Top 6 yếu tố quyết định thành bại trong đầu tư kinh doanh online

Dù kinh doanh online hay truyền thống, một bản kế hoạch chi tiết là bước khởi đầu tối quan trọng. Bản kế hoạch này phải liệt kê được những việc bạn cần làm, ví dụ như cách chọn sản phẩm, nguồn hàng phù hợp, hay số vốn đầu tư cần thiết…. Bài viết này sẽ […]

Đã cập nhật 14 tháng 1 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Top 6 yếu tố quyết định thành bại trong đầu tư kinh doanh online
  1. Dù kinh doanh online hay truyền thống, một bản kế hoạch chi tiết là bước khởi đầu tối quan trọng. Bản kế hoạch này phải liệt kê được những việc bạn cần làm, ví dụ như cách chọn sản phẩm, nguồn hàng phù hợp, hay số vốn đầu tư cần thiết…. Bài viết này sẽ bật mí 6 yếu tố cần được cân nhắc hàng đầu khi lập một bản kế hoạch như vậy. Cùng bắt đầu nhé!

    #1. Chọn sản phẩm kinh doanh online phù hợp

    Trước khi bắt đầu kinh doanh online, các nhà đầu tư cần nghiên cứu thị trường cũng như nhu cầu chủ yếu của khách hàng hiện nay. Theo thống kê của Bizweb 2017, thời trang, phụ kiện, công nghệ, mỹ phẩm, trang sức, và các dịch vụ du lịch khách sạn hiện là mặt hàng kinh doanh online hot trên các trang thương mại điện tử.

    Nếu bạn chọn đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ này, thì mức độ cạnh tranh sẽ rất cao. Dù gian hàng của bạn có ở đâu trên thế giới mạng thì cạnh tranh vẫn sẽ diễn giữa các kênh bán hàng như mạng xã hội Facebook, Zalo,…; các trang buôn bán tập trung Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,…; và các website riêng lẻ.

    Chọn sản phẩm kinh doanh online phù hợpTrích Asia Plus

    Ngoài ra, bạn còn phải tranh giành khách hàng với những doanh nghiệp kinh doanh truyền thống. Vì thực tế, họ luôn có kế hoạch mở rộng thị trường trên thế giới mạng. Khách hàng của họ sẽ trung thành từ hàng quán offline đến website kinh doanh trực tuyến. Vì thế, việc kinh doanh của bạn sẽ gian nan hơn rất nhiều.

    Nếu lựa chọn một mặt hàng hiếm như mỹ phẩm thiên nhiên thân thiện môi trường; cây cảnh nhỏ như sen đá; hay những sản phẩm hiếm ở Việt Nam, chỉ có thể nhập từ nước ngoài về; thì bạn không phải cạnh tranh nhiều. Tuy nhiên, bạn sẽ cần nhiều thời gian quảng bá, gây dựng thương hiệu độc quyền; cửa hàng online mới được nhiều người biết đến.

    #2. Tìm nguồn hàng

    Chắc hẳn ai muốn bắt đầu công việc này đều thắc mắc “Muốn bán hàng online lấy hàng ở đâu?”. Bước tiếp theo là tìm nguồn hàng sẽ giải đáp ngay cho bạn.

    • Một là nhập hàng từ Quảng Châu, Trung Quốc, có người dẫn thì có thể lấy được hàng giả xịn hoặc hàng tốt nội địa Trung. Nếu không thì hàng cũng chỉ tầm trung, giống những shop online khác. Chất lượng và độ bền thì có trời mới biết. Nếu bạn chọn buôn bán những mặt hàng phổ biến như quần áo mỹ phẩm, phụ kiện; Trung quốc là nguồn hàng khổng lồ cho bạn.
    • Hai là mua hàng từ các trang bán lẻ nước ngoài như Amazon hay Ebay. Chất lượng tốt hơn, nhưng hàng luân chuyển đường xa sẽ tốn nhiều phí. Đồng thời, có thể khó hoàn trả nếu có hư hại hay khách của bạn không nhận hàng.
    • Ba là nhờ người thân mang hàng “xách tay nước ngoài” về; nhưng hàng số lượng lớn có nguy cơ bị đánh thuế cao.
    • Bốn là tìm nguồn hàng trong nước. Mặt hàng có chất lượng tương đối đến tốt, nhưng mẫu mã không bằng hàng nước ngoài.

    Tóm lại, để đi đến kết luận cuối cùng “Bán hàng gì?” hay “Lấy hàng ở đâu?”, bạn phải dự tính trước mức độ cạnh tranh của mặt hàng đó trên thị trường thật kỹ lưỡng.

    #3. Chọn kênh bán hàng online đắt khách

    Nhóm 1: Trang mạng xã hội

    Theo số liệu thống kê từ Vinaresearch, người Việt Nam mỗi ngày dành khoảng 4 tiếng trên Facebook, 2 tiếng trên Zalo, 1.5 tiếng trên Instagram. Với lợi thế khả năng tiếp cận số đông khách hàng, dễ dàng thiết lập kênh mà không cần nhiều vốn đầu tư, cách thức buôn bán chủ yếu là livestream hoặc đăng tải hình ảnh thì chẳng có gì là khó khăn; nên các cửa hàng online bùng nổ trên mạng xã hội, tạo ra một thị trường kinh doanh xô bồ.

    Một người kinh doanh online thường tạo tài khoản liên kết trên cả ba mạng xã hội trên để tăng độ phủ sóng.

    • Trên Facebook, có thể tạo trang cá nhân (profile) — dễ dàng tạo thương hiệu cá nhân; tạo nhóm (group) tiện lợi cho việc chăm sóc khách hàng; tạo tập ảnh (album) giúp người dùng thoải mái lựa chọn shop dựa trên bình luận và nhận xét tổng hợp; hoặc tạo trang (fanpage) — quảng bá shop online bằng chạy quảng cáo Facebook dễ hơn.
    • Trên Instagram: tạo trang cá nhân với thông tin đầy đủ và sử dụng Công cụ kinh doanh, kết nối với trang FB, đăng và chia sẻ ảnh, video.
    • Trên Zalo: tạo tài khoản cá nhân, tận dụng QR code (in trên tem, bao bì…) để tiếp thị, hoặc bán hàng trên Zalo Official, sử dụng Zalo Pay để thanh toán.

    Đa phần các shop quần áo, mỹ phẩm sẽ mở tài khoản trên FB và IG – bộ lọc hình ảnh (filter) giúp người bán chỉnh sửa hình sản phẩm bắt mắt hơn.

    Ví dụ cụ thể (trích từ spiceee.net), Na Pu shop ngoài cửa hàng offline, shop còn có 2 trang Facebook: Na Pu (@napucloset) và Instagram: napucloset.

    FB: Na Pu
    IG: napucloset

    Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus năm 2018, Facebook là mạng xã hội bán hàng online phổ biến nhất, 37% khách hàng mua sắm trực tuyến ưa chuộng thị trường Facebook, Zalo chỉ chiếm 2% tổng số vì số lượng kết bạn trên Zalo hạn chế 2000 người. Instagram có mức độ truy cập thấp hơn Facebook và Zalo nên việc kinh doanh cũng không nhộn nhịp bằng.

    Instagram có mức độ truy cập thấp hơn Facebook và Zalo

    Nếu bạn đăng tải quá nhiều hoặc bị loãng vì bài đăng lẻ tẻ, nội dung không đặc sắc; thông tin sản phẩm được đăng tải lên mạng xã hội rất dễ bị trôi.

    Mức độ tiếp cận bài viết thường chỉ chiếm 10-20% số lượng bạn bè hay người theo dõi. Khi kinh doanh trên mạng xã hội cá nhân, những cuộc sống riêng tư sẽ bị soi mói rồi ‘bóc phốt’; ảnh hưởng đến danh tiếng cửa hàng; thậm chí bị tẩy chay, bị hack; hay báo cáo chặn trang.

    Nhóm 2: Website kinh doanh cá nhân

    Để tạo và thiết kế website theo ý thích, có thể truy cập ATPweb, SlimWeb, Ladipage, Sapo Web… Buôn bán trên website cá nhân, bạn có thể tận dụng những tính năng mà Facebook không có như: bộ lọc sản phẩm; hình ảnh mô tả sản phẩm từ nhiều góc độ; sử dụng video mô tả về sản phẩm; quảng cáo sự kiện khuyến mãi hay giveaway bằng banner bắt mắt trên trang chủ; danh mục sản phẩm đã xem hoặc gợi ý…

    Một lợi thế đáng chú ý khác: Website được thiết kế chuẩn SEO. Để làm được điều này, bạn cần chọn tên miền/domain ngắn, dễ nhớ, và gợi nhớ lĩnh vực/ mặt hàng bạn kinh doanh. Tên miền sẽ giúp khách hàng dễ dàng nhận diện thương hiệu của bạn. Nếu website của bạn được thiết kế chuẩn SEO*, website của bạn sẽ hiển thị ở mục kết quả tìm kiếm trên Google, một cách tiếp thị hiệu quả, không tiêu tốn như chạy quảng cáo Facebook. Ví dụ khi người mua tìm kiếm “dụng cụ viết thư pháp tphcm” trên Google; kết quả hiển thị những website kinh doanh có tên miền trùng với từ khóa tìm kiếm.

    Website được thiết kế chuẩn SEO

    Như trong hình, kết quả hiển thị ngoài những shop có website riêng; còn có các shop từ Lazada, Sendo, Fahasa; những trang web bán hàng online tập trung; và cả Facebook. Suy ra, cạnh tranh cũng gay gắt. Người tiêu dùng có thể sẽ chọn xem sản phẩm đa dạng trên các trang thương mại điện tử lớn; thay vì website nhỏ lẻ ít tên tuổi.

    ()SEO (Search Engine Optimization — giải pháp tối ưu website nhằm nâng cao thứ hạng được hiển thị của website trên các công cụ tìm kiếm như Google)*

    Nhóm 3: Sàn thương mại điện tử

    Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, A Đây Rồi, Vật Giá là những website buôn bán phổ biến nhất, thống trị các mặt hàng thời trang, làm đẹp, thực phẩm ăn uống. Thế Giới Di Động, Cellphones, FBT Shop, Điện Máy Xanh là những trang chuyên buôn bán sản phẩm công nghệ.

    Các trang bán hàng online tập trungNguồn: Brands Vietnam

    Lợi thế duy nhất trên các trang thương mại điện tử là lượng khách hàng tiếp cận lớn đến từ sự nổi tiếng có sẵn của những trang này.

    Đăng ký gian hàng rất dễ (đăng ký tài khoản, cung cấp các thông tin kinh doanh). Do đó, số lượng người bán đông đúc; mức độ cạnh tranh cao về chất lượng sản phẩm, giá thành và dịch vụ giao trả hàng. Chưa kể nếu bạn bán hàng thật; sẽ khó có thể cạnh tranh lại đồ giả giá rẻ hình ảnh giống y đúc. Ngoài ra, buôn bán trên các trang tập trung; bạn vẫn phải tự chịu trách nhiệm về đóng gói sản phẩm; tổn thất về các sự cố hàng hóa hư hại, thất lạc; hoặc khách không nhận hàng.

    #4. Tối ưu lợi nhuận bằng phương thức quảng cáo

    Vậy làm cách bán hàng online đắt khách trên mạng xã hội, bước đầu tiên để thu hút khách hàng là tạo một tài khoản công khai, đầu tư ảnh đại diện và ảnh bìa lộng lẫy của chính người đầu tư để tạo niềm tin cho người theo dõi rằng tài khoản của bạn không phải nick clone (bản sao), hay tài khoản lừa đảo. Công khai nút Kết bạn và Theo dõi nếu là tài khoản Facebook; thiết lập chế độ công khai cho tất cả bài đăng sẽ tăng mức độ phủ sóng của bài viết.

    Thời gian đầu, đa số cửa hàng online sẽ nhân độ phủ sóng bằng mạng lưới bạn bè, người thân. Chức năng Like và Share được tận dụng triệt để để tăng người theo dõi (follower). Sau khi có một lượng khách hàng nhất định; bạn nên thực hiện chương trình khuyến mãi như mini game, give away, giảm giá, để tăng tương tác với khách hàng cũng như quảng bá cửa hàng online.

    Tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) cũng là một cách thức quảng có hiệu quả nhưng cũng phức tạp và tốn kém.

    Nhiều bước thực hiện như: cần phân tích thị trường; xác định đối tượng khách hàng muốn nhắm đến (tuổi, khu vực, giới tính, phân khúc khách hàng); ký hợp đồng quảng cáo với Facebook; viết nội dung quảng cáo; và chạy thử quảng cáo. Khi chỉ thu được vài đơn hàng mỗi ngày, giá trị không cao mà chạy quảng cáo Facebook; sẽ tốn kém nếu duy trì lâu dài mà mức độ bám đuổi cũng không cao; vì bị bão hòa với vô số cửa hàng khác.

    Facebook AD

    Các gian hàng online trên Shopee hay Lazada sẽ tham gia vào các đợt Flash Sale lớn như một cách khác để quảng bá cho gian hàng online luôn đắt khách. Trong khi đó, các trang thương mại điện tử này sẽ tăng độ phủ sóng bằng ứng dụng điện thoại; quảng cáo trên mạng xã hội, báo điện tử; các công cụ tìm kiếm; tin nhắn/ email quảng cáo; …

    Vây là cửa hàng online độc lập trên Facebook hay Zalo của bạn cũng phải cạnh tranh với các cửa hàng từ Shopee, Lazada hay Tiki và ngược lại.

    Việc chọn một kênh bán hàng phù hợp và cách thức tiếp thị hiệu quả giúp bạn bước đầu xây dựng thương hiệu cá nhân.
    Dần dà, kinh doanh phát triển, thương hiệu, tên tuổi của cửa hàng trở nên quen thuộc hơn với người tiêu dùng. Khách hàng trung thành truyền tai, chia sẻ thông tin. Bạn sẽ thu hút thêm khách vãng lai.

    Nhưng trên thế giới ảo, thương hiệu nếu dễ xây dựng thì cũng dễ mất đi. Trong phần kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu về các dịch vụ chăm sóc khách hàng; thanh toán và giao trả hàng. Đây là những phương thức quan trọng khác để “nuôi dưỡng” và nhân rộng độ phủ sóng cho cửa hàng kinh doanh online.

    #5. Quản lý và chăm sóc khách hàng

    Trong giai đoạn mới bắt đầu, quy mô còn nhỏ. Bạn có thể tự quản lý kinh doanh, cụ thể như từ tìm nguồn hàng, tư vấn, nhận đơn hàng đến giao hàng đều do bạn đảm nhận. Nhưng đó là cả một khối lượng công việc khổng lồ; nó tiêu tốn nhiều thời gian online và căng thẳng hơn đi làm công ăn lương.

    Theo thời gian, quy mô kinh doanh phát triển hơn, bạn sẽ cần phải thuê người san sẻ công việc. Có thể hợp tác với người thân, bạn bè, hoặc thuê người ngoài để xây dựng một đội ngũ duy trì kinh doanh hiệu quả. Lúc này, bạn sẽ phải phát huy khả năng cũng như kiến thức quản lý kinh doanh và nhân sự.

    Với một đội ngũ hoạt động năng suất, kinh doanh online sẽ được duy trì lâu dài và ngày một phát triển.

    Về mức độ lợi nhuận thì việc này chắc chắn làm dày túi doanh nghiệp. Xét về khía cạnh dịch vụ kinh doanh (là dịch vụ bạn cung cấp cho khách hàng, đi kèm với buôn bán sản phẩm, dịch vụ), việc quản lý và duy trì gian hàng online xây dựng thương hiệu, từ nền móng mà bạn đã đặt nên từ việc chọn kênh kinh doanh và tiếp thị (xem thêm tại đây), lớn mạnh và ổn định hơn.

    Không những thế, vô số những trang kinh doanh trực tuyến mọc lên mỗi ngày; gian hàng của bạn sẽ không phải kiểu đột nhiên xuất hiện, rồi đột nhiên biến mất như một tài khoản ảo hay lừa đảo. Thông qua một trang buôn bán, khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ họ cần; bạn thì có được lợi nhuận. Một sự trao đổi đôi bên cùng có lợi về lâu dài.

    Sự duy trì kinh doanh cũng là một cách nuôi dưỡng thương hiệu và niềm tin nơi người tiêu dùng ở thì hiện tại và tương lai.

    Ngoài ra, bạn cũng nên có một ngũ nhân viên cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp: tạo thiện cảm bằng giao tiếp thân thiện, qua tin nhắn và điện thoại; chăm sóc khách hàng như: tư vấn chọn sản phẩm nhiệt tình; chốt đơn hàng nhanh chính xác; trả lời hiệu quả các thắc mắc; giao hàng nhanh và rẻ.

    Dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, chuyên nghiệp sẽ cho người tiêu dùng thấy được sự nghiêm túc của bạn trong kinh doanh. Và hơn nữa là cả sự quan tâm tận tình của bạn đối với họ. Từ đó, khách hàng cảm thấy tin tưởng, hài lòng sẽ đánh giá cao và để lại phản hồi tích cực, dần dà xây dựng tên tuổi cho cửa hàng online, thu hút thêm khách vãng lai và khách vãng lai thì thành khách quen.

    #6. Phương thức thanh toán và giao trả hàng

    Thanh toán trực tuyến

    • Ship COD (Cash On Delivery) – Thanh toán tiền mặt khi giao hàng: là hình thức phổ biến nhất hiện nay. Khách hàng sẽ trả tiền mặt khi đã nhận và kiểm tra hàng của mình.
    COD
    • Chuyển khoản ngân hàng: Người mua sẽ chuyển tiền cho người bán qua ATM hay giao dịch trực tiếp tại ngân hàng sau khi chốt đơn hàng, hàng hóa thường được chuyển sau khi người bán nhận được tiền. Dĩ nhiên, bạn sẽ cần tạo một hay nhiều tài khoản thuộc các ngân hàng khác nhau. Điều này tùy thuộc vào quy mô kinh doanh.
    Chuyển khoản ngân hàng
    • Ví điện tử (Mobivi, Payoo, VnMart, PayNet): Đây là một hình thức thanh toán khá mới mẻ, khách hàng phải sở hữu ví điện tử để có thể thực hiện thanh toán trực tuyến trên cửa hàng online của bạn.
    Ví điện tử
    • Thẻ ghi nợ quốc tế (Visa, Mastercard, American Express, JCB) và nội địa (Connect24 của Vietcombank): Hiện tại hình thức thanh toán bằng thẻ ghi nợ vẫn chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam.
    Thẻ ghi nợ quốc tế

    Cách thức giao hàng

    Nếu bạn kinh doanh trên mạng xã hội, bạn có thể chọn phương thức giao trả hàng: thuê người ship riêng; sử dụng các dịch vụ/ công ty như Grab, ViettelPost, Giao Hàng Nhanh, VNpost/ EMS, Giao Hàng Tiết Kiệm… Đa phần phí giao hàng phụ thuộc vào khối lượng/ trọng lượng và quãng đường luân chuyển.

    Về cách thức giao hàng

    Nếu bạn lập gian hàng trên Shopee hay Lazada, cách thức giao hàng và chi phí sẽ phụ thuộc vào cách tính phí của mỗi bên. Thường sẽ tính theo:

    • Phương thức: giao hàng chuẩn (standard), giao hàng hỏa tốc (express), giao hàng tiết kiệm
    • Giá trị đơn hàng: Ví dụ, Shopee miễn phí vận chuyển ngoại thành đơn hàng trên 250.000đ; nội tỉnh cho đơn hàng trên 150k.
    • Mã giảm giá hay mã miễn phí vận chuyển (nếu có)
    • Địa điểm giao hàng: nội thành luôn rẻ hơn liên tỉnh
    • Trọng lượng đơn hàng

    Dịch vụ hoàn trả hàng

    Những việc cần làm khi khách muốn trả hàng:

    • Tìm hiểu nguyên nhân: Hỏi vấn đề khách gặp phải. Sau đó, phân tích nguyên nhân: lỗi sản phẩm; lỗi vận chuyển, đóng gói không cẩn thận; hay lỗi từ khách hàng.
    • Đưa ra hướng giải quyết: Bạn cần có một chính sách hoàn trả hàng rõ ràng. Cụ thể bồi thường ra sao: đổi sản phẩm cùng giá trị; đổi trả có đền bù; không hoàn trả tùy vào mức độ thiệt hại và tùy vào nguyên nhân; miễn phí chi phí vận chuyển khi trả hàng (nếu có thể); điều kiện được hoàn trả…
    • Cam kết: Giải quyết vấn đề và đưa ra cam kết rằng sẽ không để vấn đề lặp lại nữa

    Khách hàng thường đang trong cơn tức giận, bức xúc, không hài lòng khi muốn trả hàng. Đây là lúc dịch vụ chăm sóc khách hàng phát huy hết năng lực. Khắc phục vấn đề với thái độ niềm nở, thể hiện sự quan tâm và mong muốn hỗ trợ khách hàng. Như thế, khách trả hàng nhưng vẫn hài lòng và không ngại tiếp tục ủng hộ gian hàng của bạn.

    Kết luận

    Qua bài viết này, chúng ta hiểu thêm rằng muốn kinh doanh online thành công, cần phải xác định được các yếu tố quan trọng. Buôn bán sản phẩm không thôi còn chưa đủ, phải biết cách tiếp cận và có dịch vụ tốt thì khách hàng mới gắn bó, thương hiệu mới lớn mạnh. Bên cạnh đó, bạn có thể tìm hiểu và cân nhắc thêm về các kênh đầu tư ít vốn nhưng tỉ lệ sinh lời cao khác hiện nay như Forex, tiền ảo,….Dù thế nào, hãy luôn cẩn trọng khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực gì nhé.


    Cảm ơn bạn đã luôn theo dõi và ủng hộ các bài viết trên Diễn đàn Remitano. Chúng tôi hy vọng những kiến thức về giao dịch & đầu tư crypto từ cơ bản đến nâng cao tại đây sẽ giúp bạn tự tin để bắt đầu giao dịch mua bán crypto cũng như đầu tư sinh lời từ tiền điện tử ngay hôm nay!

    Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình giao dịch, hãy tham khảo thêm thông tin hỗ trợ khách hàng hoặc liên hệ ngay với chúng tôi thông qua chatbox bên dưới. Đội ngũ hỗ trợ Remitano sẵn sàng trả lời bạn 24/7.***
    Hi vọng những kiến thức hữu ích trên sẽ giúp bạn tìm ra chiến lược đầu tư thông minh cho chính mình. Hãy trải nghiệm mua bán tiền điện tử ngay trên sàn Remitano thông qua kênh giao dịch P2PSWAP và đầu tư Invest ngay hôm nay để bắt đầu tạo ra lợi nhuận. Và đừng quên đào RENEC mỗi ngày nhé.

    Nguồn: Top 6 yếu tố quyết định thành bại trong đầu tư kinh doanh online