Nam còn chặng đường dài, nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ chìm đi trong xu thế toàn cầu hoá nói chung, dưới tác động của hiệp định TPP nói riêng. Trước hết, họ cần bắt đầu chủ động tìm hiểu những thay đổi sẽ diễn ra trong Ngành của mình, từ đó bắt đầu dự báo, suy nghĩ về chiến lược của mình: bao nhiêu đối thủ sẽ tham gia cuộc chơi này, tầm nhìn của mình có thay đổi hay không, làm sao để chọn, đào tạo và giữ nhân lực giỏi, làm sao để sản xuất hiệu quả hơn với chi phí vốn thấp nhất, lộ trình thực hiện ra sao…
Trong phạm vi bài viết này, còn rất nhiều phương diện trong TPP mà tôi chưa có dịp đề cập đến. Nổi bật trong số đó có những thoả thuận về Sở hữu trí tuệ, cũng là một mối quan tâm lớn của các nước nằm trong lẫn ngoài hiện định TPP. Đây chắc chắn là điều các công ty khởi nghiệp, đặc biệt về công nghệ sẽ quan tâm. Hi vọng trong thời gian tới chúng ta sẽ có thêm những bài viết và thảo luận về các đề tài đa dạng nữa trong cộng đồng những người quan tâm đến kinh tế, tài chính.
Là một người kinh doanh, một nhà đầu tư, tôi luôn ủng hộ, khuyến khích sự chủ động tìm hiểu và chuẩn bị. Các bạn trẻ càng cần phải làm điều này tốt hơn các thế hệ trước. Đừng bao giờ ngần ngại. Nếu bạn chưa hiểu rõ, không bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Chúc các bạn thành công.
Andy Ho