Năm 1924, Quỹ Mở đầu tiên được thành lập tại Mỹ. Đến nay trải qua gần một thế kỉ, thị trường Quỹ Mở đã phát triển rộng khắp thế giới. Xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào giai đoạn 2012 -2013 và thể hiện nhiều ưu điểm so với các hình thức đầu tư thông thường, thế nhưng Quỹ Mở vẫn còn khá mới lạ với các nhà đầu tư Việt. Nhiều người chưa quá hào hứng với hình thức đầu tư này.. Tuy nhiên, một dấu hiệu khả quan là gần đây, những con số thống kê cho thấy thu nhập của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng và họ đang có xu hướng tìm tới các sản phẩm tiết kiệm, đầu tư. Liệu lúc này có phải là thời điểm tốt cho quỹ mở phát triển mạnh mẽ?
Trước khi trả lời thắc mắc trên, hãy điểm qua hiểu biết cơ bản về quỹ mở, động cơ phát triển và đặc điểm phát triển của nó.
Nói một cách đơn giản, quy trình đầu tư vào quỹ mở hoạt động giống như biểu đồ trên. Các Nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức sẽ dùng tiền của mình để đầu tư vào quỹ mở dưới hình thức mua chứng chỉ quỹ (bước 1). Sau đó, các nhà quản lý quỹ giàu kinh nghiệm sẽ sử dụng số tiền đó để đầu tư đa dạng hóa vào nhiều loại chứng khoán khác nhau trên thị trường (thông thường là trái phiếu và cổ phiếu) (bước 2). Nếu đầu tư hiệu quả, những chứng khoán này sẽ sinh lợi trong tương lai (bước 3) và những đồng lợi nhuận này sẽ được chia lại cho nhà đầu tư (bước 4).
Về cơ bản, sự phát triển của thị trường quỹ mở phụ thuộc rất nhiều vào mức thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế (GDP/capital). Khi thu nhập tăng lên, nhu cầu về tiết kiệm và đầu tư cũng theo đó bắt đầu “nảy nở”. Việc thị trường đa dạng hoá hình thức đầu tư để đáp ứng sự tăng trưởng của nhu cầu là một hệ quả tất yếu. Không cần nhìn đâu xa, tại những thị trường trong khu vực châu Á như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, sản phẩm này đã phổ biến 10 – 20 năm nay, với sự phát triển song hành với tăng trưởng của mức thu nhập bình quân đầu người (ví dụ Thái Lan khoảng 6000 USD).
Từ những quan sát về thị trường khác trên thế giới, ta thấy quỹ Mở trong 10 năm đầu xuất hiện phát triển khá khó khăn. Cũng có những trường hợp thị trường bỗng nhiên phát triển mạnh, nhưng sự “phất lên” bất thường đó không hẳn vì những công ty quản lý quỹ hoạt động rất tốt, mà có thể do các yếu tố sau: Đầu tiên, thị trường chứng khoán nhìn chung đang phát triển trong thời điểm đó, dẫn đến các quỹ đầu tư cũng làm ăn thuận lợi hơn. Tiếp theo, thị trường nóng lên nhờ “tài bán hàng” của các nhân viên bán hàng ở các quỹ – các nhân viên tư vấn có thể chỉ tập trung vào những lợi ích hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Nhờ đó, doanh số tăng mạnh, thúc đẩy sự “nóng lên đột ngột” của thị trường nhưng theo hướng không lợi cho khách hàng về sau. Qua giai đoạn này, khi luật pháp dần dần thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển, thị trường quỹ mở mới bắt đầu tăng trưởng một cách bền vững hơn.
Quay trở lại với Việt Nam, hiện nay, luật pháp về quản lý hoạt động của thị trường quỹ mở tại Việt Nam cũng đã được ban hành khá đầy đủ và chặt chẽ. Mức thu nhập của tầng lớp trung lưu đang trên đà tăng trưởng, đồng thời thu nhập bình quân đầu người cũng đã chạm mức 2028 USD vào năm 2014. Giai đoạn này cũng sẽ là lúc hiểu biết của người dân về hình thức đầu tư quỹ mở được cập nhật một cách căn bản. Theo kinh nghiệm và quan sát của cá nhân, tôi cho rằng thị trường Quỹ Mở chỉ cần khoảng thời gian 5 năm nữa để trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên tính hấp dẫn của thị trường hiện tại cũng là một yếu tố khiến thị trường đang trong giai đoạn trầm lắng do nhà đầu tư chưa mạnh dạn lắm trong lĩnh vực này. Điều này phần lớn xảy ra do các nguyên nhân sau đây:
Về mặt kinh tế vĩ mô:
Thứ nhất, lãi suất tiền gửi của các Ngân hàng Việt Nam hiện tại vẫn khá cao. Đầu tư bằng tiền gửi ở Ngân Hàng tại Việt Nam lại là hình thức đầu tư an toàn. Vì vậy, các Quỹ Mở muốn “chào bán” sản phẩm quỹ trái phiếu cũng gặp khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, khi mức lợi suất đưa ra chỉ cao hơn một chút hoặc xấp xỉ bằng lãi suất Ngân hàng. Một cách tự nhiên, các nhà đầu tư sẽ tự hỏi: “Tại sao tôi phải chịu rủi ro nhiều hơn với một sản phẩm lạ trong khi chỉ nhận được lãi suất tương đương?” Trong thời gian tới, nếu Chính phủ không có chính sách điều chỉnh lãi suất của các Ngân hàng thương mại thấp xuống thì các sản phẩm đầu tư khác như Quỹ sẽ gặp phải khó khăn về lợi thế cạnh tranh để phát triển. Trong lịch sử, ở những các thị trường tài chính phát triển (Mỹ, Nhật), Chính phủ các nước này đã chủ động đẩy lãi suất ngân hàng thấp xuống để tạo đà cho quỹ mở.
Thứ hai, Chính phủ chưa có các chính sách thuế khuyến khích và hỗ trợ Nhà đầu tư khi tham gia thị trường quỹ mở. Cả Nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều phải chịu thuế trên phần lợi tức mà họ nhận được. Nhà đầu tư gửi tiền vào quỹ đôi khi vì bị đánh thuế nên có suy nghĩ rằng họ đang “thiệt hại hơn” so với gửi tiền tiết kiệm. “Ưu đãi thuế” từ Chính phủ là động lực chính để các cá nhân nghĩ đến việc tiết kiệm cho dài lâu, vì họ cảm thấy đồng tiền đầu tư của mình thực sự sinh lợi.
Tóm lại, động lực cho thị trường Quỹ Mở mới chớm ở Việt Nam sẽ cần đến sự can thiệp của Nhà Nước đối với những yếu tố vĩ mô trên (lãi suất, thuế). Tôi tin rằng trong thời gian tới, khi thị trường tài chính của Việt Nam mở cửa hơn với bên ngoài nhờ sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hiệu lực của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Quỹ Mở sẽ có nhiều cơ hội để khởi sắc.
Nhìn từ góc độ “vi mô”, tâm lý và thói quen của người Việt Nam cũng là rào cản lớn cho sự phát triển của quỹ mở.
Thứ nhất, về tư duy tiết kiệm: Ở các nước có thị trường tài chính phát triển, tư duy của họ rất cấp tiến và độc lập. Họ tiết kiệm từ rất sớm, khi vừa ra trường là đã tích lũy để đến khoảng 26 hoặc 27 tuổi bắt đầu đầu tư. Lợi thế của người trẻ là họ có nhiều thời gian, nhiều cơ hội và dám đối mặt với rủi ro, thử thách. Bạn đầu tư càng sớm thì số tiền nhân lên càng nhanh nhờ sức mạnh của lãi suất kép (nếu bạn chỉ đơn thuần gửi Ngân hàng). Lối tư duy như vậy không được phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Có thể suy nghĩ “về già sẽ có con cái lo” đã quen thuộc với nhiều thế hệ chính là nguyên nhân của thực trạng này. Tuy nhiên, điểm sáng là những người trẻ dưới 30 tuổi ở Việt Nam đang nắm bắt rất nhanh những tiến bộ của thế giới, tư duy họ khá thoáng và linh hoạt trong việc chấp nhận cái mới.
Thứ hai, về tư duy đầu tư ngắn hạn: Việc đầu tư lâu dài chắc chắn sẽ có lợi hơn đầu tư trong ngắn hạn, nhưng đối với Nhà đầu tư cá nhân ở Việt Nam hiện nay, quan sát cho thấy tư duy của họ còn ngắn hạn. Họ gửi tiền để đầu tư lâu dài nhưng chưa đến một năm đầu thì đã muốn rút ra. Trung bình trong một năm, họ sẽ rút ra khoảng 25% số tiền đầu tư vào từ đầu năm. Ở nước ngoài, chuyện đó hầu như không bao giờ xảy ra. Thậm chí, trong những ngày tập tễnh mới đầu tư, nếu xác định tư tưởng là không thể đầu tư lâu dài trong 3 năm thì không ai “nhảy vào” thị trường chứng khoán cả. Thị trường có thể lỗ nhưng nhà đầu tư không nóng vội rút ra, vì họ biết và có cơ sở để tin rằng về lâu dài họ sẽ được lợi. Đối với nhà đầu tư Việt Nam, họ có thể không đồng ý kể cả khi các quỹ giữ tiền trong 9 tháng, hay thậm chí chỉ 6 tháng. Tư duy và nhận thức này của nhà đầu tư Việt Nam cần được đổi mới dần khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn với quốc tế.
Thứ ba, về sự “ngại ngùng” trước tính minh bạch: Quỹ mở là một công cụ đầu tư đề cao tính minh bạch với các giao dịch đều phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, và Ngân hàng 2,3 bên đứng ra. Đối với nhiều người Việt Nam, họ chưa quen với quy trình về sự minh bạch này. Thông thường, họ có thể dùng tiền của mình để đầu tư nhiều kênh mà không cần phải khai thuế. Nhưng với sản phẩm này, họ phải hiểu nhiều quy định và chịu thuế cho những khoản thu nhập từ lợi suất, tương tự như đầu tư chứng khoán.
Do đó, người Việt Nam cần suy nghĩ xa hơn, “cởi mở” hơn, độc lập hơn và quan trọng là dần dần thay đổi tâm lý, thói quen của mình để bắt kịp với một thế giới đang ngày càng phát triển. Thị trường quỹ mở sẽ mở ra một kênh đầu tư hấp dẫn nếu chúng ta chịu tìm hiểu và chấp nhận những rủi ro ban đầu để học những bài học vỡ long đầu tiên.
Ở bài viết sau, chúng ta có thể tiếp tục tìm hiểu các sản phẩm cụ thể của quỹ mở và so sánh với những sản phẩm đầu tư phổ biến khác ở Việt Nam.
Nguyễn Thái Thuận
Thị trường quỹ mở ở Việt Nam
Năm 1924, Quỹ Mở đầu tiên được thành lập tại Mỹ. Đến nay trải qua gần một thế kỉ, thị trường Quỹ Mở đã phát triển rộng khắp thế giới. Xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào giai đoạn 2012 -2013 và thể hiện nhiều ưu điểm so với các hình thức đầu tư […]
Đã cập nhật 22 tháng 9 năm 2015
Bởi TopOnMedia