Bạn muốn trông trẻ trung hơn? Bạn sợ hãi các dấu hiệu lão hóa? Khóe mắt chân chim, làn da thâm nám và vết nhăn râu rồng.
Ngày nay, rất nhiều nhà sản xuất mỹ phẩm dành cho phụ nữ và nam giới, khẳng định rằng các sản phẩm của họ có thể xua tan nỗi am ảnh của bạn. Bất cứ ai hẳn đã từng nhìn thấy hoặc nghe đến các loại sản phẩm như: chăm sóc da “chống lão hóa”, kem dưỡng “săn chắc da” và các loại mỹ phẩm “xóa nếp nhăn”, “trẻ hóa làn da” hay “phục hồi làn da lão hóa”. Mỹ phẩm chống lão hóa đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh thành công. Đến một lúc, hầu hết chúng ta đều muốn “cầu cứu” các loại mỹ phẩm chống lão hóa. Tất cả chúng ta đều sợ già!
Tuy nhiên, vấn đề tiêu cực đã nảy sinh. Số lượng, chủng loại ngày càng tăng và sự đa dạng về thương hiệu, giá cả của các loại mỹ phẩm chống lão hóa bắt đầu khiến người tiêu dùng cảm thấy bối rối. Không những thế, nhiều hãng sản xuất còn hết sức “khéo léo” trong cách gọi tên hay “mập mờ” thông tin về tính chất, công dụng và hiệu quả của sản phẩm. Liệu có thực sự khác nhau giữa huyết thanh chống lão hóa (anti-aging serum) và kem thách thức tuổi tác (age-defying cream)? Nếu sử dụng kem trẻ hóa (youth-regenerating cream) thì có hiệu quả hơn so với bộ sản phẩm “bóc vỏ” chống lão hóa (anti-aging peel kit) không? Và kem chống nhăn (wrinkle-defense cream) có tốt hơn những sản phẩm được giới thiệu là chỉnh sửa nếp nhăn tiên tiến (advanced wrinkle corrector) – tức là xóa bỏ vết nhăn đã có thay vì ngăn ngừa sự xuất hiện các nếp nhăn mới?
Điều quan trọng hơn nữa: Các sản phẩm chống lão hóa có thực sự giúp bạn không già đi hay trẻ lại? Và nếu có thì các thương hiệu càng đắt đỏ hơn sẽ có hiệu quả cao hơn không? Làm thế nào mà các công ty được phép tuyên bố hiệu quả và khả năng của những sản phẩm chống lão hóa đó? Có bất kỳ ai, bộ phận nào, đơn vị nào có thẩm quyền trong chính phủ sẽ kiểm tra và xác nhận độ trung thực của các công ty sản xuất?
Để giải đáp cho những thắc mắc như trên, Carolline Mayer (*1) – một phóng viên tiêu dùng chuyên viết về các vấn đề an toàn sản phẩm, đã tìm thấy các hướng dẫn và lời khuyên hữu ích từ những chuyên gia trong lĩnh vực làm đẹp:
Paula Begoun (*2) – người tự nhận bản thân là một “Cớm Mỹ Phẩm”. Bà Begoun đã bắt đầu review sản phẩm chăm sóc da từ nhiều năm qua và là tác giả của quyển Don’t go to the cosmetics counter without me (tạm dịch là “Đừng đến các quầy mỹ phẩm mà không có tôi”). Paula Begoun quản lý một website review về mỹ phẩm (beautypedia.com) trước khi tiến đến sản xuất và bán các dòng sản phẩm mang tên bà.
Begoun bày tỏ một cách thẳng thắn: “Không có bất kỳ sự khác biệt nào” khi các nhãn sản phẩm đề rằng chống lão hóa, thách thức tuổi già, ngăn chặn nếp nhăn hay làm trẻ hóa. Những từ ngữ này “đơn giản chỉ nói lên điều mà phụ nữ muốn nghe”. Bà cũng cho biết thêm: “Các thuật ngữ này sẽ không giúp cho bất kỳ ai đưa ra quyết định mua sản phẩm nào tốt hơn”.
Để nói về sự giám sát của chính phủ đối với ngành mỹ phẩm, điều này khá phức tạp. Điển hình tại Mỹ, mặc dù Cục Quản Lý Thực Phẩm & Thuốc ( The Food and Drug Administration – FDA) và Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (Federal Trade Commission) đều có những tiêu chuẩn nhất định đối với mỹ phẩm, thì các công ty cũng có thể in trên nhãn bất kỳ điều gì họ muốn miễn là họ có cách để đối phó hoặc thậm chí “lách luật”. Đó là lý do tại sao phần lớn các lời mô tả về khả năng chống lão hóa đều rất chung chung và thiếu cụ thể, ví dụ như: “Sản phẩm này sẽ khiến bạn trông trẻ hơn 30 tuổi”.
Bên cạnh đó, một khi mỹ phẩm được khẳng định là thuốc ( nghĩa là có thể trị bệnh hoặc thay đổi cấu trúc cơ thể), các thành phần phải được FDA chấp thuận. Một sản phẩm tuyên bố là “anti-aging” thì không được coi là thuốc, bởi vì lão hóa không phải là bệnh. Nhưng đối với serum, có thể được gọi là thuốc, bởi serum có thể loại bỏ hoàn toàn các vết nám. Vì vậy, các sản phẩm serum phải chứa ít nhất một thành phần được FDA chấp thuận (trong trường hợp này, thành phần phổ biến là hydroquinone). Theo FDA, luật pháp không đòi hỏi mỹ phẩm phải được FDA chấp thuận trước khi đưa ra thị trường, chỉ cần phải an toàn khi người tiêu dùng sử dụng theo thông tin hướng dẫn kèm theo sản phẩm. Tuy nhiên, đối với mỹ phẩm được coi là thuốc, cũng như dụng cụ Làm đẹp có tác dụng như thiết bị y tế, tất cả phải trải qua quá trình kiểm định của FDA.
Vậy, trong thực trang mà các thuật ngữ marketing ngày càng trở nên “uyển chuyển”, làm cách nào để người tiêu dùng biết được đâu là sản phẩm đáng tin cậy để mua?
Để trả lời cho câu hỏi này, Caroline Mayer tìm đến Nina Judar (*3), giám đốc bộ phận làm đẹp của tạp chí Good Housekeeping. Bộ phận của Judar làm việc với các nhà hóa học ở viện nghiên cứu Good Housekeeping, đã kiểm tra 90 sản phẩm chống lão hóa trên 825 tình nguyện viên trước khi xuất bản bài báo “14 winning treatments that can make a difference”.
Trong số những sản phẩm không đảo ngược quá trình lão hóa, chúng đã giúp da săn chắc, làm mềm và mịn da, giảm bọng mắt và sưng phù, hạn chế thấp nhất sự xuất hiện của nếp nhăn hay làm mờ các vết nám. Khi mua mỹ phẩm chống lão hóa, Judar khuyên rằng: “Bạn cần quyết định đâu là vấn đề bạn muốn tấn công vào. Đó là nếp nhăn, là vết chân chim hay vết nám. Sau đó tìm kiếm các sản phẩm đặc hiệu cho vấn đề đó. Hãy chắc chắn rằng có một thành phần được kiểm chứng trong đó”. Ví dụ retinol và peptides là thành phần đã được chứng minh có khả năng làm mịn các nếp nhăn. Đối với các vết nám, hydroquinone (với nồng độ 2% hoặc ít hơn) là tiêu chuẩn vàng. Với những ai cảm thấy hydroquinon gây kích ứng, có thể thử một sản phẩm trị nám có những thành phần “dễ chịu” hơn như axit kojic, alpha-arbutin, chiết xuất cam thảo và vitamin C – mặc dù chúng không có hiệu quả mạnh như hydroquinone. Sau tất cả, bất kể bạn chọn sản phẩm chống lão hóa nào, hãy nhớ rằng thường phải mất từ bốn đến tám tuần để thấy sự cải thiện.
Chú thích:
(*1) Caroline Mayer là một phóng viên có kinh nghiệm 25 năm làm việc cho Washington Post. Cô chuyên viết về các chủ đề tiêu dùng như an toàn sản phẩm, lừa đảo và các vấn đề xoay quanh thẻ tín dụng. Mayer là một nhà báo uy tín, đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có: Betty Furness Consumer Media Service Award. Ngoài ra, Caroline Mayer cũng đã viết cho Consumer Reports, CBS MoneyWatch, Ladies Home Journal, Kaiser Health News,…
(*2) Paula Begoun tên đầy đủ là Paula Beth Begoun, là một người chủ trì chương trình truyền thanh (talk radio host) tại Mỹ, đồng thời viết sách và là một doanh nhân. Bà Begoun là người sáng lập Paula’s Choise và Beginning Press Publishing.
(*3) Nina Judar tham gia Good Housekeeping trong vai trò giám đốc bộ phận làm đẹp từ tháng 9/2010. Judar từng là biên tập viên mảng làm đẹp tại tạp chí Town & Country, đó cũng là nơi cô bắt đầu với vị trí trợ lý biên tập.
Nguồn:
How read anti-aging cosmetics labels – nextavenue.org
Wrinkle Treatments and Other Anti-aging Products – fda.gov