Khi giao dịch trong thị trường Forex, quản lý vốn luôn luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất giúp các Trader kiếm được lợi nhuận. Thế nhưng, việc thực hiện quản lý vốn forex lại không hề dễ dàng thực hiện đối với đa số các nhà giao dịch. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem có những vấn đề gì cần được giải quyết, cũng như làm thế nào để quản lý vốn một cách hiệu quả.
Khi anh em học về các chiến lược giao dịch Forex, bất cứ chiến lược nào cũng yêu cầu phải có những phương pháp quản lý vốn hiệu quả. Mặc dù tài liệu về quản lý vốn có thể được tìm thấy ở khắp nơi, nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng được các phương pháp quản lý vốn trong Forex một cách đúng đắn.
Trước khi tìm cách giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu quản lý vốn Forex là gì nhé.
1. Quản lý vốn Forex là gì
Quản lý vốn Forex là một tập hợp các kỹ thuật được sử dụng để quản lý nguồn vốn đầu tư, giúp giảm thiểu tổn thất và rủi ro về tiền bạc, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận và giúp anh em có lợi nhuận từ thị trường một cách bền vững.
Nhiều nhà giao dịch khi bắt đầu tham gia thị trường thường có xu hướng bỏ qua tầm quan trọng của việc quản lý vốn Forex, chính điều đó đã khiến cho tài khoản của họ thường xuyên bị “cháy” một cách nhanh chóng.
Tầm quan trọng của quản lý vốn đã được tất cả các nhà giao dịch chuyên nghiệp cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư tài chính công nhận, thậm chí nó luôn luôn được đặt lên hàng đầu và cần được tuân thủ một cách nghiêm ngặt nếu muốn thành công. Nếu anh em không phát triển khả năng quản lý vốn Forex của mình và sử dụng chúng một cách nhất quán thì anh em sẽ không thể có được lợi nhuận từ thị trường này.
Trong khía cạnh quản lý vốn, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau như phương pháp Martingale, phương pháp Kelly, hay quy tắc 2%… Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là sử dụng phương pháp nào, mà chính là vấn đề tâm lý của các nhà giao dịch trong quá trình thực hiện quản lý vốn Forex.
Bên cạnh đó, có rất nhiều nhà giao dịch chưa thật sự hiểu đúng về quản lý vốn Forex, từ đó dẫn đến những sai lầm cơ bản nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả giao dịch của họ. Trước khi tìm hiểu về các phương pháp quản lý vốn cụ thể, anh em cần nắm bắt được những vấn đề này để tránh xảy ra những sai sót không đáng có.
2. Những quan niệm sai lầm về quản lý vốn Forex
Chúng ta có 3 quan niệm rất phổ biến trong quản lý vốn, nhưng trên thực tế lại là những quan niệm sai lầm và khiến rất nhiều Trader bị ảnh hưởng khi tin tưởng vào chúng, cụ thể như sau:
2.1. Quan niệm 1: Nên tập trung vào số pips khi tính toán kết quả giao dịch
Có thể anh em cũng đã tự mình nghe nói về quan điểm này, khi người ta cho rằng chúng ta nên tập trung vào số pips được và mất thay vì quá bận tâm tới số tiền. Xét về mặt tích cực, cách quản lý vốn này giúp anh em không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi cảm xúc khi nhìn vào số tiền của mình.
Tuy nhiên, về bản chất thì giao dịch Forex có mục đích cuối cùng là để kiếm tiền, và anh em cần nhận thức được rủi ro về số tiền thực tế phải chịu cho mỗi giao dịch. Kết quả cuối cùng khi chúng ta lập một báo cáo tổng kết giao dịch phải là lãi hoặc lỗ bao nhiêu tiền chứ không phải là bao nhiêu pips.
Và mặc dù suy nghĩ về các giao dịch theo số pips sẽ giúp chúng ta thoải mái hơn, nhưng nó lại khiến cho việc giao dịch thiếu thực tế hơn. Đôi khi chính sự thoải mái trong tâm lý đó sẽ bị phản tác dụng và khiến chúng ta thiếu cẩn trọng, thiếu nghiêm túc hơn đối với các giao dịch của mình.
Ngoài ra, mỗi nhà giao dịch với số vốn khác nhau sẽ thực hiện những lệnh giao dịch với quy mô khác nhau. Khi đó nếu chỉ tính theo số pips là không thực tế. 1 pips với người này có thể là 1$, nhưng với người khác có thể là 10$, nên nếu không có các quy tắc quản lý vốn theo số tiền thực tế thì sẽ rất khó kiểm soát được tài sản của mình.
2.2. Quan niệm 2: Mạo hiểm tối đa 1% đến 2% số vốn cho mỗi giao dịch là cách để có lợi nhuận cao
Quan niệm này cũng rất phổ biến trên thị trường, khi nhiều nhà giao dịch cho rằng giao dịch với mỗi lệnh có mức rủi ro tối đa 2% số vốn sẽ đảm bảo an toàn và đảm bảo lợi nhuận tốt. Nghe qua thì điều này có vẻ hợp lý, vì mức 2% là khá an toàn để bảo vệ tài khoản. Tuy nhiên để có được mức lợi nhuận tốt thì lại là một câu chuyện khác.
Cụ thể, ví dụ chúng ta bắt đầu giao dịch với số vốn 1000$, giả sử tỉ lệ Risk Reward được tuân thủ ở mức 1:1.
Lệnh đầu tiên với mức rủi ro 2%, chúng ta thua và mất 20$, tài khoản còn 980$.
Lệnh thứ 2 anh em vẫn tuân thủ quy tắc 2%, nhưng số vốn bây giờ tính theo 980$ nên mức rủi ro tối đa là 19,6$. Nếu anh em vẫn giữ rủi ro ở mức 20$ là không còn tuân thủ quy tắc, vì mức rủi ro phải chịu là cao hơn 2%.
Giả sử lệnh thứ 2 này chúng ta thắng, lợi nhuận đạt được bằng với rủi ro, tức là 19,6$. Anh em có thể thấy một lệnh thắng không đủ để bù cho một lệnh thua. Điều này có nghĩa là chúng ta cần đảm bảo tỉ lệ thắng cao hơn nhiều so với tỉ lệ thua thì mới có thể đảm bảo có lợi nhuận. Và đó mới chỉ dừng lại ở mức có lợi nhuận chứ chưa nói đến việc đạt được lợi nhuận cao như quan niệm ban đầu.
Ngoài ra, chúng ta còn chưa kể đến trường hợp gặp phải một chuỗi thua dài. Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, số vốn sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, và một lệnh thắng lúc này chỉ đem lại một mức lợi nhuận tương đối nhỏ bé so với số tiền đã mất. Lúc này anh em sẽ phải rất vất vả để có thể “gỡ” lại số vốn ban đầu chứ không nói đến hy vọng có lợi nhuận.
Đúng là việc sử dụng tối đa 2% là khá an toàn khi anh em không cho phép mình mạo hiểm quá nhiều tiền, nhưng để kiếm được lợi nhuận cao như mong đợi là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể. Trên lý thuyết, nếu anh em chiến thắng với tỷ lệ 100% thì đúng là tài khoản sẽ gia tăng với tốc độ chóng mặt, nhưng điều đó là phi thực tế vì tỷ lệ thắng khoảng 60 – 65% trong thị trường Forex đã được coi là khá cao rồi.
Để có được lợi nhuận tốt, anh em không thể chỉ áp dụng quy tắc 2% một cách cứng ngắc mà phải xử lý linh hoạt tùy theo tình huống, và quan trọng hơn cả là phải quản lý cảm xúc của mình để tránh rơi vào những chuỗi thua đáng tiếc.
2.3. Quan niệm 3: Đặt Stoploss xa có nhiều rủi ro hơn so với Stoploss gần
Nhiều Trader lầm tưởng rằng việc đặt Stoploss xa sẽ nguy hiểm hơn so với Stoploss gần, vì nếu giao dịch thua thì chúng ta sẽ mất nhiều tiền hơn. Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng còn nhiều điều phải nói về tính thực tế của nó.
Mình sẽ vào ngay một ví dụ để anh em dễ hiểu: giả sử có hai nhà giao dịch A và B cùng thực hiện giao dịch mua tại một vị trí với cùng tín hiệu giống nhau.
Người A kỳ vọng mức tỷ lệ R:R là 1:2, đặt stoploss 50 pips và take profit 100 pips.
Người B cũng mở một lệnh mua tại cùng vị trí, nhưng với mức R:R là 1:1, stoploss và take profit đều là 100 pips.
Sau khi hai người vào lệnh, giá giảm xuống 70 pips rồi mới quay đầu tăng lên đến điểm take profit của cả hai người.
Anh em có thể thấy, người A đặt Stoploss chỉ có 50 pips nên lệnh đã bị thua trước khi giá quay ngược trở lại, trong khi người B dù đặt Stoploss xa hơn, chấp nhận rủi ro cao hơn nhưng cuối cùng lại là người có được lợi nhuận.
Đây là ví dụ tương đối thực tế trong thị trường, từ đó chúng ta có thể rút ra rằng stoploss gần hơn chưa chắc đã tốt hơn. Điều quan trọng nhất là stoploss cần phải đủ an toàn trước biến động của thị trường. Rủi ro thấp hơn nhưng tỷ lệ thua cao hơn thì không còn là lợi thế mà sẽ trở thành điểm bất lợi.
Tuy nhiên, khi đặt stoploss xa anh em cần chú ý điều chỉnh khối lượng vào lệnh của mình, để đảm bảo kiểm soát được rủi ro theo số tiền chứ không chỉ tính theo số pips, giống như những gì mà chúng ta vừa thảo luận ở quan điểm số 1.
3. Các vấn đề tâm lý trong quản lý vốn
Mặc dù lý thuyết về quản lý vốn rất đa dạng và đầy đủ, tuy nhiên không nhiều người có thể thực hiện được một cách hiệu quả. Nguyên nhân phần lớn có thể nói là do các Trader không làm chủ được tâm lý của mình. Anh em cần nắm bắt được ba vấn đề lớn về tâm lý sau đây để quản lý vốn Forex một cách hiệu quả nhất.
3.1. Không cảm nhận được tác động thực sự của thắng thua trong giao dịch
Vấn để này liên quan đến nhận thức về “tiền vật lý” với “tiền kỹ thuật số”. Anh em có thể hình dung qua ví dụ như sau:
- Trường hợp 1, anh em rút ra 5 triệu tiền mặt từ tài khoản của mình để chuẩn bị cho một số công việc, nhưng vừa bước xuống phố thì một kẻ giấu mặt nào đó cướp mất 5 triệu đó của anh em.
- Trường hợp thứ 2, anh em đang ngồi nghỉ ngơi, xem phim thì nhận được thông báo từ hệ thống rằng lệnh giao dịch của anh em vừa hít stoploss và thua mất hơn 200$, tức là cũng khoảng 5 triệu đồng.
Mình tin chắc rằng trường hợp thứ nhất sẽ khiến anh em buồn bã và tức giận hơn rất nhiều so với trường hợp thứ 2. Lý do thật ra rất đơn giản, vì tiền trong trường hợp 1 là tiền thật, có sự tương tác vật lý trực tiếp với anh em nên anh em nhận thức rất rõ ràng rằng mình vừa thật sự mất đi 5 triệu.
Ngược lại, trong trường hợp thứ 2, anh em chỉ đơn giản là “biết” rằng mình vừa mất hơn 200$, nhưng không thật sự cảm nhận được nó, không cảm nhận được sự thiệt hại, mà chỉ đơn giản là biết rằng mình vừa có một lệnh giao dịch thua.
Vậy, vấn đề bây giờ là có nhiều nhà giao dịch không thực sự cảm nhận được mình đã mất tiền, do đó họ không thắt chặt kỷ luật của mình lại, và cứ thế tiếp tục thực hiện các lệnh giao dịch khác mà không cân nhắc kỹ lưỡng, dẫn đến thua lỗ ngày càng nặng nền hơn.
Để giải quyết được vấn đề này, anh em cần tạo ra được “cảm giác vật lý” đối với số tiền trong tài khoản giao dịch của mình. Anh em có thể dùng một vật thay thế tượng trưng, ví dụ như những con chip trong bộ poker hoặc những vật tương tự, miễn sao là nó giúp anh em liên tưởng tới tiền. Sau đó anh em có thể đặt một giá trị quy đổi cho chúng, ví dụ như 10$ cho 1 con chip.
Bây giờ, hãy lấy hai bình chứa cỡ lớn, một bình Lợi nhuận và một bình Thua lỗ, rồi cứ mỗi khi giao dịch kết thúc anh em lại bỏ số chip tương ứng với số tiền vào các bình này. Từ nay, mỗi lần giao dịch anh em hãy nhìn vào hai cái bình để xem mình đã giao dịch như thế nào, nó sẽ giúp anh em có cảm giác chân thực hơn và cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi hành động.
3.2. Vấn đề tự chịu trách nhiệm với bản thân
Trừ khi anh em là một trong những người kỷ luật nhất trên thế giới, nếu không thì anh em chắc hẳn sẽ luôn luôn phải vật lộn với bản thân để đấu tranh với việc quản lý vốn một cách nghiêm khắc. Anh em rất dễ bị cám dỗ vào các giao dịch ẩu với tâm lý tham lam, hoặc trả thù cho các thua lỗ trước đây. Một trong các lý do quan trọng của tình trạng này là vấn đề trách nhiệm.
Nếu anh em đang làm việc ở một công ty hay tổ chức nào đó, thì phía trên anh em có những người quản lý, phía dưới có những người khác nhìn vào. Mỗi khi anh em phạm sai lầm, mọi người đều biết và anh em phải chịu trách nhiệm trước họ.
Tuy nhiên, nghề giao dịch là nghề hoạt động độc lập, anh em không cần chịu trách nhiệm với người khác mà chỉ cần tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Và đó chính là vấn đề.
Việc tự chịu trách nhiệm với bản thân không phải là điều ai cũng làm được. Mỗi khi người ta sai lầm, họ thấy hối hận, đau khổ nhưng rồi cảm giác đó sẽ nhanh chóng mất đi. Chẳng mấy chốc người ta sẽ quên đi những sai lầm của mình và tiếp tục những sai lầm khác.
Nếu anh em không có cách nào giúp mình có trách nhiệm hơn với những sai lầm của bản thân, thì việc sử dụng các con chip poker như ví dụ phía trên cũng là một cách. Những con chip luôn hiện diện bên cạnh sẽ là lời nhắc nhở dành cho anh em mỗi ngày.
Ngoài ra, anh em cũng nên chia sẻ kết quả giao dịch của mình với mọi người thông qua các con chip đó. Khi có người khác nhìn vào kết quả của mình, anh em cũng sẽ trở nên có trách nhiệm hơn rất nhiều.
3.3. Tính kỷ luật trong giao dịch
Vấn đề kỷ luật trong giao dịch là vấn đề mà anh em có thể bắt gặp trong bất cứ bài học nào về thị trường Forex. Dù phát triển chiến lược, xây dựng kế hoạch hay quản lý vốn Forex đều cần có kỷ luật khắt khe để chống lại những cảm xúc tiêu cực.
Dù có học bao nhiêu bài học về kỷ luật, thì điều quan trọng vẫn nằm ở chính bản thân anh em. Anh em cần rèn luyện được kỷ luật ở mức cao nhất có thể, nếu không thì các chiến lược quản lý vốn Forex dù tốt đến đâu cũng đều trở nên vô nghĩa. Ngược lại, khi đã giữ được kỷ luật cao, thì một chiến lược đơn giản hơn nhiều cũng có thể đem lại hiệu quả vô cùng khả quan.
4. 10 mẹo giúp quản lý vốn một cách hiệu quả
Sau khi đã học được những bài học về tâm lý trong quản lý vốn Forex, bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau điểm qua các mẹo giúp cho việc quản lý vốn trở nên dễ dàng hơn, cụ thể như sau:
- Xác định mức rủi ro có thể chấp nhận cho từng giao dịch: anh em cần xác định rủi ro cho từng giao dịch ở mức an toàn, tốt nhất là không quá 2% tài khoản của mình. Từ mức rủi ro đó ta có thể xác định mục tiêu và khối lượng vào lệnh phù hợp.
- Không giao dịch quá mức: hãy tuyệt đối không để mình rơi vào tình trạng giao dịch quá mức, vì nếu giao dịch quá nhiều thì các phương pháp quản lý vốn tốt nhất cũng không giúp anh em giữ được sự an toàn cho tài sản của mình.
- Luôn luôn sử dụng lệnh Stoploss: đây là điều hiển nhiên và cũng là quan trọng nhất trong việc quản lý vốn Forex, vì bất cứ chiến lược quản lý vốn nào cũng sẽ có mục đích là tìm kiếm các vị trí stoploss phù hợp để kiểm soát rủi ro.
- Luôn tuân thủ lệnh cắt lỗ và học cách gồng lời: khi đã có stoploss, anh em cần tuân thủ nó một cách tuyệt đối. Có nhiều nhà giao dịch mới thường xuyên di chuyển stoploss ra xa hơn mỗi khi giá gần chạm stoploss, đó chính là con đường gần nhất để thổi bay toàn bộ tài khoản của họ.
- Tìm kiếm các giao dịch có tỷ lệ Risk Reward ít nhất là 1:2 : anh em chỉ nên thực hiện giao dịch nếu mức R:R ít nhất là 1:2, vì nó không chỉ giúp anh em có lợi nhuận tốt mà khi đó một lệnh thắng có thể bù lại cho 2 lệnh thua, giúp bảo toàn vốn rất hiệu quả.
- Tính toán khối lượng (kích thước) vào lệnh một cách chính xác và phù hợp với tài khoản cũng như phù hợp với mức rủi ro sẵn sàng chấp nhận.
- Thận trọng khi lựa chọn đòn bẩy: anh em cần lựa chọn mức đòn bẩy phù hợp, nếu đòn bẩy quá cao có thể rất rủi ro khi mà mức thua lỗ có thể quá lớn so với số tiền thực tế mà anh em có.
- Đừng tham lam và cũng không được sợ hãi: tham lam và sợ hãi là hai cảm xúc chính khiến hầu hết các nhà giao dịch rơi vào thất bại. Anh em cần biết dừng lại đúng lúc, sẵn sàng chấp nhận cắt lỗ, và cũng cần đặt ra các mục tiêu thực tế, không quá tham lam.
- Sử dụng Trailling stoploss để tối ưu lợi nhuận: trong một thị trường có xu hướng, trailling stoploss sẽ hỗ trợ anh em gồng lời rất tốt, giúp anh em thận dụng tối đa được con sóng của xu hướng cho đến khi chúng kết thúc.
- Hiểu rõ được mỗi tương quan của các loại tiền tệ: thông thường, người ta sẽ tránh giao dịch các loại tiền di chuyển song song với nhau, hoặc ngược chiều nhau để tránh cho rủi ro bị nhân đôi. Ví dụ cặp EUR/USD và cặp GBP/USD đề chịu ảnh hưởng lớn bởi USD nên thường di chuyển cùng với nhau.
5. Tổng kết
Khi đã làm chủ được tâm lý và tuân thủ được kỷ luật, anh em hoàn toàn có thể sử dụng bất cứ phương pháp quản lý vốn nào và tận dụng hết hiệu quả của nó. Vì vậy, điều quan trọng nhất anh em cần thực hiện là rèn luyện tâm lý và kỷ luật bản thân thật tốt, cũng như học cách chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, rút kinh nghiệm từ những thua lỗ gặp phải để hoàn thiện kỹ năng giao dịch.