-
Lãi suất là gì?
Lãi suất (hay Interest rate) là một khái niệm rất quan trọng trong kinh tế học nói chung và thị trường tài chính nói riêng. Nếu bạn xem tiền tệ là một loại hàng hoá, thì lãi suất chính là “giá cho thuê” của loại hàng hoá đó. Nếu thời gian thuê càng lâu thì giá thuê càng cao. Do đó, lãi suất còn được hiểu là “giá cho sự trì hoãn thanh toán”, hay theo ngôn ngữ tài chính là “chi phí cơ hội”.
Thông thường, lãi suất được tính bằng tỉ lệ phần trăm của số vốn cho vay. Như vậy, lãi suất càng cao, người cho vay càng thu được lợi nhuận lớn.
Trong thị trường tài chính, lãi suất là số phần trăm cố định được quy định bởi Ngân hàng Trung ương bằng nhiều loại lãi suất khác nhau như lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi, lãi suất tiết kiệm, v.v… Trong đó, Lãi suất quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Funds Rate – FFR) hay lãi suất ngân hàng Nhà nước Việt Nam được xem là những loại lãi suất quan trọng nhất đối với thị trường tài chính tại Việt Nam.
Lãi suất quỹ Dự trữ Liên bang
Lãi suất quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Funds Rate – FFR) là lãi suất qua đêm mà các trung gian tài chính (thường là ngân hàng) cho nhau vay vốn dự trữ tạm thời tại Quỹ Dự trữ Liên bang để đảm bảo tỷ lệ dự trữ theo quy định. Đây là mức lãi suất thấp nhất mà các ngân hàng có thể vay được trên thị trường với thời gian ngắn nhất và mức độ rủi ro thấp nhất. Vì thế, FFR là mức cơ bản để các tổ chức tín dụng thiết lập các mức lãi suất khác.
Lãi suất quỹ Dự trữ Liên bang (Giai đoạn 2016-2019)
Ở mỗi giai đoạn kinh tế khác nhau, FED (Federal Reserve – Cục Dự trữ Liên bang hoa Kỳ) sẽ công bố mức lãi suất quỹ Dự trữ Liên bang để duy trì tình hình kinh tế thông qua chỉ số lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Từ đó, các nhà đầu tư đoán được xu hướng lãi suất và định hướng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ trong tương lai gần.
Về cơ bản, FFR sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đô la Mỹ (USD). Tuy nhiên, USD lại là đồng tiền quan trọng của nền kinh tế thế giới. Do đó, lãi suất FED cũng là một trong những yếu tố mà nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam không thể bỏ qua.
Lãi suất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Để cho dễ hình dung, lãi suất ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính là lãi suất quỹ Dự trữ Liên bang (FFR) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN). Ở Việt Nam, lãi suất này được biết với tên gọi lãi suất qua đêm của thị trường liên ngân hàng (2,2% ở thời điểm hiện tại).
Cũng tương tự như FFR, lãi suất của NHNN VN là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế quốc gia và giá trị của đồng Việt Nam (VND). Do đó, đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng mà các nhà đầu Tháng 7 tại thị trường Việt Nam hoặc sử dụng VND phải lưu ý.
Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế
Lãi suất thường là yếu tố quan trọng liên quan đến các chính sách tài khoá (1) và tiền tệ (2). Nó giúp điều tiết nền kinh tế quốc gia, quản lý lạm phát, và ổn định tỷ giá hối đoái. Thông thường, các Ngân hàng Trung ương sẽ có xu hướng tăng lãi suất khi nền kinh tế tăng trưởng, và giảm lãi suất khi nền kinh tế suy thoái.
Nếu bạn xem tiền tệ là một loại hàng hoá, và lãi suất chính là giá cho thuê thì việc điều chỉnh lãi suất cũng tuân thủ theo quy tắc cung – cầu của thị trường:
- Khi nền kinh tế tăng trưởng: sức mua tăng, nhiều nhà đầu tư nhận ra tiềm năng của thị trường nên nhu cầu về vốn để đầu tư tăng lên. Tuy nhiên, số vốn lại có hạn, giá của vốn cũng sẽ phải tăng lên nhằm ổn định mức cung – cầu của thị trường. Nếu không, nền kinh tế quốc gia sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát.
- Khi nền kinh tế suy thoái: sức mua giảm, nhu cầu vay vốn không cao, nền kinh tế rơi vào trạng thái thiếu hụt tiền tệ. Lúc này, Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất để kích thích vay vốn nhằm “rót tiền” để cân bằng nền kinh tế.
Lãi suất chính là yếu tố ảnh hưởng đến lượng vốn trong nền kinh tế của một quốc gia. Đồng thời, nó cũng ảnh hưởng đến giá trị tiền tệ của quốc gia đó trong nền kinh tế thế giới. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao các tin tức thay đổi lãi suất lại gây chấn động đến thế, đặc biệt là thị trường chứng khoán và ngoại hối.
Ảnh hưởng của lãi suất đến giá Bitcoin
Bitcoin hay thị trường tiền mã hoá là một hệ thống tài chính độc lập hoàn toàn. Nó không có mối quan hệ nào cũng như không phải chịu tác động của nền tài chính truyền thống. Bên cạnh đó, việc định giá đồng tiền pháp định của Ngân hàng Trung ương sẽ không làm thay đổi giá trị của tiền mã hoá. Do đó, giá bitcoin về cơ bản sẽ không bị ảnh hưởng bởi lãi suất.
Tuy nhiên, giá Bitcoin và các loại tiền mã hoá vẫn bị ảnh hưởng bởi quy luật cung cầu: càng nhiều người muốn mua Bitcoin, giá của nó lại càng cao.
Vì thế, nếu lượng vốn (cung tiền) được rót vào nền kinh tế thay đổi, lượng người muốn mua Bitcoin cũng sẽ thay đổi. Hiểu đơn giản về mặt lý thuyết như sau:
- Lãi suất tăng → Cung tiền giảm → giá btc giảm
- Lãi suất giảm → Cung tiền tăng → giá BTC tăng
Tuy nhiên, cũng có trường hợp nếu nền kinh tế truyền thống đang gặp vấn đề như lạm phát tăng, dẫn đến lãi suất tăng, nhưng các nhà đầu tư lại có khuynh hướng mua nhiều Bitcoin hơn như một tài sản trú ẩn an toàn, khiến giá Bitcoin tăng lên.
Tóm lại, lãi xuất thay đổi có thể ảnh hưởng ít nhiều đến xu hướng giá của Bitcoin.
Lãi suất của FED ảnh hưởng đến giá Bitcoin như thế nào?
Trong những ngày gần đây, dưới ảnh hưởng của đại dịch virus Corona, nền kinh tế của các quốc gia và của thế giới cũng bị suy thoái nghiêm trọng. Trong tình hình đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất nhằm ổn định nền kinh tế. Động thái này đã khiến giá Bitcoin tăng khoảng 1,5% trong xu hướng giảm, từ 8.750 USD lên 8.880 USD. Tuy nhiên, thị trường này cũng được điều chỉnh theo xu hướng xuống 8.710 USD sau đó không lâu.
Biến động của giá Bitcoin khi FED cắt giảm lãi suất lần 1
Trong khi đó, thị trường chứng khoán chứng kiến sự sụt giảm bất chấp động thái của FED với chỉ số Dow Jones giảm 3,3%, S&P500 giảm gần 2%, và Nasdaq cũng giảm gần 3%. Ở các nền kinh tế khác, thị trường chứng khoán cũng “lao dốc” trong tình trạng này. Tuy nhiên, đúng như dự đoán từ trước của các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm lãi suất làm giá vàng tăng 2,9%, đạt 1644,4 USD/ ounce vào ngày sau đó.
Chứng kiến việc thay đổi lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giá Bitcoin dường như không thay đổi là bao so với các sản phẩm tài chính khác. Dù vậy, thị trường này cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi hành vi của nhà đầu tư trước thông tin này.
Có thể thấy rằng lãi suất là một trong những yếu tố có thể tác động đến giá Bitcoin. Tuy nhiên, tác động này vẫn ở mức điều chỉnh nhẹ, chứ không quá sâu sắc. Mặt khác, giá BTC có thể biến động lớn khi có sự thay đổi về cả lãi suất lẫn cung tiền. Cùng đọc phần tiếp theo để tìm hiểu thêm về yếu tố Cung tiền đối với giá Bitcoin.
Cung tiền là gì?
Khái niệm
Cung tiền (hay Money Supply) được hiểu là tổng lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế tại một thời điểm nhất định nào đó. Cụ thể, cung tiền bao gồm tiền mặt, tiền trong tài khoản, và các loại tài sản tài chính khác. Theo các nhà phân tích kinh tế, cung tiền là một trong những yếu quan trọng nhất để điều tiết nền kinh tế thông qua các chính sách vĩ mô.
Ở phần trên, chúng ta đã đề cập đến Cục Dự trữ Liên bang (FED) hay Ngân hàng Trung ương – những cơ quan trọng yếu, quyết định các nhân tố vĩ mô như in thêm tiền, lãi suất,… để điều tiết tình hình kinh tế. Theo đó, lượng tiền lưu thông càng lớn, nền kinh tế càng năng động, người dân tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn, từ đó kích thích kinh tế phát triển.
Ảnh hưởng của cung tiền đối với nền kinh tế
Trong thực tế, in thêm tiền sẽ là biện pháp “bất khả kháng” mà các Ngân hàng Trung ương sử dụng. Từ xưa, việc dùng giá trị tiền tệ “neo” vào các kim loại quý như vàng, bạc,… đã giới hạn nguồn cung của tiền tệ. Từ khi chuyển sang tiền giấy, các Ngân hàng có thể tăng lượng tiền lưu thông bằng cách in tiền, không ai có thể giới hạn được số lượng tiền in thêm này. Tuy nhiên, nếu chỉ in thêm tiền mà tình hình kinh tế của một quốc gia vẫn không thay đổi thì sẽ làm giá trị đồng tiền giảm đi – hiện tượng mà chúng ta gọi là “lạm phát”.
Thông thường, các nhà chính sách sẽ dùng khái niệm “khối lượng tiền danh nghĩa” và “khối lượng tiền lưu thông” để xác định tình trạng này.
Khối lượng tiền danh nghĩa
Khối lượng tiền danh nghĩa là khối lượng tiền cần thiết để lưu thông trong nền kinh tế. Khái niệm này còn có thể hiểu là giá trị sản lượng của nền kinh tế.
Khối lượng tiền lưu thông
Khối lượng tiền lưu thông được hiểu là tất cả các phương tiện trung gian để trao đổi giá trị trong thị trường, bao gồm:
- M1: Các phương tiện trao đổi có tính thanh khoản cao nhất: tiền mặt (tiền giấy, tiền xu, séc, …) và tiền gửi không kỳ hạn
- M2 = M1 + tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng
- M3 = M2 + trái phiếu, tín phiếu kho bạc, v.v…
Khi khối lượng tiền danh nghĩa bằng khối lượng tiền lưu thông, nền kinh tế đang ở trạng thái cân bằng. Nếu khối lượng tiền danh nghĩa lớn hơn thì đó chính là biểu hiện của “giảm phát”, và ngược lại, khối lượng tiền lưu thông lớn hơn nghĩa là nền kinh tế đang trong tình trạng “lạm phát”.
Mối liên hệ giữa cung tiền và lạm phát
Ảnh hưởng của Cung tiền đến giá Bitcoin
Trước hết, cung tiền sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị tiền tệ của quốc gia. Theo đó, nếu nền kinh tế đang ở trong tình trạng lạm phát, tất cả các hàng hoá trao đổi trong nền kinh tế đều sẽ bị tăng giá, và ngược lại. Như vậy, nếu chúng ta xem Bitcoin là một loại hàng hoá, hoặc sản phẩm tài chính được giao dịch trên thị trường, thì giá của Bitcoin cũng sẽ bị ảnh hưởng khi cung tiền thay đổi.
Trong những ngày gần đây, đại dịch do virus Corona khiến kinh tế của các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, Chính phủ và các Ngân hàng Trung ương cũng có những chính sách nhằm cải thiện tình trạng này. Trong đó, phải kể đến chính sách giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Trung ương Anh Quốc; và chính sách “rót” thêm tiền vào nền kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương Australia và New Zealand,…
Còn bây giờ, hãy theo dõi giá Bitcoin trong những ngày qua:
Từ biểu đồ trên, chúng ta có thể thấy rằng, giá Bitcoin và có thể là thị trường tiền mã hoá phản ứng với sự thay đổi chính sách. Cụ thể, giá Bitcoin sẽ tăng khi cung tiền tăng và ngược lại. Tất nhiên, phản ứng của giá Bitcoin còn tuỳ thuộc vào ảnh hưởng của nền kinh tế. Các nền kinh tế mạnh như Hoa Kỳ, Anh, EU, v.v… sẽ làm thị trường Crypto ảnh hưởng nhiều hơn.
Kết luận
Như vậy, tương tự lãi suất, cung tiền không phải là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá Bitcoin. Tuy nhiên, với tình trạng suy thoái kinh tế như hiện nay, việc điều chỉnh lãi suất và cung tiền của các Ngân hàng Trung ương chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến giá Bitcoin. Do đó, các nhà đầu tư nên cẩn trọng khi ra quyết định trong thời gian này.
Hy vọng bài viết trên đây đã đem đến cho bạn cái nhìn toàn cảnh về ảnh hưởng của lãi suất và cung tiền đến giá Bitcoin. Bạn nghĩ sao về thị trường tiền mã hoá trong những thời gian tới? Đừng quên chia sẻ kinh nghiệm của bạn dưới phần bình luận của bài viết nhé!
Nguồn: Giá Bitcoin chịu ảnh hưởng bởi Lãi suất & Cung tiền ra sao? (remitano.com).
Giá Bitcoin chịu ảnh hưởng bởi Lãi suất & Cung tiền ra sao?
Mục lục 1 Lãi suất là gì? 1.1 Lãi suất quỹ Dự trữ Liên bang 1.2 Lãi suất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2 Ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế 3 Ảnh hưởng của lãi suất đến giá Bitcoin 3.1 Lãi suất của FED ảnh hưởng đến giá Bitcoin như thế […]
Đã cập nhật 18 tháng 1 năm 2022
Bởi TopOnMedia
Tags: