Phải chăng chất lượng là yếu tố chính làm nên mức giá “trên trời” của các món hàng xa xỉ? Nếu đó là những gì bạn luôn nghĩ thì chắc hẳn bạn sẽ không khỏi thắc mắc rằng không biết tại sao có nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đô, thậm chí là hàng trăm và triệu đô để sở hữu những món hàng xa xỉ mà khi nhìn qua bạn phải thốt lên rằng “Cũng bình thường thôi mà!” hoặc “Chỉ thế thôi sao?”
Với những tín đồ cuồng hàng hiệu, điều họ mong muốn nhận được từ việc sở hữu một món hàng xa xỉ không chỉ gói gọn ở khía cạnh chất lượng và công năng mà còn là những giá trị và trải nghiệm tinh thần đặc biệt mà chỉ những sản phẩm này mới đem lại được.
Đầu tiên là giá trị thương hiệu. Với những nhà mốt có bề dày lịch sử như Burberry, Chanel, Gucci, Lanvin hay Louis Vuitton, để “sống” được trong lòng khách hàng qua hàng trăm năm, thương hiệu đã phải trải qua biết bao biến động và thăng trầm của thời cuộc để khẳng định vị thế bất biến trong lòng người yêu thời trang. Danh tiếng và uy tín được khẳng định qua chất lượng, giá trị tiên phong, tính nguyên bản cùng với sự khác biệt và độc nhất được hình thành từ nguyên liệu cao cấp kết hợp cùng quy trình sản xuất thủ công bậc thầy. Những tín đồ thời trang thực thụ là những người biết khẳng định “cái tôi” qua món hàng xa xỉ mà mình sử dụng, mà chỉ những thiết kế nguyên bản mới có thể thoả mãn khao khát này với định hướng đề cao tính cá nhân trong từng thiết kế.
Đắt giá hơn cả trong thế giới xa hoa phù phiếm là những thiết kế với số lượng giới hạn, chỉ sản xuất độc quyền khoảng một vài cái trên toàn thế giới. Đây là những món hàng xa xỉ chưa ra mắt đã được đặt sẵn hoặc được mua ngay chỉ sau vài phút chính thức giới thiệu.
Dùng hàng hiệu để khẳng định đẳng cấp và để tự tin hơn là một khái niệm không còn xa lạ với chúng ta. Và không ai có thể phủ nhận đây là một lý do rất hợp lý của giới doanh nhân và các nhân vật đình đám.
Với số đông, những giá trị này là sự xa hoa không cần thiết nhưng với những ai đã từng một lần sở hữu các món hàng xa xỉ này, sự khao khát trở nên “bất trị” và không thể ngừng lại được một khi đã trải nghiệm các “giá trị phù phiếm” mà những siêu phẩm xa hoa này mang lại. Lúc này, họ không mua một sản phẩm tinh xảo và bền bỉ mà thứ họ mua chính là một tác phẩm của sự “phối ngẫu từ đam mê, sáng tạo và tay nghề”, là những trải nghiệm riêng mà chỉ “báu vật” này mới có thể đem đến.