Một số thuật ngữ kinh tế thông qua chuyện ông Tư Nước Sâm

Nhằm mục đích giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn về các thuật ngữ kinh tế phức tạp, hôm nay Two-Rice sẽ cố gắng đưa tới các bạn những hình ảnh thật đơn giản và dễ hiểu về chúng. Lưu ý rằng các khái niệm có được là do Two-Rice tự đúc kết qua […]

Đã cập nhật 14 tháng 8 năm 2015

Bởi TopOnMedia

Một số thuật ngữ kinh tế thông qua chuyện ông Tư Nước Sâm

Nhằm mục đích giúp mọi người tiếp cận dễ dàng hơn về các thuật ngữ kinh tế phức tạp, hôm nay Two-Rice sẽ cố gắng đưa tới các bạn những hình ảnh thật đơn giản và dễ hiểu về chúng.

Lưu ý rằng các khái niệm có được là do Two-Rice tự đúc kết qua kinh nghiệm và sự tìm hiểu của bản thân, nếu nó đúng thì mừng còn sai xin nhận mọi góp ý của các bạn và vui lòng đừng ném đá dưới mọi hình thức (nếu có hãy ném thứ gì có thể quy đổi ra tiền).
Xin cảm ơn!

Thuật ngữ kinh tế về hoạt động kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận 

thuat-ngu-kinh-te-1

Ông bà ta có câu “Phi thương bất phú”, tức nói không kinh doanh rất khó giàu nên người Việt Nam gần như ai cũng có máu kinh doanh trong người. Kinh doanh là một hành động sản xuất (hoặc mua đi bán lại) sản phẩm và bán ra để hưởng sự chênh lệch từ giá của nó. Dịch vụ cũng được coi là một sản phẩm và người kinh doanh hưởng chênh lệch từ giá của nó.

Thuật ngữ doanh thu là để chỉ tổng số tiền bán được của người kinh doanh chưa trừ bất cứ khoản chi phí nào khác sau một tháng (ở đây Two – Rice tính tháng cho dễ hiểu). Lợi nhuận là tổng số tiền thu được sau khi từ tất cả các chi phí sau một tháng. Ví dụ trong lúc trời nắng gắt, ông Tư mở hàng nước sâm ra bán. Ông Tư có nhà nên không tốn chi phí mặt bằng, không thuê người (tạm thời đặt giả thuyết trên cho dễ hiểu). Để nấu sâm ông phải mua nguyên liệu, chai đựng, ga để nấu và đá để ướp cho lạnh. Sau khi tổng hết các chi phí lại ông Tư thấy chi phí sản xuất 1 chai sâm là 6,000 đồng. Ông bán ra với mức giá là 10,000 đồng. Ông bán từ 2h trưa tới 8h tối.
Mỗi ngày ông bán 100 chai sâm, vậy một tháng (tính tròn 30 ngày) ông bán được 3,000 chai. Nhân số lượng đó với mức giá 10,000 thì doanh thu một tháng của ông là 30,000,000 đồng.

Tuy nhiên, do mỗi một chai sâm sản xuất ông mất 6,000 đồng tức với 3,000 chai ông mất tương đương 18,000,000 đồng. Như vậy lợi nhuận sau khi trừ thuế 30,000,000 – 18,000,000 đồng là 12,000,000 đồng. Với 12,000,000 đồng thu về trên 30,000,000 tiền bán ra. Chúng ta cũng có thể hiểu là ngành nước sâm của ông Tư có tỷ suất lợi nhuận là 40% (lấy lợi nhuận chia cho doanh thu). Như vậy chỉ đơn giản từ chuyện buôn bán của ông Tư bạn đã hiểu được các thuật ngữ kinh tế căn bản như doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận.

Kinh tế học vi mô và Kinh tế học vĩ mô

Nếu không phải là dân Kinh tế, nếu bạn hỏi bất kỳ người bạn nào học Kinh tế về hai thuật ngữ kinh tế này tụi nó sẽ nhăn như khỉ hoặc làm mặt căng thẳng “Môn này khó lắm” nhưng thực ra theo Two – Rice nó không khó hiểu đến vậy.

Thuật ngữ kinh tế học vi mô đơn giản là xét diễn biến một ngành trong số nhiều ngành đang hoạt động. Câu chuyện bác Tư ở đây được xem xét là ngành ăn uống.
Nếu giá ga tăng thì ngay lập tức chi phí sản xuất một chai sâm của ông Tư sẽ phải thay đổi từ đó dẫn đến lợi nhuận giảm. Hoặc bà Năm ra hàng nước mía thì doanh thu của ông Tư có nguy cơ bị chia sẻ, hoặc nhiều người tham gia hơn sẽ ảnh hưởng đến cả bà Năm lẫn  ông Tư.
Hay nói xa hơn, nếu khu vực ông Tư xây thêm chung cư, tòa nhà cho thuê thì dẫn đến lượng người qua lại khu nhà ông Tư chắc chắn sẽ tăng thêm từ đó dẫn đến tăng doanh số bán hàng. Hoặc quá nhiều người kinh doanh sâm như ông Tư sẽ tác động đến mức giá 10,000 hiện tại mà ông Tư đang bán. Hoặc nếu đồng tiền bị mất giá ông Tư cũng buộc phải điều chỉnh giá bán để có mức lợi nhuận mong muốn.

Nhìn chung tất cả các yếu tố như giá nguyên liệu, giá ga, xăng, sự mất giá đồng tiền hay sự xuất hiện hoặc giảm đi của các đối thủ cạnh tranh đều có tác động đến các lĩnh vực nào đó.
Thuật ngữ kinh tế học vĩ mô là môn quan tâm đến các thông số chung của cả nền kinh tế. Nó có thể coi là môn theo dõi sức khỏe của một quốc gia dựa trên nhiều chỉ số phức tạp.
Nghĩa là kinh tế học vĩ mô sẽ không quan tâm tới hàng sâm của ông Tư hay cả ngành ăn uống mà ông ta đang tham gia. Nó quan tâm tới tất cả các lĩnh vực kinh doanh đang hoạt động trong một quốc gia. Từ đó có cái nhìn về sức khỏe của nền kinh tế.

Trong khuôn khổ bài viết, Two-Rice không muốn nói sâu về kinh tế học vĩ mô nhưng có thể giúp các bạn hình dung rằng nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất giống hàng sâm của ông Tư.
Ông Tư không thể kiểm soát giá bán, tất cả các nguyên liệu nấu sâm đều phải nhập từ nước ngoài (cụ thể là Trung Quốc). Đây là điều rất nguy hiểm vì không có gì đảm bảo nguồn cung sẽ không chơi xấu làm tăng giá thành, một khi giá thành tăng ông Tư không thể tự nhiên tăng giá bán vì người tiêu dùng có thể chọn bà Năm nước mía, bà Sáu rau má…Chính vì thế lợi nhuận của ông Tư sẽ èo uột. Nền kinh tế Việt Nam cũng vậy, hầu hết tất cả các nguyên liệu sản xuất của các ngành chủ đạo từ ăn uống, may mặc, xây dựng…đều nhập từ nước ngoài. Một khi chúng ta không kiểm soát được giá sản xuất, đừng mong có giá bán hấp dẫn và mức lợi nhuận mong đợi. Hóa ra các thuật ngữ kinh tế nêu trên cũng không quá khó hiểu phải không?

Lạm phát và các vấn đề liên quan

image_38

Bất kỳ ai kinh doanh hoặc làm công ăn lương cũng quan tâm đến yếu tố lạm phát và các vấn đề liên quan đến nó, ông Tư cũng không ngoại lệ, hãy cùng xét xem nó ảnh hưởng thế nào đến hàng sâm của ông Tư.

Cứ sau mỗi tháng ông Tư gom tiền lời và bỏ vào ngân hàng lấy lãi suất. Tuy nhiên sau một năm ông nhận ra rằng
số tiền lời đó không đổi ra được lượng USD hay vàng so với trước đây. Ông có cảm giác như đồng tiền đang bị mất giá và hay nghe báo chí nhắc tới nguyên nhân là do lạm phát.

Vậy thuật ngữ kinh tế lạm phát này có nghĩa là gì ? Đơn giản nhất là sự mất giá của đồng tiền sau một chuỗi sự kiện phức tạp.

Chúng ta biết rằng bất cứ thứ gì con người tạo ra được đều có khả năng mất giá cao, vì nó có thể sản xuất số lượng lớn. Tiền cũng không nằm ngoài quy tắc này, nếu một quốc gia nào đó in tiền vô tội vạ, giá trị của chúng sẽ bị phá tan nát. “Zim-ba-quê” là 1 điển hình, người dân nước này phải xách vài tỉ đi mua một ổ bánh mỳ.

Như vậy tiền phải được in dựa trên một cột mốc nào đó. Kể từ khi từ bỏ bản vị vàng (sẽ giải thích sau), nhiều quốc gia đã dùng tiền USD thay vào đó để in tiền, tỷ lệ giữa đồng tiền quốc gia đó và USD là bí mật quốc gia nhưng có thể hiểu là lượng tiền in ra phải có giá trị tương đương trữ lượng USD quốc gia đó đang nắm giữ.

Bên cạnh đó, do nhu cầu tiền mặt ở Việt Nam luôn tăng cao nên tiền phải chảy liên tục từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Như vậy tiền là hữu hạn và nó xoay liên tục. Muốn in thêm tiền, quốc gia đó phải tăng lượng dự trữ USD (sau khi đã trừ hết các chi phí khác). Ngược lại, đồng tiền sẽ mất giá khi tăng nguồn cung tiền mà không tăng trữ lượng USD bằng 2 cách sau:

  • Sử dụng quá nhiều tiền đồng để mua hàng hóa bằng USD nhưng không xuất ra được lượng hàng hóa đem về lượng USD bằng hoặc cao hơn.
  • Tiền đồng bị đóng băng không luân chuyển được trong nền kinh tế buộc phải có nguồn tiền bù vào để thỏa mãn nhu cầu tiền mặt.

Hãy xem ví dụ sau, ông Tư có đứa con gái là Thích Hàng Hiệu, nó chuyên mua đồ Mỹ để làm điệu. Một tháng ông Tư cho nó 4 triệu (tương đương 200 USD) nhưng nó luôn mua đồ 600 USD. Tức là thiếu tới 400 USD, để bù vào và ông Tư buộc phải rút tiền bán ra.

Từ lúc mở cửa kinh tế đến nay, Việt Nam luôn thâm hụt thương mại ngày càng cao, chúng ta dùng rất nhiều tiền đồng đổi ra USD để mua nguyên liệu sản xuất cơ bản nhưng lại không xuất được hàng nhiều ra nước ngoài để bù lại lượng USD đó. Giống như con bé Thích Hàng Hiệu, nhưng ở cấp độ Quốc gia nhà nước phải tìm cách bù vào sự chênh lệch đó, một trong số đó là tiền.

Tới đây sẽ có người thắc mắc về thuật ngữ kinh tế này là vì sao nếu thâm hụt thương mại ngày càng cao tại sao 1 USD vẫn chỉ ở mức hơn 20 chục ngàn Việt Nam đồng, một vài tìm kiếm trên mạng cho thấy lẽ ra 1 USD phải đổi ra cả trăm ngàn ? Tất cả đều có nguyên nhân của nó.

Quay về chuyện ông Tư, ông có người con gái cả tên là Thích Đi Mỹ đang làm nail ở Mỹ, mỗi tháng cô ta gửi về cho ông 200 USD. Như vậy thay vì phải bỏ ra 8 triệu đồng (400 USD) để bù vào số tiền cô con gái thứ hai tiêu, ông chỉ phải bỏ 4 triệu đồng (200 USD).

Xin nói riêng một chút về 200 USD của cô Thích Đi Mỹ, để có được 200 USD hay 4 triệu thêm mỗi tháng, ông Tư phải bán được 10 triệu đồng (còn nhớ tỉ suất lợi nhuận của ông là 40%). Trong khỉ ở đây ông ở không và vẫn có được số tiền đó.

Khi nhiều người như cô Thích Đi Mỹ gửi tiền về, theo thuật ngữ kinh tế, người ta gọi nó là lượng kiều hối đổ về Việt Nam. Và đây là số tiền các chuyên gia kinh tế đánh giá rất cao vì đất nước không mất gì vẫn có nó. Thống kê gần đây cho thấy có gần 12 tỉ USD tiền kiều hối gửi về trong năm qua và số tiền này vẫn tăng nhẹ hằng năm, điều này giải thích phần nào Việt Nam vẫn giữ được tỉ giá không quá thấp so với USD. Tuy nhiên, khi lượng kiều hối gửi về ít đi thì rõ ràng là vấn đề lớn đối với tiền đồng.

Yếu tố thứ hai, là do thói quen tích lũy vàng hoặc các dạng tiền tệ khác của người Việt Nam mà đa phần là vàng. Để giữ giá tài sản tích lũy, phần lớn người Việt thường chuyển tiền dự trữ sang vàng hoặc USD. Điều này có nghĩa là một lượng tiền lớn bị lưu ở trong dân mà đáng lẽ phải đưa vào nền kinh tế. Nói đơn giản khi 10 đồng được đưa vào nền kinh tế, sau một vòng xoay nó chỉ còn 7 đồng vì 3 đồng đã đưa vào vàng và chỉ quay trở lại vòng xoay sau vài năm khi những người giữ nó có nhu cầu sử dụng.

Yếu tố thứ ba, rõ ràng nhất và hệ quả của nó cho tới nay vẫn chưa giải quyết xong đó là bong bóng bất động sản nổ tung vào năm 2009. Ông Tư muốn tăng tài sản tích lũy nên đã đầu tư đất ở Hóc Môn, ông mua một lô 100m2 với giá 500 triệu đồng. Ông kỳ vọng bán được 700 triệu nhưng điều đó không xảy ra, do đất ông Tư bị làm giá lúc ông mua và nó chỉ bán được với giá 200 triệu. Thuật ngữ kinh tế bong bóng bất động sản được dùng để diễn tả những trường hợp như vậy.

Bạn nghĩ sao? Chắc chắn ông Tư sẽ không bán vì nó làm ông mất tới 300 triệu, nên ông cứ để đó. Giống như ông Tư, nhiều dự án bất động sản lăn đùng ra chết vì giá quá cao so với thị trường, chúng chỉ được bán với giá bằng 20-30% giá hiện tại, chủ đầu tư không chịu vì bán giá đó có tiền trả lãi cho ngân hàng đâu. Thế là một cục tiền rất to dồn ứ đọng trong nền kinh tế.

Để cứu vãng nhu cầu tiền mặt vốn luôn hao hụt vì vàng và thâm hụt thương mại ngày càng cao, nay lại thêm ông bất động sản đổ bệnh…điều gì phải làm chắc đến đây ai cũng hiểu. Cho đến nay đồng tiền Việt Nam luôn bị mất giá hàng năm. Còn mất giá bao nhiều thì đó là bí mật quốc gia.

Ở đây cũng xin nhắc thêm việc các siêu xe hay các  mô tô quái vật đang nhập về Việt Nam ngày càng nhiều, đừng nhìn vào đó mà ngưỡng mộ hay cho rằng Việt nam đã giàu lên nhé. Hãy nhớ đến câu chuyện con bé Thích Đồ Mỹ, đây là một trong các nguyên nhân khiến tài sản tích lũy bằng tiền đồng của các bạn bốc hơi h
ết mấy chục % mỗi năm (chết, nhỡ mồm).

Kết luận

Nói dông nói dài cũng mệt, Two-Rice nêu 3 vấn đề mà những người kinh doanh ăn uống, mốt đang nở rộ hiện nay chú ý:

1 – Lương của bạn là bao nhiêu?

Nên nhớ ông Tư không hề tính tiền công của ông ta vào thu nhập từ hàng sâm. Khi bạn kinh doanh cùng nhiều người, mức lương mỗi người sẽ phân chia như thế nào ?

Khi doanh thu càng cao, tức bạn phải tốn nhiều hơn một người để bán hàng. Bạn đã tính mức lương của người làm chưa? Còn nếu không có mặt bằng bạn phải đi thuê? Khi ấy, lợi nhuận bao nhiêu là đủ?

Mặt khác, phải tính tới chi phí hao mòn của tư liệu sản xuất. Bạn kinh doanh sinh tố, nước mía hay cà phê rang xay thì đều gặp một vấn đề: máy hư. Một tháng máy hư bao nhiêu lần? Mỗi lần mất bao nhiêu tiền để sửa chữa/ thay mới? Hãy ghi lại hoặc đơn giản là đưa ra một khoản cố định hằng tháng gọi là phí bảo trì.

Cuối cùng đó là chi phí tiếp thị, ONLINE hay OFFLINE (in bảng, biểu giá, menu…) đều phải quy ra tính theo chu kỳ một tháng/3 tháng. Nói chung bạn cần có cách quy tất cả các khoản chi phí trên ra được một con số cụ thể để tính toán lời lỗ cuối tháng.

Nếu 12 triệu tiền lời của ông Tư sau khi trừ chi phí người làm, mặt bằng, tiếp thị, hao mòn tư liệu sản xuất thì đây là con số khá tốt còn nếu như chưa thì nên suy nghĩ lại. Nắm vững lý thuyết cũng như hiểu rõ về các thuật ngữ kinh tế này sẽ giúp bạn kinh doanh hiệu quả hơn.

2 – Giá rẻ có phải là chiến lược tốt?

Châm ngôn “ngon, rẻ, bổ” có hợp lý. Câu trả lời là Không, chẳng có sản  phẩm nào ngon, bổ mà rẻ cả. Nguyên liệu có cái giá của nó, tốt khác rẻ khác. Bên cạnh đó, khi giá nguyên liệu lên, bạn không thể đột ngột tăng giá như anh xăng, hay điện còn thông báo trước cả mấy tháng.

Nên dùng các chiêu khuyến mãi trong thời gian đầu để vẫn giữ được giá bán với lợi nhuận mong muốn.

Kế đến hãy đa dạng mặt hàng mà bạn đang kinh doanh để giử chân khách hàng cũ và khách hàng mới, đây là một trong các chiêu tăng doanh thu mà không nhất thiết phải áp đặt mức giá rẻ hơn thị trường. Nhưng nên ghi nhận sức mua của chúng để nhanh chóng loại ra khỏi giỏ hàng vì việc nuôi chúng chỉ tổ tốn chi phí.

Theo thời gian, giỏ hàng kinh doanh của bạn sẽ tăng lên và việc quản lý nguồn nguyên liệu của nó làm bạn phát điên, hà cớ đâu phải quan tâm tới những thứ không đem lại doanh số bán hàng cao.

3 – Làm gì với tiền tiết kiệm?

Không tiền cũng chết mà có tiền cũng chết. Chúng ta biết lạm phát như bóng ma đeo bám tài sản tích lũy của chúng ta mọi lúc mọi nơi. Hãy chọn những kênh tích lũy mà bạn có kinh nghiệm và phải đảm bảo rằng lúc cần có thể chuyển thành tiền để xoay xở kinh doanh. Hi vọng bài viết về thuật ngữ kinh tế này sẽ hữu dụng cho các bạn đọc và hỗ trợ bạn tốt hơn trong việc kinh doanh.

Đặng Công Sang