Hướng dẫn trade coin với đường trung bình (moving average) cho người mới

Mục lục 1 Trung bình là gì? 2 Đường trung bình động là gì? 3 3 tính chất quan trọng của đường trung bình động là gì? 3.1 #1. Có tính thay đổi tùy vào chu kỳ 3.2 #2. Có tính dự báo 3.3 #3. Có tính “trễ” hay có độ trễ 4 Cách bật […]

Đã cập nhật 19 tháng 1 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Hướng dẫn trade coin với đường trung bình (moving average) cho người mới
  1. Trung bình là gì?

    Để bạn hiểu dễ hơn xin ví dụ thế này. Trong cuộc sống, người ta quan niệm “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Giống như, không có một đột biến nào là kéo dài mãi mãi, nó sẽ có lúc trở lại mức trung bình của chính nó. Trong biến động giá cũng vậy, hễ khi nào thị trường tăng trưởng thái quá, hay sụt giảm thái quá thì đều sẽ trở thành cơ hội để biến động trở lại mức trung bình. Bạn có thể lấy đồ thị bitcoin làm ví dụ:

    minh hoạ Trung bình là gì?

    Nếu xét toàn bộ quá trình tăng trưởng của Bitcoin đạt định 20.000 đô la, thì mức trung bình 10.000 (20.000 chia cho 2) là sẽ chỗ mà giá có xu hướng thu hút về. Rõ ràng, toàn bộ lịch sử biến động 4 năm qua đã cho thấy điều đó. Về bản chất, trung bình chẳng qua chỉ là kiến thức tiểu học (bài toán trung bình cộng) đơn giản. Nhưng nếu biết áp dụng trong thị trường tài chính thì nó có thể đem lại lợi nhuận không ngờ.

    Đường trung bình động là gì?

    Nếu bạn đã hiểu được trung bình. Thì cũng không khó để hiểu được trung bình động. Giả sử với Bitcoin chẳng hạn, khi giá Bitcoin vượt 20.000 đô la (mốc cao nhất của lịch sử) và chinh phục một mức giá mới nào đó, thì chắc chắn 10.000 không còn là mức giá trung bình như hiện tại nữa, mà sẽ là mức giá khác. Nghĩa là, tính “động” được thêm vào “trung bình”.

    minh hoạ Đường trung bình động là gì?

    Nhưng đó là chúng ta đang nói về một khung thời gian rất lớn. Nếu bạn quan sát biến động giá trong khung thời gian nhỏ hơn theo ngày, thì dễ dàng nhận thấy tính chất “động” của “trung bình”.

    Bạn thấy đó, như hình trên, lúc này “trung bình” không còn là một mức giá nữa. Nhưng biến động liên tục theo một chu kỳ đã định sẵn để trở thành một đường kẻ “động”. Và nó vẫn giữ nguyên triết lý của nó: hễ khi nào thị trường sụt giảm thái quá, hay tăng trưởng thái quá, sẽ có xu hướng tìm về chính đường trung bình động này.

    Đôi khi bạn sẽ nghe ai đó giải thích rằng: đường trung bình sẽ giúp lọc bỏ những biến động nhiễu. Nhưng nói vậy không hoàn toàn chính xác. Vì nhờ có những biến động thái quá “nhiễu” thì chúng ta mới có lợi nhuận. Nên công bằng mà giải thích, thì phải nói rằng. Đường trung bình giúp xác định những mức giá mà có khả năng thị trường sẽ tìm về, nhằm xác định những mức hỗ trợ kháng cự quan trọng. Như vậy sẽ chính xác hơn.

    3 tính chất quan trọng của đường trung bình động là gì?

    Để có thể sử dụng đường trung bình động hiệu quả trong giao dịch, bạn cần nắm rõ những tính chất sau của nó.

    #1. Có tính thay đổi tùy vào chu kỳ

    Tính chất quan trọng đầu tiên của đường trung bình động, là nó phụ thuộc vào chu kỳ. Chu kỳ ở đây, ý nói số lượng dữ liệu giá được tổng hợp trong lịch sử để tính ra con số trung bình giá. Ví dụ: đường trung bình động 100 chu kỳ của khung ngày, nghĩa là nó diễn tả dữ liệu giá trung bình của 100 ngày trong quá khứ tính cả ngày hiện tại.

    minh hoạ tính chất của moving average

    Như hình trên, bạn sẽ nhận ra sự tùy thuộc của đường trung bình động vào chu kỳ như sau:

    • Chu kỳ càng lớn thì độ mượt của đường trung bình càng cao. Nhưng sẽ là mức giá đánh dấu hỗ trợ/kháng cự càng tốt.
    • Chu kỳ càng nhỏ thì càng đòi hỏi trader phải theo dõi thị trường càng sát xao. Thách thức tâm lý giao dịch nhiều hơn vì giá sẽ thường có xu hướng xoay quanh mức trung bình chu kỳ nhỏ nhiều hơn.
    • Con số chu kỳ không mang tính cố định. Bạn có thể tùy chọn bao nhiêu chu kỳ tùy thích. Không nhất thiết cứ phải làm 50 và 100. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn về vấn đề này ở phần sau của bài viết.

    #2. Có tính dự báo

    Tính chất thứ hai của đường trung bình là nó có tính dự báo. Tính dự báo này được thể hiện trong hai trường hợp.

    • Trường hợp sử dụng đơn lẻ 1 đường trung bình, thì nên nhớ: bất cứ khi nào mức giá càng biến động xa đường trung bình, nhất là đường trung bình với số chu kỳ lớn, thì càng có khả năng cao sẽ “hút” về đường trung bình đó.
    • Trường hợp sử dụng kết hợp với một đường trung bình khác có số chu kỳ nhỏ hơn. Thì hiện tượng giao cắt giữa hai đường trung bình này sẽ mang tính dự báo cho sự tăng giảm của thị trường trong tương lai.
    minh hoạ tính chất đường trung bình: Có tính dự báo

    Như trường hợp trong hình trên. Đường trung bình 50 chu kỳ cắt lên đường trung bình 100 chu kỳ. Và nó trở thành tín hiệu dự báo sự tăng trưởng tiếp tục trong tương lai.

    #3. Có tính “trễ” hay có độ trễ

    Đây cũng là một tính chất quan trọng. Bạn cần tư duy rằng: đường trung bình được tính ra từ giá, nên mức giá trung bình chỉ hình thành khi biến động đã xong hoặc chu kỳ đã xong. Nói cách khác, nó chậm hơn giá. Tư duy như thế, bạn sẽ không vội vàng khi nào lệnh.

    Cách bật đường trung bình động và thiết lập thông số

    Ở đây, xin hướng dẫn các bạn các để bật đường trung bình động trên giao diện TradingView như sau:

    Cách tìm và bật đường trung bình động trên giao diện biểu đồ giá

    minh hoạ Cách tìm và bật đường trung bình động trên giao diện biểu đồ giá
    • Bước 1: Bạn chọn khung thời gian muốn quan sát đường trung bình, bạn có thể chọn sau đó cũng được. Nhưng việc chọn trước sẽ cho bạn có định hướng muốn quan sát đường trung bình trong khung thời gian nào.
    • Bước 2: Chọn icon “Indicator & Strategies”.
    • Bước 3: Gõ chữ MA (vì đây là viết tắt của “Moving Average”). Khuyến nghị bạn nên cố gắng sử dụng giao diện tiếng Anh.
    • Bước 4: Sẽ có nhiều dạng đường trung bình hiện ra. Thông thường chúng ta có “Moving Average” (đường trung bình động) và “Moving Average Exponential” (đường trung bình động hàm mũ). Giữa hai dạng này cũng có những cái khác nhau. Với người mới bắt đầu, nên chọn “Moving Average”.

    Cách thiết lập thông số cho đường trung bình

    minh hoạ Cách thiết lập thông số cho đường trung bình

    Khi đường trung bình đã hiện ra. Bạn double click vào chính đường trung bình đó trên biểu đồ giá, sẽ hiện ra cửa sổ thiết lập các thông số. Việc thiết lập thông số khá quan trọng. Bạn sẽ thường xuyên làm điều này tùy thuộc vào biến động của thị trường, và tùy thuộc vào hệ thống giao dịch mang phong cách của riêng bạn.

    • Bước 1: Thiết lập số chu kỳ. Có thể là 50, 100, 200 hoặc bất cứ con số nào tùy ý bạn. Nhớ rằng: số chu kỳ càng lớn thì dữ liệu giá được thu nhận để tính mức trung bình càng lớn.
    • Bước 2: Chọn nguồn giá để tính trung bình. Thông thường, công thức tính trung bình sẽ chọn giá đóng cửa. Bạn nên cứ để nguyên như vậy.

    Hướng dẫn giao dịch với đường trung bình cho người mới bắt đầu

    Có nhiều dạng đường trung bình khác nhau tùy theo công thức tính. Trong rất nhiều những hướng dẫn cho người mới. Bạn sẽ được giới thiệu về đường MA (hay SMA) và đường EMA (đường trung bình động hàm mũ).

    minh hoạ Hướng dẫn giao dịch với đường trung bình cho người mới bắt đầu

    Đường SMA có vẻ dễ hiểu hơn đường EMA. Thực chất, EMA ra đời để thỏa mãn nhu cầu về một chỉ số trung bình đặt nặng tầm quan trọng của những biến động giá gần hiện tại và ngay hiện tại. Vì sao phải là nhấn mạnh “hiên tại”, vì hiện tại mới là thời điểm trader quyết định vào lệnh hay không? Nghĩa là nó phản ứng với sự biến động một cách nhanh hơn so với SMA.

    Trong bài viết này, sẽ khuyên bạn sử dụng EMA để xác định hỗ trợ kháng cự, và sử dụng cặp đường SMA để dự đoán biến động tương lai.

    Hướng dẫn 1: Xác định hỗ trợ và kháng cự với đường EMA

    Rất đơn giản mà hiệu quả. Bạn chỉ cần thực hiện các bước sau.

    • Bước 1: Lựa chọn khung thời gian để giao dịch. Khuyên bạn nên chọn khung ngày. Khung giờ càng nhỏ thì tính ngẫu nhiên trong biến động càng lớn. Bạn càng khó kiểm soát được cảm xúc bản thân.
    • Bước 2: Lựa chọn số chu kỳ. Dù rằng không có ràng buộc nào trong vấn đề này. Nhưng số chu kỳ nhỏ chỉ phù hợp với những trader già dặn kinh nghiệm Bạn nên chọn những chu kỳ lớn như 50, 100, 200…
    • Bước 3: Quan sát và chờ đợi cơ hội. Xin trình bày cụ thể như hình sau.
    minh hoạ Xác định hỗ trợ và kháng cự với đường EMA

    Bạn thấy đó:

    • Ở giai đoạn đầu, đường EMA hướng xuống, nghĩa là mức trung bình càng ngày càng thấp hơn. Thị trường chưa khả năng. Nên đứng ngoài chờ đợi
    • Bạn sẽ chờ cho đến khi thấy EMA hướng lên. Nghĩa là mức trung bình càng ngày càng tăng. Thị trường đã tích cực hơn. Nhưng bạn cũng chưa mua vội.
    • Mà bạn sẽ chờ cho đến khi giá hồi lại đường EMA. Và bạn lập kế hoạch cắt lỗ nếu giá phá đường EMA. (ví dụ: chấp nhận lỗ 3 – 5% nếu phá EMA 50 chẳng hạn).
    • Thật may mắn, bạn đã có lãi đậm trơng trường hợp này. Và sự may mắn này rõ ràng kết hợp với hiểu biết của chính bạn.

    Lưu ý: Chính bản thân đường EMA đó là hỗ trợ tốt để mua. Nhưng nếu bị phá vỡ, thì nó sẽ trở thành kháng cự của thị trường. *

    Chỉ một đường EMA 50 rất đơn giản, nhưng đã có thể giúp bạn kiếm lời nếu bạn đủ kiên nhẫn để chờ đợi vào lệnh và đủ kỷ luật để chấp nhận cắt lỗ.

    Hướng dẫn 2: Sử dụng tín hiệu “Golden Cross” và “Death Cross” với cặp đường SMA

    Cặp đường MA với chu kỳ 50 và 200 trong khung thời gian ngày trở lên, cũng là một hệ thống giao dịch được khá nhiều trader sử dụng. Tín hiệu giao cắt giữa hai đường MA này cũng có tên gọi riêng.

    • Khi MA 50 cắt lên MA 200 thì gọi là “Golden Cross” hay “giao cắt vàng” trong giao dịch
    • Ngược lại, khi MA 50 cắt xuống MA 200 thì gọi là ‘Death Cross” hay “giao cắt tử thần”.

    Bây giờ chúng ta sẽ cùng quan sát hệ thống cặp đường MA này trong thực tế.

    minh hoạ quan sát hệ thống cặp đường MA này trong thực tế.

    Như hình vẽ trên, bạn sẽ hành động như sau:

    • Khi có sự xuất hiện của giao cắt tử thần, nên đứng ngoài thị trường. Chờ đợi một cơ hội khác tốt hơn.
    • Khi thấy sự xuất hiện của giao cắt vàng. Bạn biết sắp đến cơ hội mua nhưng không mua vội
    • Bạn sẽ chờ đợi cho đến khi giá tìm về hỗ trợ. Bằng cách áp dụng EMA 50 như hướng dẫn trên, hoặc ít nhất cũng đợi giá tìm về tiệm cận MA 50.
    • Kỷ luật cắt lỗ nếu giá phá vỡ đường MA 50 này. Như ví dụ trên, lần giao cắt vàng thứ nhất, giá đã hồi rất tốt nhưng sau đó sụt giảm trở lại. Nếu kỷ luật bạn sẽ huế vốn hoặc lỗ rất ít.
    • Lần giao cắt vàng thứ hai, bạn cũng thực hiện các bước y như thế. Và lần này may mắn là bạn đã có lời. Thậm chí lãi khủng.

    Kết luận

    Đối với người mới, việc xây dựng một hệ thống giao dịch cơ bản đầu tiên rất quan trọng. Bạn có thể áp dụng cả hai hướng dẫn trên trong việc sử dụng đường trung bình động để nó trở thành hệ thống giao dịch của bạn. Theo thời gian bạn sẽ biết cách sử dụng nó và nâng cấp nó. Có được nhiều kinh nghiệm hơn. Qua đây cũng thấy, sự kiên nhẫn, không vội vàng, và kỷ luật giao dịch cũng là phần quan trọng.

    Một hệ thống giao dịch hiệu quả không nhất thiết phải phức tạp. Nó đơn giản thôi nhưng hiệu quả vì được sử dụng bởi một trader kinh nghiệm và kỷ luật.

    Nguồn: Hướng dẫn trade coin với đường trung bình (moving average) cho người mới (remitano.com).

Tags: