Mặt bằng lãi suất tại Việt Nam đang ở mức rất thấp, khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng đang chậm lại. Dòng tiền trong nền kinh tế có xu hướng chuyển từ kênh tiết kiệm vào chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ,…
Lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn?
Lãi suất huy động tiết kiệm tại các ngân hàng đã giảm khoảng 1,5-2,5%/năm trong hơn 1 năm qua. Theo ghi nhận, biểu lãi suất huy động và lãi suất tiết kiệm tiền đồng (VND) trên thị trường chứng kiến sự phân nhóm rất rõ giữa các ngân hàng thương mại Nhà nước và nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần.
Theo đó, tại các ngân hàng thương mại Nhà nước như Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV, lãi suất gửi ngân hàng cao nhất hiện chỉ đạt 5,5 – 5,6%/năm, chủ yếu áp dụng với các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Trong khi đó tại nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện khoảng 0,7-0,8% so với mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, biểu lãi suất huy động VND cao nhất trên thị trường hiện nay cũng chỉ sát ngưỡng 7%/năm cho tiền gửi VND. SCB – vốn là ngân hàng luôn nằm trong nhóm có lãi suất tiền gửi hấp dẫn nhất thị trường cũng đã giảm lãi suất tiết kiệm tiền đồng ở các kỳ hạn ngắn xuống còn 3,85%/năm loại 1 tháng; 3 tháng là 3,85%/năm; 4 tháng là 3,9%/năm, 5 tháng là 3,95%/năm… Cao nhất cũng chỉ ở mức 6.8% với kỳ hạn trên 12 tháng.
Chính vì mức lãi suất huy động thấp, lượng tiền gửi tại một số ngân hàng thời gian qua cũng sụt giảm. Cụ thể, tiền gửi khách hàng tại ABBank giảm 7,4% so với đầu năm, chỉ còn gần 67.137 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm hơn 9% xuống 11.363 tỷ đồng. Tại ngân hàng Bản Việt, tiền gửi khách hàng giảm 4%, xuống còn 39.901 tỷ đồng. Ngân hàng Quốc Dân (NCB) lại một lần nữa góp mặt trong danh sách khi tiền gửi khách hàng giảm hơn 3.100 tỷ đồng, xuống còn 68.904 tỷ đồng, tương đương giảm 4,4%. Ngoài ra còn nhiều ngân hàng khác cũng ghi nhận tiền gửi giảm nhẹ so với đầu năm như PGBank, Saigonbank, Seabank,..
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 5, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,7% so với cuối năm 2020, đạt 12,558 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền gửi dân cư chỉ tăng 2,6%, đạt 5,275 triệu tỷ đồng, mức tăng thấp nhất trong vòng 9 năm trở lại đây. Các năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư ở mức khá cao và có xu hướng giảm dần những năm gần đây. Chẳng hạn, tháng 5/2012 tăng gần 16%, qua năm 2013 tăng 14,26% và năm 2014 tăng 9,49%, năm 2015 tăng 8,31%, năm 2016 tăng 11,04%, năm 2017 tăng 9,39%, năm 2018 tăng 7,5%, năm 2019 tăng 6,84%, qua năm 2020 tăng 4% và năm nay còn 2,6%.
TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính nhân hàng cho rằng, trong nền kinh tế khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, tiền gửi cá nhân xuống thấp là điều hiển nhiên. Người dân rút tiền gửi thường đáp ứng cho nhu cầu chi phí đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư vào tài sản, thị trường tài chính.
Điểm đến mới của tiền nhàn rỗi
Khi mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, khiến nhà đầu tư không còn mặn mà với việc chọn gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi. Trong khi đó, nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… nổi lên với khả năng sinh lời hấp dẫn. Trong số đó, phải kể đến là thị trường chứng khoán đầy hấp dẫn.
Theo số liệu của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 620.683 tài khoản chứng khoán, cao hơn tới 58% so với năm 2020, thậm chí con số trên còn cao hơn cả năm 2020 và năm 2019 cộng lại. Tính tới cuối tháng 6/2021, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 3,39 triệu, tương đương khoảng 3,5% dân số. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản chứng khoán trong thời gian gần đây là xuất phát từ nhiều yếu tố như lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng thấp, kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại sau Nghị định 81, kênh đầu tư vàng trong nước dường như đóng băng… và chứng khoán được xem là kênh đầu tư hấp dẫn trong thời gian gần đây.
Chính việc thị trường chứng khoán bùng nổ, mức sinh lời gấp nhiều lần gửi ngân hàng nên nhiều người đã không ngần ngại dịch chuyển một phần tiền nhàn rỗi từ tiết kiệm sang mua cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán cho rằng kênh đầu tư hợp pháp và khá an toàn, đồng thời cũng là kênh dễ vay tiền, tận dụng đòn bẩy tài chính hơn các kênh đầu tư khác.
Lĩnh vực bất động sản cũng “sốt” trong thời gian qua, được xem là điểm đến tiếp theo của các nhà đầu tư chốt lời từ chứng khoán. Đây là cách mà các nhà đầu tư cá nhân dịch chuyển dòng vốn để tránh dồn tất cả trứng vào một giỏ, lúc thị trường khó khăn, nhà đầu tư có thể tháo chạy kịp.
Ghi nhận 6 tháng đầu năm 2021, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chuyển nhượng bất động sản tăng 61,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 8.600 tỷ đồng. Mặc dù đại dịch kéo dài tác động không nhỏ lên một số phân khúc, nhưng thị trường bất động sản nhìn chung cho thấy những tín hiệu tích cực. Bất động sản lại là kênh trú ẩn tương đối an toàn, thị trường có khủng hoảng thì tài sản vẫn còn đó bởi xét về dài hạn bất động sản chưa bao giờ giảm giá.
Trong báo cáo thị trường bất động sản mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập người dân trên tổng thể bị suy giảm. Lẽ ra khi nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm đi, giá bán cũng bị áp lực giảm nhưng thực tế tổng tiền vào thị trường có nhu cầu đầu tư bất động sản lại mạnh lên.
Theo kết quả khảo sát mới nhất của Colliers Việt Nam, phân khúc bất động sản cao cấp đang được hấp thụ tốt với hơn 80% căn hộ đã bán, và người mua chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Giá bán căn hộ tại TP.Thủ Đức đang tăng. Quỹ đất hạn hẹp tại TP.HCM cũng đang góp phần đẩy giá căn hộ chung cư tiếp tục tăng trên tất cả phân khúc.
Bên cạnh đó, chuyên gia đều cho rằng phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng mang đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Nguyên nhân trước hết bởi giá của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang ở mức khá tốt. Thị trường đi ngang trong khoảng thời gian trước đó tạo cơ hội cho những nhiều nhà đầu tư dễ dàng gia nhập. Trong khi đó, phân khúc đất nền đã bị đẩy lên mặt bằng giá cao sau cơn sốt.
Theo đánh giá, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam có thể sẽ là điểm sáng nhất trên thị trường trong thời gian tới. Ngoài khả năng phục hồi mạnh mẽ khi du khách trở lại thời kì hậu Covid-19, một nguồn lợi song hành lớn không kém là giá trị bất động sản tăng theo thời gian.
Tiền gửi tăng chậm có đáng lo?
Báo cáo triển vọng nửa cuối năm 2021 của VCBS nhận định doanh nghiệp và người dân sẽ có xu hướng rút tiền khỏi hệ thống, kéo theo áp lực huy động của các ngân hàng. Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong quý 3 do NHNN tiến hành, hầu hết các TCTD đều giảm dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 của đơn vị mình so với kỳ vọng. Trong bối cảnh huy động tiền gửi khách hàng cá nhân đang tăng chậm, lãi suất tiền gửi thấp, các ngân hàng khẳng định sẽ không hạ thêm lãi suất, bởi lo ngại dòng tiền sẽ dịch chuyển sang kênh đầu tư khác.
Chuyên gia tài chính – TS Huỳnh Trung Minh phân tích rủi ro từ sự dịch chuyển này là khi nhiều nhà đầu tư F0 chơi chứng khoán theo phong trào nhưng lại không tìm hiểu kỹ, dễ thua lỗ nếu thị trường biến động mạnh. Hệ lụy lớn hơn là gây bất ổn cho nền kinh tế khi dòng tiền đổ quá nhiều vào một lĩnh vực.
Còn theo TS Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế, việc người dân giảm gửi tiền vào ngân hàng để đầu tư vào bất động sản được kỳ vọng sẽ tăng cầu bất động sản, giúp bất động sản tăng giá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và ngành bất động sản phát triển sau một thời gian trầm lắng vì đại dịch. Tuy nhiên, nếu người dân và tổ chức tăng mạnh, tăng một cách thái quá lượng tiền vào đầu tư bất động sản, trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao lại có thể gây tổn hại nền kinh tế, bởi dòng vốn này không được đưa vào kinh doanh tạo việc làm cho người lao động, không đảm bảo an sinh xã hội, thu ngân sách. Thậm chí, việc đầu tư này đến lúc nào đó còn tạo thành nguy cơ “bong bóng” bất động sản.
Tuy nhiên, thời điểm ngày ngân hàng cũng khó để tăng lãi suất tiết kiệm nhằm thu hút tiền gửi vì nguồn vốn huy động sẽ tăng lên nhưng do đầu ra bị hạn chế, ngân hàng cũng sẽ rơi vào thế khó. Huy động vốn tăng chậm nhưng thực tế nguồn vốn của nhiều ngân hàng vẫn dồi dào do cầu vay vẫn thấp.
Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/lai-suat-tiet-kiem-khong-con-du-hap-dan-tien-nhan-roi-do-sang-kenh-dau-tu-chung-khoan-bat-dong-san-63458.html