Tia HEV là gì và tại sao cần bảo vệ làn da tránh khỏi tia này?

Sự tồn tại của tia HEV cũng như tia UV (còn gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại),  nhưng trong khi tia UV đã được cảnh báo rất nhiều về mức độ tổn hại đối với làn da, thì hiệu ứng phân tử và hiệu ứng hiển thị của tia HEV chỉ mới […]

Đã cập nhật 14 tháng 7 năm 2018

Bởi TopOnMedia

Tia HEV là gì và tại sao cần bảo vệ làn da tránh khỏi tia này?

Sự tồn tại của tia HEV cũng như tia UV (còn gọi là tia cực tím hay tia tử ngoại),  nhưng trong khi tia UV đã được cảnh báo rất nhiều về mức độ tổn hại đối với làn da, thì hiệu ứng phân tử và hiệu ứng hiển thị của tia HEV chỉ mới được khám phá gần đây. Trên thực tế, tia HEV là một phần ánh sáng chúng ta có thể nhìn thấy được. Theo trang tin của thương hiệu Eucerin, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, tia sáng HEV có ảnh hưởng đến tình trạng da và có thể khiến da lão hóa sớm. Trong bài này, hãy cùng Style Guide tìm hiểu tia HEV là gì, cũng như xem xét những ảnh hưởng tiêu cực của tia HEV đối với làn da.  

Tia HEV là gì?

Tia HEV hay ánh sáng năng lượng cao nhìn thấy được – High Energy Visible Light (HEV light) luôn có ở xung quanh chúng ta. Quang phổ của ánh sáng mặt trời bao gồm tia UV, dải ánh sáng nhìn thấy (visible light) và ánh sáng hồng ngoại. Trong đó ánh sáng nhìn thấy chiếm 50% quang phổ mặt trời. Tức là, chỉ 50% của ánh sáng mặt trời có thể nhìn thấy được bằng mắt người, phần còn lại gồm tia UV và tia hồng ngoại đều thuộc loại ánh sáng không nhìn thấy.

Dải màu xanh lam/tím của phổ ánh sáng nhìn thấy này có mức năng lượng đặc biệt cao, do đó được đặt tên là ánh sáng năng lượng cao nhìn thấy được, với tên gọi ánh sáng nhìn thấy năng lượng cao (High Energy Visible Light), viết tắt là HEV hay HEVL.

Cần biết thêm, ánh sáng phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử cũng là ánh sáng xanh. Smartphone, laptop, máy tính bảng, màn hình vi tính, TV LED, đèn huỳnh quang, tất cả đều phát ra ánh sáng HEV, do đó không tốt cho làn da và có hại cho mắt khi tiếp xúc liên tục trong thời gian dài. 

Sự khác biệt giữa tia HEV và tia UV

Ánh sáng được đo lường bằng bước sóng, đơn vị được tính bằng nanomet (nm) và milimet (mm). Ánh sáng nhìn thấy thường có bước sóng vào khoảng 400 – 760 nm, với tia HEV sẽ vào khoảng 400 – 500 nm. Trong khi đó, tia UV có bước sóng ngắn hơn, vào khoảng 290 – 400 nm (bước sóng của tia UVA dài hơn UVB).

Chúng ta đã biết, phần lớn những tổn thương trên da gây ra bởi ánh sáng mặt trời đến từ tia UV. Tuy nhiên, tia HEV mặc dù có năng lượng thấp hơn tia UV, nhưng chúng dễ dàng vượt qua giác mạc lẫn thủy tinh thể, từ đó xâm nhập vào tận sâu bên trong mắt và gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho võng mạc.

Mức độ ảnh hưởng, mật độ phân bố của tia UV và HEV trong ánh sáng mặt trời không đồng đều, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sau:

Vị trí địa lý: cường độ của tia UV ở những vùng nhiệt đới thường cao hơn so với ôn đới, càng xa khu vực xích đạo thì nguy cơ sẽ ít hơn.

– Độ cao so với mực nước biển: tác hại của tia UV thường lớn ở những nơi có độ cao hơn.

– Thời gian trong ngày: bức xạ của tia UV và tia HEV cao nhất vào buổi trưa, khi mặt trời chiếu sáng trực tiếp, khoảng từ 10h – 14h.

– Không gian: mức độ tác động của tia UV và tia HEV thường lớn ở không gian rộng, đặc biệt ở những bề mặt phản xạ cao như mặt cát, bờ biển, cánh đồng, bề mặt tuyết,…Mức độ gần như gấp đôi khi tia UV chịu sự phản xạ từ các bề mặt tuyết.

Tia HEV ảnh hưởng đến làn da như thế nào?

Ánh sáng mặt trời nói chung tốt cho cơ thể chúng ta – là nguồn quan trọng giúp tổng hợp vitamin D do đó cần thiết cho sự khỏe mạnh của xương, tăng nồng độ serotonin và kích thích cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, cơ thể chỉ nên tiếp xúc ánh nắng ở cường độ nhẹ và trong một khoảng thời gian nhất định, sự tác động quá nhiều của các tia sáng có thể làm hư hại tế bào da.

Tia HEV và tia UV có sự ảnh hưởng khác nhau đối với làn da. Trong khi tia UVB thâm nhập vào các lớp ngoài cùng của da (lớp biểu bì) thì HEV lại tấn công mạnh như tia UVA, thâm nhập vào lớp da sâu hơn (lớp hạ bì).

Tóm lại:

– Tia UVB làm cháy da còn HEV, UVA thì không.

– UVB và UVA ở mức độ thấp hơn có liên quan đến tổn thương DNA, có thể dẫn đến ung thư da, Trong khi tia HEV thì không liên quan đến ung thư da.

– Cả hai tia UVA và HEV có thể làm lão hóa da sớm.

– UVA là nguyên nhân chủ yếu gây ra chứng dị ứng ánh nắng mặt trời. UVB cũng có thể gây dị ứng nhưng khả năng thấp hơn.

– Cả 3 tia UVA, UVB và HEV đều làm tăng sắc tố da và có thể đóng góp vào tình trạng đồi mồi hay nám da

Tia HEV và tình trạng lão hóa da sớm

Giống như tia UVA, HEV tạo ra các gốc tự do (còn được gọi là ROS – Reactive Oxygen Species). Những gốc tự do này làm tế bào da sản xuất enzym gây phá hủy collagen và elastin – những chất giúp da có vẻ ngoài trẻ trung, đầy đặn. Quá trình này thường gọi là “căng thẳng oxy hóa” ( oxidative stress ) và là nguyên nhân gây ra tình trạng lão hóa da sớm do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Tất nhiên lão hóa là một quá trình hoàn toàn tự nhiên, nhưng da bị lão hóa sớm nghĩa là bắt đầu chảy xệ và phát triển các nếp nhăn sâu trước thời hạn của nó.  

HEV và sắc tố da không đều

Cùng với UVA và UVB, tia HEV có thể gây ra các sắc tố da không đều (thường được định nghĩa là tăng sắc tố) và có thể góp phần gây ra đồi mồi hay nám da, tình trạng tăng sắc tố dẫn đến đồi mồi thường gặp ở những người có làn da tối màu.

Làm thế nào để bảo vệ da không bị “căng thẳng oxy hóa”?

Khi lựa chọn kem chống nắng, chúng ta cần ưu tiên tìm kiếm các sản phẩm có khả năng chống lại tia UVA và UVB, đồng thời ngăn chặn sự ảnh hưởng của tia HEV. Tránh khỏi tia HEV, không chỉ hạn chế tình trạng “căng thẳng” khiến da lão hóa sớm mà còn chống tăng sắc tố da, giữ gìn làn da của bạn được sáng khỏe và tươi trẻ dài lâu.

Ngày nay, có rất nhiều loại kem và lotion chống nắng tiên tiến, mang lại hiệu quả cao để bảo vệ làn da trước tia UVA và UVB. Tuy nhiên các thành phần hóa chất và sắc tố thường sử dụng để lọc tia UVA và UVB thì không lọc được tia HEV. Chính vì lý do này, bạn nên tìm kiếm các sản phẩm có chứa chất chống oxy hóa nhằm phòng trừ “căng thẳng oxy hóa”.

Licochalcone A và Glycyrrhetinic Acid là hai chất chống oxy hóa được chứng minh là cộng tác cùng nhau trong việc bảo vệ tế bào da ở lớp biểu bì, tránh khỏi sự tổn thương do ánh sáng mặt trời gây ra. Trong đó, Licochalcone A – thường được chiết xuất từ rễ cam thảo, là chất chống oxy hóa mạnh có khả năng trung hòa các gốc tự do gây hại – nguyên nhân đẩy nhanh quá trình lão hóa da, đồng thời giúp kháng viêm, giảm kích ứng và ửng đỏ trên da. Và Glycyrrhetinic Acid, một chất chống oxy hóa cũng có nguồn gốc từ rễ cam thảo, có tác dụng hỗ trợ cơ chế tự tái tạo ADN của da.

Ngoài ra, một số loại dược phẩm có tác dụng hạn chế sự ảnh hưởng của tia UV và tia HEV như tetracycline, sulfa drugs, birth control pills, diuretics hay tranquilizers. Cũng như nhiều loại thực phẩm giàu chất chống oxy như sôcôla đen, nho tím, việt quốc, lúa mạch, súp lơ xanh,…có thể làm tăng sức đề kháng của cơ thể người đối với các bức xạ UV và HEV từ ánh sáng mặt trời.

Cuối cùng, một điều quan trọng luôn cần nhớ chính là: ánh sáng mặt trời gây ảnh hưởng lên làn da của bạn ngay cả trong những ngày có mây, thời tiết âm u hay dưới bóng râm. Vì vậy, không chỉ bảo vệ và che chắn làn da trong những ngày trời nắng nóng khắc nghiệt nhất, mà điều này phải nên là một phần trong thói quen chăm sóc da hàng ngày, cần thiết giống như việc đánh răng hay rửa mặt, các bạn nhé.