KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ TẠI VIỆT NAM – “BONG BÓNG CÔNG NGHỆ” HAY ĐẠI DƯƠNG HÃY CÒN XA?

Những năm gần đây thị trường các công ty khởi nghiệp Công Nghệ tại Việt Nam trở nên khá sôi động, trong đó phải kể đến sự thành công của Vietnamworks, Vatgia, Zalo hay Foody. Đó cũng là nguồn cảm hứng để các “tay chơi” và các đội ngũ sáng lập đua nhau tấn công […]

Đã cập nhật 22 tháng 10 năm 2015

Bởi TopOnMedia

KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ TẠI VIỆT NAM – “BONG BÓNG CÔNG NGHỆ” HAY ĐẠI DƯƠNG HÃY CÒN XA?

Những năm gần đây thị trường các công ty khởi nghiệp Công Nghệ tại Việt Nam trở nên khá sôi động, trong đó phải kể đến sự thành công của Vietnamworks, Vatgia, Zalo hay Foody. Đó cũng là nguồn cảm hứng để các “tay chơi” và các đội ngũ sáng lập đua nhau tấn công vào mảnh đất công nghệ và mơ ước về một sản phẩm thành công “made-in-Vietnam”. Trong bối cảnh đó, có một vài quan điểm cho rằng ở Việt Nam sắp diễn ra “tech boom” (bong bóng công nghệ) như nước Mĩ vào những năm 1997-2000. Liệu đó có phải là tương lai gần đối với thị trường công nghệ Việt Nam?

bong-bong-cong-nghe

Để phân tích bài toán trên, trước hết hãy nhìn lại nguyên nhân tại sao bong bóng công nghệ xảy ra ở Mĩ. Có nhiều nguyên nhân tuy nhiên nguyên nhân chính là với sự phát triển bùng nổ của kết nối internet và world wide web (www), rất nhiều công ty dot-com ra đời mang theo nhiều kỳ vọng vào sản phẩm và dịch vụ mới. Chính niềm tin vào sự phát triển mạnh trong tương tương lai của ngành công nghệ thông tin đã thôi thúc các nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu của các công ty công nghệ cao. Điều này lý giải, một lượng lớn tiền của xã hội được rót vào các dự án công ty công nghệ, khi mà chỉ cần với chữ “e” ở trước và “.com” sau tên công ty, giá cổ phiếu có thể tăng vọt. Đồng thời ở thời điểm này, Mĩ có sẵn một “sân chơi chung”  là thị trường chứng khoán, nơi bất kỳ công ty khởi nghiệp nào cũng có thể tham gia để gọi vốn. Giá cổ phiếu của các công ty công nghệ tăng trưởng quá nhanh trong một khoảng thời gian ngắn kèm theo lợi nhuận cao tạo nên sự sôi động trong thị trường vốn khi nhà đầu tư tự tin thái quá vào tiến bộ công nghệ và bỏ qua những phương thức đo lường hiệu quả đầu tư thông thường. Hậu quả nhiều công ty công nghệ không thể phát triển và bong bóng công nghệ đã xảy ra gây thiệt hại cho rất nhiều nhà đầu tư và xã hội.

Soi chiếu vào tình hình ở Việt Nam hiện nay, chỉ xét yếu tố chủ quan bản thân của các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã khiến chúng ta phải suy ngẫm. Thị trường công ty khởi nghiệp công nghệ  tại Việt Nam chiếm đa số bởi các công ty nước ngoài nổi bật là Uber, Viber, Zalora…, họ không chỉ có tiềm lực tài chính vững chắc mà còn nhiều kinh nghiệm và đã gặt hái được nhiều thành tựu nhất định ở thị trường khác do đó khó khả năng thành công trong kinh doanh sẽ cao hơn. Hãy thử quan sát có bao nhiêu dự án khởi nghiệp công nghệ Việt Nam đã thành công kêu gọi vốn đầu tư và hoàn vốn lại cho nhà đầu tư? Hay có bao nhiêu công ty khởi nghiệp Việt Nam đã được niêm yết giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán? Hầu như rất ít, vì họ gặp phải rất nhiều rào cản và một trong số đó là hệ sinh thái khởi nghiệp của nước ta chưa hoàn thiện (tôi sẽ phân tích sâu hơn về vấn đề này ở bài tiếp theo).

Ngoài ra tâm lý của nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng là một trong các yếu tố chính quyết định các dự án khởi nghiệp công nghệ Việt Nam được sống sót hay chết yểu từ trong giai đoạn dự án. Nhà đầu tư Việt Nam từ lâu đã quen với các phương thức đầu tư truyền thống như bất động sản, vàng, ngoại tệ hay chứng khoán…nhờ tính thanh khoản cao và dễ dàng giao dịch. Đầu tư vào các công ty công nghệ đối với các nhà đầu tư Việt Nam là một khái niệm còn khá mới và tiềm ẩn nhiều rủi ro do đó để thuyết phục các nhà đầu tư Việt Nam chịu góp vốn vào một dự án khởi nghiệp là điều không dễ dàng. Và nếu có các nhà đầu tư ưa mạo hiểm sẵn sàng đổ tiền vào các dự án của Việt Nam thì đó cũng là một thách thức về chất lượng đối với các dự án của chúng ta. Chưa kể cú sốc bong bóng công nghệ quá lớn đủ để thức tỉnh và là bài học giúp các nhà đầu tư nhận ra đâu thật sự là quả trứng vàng trong thời buổi công nghệ không còn là một điều gì đó quá mới mẻ quá bất ngờ như những năm 2000.

tech-boom

Về phía các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Mỹ và Châu Âu. Để thành công thuyết phục họ ủng hộ các dự án khởi nghiệp công nghệ Việt Nam, chúng ta không chỉ đối mặt với vấn đề về khoảng cách địa lý mà còn ở vấn đề nhận thức và lòng tin. Khi đó chúng ta phải tự mình chuẩn bị thật tốt câu trả lời mà chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đặt ra như: Tại sao chúng tôi phải chọn thị trường Việt Nam? Tại sao phải là công ty bạn? Làm thế nào để thu hồi vốn? Và quan trọng là: Tại sao phải chọn công nghệ của Việt Nam? Nhắc đến nền công nghệ Mỹ thì hẳn ai cũng biết, ai cũng hiểu, ai cũng tin. Nhưng liệu trình độ công nghệ ở Việt Nam đã đạt đến mức “đột phá” chưa hay chúng ta vẫn chỉ dừng lại ở việc cải tiến một mô hình kinh doanh thành công ở một thị trường khác? Đây rõ ràng là một dấu hỏi lớn bởi vì để làm tới được “disruptive technology” đòi hỏi trình độ giáo dục công nghệ và hạ tầng kỹ thuật của một nước phải đạt tới một mức nhất định.  Hiện tạiphải thừa nhận rằng các trường đại học và các doanh nghiệpViệt Nam vẫn đang trong quá trình nỗ lực nhưng vẫn chưa có các thành tựu đáng kể.

Tóm lại, xét về phương diện tổng thể, các công ty khởi nghiệp của Việt Nam chưa đủ thuyết phục mạnh trong việc chứng minh Việt Nam là một quốc gia nổi trội về công nghệ và/hoặc một quốc gia nổi trội về ứng dụng công nghệ để các nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn vào các dự án của mình. Do đó có thể nói việc một lượng tiền lớn của xã hội đổ vào các công ty công nghệ khởi nghiệp Việt Nam nếu có thể xảy ra thì sẽ ở một tương lai nào đó chứ không phải là bây giờ và việc xảy ra bong bong công nghệ ở thời điểm hiện tại là không thể.

Hoàng Đức Trung

Tags: