Tác dụng của kẽm đối với làn da và mái tóc

Kẽm (zinc) thuộc nhóm chất khoáng vi lượng rất cần thiết cho sinh vật và sức khỏe con người, đặc biệt đối với quá trình phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Dấu hiệu của một cơ thể thiếu kẽm có thể trông thấy như: tóc khô cứng và xơ cháy, móng tay […]

Đã cập nhật 5 tháng 4 năm 2018

Bởi TopOnMedia

Tác dụng của kẽm đối với làn da và mái tóc


Kẽm (zinc) thuộc nhóm chất khoáng vi lượng rất cần thiết cho sinh vật và sức khỏe con người, đặc biệt đối với quá trình phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Dấu hiệu của một cơ thể thiếu kẽm có thể trông thấy như: tóc khô cứng và xơ cháy, móng tay yếu giòn dễ gãy và lâu mọc dài, làn da sạm và dễ bị mụn.

Mặc dù cơ thể con người chỉ cần đến một lượng rất nhỏ loại chất khoáng này, song lại là yếu tố vô cùng quan trọng, cần thiết cho sự hoạt động của khứu giác, cải thiện một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, kích hoạt các enzyme và hình thành DNA, giúp chữa lành vết thương và tái tạo tế bào. Tuy nhiên, kẽm lại không có cơ chế tự sản sinh hay tích trữ trong cơ thể, vì vậy nên cách duy nhất để có được lượng kẽm đầy đủ cho cơ thể chính là một chế độ ăn uống lành mạnh.

Phái đẹp thường biết đến kẽm như một loại chất chống lão hóa da sớm. Ngày nay, kẽm được xem là một trong những thành phần quen thuộc trong các sản phẩm chăm sóc dađiều trị bệnh ngoài da. Để hiểu rõ hơn về tác dụng của kẽm đối với làn da, mái tóc và sức khỏe thể chất, hãy tham khảo qua phần nội dung dưới đây:

Kẽm giúp da khỏe mạnh từ bên trong

1. Kẽm hoạt động như một chất chống oxy hóa

Về bản chất, kẽm không phải là một chất chống oxy hóa như vitamin C và E. Kẽm là một thành phần quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của làn da. Khoáng chất này sẽ giúp giảm sự hình thành các gốc tự do gây hại, bảo vệ các chất béo có lợi và các nguyên bào sợi trên da (là các tế bào tạo nên collagen). Thêm vào đó kẽm cũng bảo vệ các cấu trúc hỗ trợ của da khi tiếp xúc với các tia UV, môi trường ô nhiễm và các chất gây lão hóa da khác.

2. Kẽm giúp chữa lành vết thương và tái tạo da

Khi bạn bị đứt tay, kẽm sẽ là chất đi làm việc đầu tiên. Dưới lớp da, lượng khoáng chất xung quanh vết thương sẽ tăng lên khi các enzyme và protein được kích thích để tăng cường hoạt động, bảo vệ vết đứt tay khỏi nhiễm trùng, giúp kiểm soát viêm, sau đó tái tạo các tế bào mới để bịt chặt chỗ da hở. Kể cả khi vùng da đó hồi phục vẫn tiếp tục phụ thuộc vào tác dụng của kẽm để sản xuất tế bào mới và thực hiện chức năng màng tế bào.

3. Kẽm có thể ngăn ngừa mụn trứng cá

Mụn trứng cá hình thành do tích tụ dầu, vi khuẩn và các tế bào da chết chặn lỗ chân lông, khiến vị trí xung quanh trở nên đỏ, sưng và tấy. Kẽm làm chức năng của chất miễn dịch, có thể giúp kiểm soát phản ứng viêm. Thêm vào đó, kẽm còn điều chỉnh việc sản xuất tế bào, làm giảm lượng dầu tự nhiên mà da sản sinh, do vậy giúp ngăn ngừa các lỗ chân lông bị tắc nghẽn gây ra mụn trứng cá.

Vậy, lượng kẽm nên đưa vào cơ thể là bao nhiêu?

Kẽm cần thiết, nhưng không phải càng nhiều càng tốt. Nam giới chỉ cần ít nhất 11mg mỗi ngày, còn phụ nữ chỉ khoảng 8mg. Các loại hải sản có vỏ (như ốc, sò, hàu, tôm, cua) là các nguồn thực phẩm chứa nhiều kẽm. Ngoài ra, các loại thực phẩm thông thường như ngũ cốc, các loại thịt (gà, lợn, bò), các loại hạt, nấm, rau cải xanh, trái cây và socola đen có thể giúp chúng ta đạt được lượng kẽm cần thiết mỗi ngày.

Một chế độ ăn uống cân bằng hàng ngày sẽ cung cấp đủ kẽm. Tuy nhiên, nếu bạn đang cân nhắc sử dụng thực phẩm chức năng – viên uống bổ kẽm,  hoặc các chế phẩm chứa vitamin muối khoáng bao gồm kẽm, hãy nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ, dựa trên xét nghiệm lâm sàng nhằm xác định kẽm trong máu, tóc và nước tiểu để đi đến quyết định lượng kẽm thực sự cần thiết cho cơ thể.

Lưu ý rằng thừa kẽm quá mức có thể làm giảm khả năng miễn dịch, nhức đầu, nôn mửa hoặc thậm chí liệt cơ, giảm hiệu quả của các loại thuốc.

Tác dụng của kẽm trực tiếp trên da

Kẽm là một loại khoáng chất có tác dụng tốt từ bên trong cơ thể lẫn hiệu quả bên ngoài. Dưới đây là những lợi ích mà kẽm đem lại khi dùng ngoài da:

1. Chống nắng hiệu quả

Không giống như các thành phần chống nắng hóa học, có cơ chế hấp thụ các tia UVA và UVB gây hại từ ánh nắng mặt trời. Oxit kẽm (hợp chất chứa kẽm) có vai trò vật lý như một màng bảo vệ, ngăn chặn không cho các tia cực tím xâm nhập vào da. Thành phần kẽm hoạt động như một lá chắn với các hạt oxit kẽm được micro hóa thành dạng siêu nhỏ, vì vậy kem chống nắng có chứa kẽm cũng trông giống như các sản phẩm thông thường, không lo chất kem sẽ để lại vệt trắng bám lâu trên da.

Bên cạnh đó, thành phần kẽm không bị hấp thụ sâu vào dưới da, do đó không có khả năng gây kích ứng như các thành phần hóa học khác. Đó cũng là lý do kẽm thường có trong các sản phẩm chống nắng dành cho da nhạy cảm, cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Từ giờ, hãy tìm đọc danh sách thành phần để biết kem chống nắng của bạn bao gồm oxit kẽm có ích cho da hay không.

2. Làm sạch gàu và giảm ngứa da đầu

Kẽm pyrithion được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến, chàm và các bệnh về da khác, nhưng phổ biến nhất dùng để trị gàu (để ý một chút, bạn sẽ thấy kẽm pyrithion được liệt kê như một thành phần tất yếu trong các sản phẩm dầu gội và thuốc điều trị gàu).

Gàu xuất hiện khi có một loại nấm phổ biến sống trên da đầu và phát triển không kiểm soát. Sự kích ứng da và bị viêm là nguyên nhân khiến các tế bào da bong tróc, da đầu trở nên khó chịu và ngứa ngáy. Kẽm pyrinthion không những giúp kiểm soát vi khuẩn đang phát triển mà còn giảm lượng dầu, cùng với khả năng chống viêm sẽ làm dịu đi phản ứng dị ứng và ngứa.

3. Làm giảm mẩn đỏ và đau rát

Là một thành phần phổ biến trong thuốc điều trị bệnh trĩ và kem chữa hăm tã, oxit kẽm trị lành tổn thương ngoài da đồng thời giảm viêm, điều hòa miễn dịch và kích thích sản sinh tế bào mới. Hơn nữa, kẽm cũng là một chất chống vi khuẩn, làm dịu da và chữa nhanh các vết thương trên da. Do đó, nên lựa chọn sản phẩm có chứa thành phần oxit kẽm khi tìm kiếm các loại kem, thuốc điều trị mẩn đỏ hay phồng giộp da.