Thời gian để một chai nhựa phân hủy hoàn toàn trong môi trường kéo dài tự 70 năm cho đến 450 năm. Như vậy làm cách nào chúng ta có thể tái chế chai nhựa cũ và sử dụng một cách hợp lý? Cùng Cleanipedia tìm hiểu ngay bí quyết cách làm chậu hoa bằng chai nhựa độc đáo và tiết kiệm nhé!
1. Cách tái sử dụng chai nhựa thành giỏ đựng đũa muỗng xinh xắn:
Bạn nghĩ sao về việc tái chế chai nhựa cũ và vẽ những họa tiết xinh xắn biến chai nhựa thành dụng cụ nhà bếp – giỏ đựng đũa muỗng thật xinh? Để bắt đầu, bạn cần chuẩn bị các dụng cụ sau:
- Chai nhựa với kích cỡ và hình dáng bạn muốn
- Máy cắt hộp ( bạn cũng có thể dùng dao rọc giấy nhưng lưu ý an toàn nhé)
- Kéo
- Màu sơn, bút (có thể vẽ lên nhựa), cọ sơn,
- Móc treo hoặc keo dán tường (nếu muốn treo lên tường)
Hướng dẫn thực hiện cách làm giỏ đựng đũa muỗng bằng chai nhựa:
- Đầu tiên: Loại bỏ nhãn và keo dính trên vỏ chai của bạn (nếu có)
- Bước 2: Dùng máy cắt hoặc dao rọc giấy tạo hình cho chai nhựa bằng các đường đơn giản sau đó dùng kéo để cắt
- Sau đó: Sử dụng máy cắt hoặc dao rọc giấy cẩn thận tạo các lỗ thoát nước nhỏ ở dưới đáy
- Tiếp theo: Vệ sinh chậu và lau đi những vết đánh dấu, bụi, nước đọng còn sót lại để giỏ đựng hoàn toàn sạch sẽ, khô ráo.
- Cuối cùng: Dùng cọ vẽ những chi tiết đáng yêu cho giỏ đựng đũa muỗng thêm sinh động.
Hoàn thành 5 bước làm giỏ đựng đũa muỗng trên, để giỏ đựng ra nơi khô ráo và hoàn thành bằng việc treo lên và đựng đũa muỗng thật khô ráo sau khi rửa chén bạn nhé.
2. Cách làm chậu hoa bằng chai nhựa trang trí trên bàn
Hãy tận dụng tái chế vỏ chai Coca cola, chai nước khoáng, hoặc bất kỳ một chai nhựa nào khác có hình dáng thích hợp để làm chậu hoa đơn giản để bàn nha.
Cách đơn giản nhất là cắt làm đôi, sau đó gắn miệng chai vào một đĩa CD cũ bằng keo silicon. Có thể dùng màu sơn và cọ để tạo ra những bức hình cute mà bạn thích.
Hoàn thành bằng việc trồng thêm vài cái cây kiểng và đặt nó lên một góc bàn ngay thôi. Với cách làm chậu hoa bằng chai nhựa trên bạn đã tự trang trí cho mình một góc bàn xinh xắn nhưng vô cùng tiết kiệm rồi.
3. Cách tái chế chai nhựa dùng để trồng rau
Những bức tường vườn trên sân thượng nhàm chán có khiến bạn cảm thấy tẻ nhạt? Hãy phủ xanh bức tường bằng một khu vườn rau treo tường xanh mướt. Bằng cách làm chậu hoa bằng chai nhựa đơn giản và tiết kiệm, bạn vừa có không gian xanh đẹp vừa góp phần tái chế chai nhựa bảo vệ môi trường.
Tùy theo diện tích mà bạn nên xây dựng bức tường ít hay nhiều cây, hãy xâu các chậu lại với nhau và treo trên tường, hàng rào hoặc lang can để tạo ra một khu vườn, trang trí bạn công độc đáo.
Với thiết kế này thì bạn nên tận dụng những chai nhựa dày và bền như chai nước ngọt để có thể chịu được môi trường bên ngoài mà không làm rách chậu.
4. Làm kệ sách bằng chai nhựa
Bước 1: Chuẩn bị
- Chai nhựa có kích thước lớn (các loại chai nhựa đựng nước xả vải, nước giặt), mỗi một chai nhựa sẽ tương ứng với một ngăn đựng sách
- Thanh gỗ để đặt các ngăn đựng sách lên
- Ốc vít để gắn các ngăn nhựa vào thanh gỗ
Bước 2: Cắt thân chai nhựa theo hình chữ L, (cắt bỏ phần quai và nắp của chai) sau đó cắt một bên thân chai (cắt một bên của phần thân ngắn hơn) sao cho giống hình của một giá đựng sách.
Bước 3: Dùng ốc vít để gắn các ngăn sách bằng chai nhựa lên thanh gỗ.
Đây là một sản phẩm handmade từ chai nhựa giúp bạn có thể dễ dàng phân loại sách và sắp xếp sách gọn gàng trên kệ.
5. Làm bình tưới cây nhỏ giọt từ chai nhựa
Tất cả những gì bạn cần chỉ là một chai nhựa có nắp, khoét một lỗ nhỏ trên nắp chai và treo ngược chai nước lên để nước nhỏ giọt xuống gốc cây. Đây là một ý tưởng phù hợp khi bạn muốn chăm sóc cây cảnh trong những ngày vắng nhà.
Lượng nước nhỏ giọt mỗi ngày sẽ giúp đất đủ ẩm mà bạn không cần phải tưới mỗi ngày. Cách này vừa giúp cây có điều kiện tốt để phát triển, vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian chăm sóc cây.
6. Tái sử dụng chai nhựa thành đồ trang trí
Bằng cách tái sử dụng chai nhựa bạn có thể tạo ra rất nhiều đồ trang trí trong nhà ví dụ như chuông gió, chong chóng, heo đất, búp bê, v..v. Việc làm đồ chơi từ chai nhựa cũng không còn xa lạ gì với chúng ta nữa, một cách làm vừa tiết kiệm lại vừa giúp bảo vệ môi trường.
Để làm chuông gió bạn chỉ cần cắt đôi chai nhựa, lấy phần thân trên (bao gồm nắp chai được đậy kín), gắn xung quanh thân chai các dây trang trí, hoặc dùng dây (dây vải, dây len, dây cước hoặc bất kỳ loại dây nào bạn muốn) nối thêm các quả chuông trang trí tùy thích.
Bạn có thể sơn màu cho phần chai nhựa, hoặc dán một vài sticker, dán các hoa lá hay hạt thông, bông tuyết lên thân chai để tạo điểm nhấn tùy theo mùa.
Treo “chuông gió” bạn vừa làm lên khung cửa sổ bằng cách đục lỗ trên nắp chai, nối dây để làm móc treo. Để chắc chắn hơn bạn có thể dùng thêm keo dính để cố định phần dây treo vào nắp chai.
7. Cốc đựng bàn chải đánh răng
Để có một cốc đựng bàn chải từ chai nhựa tái chế, bạn cần thu thập khoảng 1 chai nhựa lớn, và vài chai nhỏ hơn để bắt tay vào “chế tạo”.
Bước 1: Đầu tiện bạn cần một chai nhựa lớn, cắt đôi và lấy phần thân dưới. Đối với các chai nhựa nhỏ hơn, bạn cắt lấy phần miệng chai, mỗi miệng chai tương ứng với một lỗ trên thân chai lớn (để đặt bàn chải đánh răng).
Bước 2: Sau đó, khoét các lỗ nhỏ trên thân “cốc” để gắn các miệng chai vừa cắt ở bước 1. Bạn có thể gắn các miệng chai lên thân chai bằng cách hơ nhiệt, hoặc dùng keo dính.
Bước 3: Trang trí cốc này bằng cách sơn màu, hoặc quấn quanh chúng bằng các sợi dây cói hoặc dây thừng mini, dán các sticker hoặc gắn các loại hoa lá trang trí tùy ý.
Đây là một cách tái sử dụng chai nhựa đơn giản và cực kỳ hữu dụng cho mọi nhà.
8. Làm đồ đựng mút rửa chén
Để cho căn bếp của bạn thêm gọn gàng, bạn có thể biến hóa ngay cho mình một ngăn đựng mút rửa chén từ chai nhựa vừa tiện lợi vừa tiết kiệm.
Cắt đôi chai nhựa, điều chỉnh sao cho phần thân dưới chai cao khoảng 5-10cm, phần thân trên (miệng chai) sẽ dùng để úp ngược lên thân dưới. Như vậy là chúng ta đã có ngay dụng cụ để đựng mút rửa chén, phần nước thừa trên mút sẽ chảy xuống qua miệng chai và đọng lại trong thân chai.
Dụng cụ này sẽ giúp cho khu vực rửa chén gọn gàng, bảo quản mút rửa chén tốt hơn.
9. Tách lòng đỏ trứng bằng chai nhựa
Với cách tách lòng đỏ trứng này bạn chỉ cần một chai nước, dùng tay bóp phần thân chai sau đó đưa miệng chai đến sát lòng đỏ và thả tay ra, lực hút từ bên trong chai sẽ giúp bạn tách được lòng đỏ trứng một cách dễ dàng.
10. Cách tái sử dụng chai nhựa thành giá đựng thức ăn cho chim
Có rất nhiều đồ tái chế từ chai nước giúp cho cuộc sống trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn. Giá đựng thức ăn cho chim được làm từ chai nhựa sẽ giúp bạn không còn phải lo lắng về việc cho chim ăn mỗi ngày.
Dùng một chai nhựa, khoét hai lỗ đối diện nhau trên thân chai, đặt một thanh gỗ xuyên qua hai lỗ vừa khoét và đổ đầy thức ăn vào chai, đậy nắp chai lại và treo chai này lên. Một bên lỗ bạn khoét rộng hơn để cho chim dễ mổ lấy thức ăn từ đó, khi thức ăn vơi bạn chỉ cần đổ thêm vào và đậy nắp chai lại.
Vì một môi trường xanh sạch, hãy cùng nhau tái sử dụng chai nhựa, phân loại rác và không xả rác thải nhựa ra môi trường. Chúc các bạn thành công với các ý tưởng tái chế chai nhựa từ Cleanipedia.
Bên trên là những gợi ý của Cleanipedia về cách tái chế chai nhựa cũ độc đáo và tiết kiệm. Cleanipedia hi vọng bạn có thể chọn cho mình một phương pháp phù hợp nhất. Chúc bạn thành công! Cleanipedia rất mong nhận được phản hồi từ bạn.