Ngộ độc thực phẩm là tình huống có thể xảy ra khi mà lượng thức ăn chúng ta thu nạp vào cơ thể không được đảm bảo an toàn. Tình trạng này nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường. Trong bài viết này, Cleanipedia sẽ chia sẻ với bạn những dấu hiệu cũng như cách cấp cứu nhanh nhất khi có ai đó bị ngộ độc.
6 Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có thể nhận biết nhanh
Khi cơ thể xảy ra những biểu hiện sau đây, có khả năng là bạn đã bị ngộ độc thực phẩm rồi đây:
- Phát bệnh chỉ khi vừa mới thưởng thức món ăn.
- Nhóm 2 người trở lên có cùng triệu chứng sau khi cùng sử dụng một loại thực phẩm, trong khi những người không ăn thì không bị.
- Đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy sau khi ăn.
- Các biểu hiện đi kèm như khát nước, sốt hay vã mồ hôi.
- Đau đầu, chóng mặt, tim đập loạn xạ, trụy mạch.
- Kiểm tra lại thực phẩm thấy có dấu hiệu ôi thiu, có mùi lạ hoặc có giun sán.
Các triệu chứng sẽ xuất hiện nhanh nhất là sau vài phút, vài giờ hoặc tối đa là từ 1 – 2 ngày sau khi ăn. Ngộ độc nhẹ có thể gây mệt mỏi hay kiệt sức, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, bạn không nên thờ ơ khi có những dấu hiệu kể trên nhé.
4 Cách sơ cứu ngộ độc thực phẩm kịp thời
Kích thích gây nôn khi ngộ độc thực phẩm
Để hạn chế lượng các chất có hại ngấm vào cơ thể, cách tốt nhất sơ cứu ngộ độc thực phẩm là giúp người bệnh nôn hết những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Bạn có thể rửa tay thật sạch sau đó đặt vào lưỡi người bệnh để họ có thể nôn thức ăn ra, giúp họ nôn càng nhiều càng tốt nhé.
Cách này chỉ áp dụng cho những người bệnh mới và đang còn nhận thức thôi, đối với người bệnh bị hôn mê thì không được áp dụng vì sẽ khiến họ sặc hoặc ngạt thở.
Cho người bệnh ngộ độc thực phẩm uống thật nhiều nước
Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có thể nôn hoặc đi ngoài nhiều lần. Điều này làm họ mất lượng nước khá nhiều trong cơ thể. Việc bạn cần làm lúc này là bù nước cho họ, có thể cung cấp nước lọc hoặc nước gạo rang.
Sau khi cho người bệnh uống nước, nên để họ nghỉ ngơi nhiều nhất có thể để cơ thể dần dần phục hồi.
Bù nước cho cơ thể bị ngộ độc bằng nước muối biển khô (oresol)
Đây là một dạng thuốc nên bạn cần đọc kỹ hướng dẫn khi cho người bệnh uống oresol.
- Pha đúng liều lượng được ghi trên bao bì, không được pha nhiều nước hoặc ít nước hơn kiến nghị vì sẽ ảnh hưởng nồng độ của thuốc.
- Sử dụng dung dịch oresol trong vòng 24 giờ từ lúc pha.
- Không chia nhỏ gói thuốc.
- Không đun sôi dung dịch sau khi pha.
- Lưu ý là không pha oresol trong nước khoáng, hãy sử dụng nước sôi để nguội để đảm bảo chất lượng của sản phẩm.
Gọi cấp cứu
Sau khi tiến hành sơ cứu bệnh nhân, bạn cũng cần đến sự trợ giúp của y tế. Vậy nên hãy gọi 115 trong trường hợp cấp thiết, hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành súc rửa ruột và thăm khám chặt chẽ hơn.
Để tránh trường bị ngộ độc thực phẩm, bạn hãy cẩn trọng với những thức ăn mà mình không chắc chắn nhé. Đừng quên theo dõi những bài viết của Cleanipedia để bỏ túi thêm nhiều thông tin về sức khỏe hơn nữa nhé!
Xem thêm: Cách bảo quản thực phẩm, cách xử lí khi bị nhẹ, cách xử lí ngộ độc thực phẩm tại nhà