Case Study: Có gì hay giữa các chiến dịch của Gojek, Baemin và Grabfood?

Case Study: Có gì hay giữa các chiến dịch của Gojek, Baemin và Grabfood? Giao thức ăn đang là lĩnh vực tiềm năng do thói quen ăn uống của người dùng Việt đang dần thay đổi. Thị trường giao thức ăn ngày nay đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt của nhiều thương hiệu […]

Đã cập nhật 28 tháng 6 năm 2022

Bởi The Tips

Case Study: Có gì hay giữa các chiến dịch của Gojek, Baemin và Grabfood?

Case Study: Có gì hay giữa các chiến dịch của Gojek, Baemin và Grabfood?

Giao thức ăn đang là lĩnh vực tiềm năng do thói quen ăn uống của người dùng Việt đang dần thay đổi. Thị trường giao thức ăn ngày nay đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt của nhiều thương hiệu lớn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các chiến dịch marketing của Gojek, BAEMIN và Grabfood cũng như đâu là yếu tố tạo nên sự thành công của chiến dịch. 

Tìm hiểu chiến dịch marketing của Gojek

“Điều quan trọng nhất của sáng tạo là bạn phải luôn tạo ra thứ gì đó. “Sáng tạo” có nghĩa là “tạo ra”, do đó đừng bao giờ dừng lại trong việc tạo ra cái mới và học hỏi từ toàn bộ quá trình. Bạn càng thực hành nhiều trong việc tạo ra điều gì đó, bạn càng dễ dàng tạo ra ngày càng nhiều ý tưởng. ” – Bahari Chandra, Giám đốc Sáng tạo của GO-JEK chia sẻ.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy quảng cáo của Gojek khi đi ngang qua bùng binh Senayan vài tháng trước chưa? Hoặc bạn đã bao giờ đọc toàn bộ bản sao quảng cáo này khi bị kẹt xe ở Kuningan chưa?

Không nhiều người biết câu chuyện thú vị đằng sau quá trình tạo ra các chiến dịch quảng cáo của Gojek. Mỗi chiến dịch sẽ dựa trên mục tiêu cụ thể mà trong đó nhóm Creative Labs sẽ biến những ý tưởng dường như không khả thi thành chiến dịch thành công. Dưới đây là 5 ví dụ minh họa cho các chiến dịch quảng cáo có mức độ lan truyền nhất của GO-JEK.

Chiến dịch #LifeWithoutLimits

Bản sao của #HidupTanpaBatas hoặc #LifeWithoutLimits được tạo ra để mọi người biết rằng GoJek không chỉ là ứng dụng gọi xe mà còn cung cấp 18 dịch vụ khác để cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn. Thách thức lớn trong việc tạo ra chiến dịch này đó là quá trình chuyển đổi mục tiêu thành thông điệp chính (key message) để mọi người hiểu những gì Gojek đang muốn nói.

Vì mục đích của chiến dịch quảng cáo là thông báo Gojek như một thương hiệu, Bahari và nhóm làm việc đã tạo ra tagline động, mô tả rõ ràng và vui nhộn. Do đó, họ đã nghĩ ra một bản sao sử dụng cụm từ “…không cần…” chẳng hạn như “Tham dự buổi họp mà không cần đến muộn”, “Mua martabak mà không cần xếp hàng” và “Mang đến những điều bất ngờ mà không cần chờ đợi”.

Liên quan đến bản sao quảng cáo, nội dung của loạt video #LifeWithoutLimits, có sự góp mặt của Dian Sastro, Rio Dewanto, Irfan Bachdim và những người nổi tiếng khác cũng đang kể những câu chuyện về cách GO-JEK có thể đáp ứng nhu cầu hàng ngày của họ thông qua tất cả các sản phẩm GO-JEK. Một câu hỏi đặt ra là bạn đã có bản sao của riêng mình mô tả #LifeWithoutLimits chưa?

Chiến dịch GO-FOOD: Menu Terserah

Ý tưởng về chiến dịch GO-FOOD: Menu Terserah (Menu ‘Tùy chọn’) đến từ một trong những Đội Performance Marketing. Nền tảng của chiến dịch này đến từ các dữ liệu thể hiện rằng nhiều người tiêu dùng bối rối không biết nên gọi món gì trên GO-FOOD và cuối cùng, họ không gọi bất cứ thứ gì hoặc họ đặt món ăn mà họ thường đặt.

Vì vậy, Gojek đã thực hiện một chiến dịch để cung cấp một tính năng tùy chọn, nơi mọi người có thể đặt hàng ngẫu nhiên bất kỳ món ăn nào trên GO-FOOD. Kết quả là, doanh số bán trên các đơn hàng GO-FOOD đã tăng lên.

Chiến dịch GO-JEK Versi Kamu hoặc #YourGOJEK

Bạn thích nhân vật nào trong ‘GO-JEK Versi Kamu’ nhất? Trước khi chiến dịch này được khởi động, Bahari và nhóm đã phải liệt kê một số nhân vật nổi tiếng trước khi thực hiện chiến dịch.

Mục tiêu của chiến dịch này nhằm thông báo những thay đổi của giao diện trang chủ GO-JEK và cách người dùng có thể cá nhân hóa trang chủ này. Vì vậy, từ khóa của phần tóm tắt cho chiến dịch này là “cá nhân”, bởi vì người dùng có thể chọn các sản phẩm GO-JEK mà họ thường sử dụng trên trang chủ của ứng dụng.

Một điều đáng ngạc nhiên khi xem xét dữ liệu đó là trước khi GoJek xuất bản chiến dịch, người dùng đã biết đến giao diện mới và đang cố gắng thực hiện cá nhân hóa. Do đó, Bahari và nhóm của anh ấy cảm thấy như họ không cần phải xuất bản nội dung quá nhiều thông tin. Vì vậy, họ đã làm cho trang chủ trở nên thú vị và họ đã chọn 3 nhân vật để xuất hiện trong chiến dịch, đó là Gozali, Kunti và Cinema Announcer.

Chiến dịch #CariPahala

Nghĩ khác đi là điều bắt buộc nếu bạn đang làm việc trong đội Creative Lab tại GO-JEK vì bạn cần tạo ra những ý tưởng chưa từng được thực hiện bởi bất kỳ ai. Khi đến tháng Ramadhan, Bahari nhận thấy rằng, thông thường các thương hiệu sẽ tạo ra các chiến dịch có nội dung đánh vào cảm xúc. Vì vậy, anh ấy đã đặt ra thách thức đó bằng xu hướng #CariPahala, một chiến dịch Ramadhan và mục tiêu là truyền tải thông điệp thương hiệu của GO-JEK.

#CariPahala, có nghĩa là ‘tìm kiếm phần thưởng’, là một local insight (insight của người dùng tại địa phương) nhằm mô tả hành vi của người Hồi giáo Indonesia trong tháng Ramadhan. Rất có thể họ đang làm những việc tốt hàng ngày vì đó là tháng linh thiêng. Trước khi xuất bản chiến dịch, nhóm đã thực hiện một cuộc khảo sát về bản sao quảng cáo để đảm bảo rằng chiến dịch sẽ không tạo ra bất kỳ phản ứng tiêu cực nào từ người Hồi giáo. Kết quả là họ thực sự thích bản sao quảng cáo.

Chiến dịch #AnakBangsaBisa

Bạn có thể kể ra những điều có thể khiến người dân Indonesia cảm thấy tự hào khi là người Indonesia không? Câu hỏi đó khiến Bahari băn khoăn khi anh và nhóm phải nghĩ đến chiến dịch kỷ niệm Ngày Quốc khánh của Indonesia.

Bahari cho rằng “Chúng tôi không muốn chỉ tạo một quảng cáo kỷ niệm, chúng tôi muốn làm một điều gì đó thật sự khác biệt và có ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng điều khiến chúng tôi gắn kết là khi sản phẩm được các quốc gia khác công nhận hoặc khi ai đó có thể đạt được thành công lớn ở nước ngoài, chẳng hạn như nghệ sĩ dương cầm Joey Alexander”.

Đó chính là thời điểm nhóm của anh ấy nảy ra ý tưởng triển khai #AnakBangsaBisa, một chiến dịch đánh giá cao những người hoặc thương hiệu đã đạt được một số thành tựu ở nước ngoài. Vì vậy, từ khóa cho chiến dịch này là niềm tự hào của người Indonesia phù hợp với mục tiêu để khơi gợi tinh thần dân tộc ở Indonesia.

Tương tự như chiến dịch #CariPahala, trước khi công bố chiến dịch, nhóm cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ. Trong cuộc khảo sát này, họ hỏi một số người liệu họ có biết danh sách những người và thương hiệu đã có một số thành tích ở nước ngoài hay không. Chiến dịch sử dụng chủ đề cắm hoa, xác thực chữ ký như cách người Indonesia thể hiện sự đánh giá cao đối với người khác.

Các sản phẩm của chiến dịch này không chỉ thông qua các bảng quảng cáo và social media, mà GO-JEK đã gửi một số mẫu cắm hoa trực tiếp đến văn phòng, vận động viên và nhân vật của công chúng.

Mỗi chiến dịch trên có hơn 50 triệu lượt tiếp cận và 120 triệu lượt hiển thị. Nhóm Creative Labs đã minh chứng một điều rằng sự sáng tạo cần được hỗ trợ bởi dữ liệu và quảng cáo không chỉ là tạo ra những chiến dịch độc đáo nhất mà còn là việc thực hiện những ý tưởng có thể tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của mọi người.

Chiến dịch GoCar Protect tại Việt Nam

Bối cảnh ra đời của chiến dịch

Có thể nói vấn đề “An toàn – sức khỏe” chưa bao giờ trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn Covid-19. Thói quen và hành vi người dùng trong đại dịch đã thay đổi hoàn toàn, đặc biệt là khi di chuyển. Một khảo sát do Gojek Việt Nam thực hiện vào tháng 10/2021 đã đưa ra kết quả rằng “An toàn – sức khỏe” là một trong 3 yếu tố hàng đầu khi di chuyển.

Trước bối cảnh đó, GoJek đã tung ra dịch vụ gọi xe GoCar Protect vào ngày 18/11/2021 sau thời gian giãn cách xã hội dài. Hành động này mang lại hy vọng cho tài xế và khách hàng về cách tiếp cận dịch vụ tích hợp với các tính năng vượt trội, an toàn, đảm bảo sức khỏe trong việc đi lại. Mặc dù dịch vụ này đã ra mắt từ tháng 8/2021 nhưng trước đó GoCar Protect chỉ được sử dụng để chở lực lượng y tế tuyến đầu tham gia chống dịch. Vào ngày 4/1/2022, GoCar Protect đã chính thức có mặt tại Hà Nội.

Chiến dịch hướng đến mục tiêu gì?

Chiến dịch của Gojek nhắm đến 2 mục tiêu chính

  • Ra mắt dịch vụ GoCar Protect tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội
  • Nêu điểm mạnh Chống khuẩn X3 của GoCar Protect nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dùng khi đi lại.

GoCar Protect là thương hiệu tiên phong thiết lập bộ tiêu chuẩn “Chống khuẩn X3” bao gồm: Quy tắc bảo vệ (bộ cồn sát khuẩn, khẩu trang, khăn giấy ướt,… chuẩn Gojek), tài xế Gojek đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, GoCar được trang bị máy lọc không khí đảm bảo vô hiệu hóa 99,4% virus. Bộ tiêu chuẩn này được gói gọn trong thông điệp “Chống khuẩn X3 – An toàn có GoCar”.

Khởi chạy chiến dịch

Ra mắt chiến dịch trong giai đoạn nhạy cảm là thách thức đối với các thương hiệu. Nhưng với Gojek, để đảm bảo chiến dịch thành công, đội ngũ Gojek đã chia chiến dịch thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn thử nghiệm (tháng 10/2021)

Trước khi phổ biến chiến dịch rộng rãi, Gojek đã ra mắt dịch vụ dành cho đội ngũ y tế, nhân viên Gojek và nhóm người dùng hiện tại để tạo tiếng vang và tạo Share of voice. Nhờ cách tiếp cận “tạo ra tác động tích cực” đã khiến chiến dịch của Gojek thành công.

Giai đoạn chính thức ra mắt (18/11 – 20/12/2021)

  • Tổ chức họp báo chính thức ra mắt dịch vụ GoCar Protect tại TP. Hồ Chí Minh
  • Tung TVC và quảng bá trên các kênh digital, social media và OOH
  • Kết hợp với các chiến thuật tăng tương tác giữa thương hiệu và người dùng như minigame, dance challenge. 

Sự thành công của GoCar Protect đến từ việc hợp tác với Đại sứ Sơn Tùng M-TP – được biết đến là nghệ sĩ truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt. Sơn Tùng M-TP cho biết trước khi chấp nhận trở thành đại sứ, anh đã cân nhắc 3 yếu tố chính: mức độ uy tín của thương hiệu, chất lượng của dịch vụ và chiến lược dài hạn. Có thể nói sự kết hợp này mang đến hình ảnh thương hiệu trẻ trung, uy tín và chuyên nghiệp của Gojek đối với người dùng Việt.

Tận dụng đa dạng kênh marketing để lan truyền chiến dịch

TVC

  • 29/11/2021: Gojek tung TVC đầu tiên với định dạng 3D “zoom-in” về các yếu tố chống khuẩn chuẩn X3 được trang bị trong mỗi chiếc xe GoCar Protect. TVC đã tạo kết quả ấn tượng khi thu về hơn 100 bài viết về GoCar Protect trên social media.
  • 10/1/2022: TVC thứ hai ra mắt với kỹ xảo CGI, không gian cyberpunk sinh động cùng với sự góp mặt của Đại sứ thương hiệu Sơn Tùng M-TP. TVC này nhấn mạnh trải nghiệm an toàn và hiện đại mà GoCar Protect mang lại cho khách hàng.

Đẩy mạnh PR và bài viết fanpage

Có thể nói chiến dịch đã thành công khi lan truyền thông tin về GoCar Protect. Thương hiệu đã xuất hiện với tần suất dày đặc trên các trang báo quốc tế (Techinasia) và trong nước (Vietnamplus, Tuổi trẻ, VietnamBiz, CafeBiz,…), kết hợp cùng nội dung hài hước, viral trên fanpage Truyện cổ Remix, Thăng Fly,…về câu chuyện đi xe ô tô Công Nghệ mùa dịch.

Social Dance Challenge cùng Quang Đăng

Ngày 15/11/2021, thử thách cover điệu nhảy X3 cùng vũ công Quang Đăng đã chính thức phát động và Gojek đã thu hút được cộng đồng hưởng ứng, tham gia thử thách.

AR Game cùng Sơn Tùng M-TP

Ngày 12/2/2022, Gojek đã ra mắt AR game “GoCar cùng thần tượng”, nhằm kêu gọi fan tham gia chụp ảnh cùng Sơn Tùng M-TP với Facebook Filter độc quyền trong chiếc GoCar Protect “ảo”.

OOH tại 2 thành phố lớn

Gojek đã không bỏ qua OOH nhằm tăng mức độ nhận diện của GoCar Protect và Đại sứ Sơn Tùng M-TP bằng việc sử dụng các banner tại những trục đường đông người qua lại nhất tại 2 thành phố TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong đó, banner lớn nhất được đặt ngay tại vòng xoay Điện Biên Phủ (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) trong thời gian 8 tuần.

Gojek đã đạt được kết quả gì?

Là mảnh ghép mới trong hệ sinh thái của Gojek nhưng GoCar đã có màn ra mắt khá ấn tượng với người dùng vào cuối năm 2021. Với sứ mệnh đem lại dịch vụ đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng trên mỗi chuyến xe, chiến dịch đã tạo ra độ phủ rộng trên thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. 250 bài đăng của KOL và fanpage đề cập đến GoCar Protect cùng mức độ tiếp cận đến 555 triệu đã cho thấy sự thành công của chiến dịch này. 10 triệu lượt xem trên Youtube trong vòng 2 tháng đã minh chứng cho sự thành công của chiến dịch. Mặc dù chiến dịch là ra đời trong giai đoạn khá liều lĩnh nhưng Gojek lại thu được trái ngọt khi thị phần tăng hơn 20% và mức độ nhận diện đạt 25% sau 5 tháng triển khai.

Câu chuyện về chiến dịch quảng cáo của BAEMIN

BAEMIN – “kỳ lân” xứ Hàn bước vào thị trường Việt

Mặc dù chỉ mới ra mắt thị trường Việt trong 3 năm nhưng thương hiệu này đã có nhiều thành tích nổi bật. Ra đời vào tháng 6/2010 tại Hàn Quốc, BAEMIN là một ứng dụng giao thức ăn nhanh do Woowa Brothers Corp phát triển, BAEMIN kỳ vọng sẽ “Giúp mọi người ăn ngon mọi lúc mọi nơi”. Tại xứ sở kim chi, BAEMIN đã chiếm thị phần hơn 65% và vượt hơn 40 đối thủ.
Chính thức đặt chân trên đất Việt vào tháng 5/2019, ngay thời điểm thị trường giao thức ăn trở nên sôi động, BAEMIN được đánh giá là khó cạnh tranh với các tên tuổi lớn như GoFood, Now (hiện là Shopee Food) và Grab.

Tuy nhiên, khi mới bắt đầu BAEMIN đã định hình bản thân không chỉ là thương hiệu giao thức ăn mà còn phải đem đến trải nghiệm thú vị giúp khách hàng ăn ngon mọi lúc mọi nơi. Thay vì tập trung vào khuyến mãi, BAEMIN đã tập trung vào việc tăng độ phủ sóng tại 2 thành phố lớn đó là Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Một số cột mốc đáng chú ý của BAEMIN trong hành trình chinh phục người dùng Việt:

  • Tháng 5/2019, BAEMIN có mặt tại thị trường Việt Nam với điểm dừng chân đầu tiên là TP.Hồ Chí Minh.
  • Tháng 4/2020, BAEMIN ra mắt tiện ích “BAEMIN đi chợ” ngoài dịch vụ giao thức ăn.
  • Tháng 6/2020, BAEMIN chính thức “Bắc tiến” ra Hà Nội.
  • Tháng 1/2021, “BAEMIN Đi chợ” có mặt tại Hà Nội.
  • Tháng 3/2021, BAEMIN đổ bộ Đà Nẵng.
  • Đến tháng 8/2021, BAEMIN đã có mặt tại 8 thành phố lớn trên cả nước, trong đó 5 có thành phố trực thuộc trung ương.

Chiến lược Marketing của Baemin có gì đặc biệt?

Tuy đã xuất hiện tại quê nhà trong 8 năm nhưng BAEMIN vẫn cẩn trọng khi xâm nhập vào thị trường mới. Các chiến dịch của BAEMIN có sự thành công lớn là do thương hiệu đã nhắm đúng vào trọng tâm khách hàng. Cụ thể:

Tập trung vào trải nghiệm người dùng

Xu hướng đặt thức ăn tại Việt Nam chỉ trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Hơn 60% người dùng ẩm thực ưa thích ăn uống tại hàng quán và người Việt chú trọng vào chất lượng, sự đa dạng hơn là sự tiện lợi.

Nhưng với nhóm khách hàng tập trung vào dịch vụ giao hàng thì giao hàng nhanh là tiêu chí quan trọng được đặt lên hàng đầu. Vì hầu hết những người bận rộn đều kỳ vọng sẽ nhận được thức ăn trong thời gian ngắn để đảm bảo chất lượng và hương vị.

Chính vì lý do đó mà ứng dụng đã không ngừng học hỏi, thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người dùng Việt. Quảng cáo của BAEMIN không tập trung trực tiếp vào nhu cầu của khách hàng như “Hôm nay ăn gì”, hay các chương trình khuyến mãi mà chú trọng vào cách làm thế nào để khách hàng cảm thấy được ăn ngon và ăn vui.

Tiếp cận từng cụm khách hàng

BAEMIN không tiếp cận với tệp khách hàng lớn mà đánh chiếm từng cụm nhỏ lẻ, dựa trên vị trí địa lý và sở thích của người dùng. 

Mục tiêu BAEMIN hướng đến đó là đứng đầu trong một quận và chinh phục cả người mua lẫn người bán tại khu vực đó. Chiến lược marketing bắt đầu ra đời với tên gọi “Quán ngon quận mình” cùng thông điệp tập hợp các quán ngon trong quận và tập trung vào giao hàng nhanh trong khu vực.

BAEMIN đã lựa chọn các quận nội thành để triển khai chiến dịch này. Mật độ dân cư lớn cùng số lượng nhân viên văn phòng bận rộn, hay các bạn trẻ đang tìm kiếm trải nghiệm mới lạ chính là đối tượng mục tiêu của chiến dịch này. Ngoài ra, tập trung triển khai tại nội thành cũng giúp BAEMIN tối ưu thời gian giao hàng cho khách hàng.

Khi đặt thức ăn trực tuyến, hầu hết người dùng đều ưu tiên đặt ở những quán có vị trí gần, chế biến nhanh, không mất nhiều thời gian chờ đợi. Một số người còn cho rằng vì họ có nhu cầu ăn uống ngay lập tức nên không muốn bị ảnh hưởng bởi thời gian giao hàng.

Để chiến dịch thành công, BAEMIN đã chăm chút kỹ lưỡng từ khâu thiết kế, dựng video giới thiệu những món ăn đặc trưng của từng quận, từng khu vực cũng như thực hiện quảng cáo trên social media, OOH.

Sau sự thành công của “Quán ngon quận mình”, BAEMIN đã đánh vào sở thích ăn uống của khách hàng. Cụ thể BAEMIN tập trung phát triển bộ sưu tập món ăn (food collection) theo từng nhóm sản phẩm phù hợp với từng khách hàng.

Bạn có thể “Thử chút Healthy” cho người ăn chay, tập gym hay khám phá bộ sưu tập “Ngọt” để tìm kiếm bánh ngọt, kem. Nhờ vào bộ sưu tập riêng này mà mức độ lan tỏa (Virality Score) của BAEMIN đã đạt được điểm số khá cao (0.82).

Tập trung vào thị trường ngách là chiến lược tạo ra sự khởi đầu thành công khi gia nhập thị trường Việt của BAEMIN.

Hợp tác cùng Influencers/KOL

Với “Quán ngon quận mình”, BAEMIN đã khéo léo kết hợp cùng Trấn Thành thông qua video “Phụ nữ nên yêu an toàn hay yêu thú vị”. Những triết lý đan xen chuyện tình yêu và đồ ăn là yếu tố khiến người xem trở nên thích thú ở lần kết hợp này.

Vào tháng 4/2020, chiến dịch “Ăn ở nhà cũng ngon” đã chính thức ra mắt và hashtag #AnOnhaCungNgon cũng được sử dụng khá nhiều trong bối cảnh Việt Nam bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên. “Ăn Ở Nhà Cũng Ngon” đã được cộng đồng đón nhận khá sôi nổi. Food-blogger có sức ảnh hưởng như Nofoodphobia, Ăn Sập Sài Gòn,.. cùng các thương hiệu F&B lớn như Runam Bistro, Phúc Long,…đã cùng nhau kết hợp để lan truyền thông điệp này của BAEMIN đến với hàng triệu khách hàng.

Ở chiến dịch “Thử chút Healthy”, BAEMIN đã hợp tác với nhiều KOLs như Châu Bùi, Helly Tống, Emmi Hoàng, Hana Giang Anh và đã thu về phản hồi tích cực. Sở dĩ BAEMIN lựa chọn KOLs này là vì đây là những người nổi tiếng có lối sống xanh, quan tâm đến sức khỏe, môi trường, sự bền vững và đúng chuẩn “sống sạch, eatclean, tập gym” mà BAEMIN đặt ra.

Content bắt trend, GenZ thỏa sức sáng tạo

Đối tượng khách hàng mà BAEMIN hướng đến là nhóm các bạn trẻ, có khả năng sử dụng app giao thức ăn với tần suất cao. Đây cũng là nhóm khách hàng khó tiếp cận, khó giữ chân, đòi hỏi thương hiệu cần sáng tạo, đổi mới thì mới có thể chinh phục được đối tượng này. 

Chính vì lý do đó mà BAEMIN đã tìm đến KOL, đưa ra chương trình khuyến mại cùng content (nội dung) bắt trend để thu hút các bạn trẻ. 12 cung hoàng đạo, Cá Tháng Tư, ngày Halloween, tháng Cô hồn, Ngày 20/11, Black Friday hay “mãi bên nhau bạn nhé,” nghe vũ trụ mách bảo” là những cụm từ và chủ đề thân thuộc với GenZ, được đội ngũ của BAEMIN sử dụng một cách dễ thương, sáng tạo. 

Ngoài ra BAEMIN cùng vẽ lại những nhân vật trong các bộ phim hot theo phong cách linh vật Mèo Mập khiến các bạn trẻ cảm thấy rất ấn tượng.

Không bỏ qua Music Marketing khi tạo chiến dịch

Music Marketing vốn là “mảnh đất màu mỡ” để thương hiệu cùng nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo, lan tỏa hình ảnh đến với cộng đồng. Thời gian gần đây hình thức này đang trở thành xu hướng quảng cáo bất kể thương hiệu thuộc ngành nghề nào hay hướng đến đối tượng mục tiêu nào.

Tất nhiên BAEMIN cũng không nằm ngoài cuộc chơi vào để tận dụng Music Marketing, BAEMIN đã ra mắt 2 MV quảng cáo và 1 storytelling video:

  • Quán ngon quận mình – Trấn Thành x Baemin (20/5/2020)
  • Em bé – Amee x Karik x Baemin (20/9/2020)
  • Ngọt – JustaTee x Rhymastic x Baemin (16/4/2021)

MV quảng cáo của BAEMIN đều nhanh chóng lọt top trending trên Youtube và các nền tảng khác. Nhờ vào việc lồng ghép thông điệp khéo léo, nhắm đúng insight, giai điệu bắt tai, chăm chút phần nghe và phần nhìn, MV của BAEMIN luôn được người xem đón nhận một cách tích cực.

Quảng cáo ngoài trời OOH

Tuy hướng đến khách hàng trẻ tuổi thường sử dụng smartphone và online trên mạng xã hội, BAEMIN cũng không bỏ qua quảng cáo ngoài trời OOH. Từ chiến dịch “Món Ngon Quận Mình”, BAEMIN đã sử dụng những biển quảng cáo mang phong cách “thả thính các quận” để thu hút khách hàng tiềm năng.

Ví dụ: “Tân Bình nhà anh đó, đặt là có anh giao”, “Anh ở quận 3, em vừa bước ra là anh giao tới”, “Gò Vấp anh thuộc lòng, em bằng lòng anh giao” hay “Hoàn Kiếm anh biết rõ, ở trong ngõ vẫn giao” là những câu mà nhiều bạn trẻ rất ấn tượng.

Chiến dịch truyền thông mừng BAEMIN lên 3 để cảm ơn khách hàng

Sinh nhật là thời điểm các thương hiệu lấy mình làm trung tâm nhưng BAEMIN lại có suy nghĩ khác. Với BAEMIN sự thành công của thương hiệu đến từ sự yêu mến, tin tưởng và sự ủng hộ của người dùng. Vào dịp tròn 3 năm có mặt tại Việt Nam, BAEMIN đã ra mắt chiến dịch cảm ơn đến khách hàng. Chiến dịch này được triển khai trên nhiều nền tảng, từ online đến offline để lan tỏa thông điệp và tiếp cận số lượng lớn người xem.

BAEMIN đã sử dụng quảng cáo ngoài trời gồm Billboard, Pano, OOH hay quảng cáo trên Youtube, Spotify, đăng tải bài viết trên Facebook, báo điện tử để gửi lời tri ân đến khách hàng đã đồng hành trong thời gian qua. Với mỗi nền tảng BAEMIN đã có cách cám ơn khác nhau:

  • “Cảm ơn bạn 3 năm qua đã dành vài giây xem quảng cáo BAEMIN mỗi lần dừng đèn đỏ”, “Cảm ơn bạn 3 năm qua đã khen tài xế BAEMIN đẹp trai để bọn tớ mát mặt” – Lời nhắn từ team Marketing nhắn gửi tới người đi đường thông qua Billboard, Pano trên đường phố.
  • “Nhân dịp sinh nhật, cảm ơn bạn 3 năm qua vì những lần Skip Ad để BAEMIN biết mình cần làm quảng cáo hay hơn nữa” – Lời cảm ơn tràn đầy năng lượng tích cực từ quảng cáo hiển thị trên YouTube.

Ngoài ra Brands Vietnam, Cuộc sống Agency hay Ví Momo cũng đưa tin về thông điệp cảm ơn của BAEMIN. Có thể nói BAEMIN đã tận dụng hầu như tất cả các nền tảng cho chiến dịch truyền thông để nhắn gửi lời cảm ơn của mình.

Điểm đặc biệt khác của chiến dịch truyền thông BAEMIN đó là sử dụng dòng chữ viết tay. Để tăng độ chân thật, BAEMIN còn viết tắt trên của đội ngũ nhân sự như “P từ team Design”, “C. Team Rider BAEMIN”,…

Sáng tạo định hình chất riêng của BAEMIN

Lời cảm ơn nhân dịp sinh nhật của BAEMIN đã thu hút sự quan tâm và thảo luận khá sôi nổi, đặc biệt là marketer. Đây không phải là lần đầu tiên mà BAEMIN khiến cộng đồng mạng bất ngờ trước các chiến dịch quảng cáo ngoài trời sáng tạo, không kém phần táo bạo. Ngoài chiến dịch cảm ơn vừa qua, trước đây BAEMIN cũng đã tạo ấn tượng với người dùng thông qua chiến dịch OOH “Quán ngon quận mình”, tạo viral và thu hút sự chú ý lớn.

Học được gì từ chiến dịch của BAEMIN

Có thể nói chiến dịch marketing nào của BAEMIN cũng đem đến sự mới mẻ, hấp dẫn và sáng tạo. Các chiến dịch thể hiện tinh thần trẻ trung, đương đầu khó khăn và thử thách. Nhờ vào những điều này mà BAEMIN đã có định hướng chính xác khi thực hiện các chiến lược marketing.

Dù gia nhập muộn nhưng với chiến thuật “đánh chiếm từng cụm”, Influencer Marketing, Music Marketing, OOH đã giúp BEAMIN tạo ấn tượng với nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng.

Chiến lược Marketing giúp Grab định hình tên tuổi trên thị trường Việt

Sự thành công của chiến dịch marketing đến từ việc lựa chọn chiến lược phù hợp và triển khai kế hoạch tốt. Trong đó chiến dịch “GrabFood Signatures” (Món “Độc” Quán Quen) của GrabFood tại Việt Nam đã thu được kết quả lớn trong năm 2019. Bằng cách sử dụng Influencer, GrabFood đã giới thiệu thành công phân khúc mới của họ: Các món đặc trưng trong các nhà hàng mà khách hàng thường ghé đã có thể đặt hàng trên GrabFood.

Chiến lược phù hợp tạo ra chiến dịch marketing thành công

Tháng 5/2019, GrabFood đã ra mắt GrabFood Signatures để khuyến khích người Việt mở rộng các lựa chọn món ăn ưa thích. Thương hiệu đã tận dụng Influencer và social media để tăng nhận thức về thương hiệu và thu hút người dùng trải nghiệm món ăn độc đáo khó có thể tìm thấy ở nơi khác. Cụ thể GrabFood đã tận dụng mô hình Integrated Influencer Marketing với 2 trụ cột chính:

  • Lựa chọn đa dạng người ảnh hưởng

Để triển khai Influencer Marketing vào kế hoạch truyền thông, GrabFood đã sử dụng đa dạng người ảnh hưởng từ những người nổi tiếng đến người ảnh hưởng nhỏ, blogger, VJ,…Ví dụ như Linh Ngọc Đàm không chỉ được biết đến là game thủ nổi tiếng với 1,4 triệu subscribers mà còn tạo ra giá trị riêng khi thực hiện review các món ăn.

  • Nội dung sáng tạo

GrabFood đã tối đa hóa sức mạnh sáng tạo của Influencer theo nhiều cách. Chẳng hạn như Influencer được tự do tham gia chiến dịch và quảng cáo chiến dịch theo phong cách riêng trên các nền tảng social media như YouTube, Facebook và Instagram nhằm tiếp cận lượng khán giả lớn nhất có thể.

Chìa khóa thành công của chiến dịch

Sau khi đã nắm chắc ý tưởng, đã đến lúc Grab thể hiện sự đột phá và chinh phục giới trẻ. Chiến dịch tập trung vào nhóm giới trẻ có độ tuổi từ 16 đến 25+ ở khu vực TPHCM, Hà Nội và chia thành nhiều giai đoạn nổi bật.

Nhận diện

Tiền đề của chiến dịch đến từ việc hợp tác với các trang cộng đồng và Influencer để truyền tải thông điệp. Linh Ngọc Đàm đã thu hút được hơn 70.000 khán giả tiếp cận thông qua bài đăng trên trang cá nhân. Ngoài ra cộng đồng cũng đa dạng hóa nội dung thông qua nhiều hình thức như đăng tải video, hình ảnh hài hước, kết hợp với câu nói bắt trend để nhấn mạnh vị thế “chuyên gia ẩm thực”. GrabFood cũng thiết kế những hộp quà và gửi kèm thiệp mời sự kiện cho hơn 50 Influencer để gợi mở sự tò mò và thu hút sự chú ý của khán giả từ các bài đăng giới thiệu về món quà có hashtag #mondocquanquen và #DotimdaurangoaiGrabFood.

Tiếp cận 

Điểm chính của chiến dịch là sự ra mắt “Món “Độc” Quán Quen” vào 23/5/2019 tại SC Vivo City sau hơn 1 năm triển khai. Sự kiện có sự góp mặt của KOLs như Linh Ngọc Đàm, Jun Phạm,…đem lại cho khán giả cơ hội thưởng thức hương vị quen mà độc, “độc” mà ngon. Ngoài ra sự kiện còn có sự góp mặt của Influencer và Food Blogger để tăng mức độ tương tác và lan tỏa sức nóng của chiến dịch qua check-in và livestream.

Chinh phục khán giả

Để tạo động lực cho khách hàng mục tiêu tìm đến sự đa dạng ẩm thực và tạo cảm giác thèm ăn món “độc”, GrabFood đã hợp tác với Dino Vũ, Ăn Sập Sài Gòn cùng với micro influencer thường review món ăn trên Instagram. Với hình thức truyền tải này, food blogger không chỉ làm thỏa mãn phần vị giác mà cả phần thị giác của người xem. Chiến dịch đã khẳng định GrabFood là chuyên gia ẩm thực qua những món ăn đậm đà hương vị Món “Độc” Quán Quen.

GrabFood đạt được kết quả gì?

Nhờ vào nỗ lực của GrabFood, chiến dịch đã tạo ra tiếng vang lớn cùng với con số ấn tượng:

  • Hơn 1 triệu lượt xem video từ các blogger ẩm thực và social media.
  • 282.478 lượt tương tác thông qua 3 kênh chính: Forum, Influencer và Food blogger.
  • 676.279 lượt tương tác với nội dung đánh giá thực phẩm từ blogger và hơn 13.000 lượt thảo luận và nhận xét (> 80% tích cực).

Có thể nói GrabFood cùng chiến dịch Món “Độc” Quán Quen đã khẳng định vị thế bản thân là đối thủ nặng ký trên thị trường giao thức ăn cùng chiến dịch truyền thông tạo ra xu hướng. Bài học rút ra từ chiến dịch thành công đó là để tạo ra chiến dịch hiệu quả không chỉ nằm ở ý tưởng mà là quá trình từ chiến lược đến thực thi, cùng nỗ lực sáng tạo và triển khai toàn diện.

Nguồn tham khảo: Case Study: Có Gì Hay Giữa Các Chiến Dịch Của Gojek, Baemin Và Grabfood?

Xem thêm: KOL là gì? 8 Bí Quyết Giúp Bạn Trở Thành KOL Chuyên Nghiệp