Có hàng triệu nhà đầu tư khác nhau giao dịch hàng tỷ đô la mỗi ngày và gần như không thể giải mã được động cơ của mọi người. Vì thế các biểu đồ phân tích kỹ thuật tạo ra bức tranh toàn cảnh và giúp xác định tín hiệu giao dịch hoặc dấu hiệu của sự biến động giá trong tương lai.
Mẫu hình giá chính là minh chứng cho câu nói: “Không có gì mới trên phố wall dù chuyện gì có xảy ra trên thị trường chứng khoán ngày hôm nay thì trước đó nó đã xảy ra và sẽ lặp lại”. Các mô hình kỹ thuật chứng khoán có định nghĩa và tiêu chuẩn đã được xác lập. Tuy nhiên anh em hãy nhớ rằng không có mô hình nào cho anh em tỷ lệ thắng 100%. Quá trình xác định các mẫu dựa trên các tiêu chí này có thể mang tính chủ quan. Đó là lý do tại sao biểu đồ thường được coi là nghệ thuật hơn là khoa học. Vậy cách sử dụng mô hình giá trong forex hiệu quả là gì? Hãy xem bài viết dưới đây.
1.Mẫu hình giá là gì?
Mô hình giá là một mẫu hình trong đó các mức giá được vẽ thành biểu đồ. Khi dữ liệu giá được vẽ ra trên biểu đồ, chúng thường hình thành các mô hình lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian. Các nhà phân tích đã phát hiện ra điều này và sử dụng chúng như các tín hiệu tiếp diễn hay đảo chiều xu hướng
Các mô hình giá chỉ ra bức tranh tổng thể về cung và cầu trên thị trường. Là một bản ghi lại hoàn chỉnh hình ảnh của tất cả các giao dịch. Mô hình giá cung cấp cho chúng ta biết câu chuyện xảy ra trước đó của thị trường cùng với cuộc chiến giữa phe mua và phe bán.
Quan trọng hơn, các mô hình giá và phân tích kỹ thuật cũng giúp xác định phe nào là phe chiến thắng, từ đó tạo ra cơ hội giao dịch cho các trader.
2.Bản chất thực sự của mẫu hình giá
2.1 Sự thay đổi cấu trúc
Thực sự tất cả các mô hình giá cơ bản đến nâng cao đều bắt nguồn từ cấu trúc thị trường. Nếu anh em hiểu rõ cấu trúc thị trường thì có thể hoàn toàn hiểu được lí thuyết và cốt lõi của mô hình giá là gì. Anh em có thể giải thích được hết tất cả các mẫu hình giá mà không phải quan tâm tên gọi cũng như học thuộc lòng các mẫu hình giá như học vẹt. Anh em hãy xem ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn nhé:
Ban đầu giá đang thể hiện là một cấu trúc tăng. Vậy thì khi nào chúng ta nên vào lệnh sell? Câu trả lời là khi giá phá qua Higher Low của cấu trúc này và điều này cũng đồng nghĩa là mô hình vai đầu vai sẽ được set up. Đến đây chắc anh em cũng hiểu ra cơ sở hình thành của mô hình vai đầu vai rồi đúng không? Khi giá thất bại trong việc tạo ra một Higher High mới (bị kẹt lại ở High cũ) và đi xuống phá Higher Low lúc này xu hướng chuyển từ tăng thành giảm.
Giả sử anh em chỉ biết về cấu trúc thị trường mà chưa biết về mô hình vai đầu vai này thì anh em cũng hoàn toàn có thể vào được một lệnh sell mà không có gì phải đắn đo
Lợi thế của những trader biết được các mô hình này họ sẽ có được một lệnh sell sớm bằng việc dự đoán giá sẽ đi xuống từ vùng High cũ và tạo nên mô hình vai đầu vai. Nhưng điều này không có nghĩa là lúc nào mô hình vai đầu vai cũng được hình thành. Anh em hãy nhớ điều này: “Mô hình chỉ đúng khi nó được hoàn thành” không ai biết được nó sẽ đi lên tạo một Higher High mới hay đi xuống tại thành vai đầu vai cả. Việc vào lệnh sớm sẽ giúp anh em tối đa lợi nhuận nhưng cũng đem đến rủi ro không nhỏ.
2.2 Tâm lý đằng sau những mẫu hình giá
Như đã nói ở đầu bài viết: “Không có gì mới ở phố Wall đó chỉ là sự lặp đi lặp lại của hành vi mua bán”. Vì thế cơ sở tâm lí của các mô hình này chính là sự quen thuộc, thông qua quá trình giao dịch lâu dài thì các trader có nhiều kinh nghiệm đã thấy được sự lặp đi lặp lại của các mẫu hình và khi xảy ra mẫu hình đó thì thị trường sẽ có xác xuất cao là di chuyển như vậy. Vì thế họ đã đúc kết ra và chia sẻ lại thành các mô hình có xác xuất thắng cao. Khi chúng ta thấy những mô hình này trên biểu đồ thì số đông sẽ có tâm lí quen thuộc và sẽ hành động theo, tuy nhiên không phải lúc nào giao dịch theo các mẫu hình giá này cũng đem đến kết quả thắng. Vì thế đừng bao giờ thấy mẫu hình này đẹp mà all in tất cả vào hãy nhớ dù có đẹp đến mấy thì nó cũng như một tín hiệu trong hàng trăm tín hiệu mà anh em sẽ gặp trên thị trường mà thôi.
2.3 Sự khác biệt giữa các mô hình nến và mẫu hình giá
Có sự khác biệt lớn nhất:
- Đầu tiên là về xuất xứ: Mô hình nến xuất phát từ Nhật Bản còn mẫu hình giá lại ra đời ở phương Tây đó là lí do vì sao lúc đầu mẫu hình giá được miêu tả bằng các line chart chứ không phải bằng nến. Mãi đến sau này khi mô hình nến tiếp cận với phương Tây thì các nhà giao dịch mới kết hợp chúng lại với nhau.
- Thứ hai là mô hình nến diễn tả sự thay đổi tâm lí trong việc mua bán khi giá tiếp cận đến vùng cản bằng hình thái những cây nến vì vậy mô hình nến được dùng để giao dịch trong xu hướng ngắn còn mẫu hình giá thể hiện sự thay đổi cấu trúc của một xu hướng vì thế thường được sử dụng cho các giao dịch dài hạn. Cùng xem ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn nhé:
- Trong thị trường sideway theo mẫu hình giá chữ nhật này dù xuất hiện liên tiếp những mẫu hình giá nhưng anh em có thể thấy một khi giá chưa thoát khỏi vùng sideway này thì đây chỉ là những cú trade ngắn hạn. Nhưng khi giá chính thức break qua khỏi mô hình giá chữ nhật thì giá lập tức lao dốc không phanh. Thậm chí giá chạy trong vài cây nến là đủ bằng thời gian cả vùng sideway này di chuyển.
3.Các mẫu hình giá phổ biến nhất
3.1 Mẫu hình giá theo trường phái break out
3.1.1 Mẫu hình giá vai đầu vai
Vai đầu vai là một mẫu biểu đồ đảo chiều cho thấy xu hướng có khả năng đảo chiều khi nó đã hoàn thành từ xu hướng tăng sang xu hướng giảm. Đầu và vai được đặc trưng bởi ba đỉnh:
- Đỉnh giữa là đỉnh cao nhất (đầu)
- 2 đỉnh 2 bên thấp hơn hoặc gần bằng (vai). Mức thấp giữa các đỉnh này được kết nối với một đường xu hướng (đường viền cổ) thể hiện mức hỗ trợ chính để xem mức phá vỡ và sự đảo chiều xu hướng.
- Mẫu hình giá vai đầu vai ngược thường rất hay được sử dụng trong các mô hình phân tích kỹ thuật.
3.1.2 Mẫu hình giá Cốc và tay cầm (Cup and Handle)
Cốc và tay cầm là mô hình tiếp tục xu hướng lên trong đó xu hướng đi lên đã tạm dừng nhưng sẽ tiếp tục khi mô hình được xác nhận. Cấu trúc của mẫu hình này như sau:
- Phần ‘cốc’ của mẫu hình phải là hình chữ “U” giống như hình tròn của một cái tô thay vì hình chữ “V” với độ cao ngang bằng nhau ở cả hai mặt của cốc.
- ‘Tay cầm’ nằm phía bên phải của cốc khi giao dịch bị thu hẹp tương tự như một lá cờ hoặc hình bảng hiệu.
Một khi hoàn chỉnh hình mẫu giá có thể vượt lên mức cao mới và tiếp tục xu hướng của nó cao hơn.
3.1.3 Mô hình 2 đỉnh (Double top) và 2 đáy (Double Bottom)
Mẫu Double Top hoặc Double Bottom dễ nhận ra và một trong những mẫu hình biểu đồ phân tích kỹ thuật đáng tin cậy nhất là 1 trong những công cụ yêu thích của nhiều trader kỹ thuật.
Mô hình được hình thành sau một xu hướng bền vững khi giá kiểm định ở ngưỡng hỗ trợ hoặc kháng cự tương tự hai lần mà không có đột phá. Mô hình này báo hiệu sự bắt đầu của sự đảo chiều xu hướng trong trung và dài hạn.
Mô hình hai đỉnh Double Top thường xuất hiện trong một xu hướng tăng mạnh:
- Khi đạt đỉnh thứ 1 giá có xu hướng đảo chiều tại vùng đảo chiều này sẽ hình thành đáy trung tâm.
- Nhưng giá không tiếp tục lao xuống mà quay trở về xu hướng tăng trước đó và tạo thành đỉnh thứ hai.
Mô hình giá 2 đỉnh thể hiện sự từ chối tăng giá không phải 1 lần mà là 2 lần để tạo ra một đỉnh mới cao hơn so với đỉnh cũ. Đây chính là dấu hiệu cho thấy sự đảo chiều và dự báo một xu hướng giảm giá mạnh sắp diễn ra. Tương tự với mô hình 2 đáy thì anh em suy luận ngược lại nhé.
3.2 Các mẫu hình giá theo xu hướng
3.2.1 Mô Hình tam giác (Triangle)
Hình tam giác nằm trong số các mẫu hình phổ biến nhất được sử dụng trong biểu đồ phân tích kỹ thuật vì chúng xảy ra thường xuyên hơn so với các mẫu khác.
Mô hình tam giác báo hiệu sự tạm dừng của xu hướng hiện hữu trước khi phá vỡ mô hình và tăng về 1 phía mạnh mẽ hơn.
- Trong khu vực tam giác này, cả bên mua và bên bán đều không thể hiện tín hiệu mua bán rõ nét nào mà đều muốn đợi một tín hiệu rõ nét hơn từ thị trường.
- Càng về phía cuối tam giác giá càng hội tụ một phe bán hoặc mua sẽ cố gắng tạo sức ép để ép vỡ bên còn lại.
- Anh em sẽ không biết giá sẽ đột phá theo hướng nào chỉ có thể biết rằng giá rất có thể sẽ bùng nổ mạnh sau khi tam giác bị phá vỡ.
Ba loại hình tam giác phổ biến nhất là hình tam giác đối xứng, hình tam giác hướng lên và hình tam giác hướng xuống. Các mẫu biểu đồ này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
3.2.2 Mô hình Cờ đuôi nheo (Pennant)
Cờ và đuôi nheo là những mẫu hình hình thành sau 1 xu hướng mạnh thể hiện sự củng cố sau một đợt biến động giá mạnh trước khi tiếp tục xu thế hiện tại.
Sau một xu hướng tăng (hoặc giảm) mạnh thì bên mua (hoặc bán) thường tạm dừng để lấy đà trước khi tiếp tục đưa giá theo xu hướng đó. Trong quá trình “nghỉ xả hơi lấy đà” này giá thường giao dịch theo biên độ nhỏ và tạo thành một hình tam giác nhỏ có phần đuôi nhỏ như là cái cờ nên được gọi là Cờ Đuôi Nheo.
Mẫu hình cờ được đặc trưng bởi một mẫu hình chữ nhật nhỏ có độ dốc chống lại xu hướng hiện tại trong khi các đuôi nheo là những hình tam giác nhỏ đối xứng trông rất giống nhau.
Mục tiêu giá ngắn hạn cho hình cờ đuôi nheo cơ bản là chiều dài của cột cờ hoặc phía bên trái của hình mẫu được áp dụng để chọn điểm đột phá như mẫu hình tam giác. Những mẫu này thường kéo dài không quá vài tuần.
3.2.3 Mô Hình cái nêm (Wedges)
Hình nêm là mẫu hình xuất hiện sau một xu hướng tăng hoặc giảm dự báo khả năng tiếp diễn hoặc đảo chiều của xu hướng trước đó:
- Mô hình cái nêm hướng lên là các mẫu giá giảm khi xu hướng đang đi lên và giá đang hội tụ và xu hướng hiện tại đang mất dần đà lên.
- Các hình nêm hướng xuống là những mẫu giá tăng xảy ra khi xu hướng đang đi xuống và giá đang hội tụ cho thấy xu hướng giảm đang mất đà và khả năng đảo chiều có thể xảy ra.
Mẫu Nêm xuất hiện cho thấy thị trường tạm nghỉ ngơi sau một xu hướng tăng hoặc giảm giá mạnh mẽ trước đó (có thể xu hướng dài hạn hoặc ngắn hạn). Trong lúc thị trường đang nghỉ thì trader sẽ nạp sức để đẩy giá đi theo kỳ vọng của mình. Tùy thuộc vào hình dáng nêm mà giá có thể tiếp tục đi theo xu hướng cũ hoặc đảo chiều để bắt đầu xu hướng mới.
3.3 Cách giao dịch với các mẫu hình giá
Trên đây là những mẫu hình giá được sử dụng và thường xuyên xuất hiện nhất trên biểu đồ. Ở bài này thì mình chỉ sẽ nói sơ về khái niệm của các mẫu hình giá mà thôi, chúng ta sẽ đi sâu vào từng biểu đồ và các mẹo giao dịch với từng cách sử dụng riêng biệt. Anh em nhớ theo dõi và đón đọc nhé. Tuy nhiên, có một số lưu ý chung để anh em có thể giao dịch tốt nhất như sau:
- Mẫu hình nến có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên đường đi của giá việc quan trọng là vị trí và xu hướng ủng hộ trước đó. Nói đơn giản là đang trong xu hướng tăng mà xuất hiện mô hình vai đầu vai ngược thì nó sẽ uy tín hơn là mô hình vai đầu vai thuận
- Việc đọc mẫu hình nến đặc biệt hiệu quả khi nó xuất hiện tại các vùng keylevel quan trọng
- Mẫu hình nến nếu biết cách kết hợp với mô hình nến để xác định độ mạnh yếu của xu hướng thì sẽ tăng tỷ lệ thắng lên rất nhiều
4. Kết luận
Các mẫu hình là phần có giá trị nhất của biểu đồ phân tích kỹ thuật ngay cả khi chúng mang tính nghệ thuật hơn là khoa học chuẩn xác. Nhiều trader sử dụng các mẫu hình này để xác định các giao dịch tiềm năng và họ có thể xác nhận bằng cách sử dụng các hình thức phân tích kỹ thuật khác để tối đa hóa sự thành công của họ.Tuy nhiên các mô hình giá trên biểu đồ trong thực tế thường không phải bao giờ cũng rõ ràng để anh em dễ nhận biết. Điều quan trọng là kinh nghiệm giao dịch cũng như khả năng phân tích của anh em. Do đó kinh nghiệm đầu tư rất quan trọng trong phân tích kỹ thuật nó sẽ giúp anh em nhận diện các mẫu hình chính xác và nhanh nhạy nhất.
Nguồn: https://vnrebates.net/cac-mo-hinh-gia-phan-tich-ky-thuat.html