Làm thế nào để được các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phát triển nghề nghiệp một cách hiệu quả và người lao động phát huy được lợi thế ngành nghề đã học? Để làm được điều này, bên cạnh trang bị những kiến thức về chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp, người lao động cần được trang bị thêm những kỹ năng mềm…
Ngày nay, trình độ học vấn và các bằng cấp chưa đủ để quyết định trong việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp mà người lao động đồng thời phải tạo cho mình các yếu tố cá nhân như kỹ năng, sự nhạy bén trong xử lý công việc và giao tiếp… Các yếu tố này được người ta gọi là kỹ năng mềm (soft skills).Kỹ năng mềm
Các kỹ năng có thể không được học trong nhà trường, cũng không liên quan đến kiến thức chuyên môn mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người và là thước đo hiệu quả trong công việc. Nó khác với những kỹ năng cứng (hard skills) được đào tạo bài bản, khả năng học vấn, kinh nghiệm, sự thành thạo về chuyên môn…
Phân tích kết quả khảo sát 5.000 sinh viên từ các nguồn thông tin của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Nông Lâm và khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho thấy, sinh viên đã nhận thức được những vấn đề về kỹ năng mềm đối với thị trường lao động nhưng chưa rõ nét. Cụ thể, với câu hỏi: Để được tuyển dụng và làm việc có hiệu quả, sinh viên cần trang bị những gì? 54% sinh viên cho rằng, doanh nghiệp cần kiến thức chuyên môn; 29% cho rằng cần kiến thức ngoại ngữ, tin học; 10% cho rằng cần kỹ năng mềm và 7% cho rằng cần kỹ năng thực hành.
Với câu hỏi “Kỹ năng mềm nào cần thiết nhất để tham gia thị trường lao động?”, 53% trả lời cần kỹ năng giao tiếp, 26% cho rằng ý thức tổ chức kỷ luật, 12% cần kỹ năng trình bày thông tin, 9% cần kỹ năng làm việc nhóm… Mặc dù qua khảo sát, 89% cho rằng cần thiết phải có kỹ năng mềm, tuy nhiên khi được hỏi nâng cao kỹ năng mềm bằng cách nào thì 43% không có ý kiến, 10% cho rằng thông qua tổ chức Đoàn – hội và các buổi ngoại khóa, 18% cho biết học từ kinh nghiệm đi làm thêm và 29% cho rằng rèn luyện qua các khóa học – tài liệu.
Yếu tố quyết định thành công
Không ít người lao động cho rằng, với nhiều bằng cấp, kinh nghiệm có giá trị và những mối quan hệ ở vị trí cao sẽ dễ dàng tìm việc. Điều này đúng nhưng chưa đủ vì theo khảo sát những người làm việc hiệu quả và dễ thăng tiến không thể thiếu những kỹ năng mềm. Thực tế cho thấy, người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm họ được trang bị. Để thành công, người lao động phải hội đủ cả hai kỹ năng trên.
Theo các nhà tuyển dụng, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều; nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo – đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển. Qua thu thập thông tin, phân tích thị trường lao động TPHCM cho thấy, những kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng đề cập gồm kỹ năng: giao tiếp; kỹ năng viết; sự trung thực, làm việc theo nhóm, thương thuyết, tính linh hoạt, thích ứng; đặt câu hỏi; tư duy sáng tạo…
Nhiều công ty hiện nay có những cách phỏng vấn khác nhau, từ kiểu hỏi đáp thân mật để đánh giá độ “chân thành” của ứng viên cho đến việc tạo áp lực bằng cách liên tục đưa ra các tình huống khó khăn để xem xét năng lực thực sự của người được phỏng vấn. Nhưng dù phải ứng phó với kiểu phỏng vấn nào đi nữa, người lao động phải luôn giữ được sự tự tin. 40% doanh nghiệp xem giao tiếp là kỹ năng quan trọng mà ứng viên cần có.
Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM)
Theo Tin Mới