Khi tìm hiểu về sản phẩm Làm đẹp và các phương pháp chăm sóc da, chúng ta thường được cảnh báo về khả năng gây dị ứng da (skin allergy) hoặc kích ứng da (skin irritation). Đây rõ ràng là hai thuật ngữ khác biệt. Nhưng thông thường, các triệu chứng quan sát được của dị ứng da và kích ứng da sẽ tương đối giống nhau như: ngứa, đỏ và sưng. Tuy nhiên, các phản ứng dị ứng da có thể sẽ xuất hiện ở những vùng da lớn và vùng da đặc trưng nhạy cảm của cơ thể ( như cổ, lưng hay mặt trong của tay chân), những khu vực da mà các tác nhân gây dị ứng không tiếp xúc trực tiếp. Trong khi đó, các phản ứng của kích ứng da thường chỉ xảy ra ở những khu vực da có tiếp xúc trực tiếp, như khi thoa kem lên mặt hay cổ tay thì chỉ nhận thấy ngứa đỏ ở vùng da đó.
Vậy, có thể phân biệt dị ứng da và kích ứng da thực sự khác nhau như thế nào? Nguyên nhân cụ thể dẫn đến dị ứng hoặc kích ứng là gì?
Dị ứng da
1. Nguyên nhân của dị ứng da
Dị ứng da hay còn gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng (allergic contact dermatitis) là tình trạng biểu hiện trên da nhằm phản hồi một sự tác động không phù hợp của các tác nhân bên ngoài, phản ứng này thường ít gặp hơn so với kích ứng da. Một số hóa chất thường được biết đến là nguyên nhân gây phản ứng dị ứng nhưng vẫn ít phổ biến hơn so với kích ứng da.
Bản chất của dị ứng là một phản ứng bất thường, gây ra bởi hệ thống miễn dịch của một cá nhân đối với một chất (chất gây dị ứng) mà bình thường không có phản ứng ở hầu hết những cá nhân khác. Các chất gây dị ứng điển hình dẫn đến chứng viêm da tiếp xúc dị ứng có thể được tìm thấy trong thực vật (loại thực vật hoặc chất có trong loại thực vật đó); thành phần chứa trong nước hoa, mỹ phẩm, chất tẩy rửa; kim loại (như niken trong đồ trang sức) và quần áo (phản ứng với loại tơ sợi hoặc chất tẩy, nhuộm dùng để sản xuất loại vải đó).
Nếu một người dị ứng với một thứ gì đó và tiếp xúc với nó, hệ miễn dịch trong cơ thể sẽ phản ứng quá mức và giải phóng các kháng thể có tên là immunoglobulin E (IgE). Các kháng thể này di chuyển đến các tế bào và giải phóng ra histamin (một chất gây viêm) và từ đó tạo ra phản ứng dị ứng. Các nhà khoa học vẫn chưa rõ ràng về các yếu tố dẫn đến dị ứng. Theo Học viện Hen Phế Quản & Miễn Dịch Học hoa Kỳ (The American Academy of Allergy Asthma & Immunology), cho rằng phần lớn dị ứng là do di truyền.
Một số loại dị ứng, chẳng hạn như dị ứng hạt, có thể đe dọa mạng sống khi một người tiếp xúc với chất gây dị ứng ngay cả chỉ một liều lượng nhỏ. Những người này nên luôn mang theo thuốc cấp cứu để tự điều trị khi xảy ra sốc phản vệ (một phản ứng dị ứng cấp tính khi mà cơ thể trở nên quá mẫn cảm). Người bị dị ứng hạt cũng nên phòng tránh các sản phẩm có chứa dầu chiết xuất từ loại hạt/đậu gây dị ứng, như dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu hạt điều,…Các công ty chăm sóc da bắt buộc phải liệt kê tất cả các thành phần có chứa trong sản phẩm thông qua một phiếu thông tin hoặc in trên bao bì. Các sản phẩm có chứa các loại dầu hạt đặc biệt như dầu macadamia hoặc dầu hạnh nhân, nếu đó là loại hạt ít phổ biến ở quốc gia và khu vực sinh sống của bạn, có thể có khả năng gây dị ứng mà bạn chưa biết. Vì vậy nếu là một người dị ứng với một loại hạt cụ thể, nên cẩn thận đề phòng khi thử và sử dụng một loại hạt mới.
2. Các triệu chứng của dị ứng da
Các triệu chứng của dị ứng da bao gồm đỏ, ngứa, sưng và có thể gây phồng rộp da. Các triệu chứng bên ngoài có thể không nhất thiết xuất hiện tại vùng da tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng. Sự khởi phát chậm có thể xảy ra khi người bị dị ứng tiếp xúc với chất gây dị ứng tiềm tàng, trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi cơ thể bất ngờ phản ứng với chất đó. Nhìn chung, các triệu chứng dị ứng sẽ xấu đi sau mỗi lần tiếp xúc, vì vậy những người bị dị ứng nên phòng tránh các chất gây dị ứng sau khi được chẩn đoán và cảnh báo. Một khi cơ thể đã phát triển phản ứng miễn dịch đầy đủ với một chất gây dị ứng cụ thể, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng sau vài giờ tiếp xúc.
Kích ứng da
1. Nguyên nhân gây kích ứng da
Kích ứng da còn có tên gọi viêm da tiếp xúc kích ứng (irritant contact dermatitis), là kết quả của việc tiếp xúc hoặc tiếp xúc bề mặt với chất gây kích ứng. Chứng viêm da tiếp xúc kích ứng không liên quan đến phản ứng miễn dịch trực tiếp quá mức với việc giải phóng các kháng thể như trường hợp dị ứng. Thay vào đó, kích ứng da gây viêm và tổn thương bề mặt da với tốc độ cao hơn cơ chế sửa chữa tự nhiên của cơ thể, cho đến khi cơ thể tự đề kháng hoặc can thiệp bằng thuốc uống hay các sản phẩm bôi thoa trực tiếp.
Các hóa chất mạnh trong dầu gội và sữa tắm như sodium lauryl sulfate hay phthalates, cũng như được tìm thấy trong nước hoa tổng hợp (hương liệu tổng hợp hóa học), hóa mỹ phẩm và trong một số sản phẩm có tính axit như thuốc nhuộm tóc, chất tẩy rửa gia dụng hay các loại nước sơn. Sự kích ứng da cũng xảy ra do sự ma sát quá nhiều với những loại vật liệu không thoải mái cho da, như đối với quần áo, một làn da nhạy cảm có thể bị kích ứng bởi vải ren, jeans dày hay nylon, plastic. Trong làm đẹp, kích ứng da có thể xảy ra do sử dụng loại sản phẩm không dành riêng cho loại da của bạn, da khô hoặc da nhờn mụn. Tương tự như chứng dị ứng da, một số người có thể bị kích ứng bởi một chất hoặc một thành phần nào đó vốn dĩ hoàn toàn bình thường, thậm chí có hiệu quả tốt đối với những người khác.
2. Các triệu chứng của kích ứng da
Sự biểu hiện bên ngoài của các triệu chứng kích ứng da như đỏ, sưng, ngứa, nóng rát thậm chí phồng rộp (một phản ứng thường xuất hiện do dị ứng). Trong khi phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ở các khu vực khác nhau của cơ thể, kích ứng da thường chỉ xuất hiện giới hạn ở những khu vực da có tiếp xúc trực tiếp. Bạn có thể bị kích ứng ngay sau khi tiếp xúc với một chất gây kích ứng đặc biệt nghiêm trọng, nhưng thông thường, da sẽ từ từ bị kích thích sau khi tiếp xúc nhiều lần với chất đó. Một ví dụ đối với tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng như: da tay đến một lúc nào đó bị bong tróc và đỏ ngứa, do hàng ngày rửa bát đĩa bằng dung dịch tẩy rửa có chứa chất gây kích ứng.
Làm thế nào để chẩn đoán dị ứng da và kích ứng da?
Nếu bạn nghi ngờ bị dị ứng với một thứ gì đó, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ da liễu hoặc bác sỹ đa khoa để được chẩn đoán chính xác, bằng cách thực hiện kiểm tra và xét nghiệm Patch test để phân lập dị ứng. Phương pháp Patch test cho phép thử nghiệm một lượng rất nhỏ chất nghi ngờ gây dị ứng trên da của bạn, theo dõi và quan sát phản ứng của cơ thể đối với chất đó, từ đó lập một quá trình loại trừ để xác minh cụ thể “thủ phạm” gây ra sự kích ứng hoặc dị ứng da.
Dịch & tham khảo từ:
Difference between skin irritation and skin allergy – synergieskin