Antony Jenkins – cựu CEO Barclays nói rằng ông nhận thấy một tương lai mù mịt phía trước dành cho những ngân hàng toàn thế giới.
Trong bài phát biểu tại London vào tuần này, ông nói: “Những đế chế ngân hàng khổng lồ có nguy cơ trở thành tiện ích cung cấp vốn đơn thuần, hoạt động trong một môi trường pháp lý khắt khe và lợi nhuận thấp – một tình huống rõ ràng không thể làm hài lòng các cổ đông”. Khoảng 50% những chi nhánh và nhân viên trong các bộ phận liên quan tới dịch vụ tài chính ở ngân hàng sẽ bị cắt giảm trong vòng 10 năm tới.
Ông Jenkins cho rằng giống với cách Uber làm thay đổi hoàn toàn thị trường taxi truyền thống. Thời gian tới có thể sẽ chứng kiến sự cắt giảm khoảng 50% số lượng các ngân hàng truyền thống. Trong khi đó, lợi nhuận một vài mảng kinh doanh của các ngân hàng có thể giảm tới 60%. Đây rõ ràng là một dự đoán hoàn toàn có cơ sở bởi nó được tuyên bố bởi người từng điều hành một trong những ngân hàng lớn nhất nước Anh.
Cựu CEO Barclays – Antony Jenkins
Ông Jenkins nói thêm: “Theo quan điểm của tôi, sẽ chỉ có một vài ngân hàng đủ can đảm và quả quyết để giành chiến thắng trong lĩnh vực mới”.
Vậy vấn đề ở đây là gì?
Công nghệ tài chính, hay còn được biết đến với cái tên “fintech”
Jenkins – người đã rời khỏi vị trí CEO của ngân hàng Barclay vào tháng 6 vừa qua nói rằng: “Làn sóng những công ty khởi nghiệp Công Nghệ mới nổi sẽ làm tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với những ngân hàng lớn. Điều này dẫn đến sự sụp đổ một số mảng kinh doanh truyền thống như cho vay, thanh toán và quản lý tài sản”.
Thực tế Jenkins không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty phần mềm Temenos công bố vào thứ 5 vừa qua cho thấy, 27% lãnh đạo các ngân hàng có chung suy nghĩ rằng công ty công nghệ là mối đe dọa lớn đối với mảng kinh doanh của các ngân hàng. Một số công ty khởi nghiệp có thể kể đến như Lending Club và Funding Circlr (mảng cho vay), Square (thanh toán), Nutmeg (quản lý tài sản) và TransferWise (thanh toán quốc tế). Sau khi tới thung lũng Silicon và tiếp cận với một số fintech, Jenkins đã hoàn toàn bị thuyết phục rằng dịch vụ tài chính của các ngân hàng sẽ sớm sụp đổ giống như các nhà xuất bản, viễn thông và ngành Công Nghiệp âm nhạc.
Ông nói:
“Các ngân hàng lớn sẽ phải trải qua áp lực không hề nhỏ. Họ sẽ gặp khó khăn trong việc áp dụng những công nghệ mới đủ nhanh để bắt kịp đối thủ cạnh tranh. Từ đó, khó có thể đáp ứng những yêu cầu về lợi nhuận theo đúng mong đợi của các cổ đông. Hậu quả cuối cùng là buộc các ngân hàng lớn phải tự động hóa đáng kể các mảng kinh doanh của họ. Cá nhân tôi dự đoán rằng, khoảng 50% chi nhánh và nhân viên trong các bộ phận liên quan tới dịch vụ tài chính ở ngân hàng sẽ bị cắt giảm trong vòng 10 năm tới. Thậm chí, nếu thực tế không xảy ra tồi tệ như vậy thì mức thấp nhất vẫn là 20%”.
Đây sẽ là tỷ lệ cắt giảm khổng lồ. Dự đoán này trùng khớp với thông báo mới đây của ngân hàng Lloyds khi họ cho biết sa thải 1.000 nhân viên trong nỗ lực giảm chi nhánh và chuyển sang tự động hóa. Jenkins cũng chỉ ra nghiên cứu từ McKinsey cho rằng công nghệ sẽ lấy đi 2/3 lợi nhuận từ mảng cho vay bán lẻ, vay mua ô tô và thẻ ghi nợ.
Vậy tại sao các ngân hàng đột nhiên phải đối mặt với tình trạng tồi tệ như vậy?
Có 2 nguyên nhân chính:
Đầu tiên là khủng hoảng tài chính năm 2008. Nó không chỉ dẫn tới sự mất tin tưởng vào những ngân hàng lớn mà còn khiến mọi người sẵn sàng và cởi mở hơn đối với những công ty khởi nghiệp mới. Ngoài ra, nó cũng dẫn tới sự dư thừa các tài năng – những người am hiểu thế giới tài chính và khao khát tìm kiếm những điều mới mẻ. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng này còn làm gia tăng các quy định buộc nhiều ngân hàng phải bỏ qua các nhu cầu của khách hàng. Lý do thứ 2 là chi phí của việc khởi tạo một doanh nghiệp công nghệ đang ngày một giảm. Sự xuất hiện của điện toán đám mây hay API (giao diện lập trình ứng dụng) cũng khiến chi phí giảm xuống. Một báo cáo của CB Insight vào đầu năm nay dự đoán rằng chi phí để mở một công ty khởi nghiệp chỉ còn 5.000 USD vào năm 2011. Dù khá bi quan về triển vọng trong tương lai của những ngân hàng lớn nhưng Jenkins cho rằng đây chưa phải ngày tận thế. “Những hoạt động của fintech có lẽ mới chỉ mới bắt đầu và thậm chí nhiều người còn cho rằng những công ty này chưa trang bị đủ công nghệ cần thiết.
Trong khi viễn cảnh fintech đang hình thành tại Anh thì chúng ta vẫn chờ đợi những dự án mang tính đột phá thực sự. Tuy nhiên, dòng vốn ồ ạt đổ vào lĩnh vực này khiến nó đang đến rất gần”.
Vậy, làm thế nào để những ngân hàng lớn ngăn chặn được nguy cơ này?
Theo Jenkins, họ cần xử lý 2 vấn đề cơ bản.
Đầu tiên, hội đồng quản trị cần phải thừa nhận một thực tế là chúng ta đang sống trong thế giới không liên tục. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo phải dám chấp nhận rủi ro, triển khai những dự án mà ít người dám làm. Thứ hai, không nên có một chiến lược công nghệ mà hãy thực hiện một chiến lược lấy công nghệ làm cốt lõi. Đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Thứ ba, các nhà lãnh đạo cần tạo ra sự khác biệt. Theo kinh nghiệm của tôi, việc mãi làm theo một mô hình cố định chính là rủi ro lớn nhất.
Hiện tại khi Jenkins không còn nắm quyền điều hành, Barclay đang triển khai nhiệm vụ lớn liên quan tới công nghệ. Họ hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp và làm việc với các blockchain – công nghệ làm nền tảng cho tiền ảo bitcoin để cải thiện hệ thống thanh toán.
Trên thực tế, rất nhiều ngân hàng lớn cũng đang dành ưu tiên hàng đầu cho công nghệ, dù là bằng cách này hay cách khác. Ít hơn 1/3 nhân viên Goldman Sachs hiện tại là kỹ sư – tương đương 11.000 người. Hiện tại, họ đang triển khai nhiều dự án lớn bao gồm cả nền tảng cho vay trực tuyến Symphony và “kho ứng dụng” Marquee đang được sử dụng bởi hàng ngàn người. Khảo sát của Temenos cho thấy, 56% những lãnh đạo ngân hàng cấp cao nói rằng họ lên kế hoạch chi nhiều tiền hơn cho công nghệ thông tin trong năm nay. Điều đáng nói đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu được thực hiện vào năm 2008.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu những thể chế ngân hàng khổng lồ kể trên có thể di chuyển đủ nhanh để đón đầu làn sóng thay đổi mới hay không mà thôi.
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ/BI