Mỹ phẩm thuần chay và mỹ phẩm không tàn nhẫn khác nhau như thế nào

Ngày nay bất cứ ai đều có thể có ý định hướng đến một lối sống nhân đạo, tập trung vào việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm thuần chay (Vegan) và không tàn nhẫn (Cruelty Free), đặc biệt đối với mỹ phẩm và hàng tiêu dùng thường thức trong đời sống hàng ngày. Đối […]

Đã cập nhật 12 tháng 10 năm 2017

Bởi TopOnMedia

Mỹ phẩm thuần chay và mỹ phẩm không tàn nhẫn khác nhau như thế nào

Ngày nay bất cứ ai đều có thể có ý định hướng đến một lối sống nhân đạo, tập trung vào việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm thuần chay (Vegan)không tàn nhẫn (Cruelty Free), đặc biệt đối với mỹ phẩm và hàng tiêu dùng thường thức trong đời sống hàng ngày.

Đối với các tín đồ làm đẹp, việc bắt đầu tìm mua mỹ phẩm thuần chay là quá trình chuyển đổi dễ dàng đối với một số người. Một số khác, sử dụng mỹ phẩm không tàn nhẫn là tất cả những gì họ có thể làm. Thực sự, không phải ai cũng dám chắc lối sống của mình là hoàn toàn không tàn nhẫn hoặc thuần chay triệt để. Có nhiều yếu tố chủ quan và lý do bất cập. Vì vậy, điều mà mỗi người có thể làm, có thể nắm bắt được và đi đến hành động thực tiễn là vô cùng khác nhau. Cho dù là lựa chọn thuần chay hay không tàn nhẫn, điều quan trọng là phải được thanh thản và hài lòng với lối sống của mình.

Có một khoảng cách giữa các khái niệm “thuần chay – vegan” và “không tàn nhẫn – cruelty free”. Để đi đến quyết định sử dụng mỹ phẩm thuần chay hay mỹ phẩm không tàn nhẫn, việc hiểu và phân biệt được hai khái niệm này là điều rất cần thiết.

1. Mỹ phẩm thuần chay là như thế nào?

Định nghĩa “chay” thật dễ hiểu, nghĩa là không có chứa nguyên liệu hoặc thành phần động vật trong sản phẩm. Mỹ phẩm thuần chay tức: danh sách thành phần không bao gồm bất kỳ thứ gì là động vật hoặc có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, định nghĩa vegan về một khía cạnh nào đó, điển hình như đối với việc ăn chay, có thể không hạn chế các loại sản phẩm như: mật ong, phô mai, sáp ong, sữa động vật (như bò, dê, cừu),…Vì vậy, các thành phẩn như: mỡ lông cừu (chiết xuất từ da và lông cừu), albumin (một loại protein trong huyết thanh động vật), collagen (một loại protein trong mô thịt và mô liên kết của động vật), carmine (chất màu đỏ chiết xuất từ sệp son), cholesterol (chất béo trong màng tế bào động vật), gelatin (một loại collagen trong xương, da động vật), long diên hương (chất sáp màu được tạo ra trong hệ tiêu hóa của cá nhà táng),… ở một phương diện nào đó, đã từng hoặc vẫn còn đang được chấp nhận là “thuần chay”.

Ngày nay, có quan điểm cho rằng “thuần chay” còn bao gồm cam kết “no animal testing”. Mỹ phẩm thuần chay không chấp nhận các cuộc thử nghiệm trên động vật. Dù vậy, bởi vì thuật ngữ “vegan” vẫn chưa được quy định một cách tuyệt đối, nhiều nhà sản xuất chỉ lưu ý ở mức sản phẩm không có thành phần động vật. Do đó, mỹ phẩm được dán nhãn thuần chay vẫn có thể được tiến hành thử nghiệm trên động vật, thậm chí có chứa thành phần có nguồn gốc từ động vật một cách rất gián tiếp (chẳng hạn như một thành phần nào đó không được nhìn nhận là “từ động vật”). Lưu ý thêm rằng, với các chứng nhận hữu cơ hay tự nhiên cũng chưa đủ cam kết đó là một sản phẩm thuần chay.

Trên thực tế, có rất nhiều nhà sản xuất mỹ phẩm cung cấp phần lớn các mặt hàng có thành phần chủ yếu là thuần chay, nhưng một số sản phẩm vẫn duy trì các thử nghiệm trên động vật. Những công ty này có thể được xác nhận bởi các tổ chức chứng nhận “vegan” như Vegan Action hoặc The Vegan Society. Nếu danh sách thành phần trên bao bì và chính sách sử dụng sản phẩm không công khai minh bạch, kể cả nhãn tuyên bố hữu cơ hoặc chứng nhận vegan, cũng chỉ đảm bảo sản phẩm đó không chứa thành phần động vật và thành phần có nguồn gốc từ động vật. Và tất cả đều chưa đủ cơ sở để được hiểu là “không tàn nhẫn”. 

2. Mỹ phẩm không tàn nhẫn nên được hiểu ra sao?

Để tự giới thiệu hoặc được chứng nhận mỹ phẩm không tàn nhẫn, sản phẩm đó không được tiến hành bất kỳ thử nghiệm nào trên động vật tại bất kỳ thời điểm sản xuất nào. Thông thường, mỹ phẩm không thực hiện thử nghiệm thành phẩm trên động vật, nhưng sẽ kiểm tra trong một số công đoạn sản xuất, hoặc sử dụng những thành phần được thử nghiệm trên động vật bởi bên thứ 3.

Ở một số quốc gia, có trường hợp pháp luật quy định mọi sản phẩm mỹ phẩm phải được thử nghiệm trên động vật. Điều này có khả năng sản phẩm sản xuất tại chính quốc có thể không tàn nhẫn, nhưng sản xuất cùng một công thức ở những quốc gia cho phép hoặc bắt buộc, một quá trình thử nghiệm tàn ác vẫn được tiến hành. Khi đó, kể cả bao bì sản phẩm với những nhãn thông tin đã thông qua chứng nhận bởi các tổ chức, đều có thể là mỹ phẩm thực sự tàn nhẫn.

Bên cạnh đó, các sản phẩm không thử nghiệm trên động vật không nhất thiết là thuần chay. Và danh sách thành phần của những mỹ phẩm chỉ xác nhận nhãn “Not Animal Testing” hay “Cruelty Free”, không thể khẳng định là không có chứa thành phần động vật hay có nguồn gốc từ động vật. 

Vậy:

Lựa chọn sử dụng mỹ phẩm nhân đạo chính là: những sản phẩm đó không có bất kỳ công đoạn nào thử nghiệm trên động vật, và không chứa bất kỳ thành phần có nguồn gốc động vật.

Triết lý lối sống mới trong thời đại ngày nay thậm chí đã và đang vươn đến khái niệm nhân văn và có trách nhiệm với môi trường, xã hội. Một lối sống chân thiện, tiêu thụ đạo đức và bền vững, được tin rằng sẽ khiến con người cảm nhận được giá trị hạnh phúc sâu sắc hơn. Khi bắt đầu cân nhắc việc lựa chọn những mỹ phẩm tốt hơn, thân thiện với môi trường và gần gũi với tự nhiên hơn, sự phân vân bối rối giữa các khái niệm là không thể tránh khỏi. Bình thản và kiên nhẫn lựa chọn điều phù hợp nhất cho chính mình, chính là bí quyết xây dựng lối sống đẹp đẽ thêm từng ngày.