Lập kế hoạch tổ chức sự kiện đám cưới là công việc hết sức quan trọng để đám cưới được diễn ra hoàn hảo, trọn vẹn nhất. Hầu hết các cô dâu, chú rể đều chưa có kinh nghiệm chuẩn bị đám cưới, nên thường có những bối rối xen lẫn tâm trạng mong chờ cho ngày trọng đại ấy.
Để ngày cưới của các bạn được trọn vẹn, Cleanipedia sẽ hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức đám cưới từ A đến Z, để các bạn sẵn sàng cho những checklist quan trọng trước ngày cưới nhé.
Lên kế hoạch tổ chức trước ngày cưới 3 tháng
1. Họp mặt hai bên gia đình
Họp gia đình là một sự kiện quan trọng, giúp gia đình hai bên thông gia hiểu nhau hơn. Đây cũng là thời điểm phù hợp để hai gia đình thống nhất kế hoạch cưới hỏi cho đám cưới diễn ra thật chu đáo, suôn sẻ.
2. Xem ngày cưới hỏi
Đây là một tín ngưỡng văn hóa đẹp của Việt Nam. Việc chọn ngày lành tháng tốt là mong muốn cho cô dâu chú rể lập gia đình mới được nhiều phước lành, vạn sự hanh thông.
3. Sửa sang nhà cửa
Đây chắc chắn là công việc mà nhà trai nào cũng cần phải thực hiện sớm. Gia đình nhà trai cần tạo một không gian riêng tư, dọn dẹp, sơn sửa lại nhà cửa, bổ sung các vật dụng cần thiết cho phòng cưới để sẵn sàng đón cô dâu về nhà mới.
Bên cạnh đó, bạn đừng quên sắp xếp bố trí phòng ngủ vợ chồng theo phong thủy để tình cảm vợ chồng thăng hoa và hạnh phúc.
4. Dự trù kinh phí đám cưới
Tùy theo khả năng của mỗi gia đình, hai bên có thể lên danh sách các chi phí cần thiết chuẩn bị cho đám cưới. Tuy mức chi của mỗi gia đình có thể thay đổi, nhưng các bạn có thể tham khảo những mục chung và sính lễ cưới mà hầu hết các đám cưới cơ bản cần có như sau.
Nhà trai cần chuẩn bị những gì
1 | Sính lễ cưới: nhẫn cưới, trang sức cưới | 5 | Tiền trang phục cho cha, mẹ |
2 | Mâm quả cưới | 6 | Tiền dựng rạp cho đám hỏi |
3 | Tiền nộp tài | 7 | Tiền thuê xe hoa, xe rước dâu |
4 | Tiền thiệp cưới | 8 | Tiền tiệc cưới |
Nhà gái cũng cần chuẩn bị nhiều thứ, bạn có thể tham khảo bảng sau:
1 | Tiền in thiệp | 4 | Tiền đội bưng quả/bê tráp |
2 | Tiền trang phục cho cha mẹ | 5 | Tiền đãi tiệc |
3 | Tiền trang điểm, váy cưới cô dâu | 6 | Một số chi phí phát sinh khác |
5. Chọn địa điểm/phong cách chụp ảnh cưới
Ngày nay, việc chụp ảnh cưới đã rất dễ dàng với đa dạng lựa chọn từ phong cách ảnh cho đến địa điểm chụp ảnh. Tùy vào sở thích và kinh phí của cô dâu, chú rể, có rất nhiều địa điểm chụp ảnh hay ho trong và ngoài nước, cũng như các studio uy tín để các bạn lưu giữ bộ ảnh cưới cho mình.
Tuy nhiên, khi lựa chọn địa điểm chụp ảnh cưới, ngoài phong cảnh đẹp, background ấn tượng…cô dâu chú rể nên chú ý thêm điều kiện thời tiết để có thể có những bức ảnh cưới ấn tượng và lưu giữ những kỷ niệm đẹp của mình nhé.
6. Lên danh sách khách mời
Để tránh trường hợp mời thiếu bạn bè thân quen, bạn nên lập danh sách này sớm và kiểm tra lại nhiều lần trước khi quyết định viết thiệp mời. Hãy liệt kê danh sách theo nhóm như: đồng nghiệp/bạn bè của cha mẹ, bạn học, đồng nghiệp….
Lên kết hoạch tổ chức trước ngày đám cưới 1 tháng
1. Lựa chọn địa điểm tổ chức đám cưới – Lên thực đơn
Sau khi đã lên được số lượng khách mời, chuẩn bị ngân sách rõ ràng cho đám cưới, bạn hãy lựa chọn địa điểm tổ chức đám cưới và lên thực đơn ngay. Một số thời điểm trong năm, việc đặt tiệc cưới vào “ngày đẹp, giờ đẹp” cũng rất nhanh hết suất, do đó bạn nên nhớ lưu ý đừng quên việc quan trọng này nhé.
Tùy theo kinh tế, bạn có thể chọn tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng hoặc tự trang trí tổ chức đám cưới tại nhà.
2. Đặt thiệp mời đám cưới – Viết thiệp mời
Ngày nay, có rất nhiều kiểu thiệp mời sáng tạo, thể hiện được phong cách của mỗi cặp đôi. Các đơn vị in ấn thiệp mời đám cưới cũng hết sức nhanh nhay và cung cấp dịch vụ đa dạng để các cô dâu, chú rể tương lai có thể chọn được phong cách thiệp cưới ưng ý cho đám cưới của mình.
3. Thử váy cưới – vest đám cưới
Đây là công việc dễ thương nhất trong checklist đúng không nào. Hãy lựa chọn cho mình một trang phục cưới đúng sở thích, vừa vặn, thoải mái và trở thành những cô dâu, chú rể đẹp nhất trong ngày trọng đại của cuộc đời nhé.
4. Chọn nhẫn cưới
Cặp nhẫn cưới vẫn luôn là một kỷ vật tình yêu rất thiêng liêng của các cặp vợ chồng. Ngoài lựa chọn chọn trang sức được thiết kế sẵn, các bạn cũng có thể tự thiết kế cho mình một cặp nhẫn dành cho tân lang, tân nương để kỷ niệm ngày đặc biệt của cuộc đời mình.
Trước ngày cưới 2 tuần
1. Gửi thiệp cưới tới khách mời
Hãy nhớ gửi thiệp sớm để khách mời của gia đình có thời gian chuẩn bị, lên kế hoạch dự đám cưới của bạn.
2. Đặt rạp cưới
Hãy lựa chọn những dịch vụ uy tín khi đặt rạp cưới. Thông thường các dịch vụ rạp sẽ đi kèm với bàn ghế, bình trà, ly tách, các vật dụng phát sinh khác tùy theo chi phí của mỗi gói dịch vụ. Bạn nhớ tham khảo kỹ vấn đề này nhé.
3. Đặt xe đưa rước
Hãy đặt xe đưa rước cho những người tham gia đám lễ của bạn. Ngoài ra, việc mời người thân, họ hàng của bạn tham gia đoàn hỏi cũng nên cần chú ý. Hãy đến thăm hỏi sớm để ướm hỏi ý kiến của mọi người để bạn có thể gửi lời mời đến những người khác nếu những người có mặt trong danh sách ban đầu của bạn không thể tham gia.
4. Lựa chọn đội bưng quả/bê tráp
Cô dâu chú rể thường hay nhờ hỏi anh chị em, bạn bè của mình tham gia đội bê tráp này. Đây cũng là một cách để ghi lại những kỷ niệm đẹp cho đám cưới của bạn đó.
5. Lựa chọn decor đám hỏi/đám cưới
Ngày nay, có rất nhiều các đơn vị thực hiện dịch vụ decor đám hỏi/đám cưới rất chuyên nghiệp và lộng lẫy. Tuy nhiên, nếu hai bạn muốn tự mình thực hiện thì việc này cũng không quá khó khăn.
Trước đám cưới 1 ngày
Thư giãn, nghỉ ngơi
Bạn hãy luôn ghi nhớ, cô dâu chú rể là người quan trọng nhất trong ngày này. Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để tận hưởng thời khắc thiêng liêng, trọng đại của cuộc đời bạn nhé.
Thủ tục làm đám cưới cho nhà trai
Chuẩn bị đón dâu
Trước khi sang nhà gái, các trưởng bối sẽ chuẩn bị, kiểm tra thật cẩn thận sính lễ – mâm quả và chú rể thắp hương để xin phép ông bà tổ tiên đi rước dâu về nhà.
Lễ rước dâu
Đến cổng nhà gái, đại diện nhà trai xin nhà gái được nhập gia và hai bên uống rượu, bắt tay. Sau khi thực hiện xong những nghi lễ ở nhà gái, nhà trai sẽ làm lễ rước dâu để đón cô dâu về nhà mình.
Cô dâu được đón bằng xe hoa của nhà trai đưa đến. Tùy phong tục của mỗi miền và địa phương mà đoàn rước dâu có ba mẹ đi cùng hay không. Theo phong tục miền Bắc và miền Trung ba mẹ cô dâu sẽ không theo đoàn rước dâu bởi ngại cảnh chia ly. Còn miền Nam thì phóng khoáng hơn, cha mẹ cô dâu sẽ theo đoàn rước dâu đưa con gái về nhà chồng vì đây là niềm tự hào có ý nghĩa đặc biệt với cô dâu và chú rể.
Cử hành hôn lễ
Khi đến nhà trai, họ hàng hai bên gia đình ổn định chỗ ngồi để tiến hành làm lễ. Lễ gia tiên là nghi lễ chính thức nên duyên vợ chồng của đôi trai gái. Trong lễ gia tiên, cô dâu và chú rể thắp hương cúi lạy tổ tiên, ông bà quá cố. Sau đó, cô dâu sẽ dâng trà hoặc rượu ra mắt cho ông bà và cha mẹ chồng.
Sau khi thực hiện xong nghi lễ với ông bà, cha mẹ đôi uyên ương sẽ được họ hàng nhà trai trao quà mừng như trang sức hoặc tiền.
Kết thúc lễ gia tiên, cô dâu và chú rể sẽ đãi tiệc mời người thân, bạn bè, hàng xóm. Trong quá trình đãi tiệc cô dâu và chú rể sẽ cắt bánh, rót rượu, uống giao bôi. Tiệc cưới diễn ra, cô dâu và chú rể sẽ đi mời rượu từng bàn tiệc. Đồng thời, trên sân khấu buổi lễ sẽ diễn ra những tiết mục ca hát sôi động chúc mừng đến đôi vợ chồng mới này.
Thủ tục làm đám cưới cho nhà gái
Cử hành hôn lễ
Trước cổng nhà gái, đội hình bưng quả hai bên đứng đối diện nhau. Sau khi bưng quả nhà trai trao mâm quả cho nhà gái. Sau đó bưng các mâm quả vào để lên bàn thờ gia tiên. Hai bên giới thiệu nhau và được sự chấp thuận của nhà gái đại diện nhà trai sẽ mở nắp các mâm quả và nói ý nghĩa của các sính lễ.
Cô dâu được mẹ dắt ra để ra mắt họ nhà trai. Sau đó, chú rể sẽ đón và trao hoa cho cô dâu rồi chào ba mẹ, họ hàng hai bên. Chú rể cùng cô dâu thắp nén hương trước bàn thờ gia tiên nhà gái, sau đó cả hai lạy cha mẹ trước bàn thờ để tỏ lòng biết ơn và công sinh thành.
Trước sự chứng kiến của đông đảo họ hàng, gia phụ hai bên sẽ trao tín vật cho cô dâu chú rể như của hồi môn. Tiếp đó, cả hai trao nhau nhẫn cưới với những lời chúc phúc của người thân trong gia đình. Rồi nhận quà cưới của họ nhà gái như vàng hoặc tiền.
Sau đó, đại diện nhà trai sẽ thay lời chú rể và xin rước dâu về nhà mình. Họ nhà gái cũng theo xe hoa về nhà trai làm lễ và dự tiệc cưới.
Lễ lại mặt
Sau lễ cưới 1 – 4 ngày, mẹ chồng sẽ chuẩn bị cho đôi vợ chồng mới một mâm lễ nhỏ để cả hai mang về nhà gái. Thời gian lại mặt sẽ phụ thuộc vào khoảng cách địa lý, điều kiện của hai nhà cũng như công việc của đôi bạn trẻ.
Tổ chức đám cưới mùa dịch Covid cần làm gì?
- Hạn chế số lượng người tham gia: tránh tập trung đông người theo chỉ đạo của chính phủ. Gia đình hai bên nên hạn chế việc mời quá nhiều người.
- Chọn thuê dịch vụ tiệc cưới: tổ chức tiệc cưới tại nhà thì hai bên gia đình nên gộp lễ ăn hỏi, đón dâu, tổ chức tiệc vào cùng một ngày. Còn tổ chức ở trung tâm tiệc cưới với quy mô hợp lý chỉ nên mời những người thân thiết.
- Chọn thực đơn phù hợp với món ăn, thức uống dinh dưỡng: bạn có thể dùng nước trái cây giàu vitamin thay bia để tiếp đãi khách. Giúp mọi người tăng đề kháng, khỏe mạnh hơn trong mùa dịch.
- Chuẩn bị đồ dùng phòng chống dịch: bạn nên chuẩn bị nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn và dụng cụ đo thân cho khách mời đến dự tiệc. Đây là cách bảo vệ bạn cùng những người tham gia tiệc cưới. Giúp đám cưới của bạn diễn ra tốt đẹp và viên mãn nhất trong mùa dịch này.
Cần lưu ý, giảm số lượng ghế ngồi và đặt bàn tiệc cách xa nhau. Thời gian tổ chức tiệc vừa đủ để ăn uống, cô dâu chú rể chào hỏi đến khách mời. Đặc biệt, chọn đơn vị nấu ăn uy tín để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên chọn những món ăn sống, tái, hoặc gỏi.
Mong rằng, những chia sẻ của Cleanipedia sẽ giúp bạn có những lựa chọn tốt nhất. Đừng quên ghé thăm Cleanipedia để tham khảo những mẹo hay về chăm sóc gia đình, nhà cửa nhé.
>>> Xem thêm;