Mâm ngũ quả ngày Tết thật long trọng, được sắp xếp đẹp gồm ít nhất 5 loại trái cây khác nhau bày lên bàn thờ gia tiên đã được dọn dẹp sạch sẽ là phong tục không thể thiếu của mỗi gia đình Việt mỗi độ Tết đến xuân về. Vậy bạn đã biết gì về mâm ngũ quả hay ý nghĩa thực sự đằng sau nét đẹp văn hóa này?
Mâm ngũ quả ngày Tết là gì?
Mâm ngũ quả là việc sắp xếp từ 5 loại trái cây khác nhau, có màu sắc khác nhau lên mâm nhằm dâng lên bàn thờ gia tiên hay bàn phòng khách dịp Tết. Mỗi loại trái cây đều có những ý nghĩa riêng nhất định, thể hiện ước mong về một năm mới thuận lợi, ấm no.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Ngoài bày biện phòng khách với yếu tố trang trí thẩm mỹ hay thể hiện tấm lòng thành kính khi dâng lên tổ tiên, việc bày biện mâm ngũ quả ngày Tết chỉn chu và đẹp còn mang nhiều ý nghĩa truyền thống tùy theo quan niệm từng vùng miền.
Mâm ngũ quả theo quan niệm miền Bắc
Người miền Bắc thường chú trọng đến màu sắc của các loại trái cây có màu sắc tươi sáng nhưng vẫn hài hòa và quan trọng khớp với thuyết Ngũ Hành bao gồm:
- Kim – trắng
- Mộc – xanh lá cây
- Thủy – đen
- Hỏa – đỏ
- Thổ – vàng
Vì vậy, người Bắc thường chọn lựa những loại trái cây có màu sắc tượng trưng theo Ngũ hàng như chuối xanh, bưởi Diễn vàng, quất vàng, ớt đỏ, phật thủ,… Một mâm ngũ quả tiêu chuẩn của miền Bắc là chuối xanh cả nải để dưới cùng – tượng trưng cho sự quây quần, sum vậy và có vai trò đỡ các loại trái cây khác. Trái quất cảnh có màu vàng rực rỡ mang lại tiền tài, sung túc hay điểm xuyết với trái ớt đỏ – màu sắc của sự may mắn.
Mâm ngũ quả theo quan niệm miền Trung
Vì đặc thù khu vực địa lý chịu nhiều thiên tai, đất đai kém màu mỡ hơn những khu vực khác nên ít các sản vật trái cây hơn, mâm ngũ quả của người miền Trung hình thức thường đơn gian, có gì cúng nấy nhưng quan trọng là tấm lòng.
Một số loại trái cây đặc trưng trong mâm ngũ quả của người miền Trung thường là thanh long, chuối, dưa hấu, dứa, sung, na (mãng cầu),…
Mâm ngũ quả theo quan niệm miền Nam
Với một số quan niệm về tên gọi hay cách nói lái theo phương ngữ của người miền Nam, các loại trái cây gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài ghép lại sẽ mang ý nghĩa “ cầu sung vừa đủ xài , có nghĩa cầu mong năm mới sung túc, tiền tài đủ dùng.
Ngoài các loại trái cây mang ý nghĩa tốt, người miền Nam cũng tránh một số loại trái cây như chuối (chúi xuống, khó phất lên được), cam (cam chịu, khổ cực),…
Qua một số thông tin thú vị về ý nghĩa mâm ngũ quả trên, hy vọng quý độc giả đã có thêm những kiến thức hữu ích về văn hóa mâm ngũ quả ở mỗi vùng miền và càng ý thức thêm việc gìn giữ nét truyền thống này.