KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ TẠI VIỆT NAM – CƠ HỘI TIỀM TÀNG TRONG NHỮNG THÁCH THỨC

Trong bài viết trước tôi có đề cập đến việc các công ty khởi nghiệp Việt Nam đặc biệt là các công ty khởi nghiệp Công Nghệ liên tục được ra đời nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, và một số trường hợp còn “chết yểu” ngay từ trong trứng nước. Có nhiều nguyên […]

Đã cập nhật 17 tháng 11 năm 2015

Bởi TopOnMedia

KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ TẠI VIỆT NAM – CƠ HỘI TIỀM TÀNG TRONG NHỮNG THÁCH THỨC

Trong bài viết trước tôi có đề cập đến việc các công ty khởi nghiệp Việt Nam đặc biệt là các công ty khởi nghiệp Công Nghệ liên tục được ra đời nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn, và một số trường hợp còn “chết yểu” ngay từ trong trứng nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, do đó trong bài viết này tôi sẽ lý giải rõ hơn về các nguyên nhân khiến những công ty khởi nghiệp công nghệ thường lận đận.

Nguyên nhân chính đầu tiên đó là Việt Nam chưa có hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện. Sự thiếu liên kết hữu cơ giữa trường Đại họcvới Chính Phủ với các công ty và với các nhà đầu tư là thiếu sót rất lớn trong việc nuôi dưỡng những “mầm xanh” về khởi nghiệp. Thực tế cho thấy nhiều sinh viên Việt Nam sau ra trường hết sức vất vả để tìm việc vì đa số trường học chưa chú trọng phát triển bộ phận quan hệ doanh nghiệp, hay nhiều trường hợp sinh viên muốn khởi nghiệp nhưng không có kinh nghiệm kêu gọi vốn và không được hỗ trợ từ chính phủ, cũng không nhận được sự tư vấn dẫn dắt từ người có kinh nghiệm trong quá  trình khởi nghiệp công nghệ, sau đó  đến khi các doanh nhân đã khởi nghiệp bước đầu thành công cũng không có sự liên kết với các bên cần thiết để tìm kiếm nguồn nhân sự thích hợp.

Một vấn đề thứ hai cũng đáng quan tâm: sinh viên công nghệ thông tin thường khó tìm được “đất lành” để trau dồi các kiến thức chuyên môn đã học và tích lũy kinh nghiệm. Lấy ví dụ về cơ hội việc làm của các sinh viên công nghệ ở Mỹ: để thực hiện mục tiêu dài hạn xây dựng sự nghiệp riêng cho mình họ thường khởi đầu bằng một kế hoạch chiến lược đó là đầu quân ở các công ty/tập đoàn công nghệ. Khi đó những tập đoàn như IBM, HP, Facebook, Google,… là những lựa chọn hoàn hảo với các chương trình tuyển dụng dành cho các tân cử nhân. Thêm nữa các tập đoàn này cũng sẽ là động lực để phát triển cũng như cơ hội hợp tác khi các công ty khởi nghiệp lớn lên. Tuy nhiên sinh viên Việt Nam lại không có nhiều lựa chọn cho điểm đến vì chúng ta chỉ có Unilever, P&G, Kinh Đô… nơi mà sản phẩm chủ lực hoặc thế mạnh của họ không phải là công nghệ. Ở các công ty này công nghệ chỉ được sử dụng để giải quyết những bài toán trong kinh doanh sản xuất của họ (và thường là các công nghệ ứng dụng với các vấn đề được giải quyết rập khuôn có sẵn) ví dụ như sử dụng công nghệ trong việc hạch toán tài chính, nhân sự, quản lý chất lượng sản phẩm, CRM, logistic… Chúng ta cần nhiều cơ hội việc làm và sự hỗ trợ hơn từ các tập đoàn công nghệ trong nước như FPT, BKAV, CMG, etc.

Khi đó những sinh viên công nghệ theo đuổi con đường tích lũy kiến thức để khởi nghiệp sẽ lựa chọn làm việc tại các công ty công nghệ đầu tư nước ngoài như Intel, Microsoft hay IBM…Chưa kể, số lượng cơ hội cũng không phải quá nhiều. Tuy nhiên, về công nghệ, phần lớn các công ty này chỉ thuê ngoài nhân công Việt Nam để viết phần mềm hay để hoàn thành công đoạn cuối cùng ít giá trị nhất của chuỗi cung ứng nhờ ưu điểm nguồn nhân công giá rẻ. Phần nhiều thời gian, kinh nghiệm mà các sinh viên ấy học được chỉ quẩn quanh các công việc viết phần mềm, lập trình…và phải cần thời gian rất dài để có đủ va chạm và phát triển các kỹ năng xử lý giải pháp tổng thể. Nhìn vào bức tranh lớn đó, có thể nhận định việc các công ty lớn thuê nhiều nhân công giá rẻ Việt Nam cũng đã vô hình tạo ra một bài toán thách thức trí tuệ và doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ Việt Nam.

Do chỉ nhìn từ một mảng của bức tranh tổng thể, nên khi bắt đầu khởi nghiệp thì phần lớn doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về nhận định các bài toán kinh tế xã hội và các thách thức phải giải quyết, chiến lược sản phẩm, nhân lực quả lý, tiếp cận vốn, mạng lưới đối tác, thị trường… Vì từ trong tiềm thức nhiều người khởi nghiệp chỉ tập trung vào kỹ năng cứng mà không phải là các yếu tố “mềm” cần thiết để phát triển chiến lược xây dựng thị trường cho sản phẩm. Những kỹ năng thực tế này chỉ được hướng dẫn ở một số chương trình học nhất định ở các trường đại học và thường chỉ ở hình thức lý thuyết cơ bản. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện chưa có nhiều trường dạy về khởi nghiệp và lãnh đạo, nên những người mới ra trường hoặc chỉ có kinh nghiệm làm công thường thiếu những kĩ năng cốt lõi của một doanh nhân để thành công.

Tuy nhiên dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, tôi cũng khá lạc quan Việt Nam có thể tận dụng những cơ hội để vượt qua thách thức. Chúng ta có nguồn nhân công dồi dào được đào tạo chuyên môn cơ bản, cơ hội làm việc tại các công ty thuê ngoài giúp lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, học hỏi cách thức làm việc chuyên nghiệp và từ đó nắm bắt được xu hướng thị trường. Nếu họ biết định hướng nghề nghiệp và không ngừng nỗ lực trang bị thêm các kỹ năng hữu ích cho việc khởi nghiệp thì trong tương lai chúng ta chắc chắn sẽ lạc quan hơn khi nghĩ về các công ty khởi nghiệp “made in Viet Nam” và các sản phẩm hoàn toàn được xây dựng và phát triển bởi người Việt. Đồng thời, chúng ta cũng rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ các tổ chức – trường học về khởi nghiệp, đào tạo kỹ năng mềm chuyên nghiệp và thiết thực giúp các sinh viên mới ra trường hay những người muốn trang bị kiến thức về lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, để doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn, có khả năng phát triển một sản phẩm có giá trị mang thương hiệu của mình hơn là chỉ đơn thuần cung cấp nhân sự cho các dự án “thuê ngoài”.

Về phía các công ty khởi nghiệp công nghệ mới, theo tôi họ cần phải có một giải pháp riêng cho thị trường Việt Nam, không nên chỉ đơn thuần sao chép các sản phẩm thành công của nước ngoài. Chẳng hạn các bạn có thể tham khảo việc cho ra đời một sản phẩm công nghệ phục vụ cho việc giáo dục trực tuyến – một sản phẩm OTT không chỉ mang tính giải trí mà còn giàu tính cộng đồng, hay một giải pháp công nghệ hỗ trợ ngành logistic hoặc có thể hãy nghĩ đến giải pháp thanh toán tiện lợi và tối ưu nhất để phục vụ cho người dùng Việt Nam. Vẫ
n còn những “dại dương xanh” cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam trong tương lai, vấn đề là chúng ta có sẵn sàng nắm bắt các cơ hội đó chưa. Tôi chỉ là người đặt ra những gợi ý dưới góc độ của một nhà đầu tư, và tôi hy vọng một trong số các bạn đọc bài viết này sẽ bắt tay giải quyết các bài toán đó.

Hoàng Đức Trung

Tags: