Ngày nay, các tín đồ Làm đẹp có xu hướng chuyển sang dùng mỹ phẩm hữu cơ, mỹ phẩm tự nhiên vì sự an toàn sức khỏe cho cả con người lẫn môi trường. Ngành kinh doanh mỹ phẩm hữu cơ, mỹ phẩm tự nhiên đang phát triển nhanh chóng, và cũng không bất ngờ khi được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, thành phần của mỹ phẩm hữu cơ thường đòi hỏi chi phí cao hơn các thành phần tổng hợp sử dụng trong các dòng mỹ phẩm thông thường. Xét về mặt này, các vấn đề gây đau đầu và hoài nghi đã phát sinh.
Không nói đến những mánh khóe lừa bịp khách hàng trong lĩnh vực thương mại. Chúng ta vẫn phải thừa nhận bài toán kinh tế, và hiểu rằng các nhà sản xuất cần quay vòng vốn khi bắt đầu/hoặc vừa mới chuyển đổi, mong muốn trở thành một phần của phong trào mỹ phẩm thành phần tự nhiên, an toàn cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Vì vậy, một mặt các nhà sản xuất vẫn tiếp tục kinh doanh, sản xuất các dòng mỹ phẩm chứa thành phần tổng hợp thông thường. Một mặt khác có sự cải thiện bằng cách sử dụng/bổ sung một số thành phần có chọn lọc được gọi là 100% tự nhiên. Ví dụ, có sử dụng thành phần chiết xuất từ quả cam 100% tự nhiên trong danh sách thành phần với nhiều thành phần tổng hợp quen thuộc khác. Khi đấy, sự khéo léo trong cách sử dụng ngôn từ cùng với việc nắm bắt tâm lý người dùng với những thủ thuật “Green Marketing”, các nhà sản xuất có thể tuyên bố “tự nhiên”, “thiên nhiên” nhưng không thực sự được chứng nhận là mỹ phẩm hữu cơ như người dùng tin tưởng và mong đợi.
Vậy, trong khi thị trường mỹ phẩm đang ngập tràn những lời hoa mỹ. Làm thế nào để lựa chọn những sản phẩm làm đẹp thực sự tự nhiên hoặc “đủ thân thiện” cho túi tiền và sức khỏe làn da của chúng ta? Trước tiên, hãy học cách “đọc” thông tin sản phẩm và phân biệt các tên gọi khác nhau như: mỹ phẩm organic, mỹ phẩm tự nhiên, mỹ phẩm xanh, mỹ phẩm sinh thái, mỹ phẩm thân thiện với môi trường và mỹ phẩm sinh học.
Mỹ phẩm organic (mỹ phẩm hữu cơ)
Định nghĩa “organic” theo tiêu chuẩn của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA): “Thuật ngữ dùng để chỉ thực phẩm hay các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất bằng các phương pháp cho phép, tích hợp sinh hóa và cơ học, nhằm cải thiện sự cân bằng trong hệ sinh thái, tái tạo nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học. Các loại phân bón tổng hợp, phân bón bùn thải, chiếu xạ hay Công Nghệ di truyền (hay biến đổi gen) không được sử dụng.”
Các thành phần được sử dụng trong mỹ phẩm hữu cơ thường chủ yếu từ rau củ, hoa quả và thảo dược. Để được chứng nhận là mỹ phẩm hữu cơ thì cần phải chứa ít nhất 95% thành phần có nguồn gốc hữu cơ, số phần trăm còn lại thường là các chất khoáng, chẳng hạn như titanium dioxide.
Vậy “nguồn gốc hữu cơ” là gì? Thành phần có nguồn gốc hữu cơ được hiểu là các nguyên liệu được bào chế trong mỹ phẩm phải đến từ các nông trại hữu cơ, được quản lý và kiểm duyệt chặt chẽ. Để được dán nhãn “hữu cơ”, các nông trại không được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và không sản xuất GMO (biến đổi gen do áp dụng các phương pháp kỹ thuật di truyền), và tuyệt đối không sử dụng, bổ sung các chất độc hại hay bất cứ loại hooc-môn nào (như tăng trưởng, tăng trọng).
Để được coi là mỹ phẩm organic (hay mỹ phẩm hữu cơ), thì sản phẩm phải sử dùng hầu hết là thành phần hữu cơ. Tỷ lệ nhỏ các thành phần non-organic (không phải hữu cơ), chỉ được cho phép chứa trong mỹ phẩm hữu cơ khi thông qua một danh sách hạn chế của cơ quan chứng nhận hữu cơ, với các yêu cầu khắt khe như: thành phần non-organic đó chỉ là một lượng thật nhỏ, các chất phụ gia có nguồn gốc hữu cơ, chất phụ gia không có sẵn hữu cơ (thành phần nhân tạo bắt buộc phải tổng hợp) nhưng chắc chắn không phải là GMO.
Quá trình nuôi trồng các nguyên liệu hữu cơ dùng chiết xuất thành phần mỹ phẩm đòi hỏi phải thân thiện với hệ sinh thái và không gây ô nhiễm môi trường. Bao bì đóng gói sản phẩm cũng phải thân thiện với thiên nhiên, có thể phân hủy, được tái chế lại hoặc làm từ các vật liệu có thể tái chế. Các thành phần như bơ hạt mỡ và tinh dầu trà, được thu hoạch thuận tự nhiên/hoang dã, nghĩa là cây trồng sinh trưởng và phát triển trong môi trường tự nhiên và được thu hoạch không gây ảnh hưởng, tổn hại đến sinh thái, môi trường sống của cây trồng lẫn con người. Ngoài ra, mỹ phẩm hữu cơ cũng được yêu cầu thân thiện và không tàn nhẫn đối với động vật, nghĩa là sản phẩm hoàn thiện cũng như các thành phần không được thử nghiệm trên động vật.
Mỹ phẩm tự nhiên
Thuật ngữ “tự nhiên” hay “thiên nhiên” thực chất không nói lên chính xác loại sản phẩm chúng ta đang dùng là mỹ phẩm gì. Khi phong trào mỹ phẩm sử dụng thành phần chiết xuất tự nhiên dâng lên, nhiều nhà sản xuất chỉ đơn giản là thêm một danh từ vào để khiến sản phẩm trở nên thu hút, và việc lạm dụng thuật ngữ “mỹ phẩm thiên nhiên” đến nay giống như một “chiêu trò mật ngọt” nhắm vào người tiêu dùng nhẹ dạ. Rất nhiều người có thể vẫn đang tin rằng mỹ phẩm tự nhiên/thiên nhiên là một lựa chọn an toàn và thông thái, đặc biệt là mỹ phẩm thiên nhiên handmade, nhưng thực tế không có gì đủ để đảm bảo ngoài những lời tự ca ngợi.
Ví dụ như: thành phần hoa hồng. Một sản phẩm làm đẹp giới thiệu rằng chứa tinh dầu hoa hồng (trong trường hợp không phải là tinh dầu hoa hồng tổng hợp). Đó là tự nhiên, chắc chắn đây là sản phẩm từ tự nhiên/thiên nhiên vì cây hoa hồng hẳn là một giống thực vật rất bình thường. Nhưng những cây hoa hồng được trồng tại vườn/ trang trại liệu có phải là hữu cơ hay không? Các chủ vườn/trang trại liệu có sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, hơn nữa có thể là giống hoa hồng bị biến đổi gen.
Không chỉ thế, sẽ có trường hợp sản phẩm được dán nhãn “mỹ phẩm tự nhiên” hay “mỹ phẩm thiên nhiên” với danh sách thành phần liệt kê dầu ô liu và bơ hạt mỡ được thu hoạch tự nhiên, cùng một hay hai thành phần có chứng nhận hữu cơ, nhưng đừng bỏ qua những cái tên còn lại vì có thể là những chất tổng hợp độc hại rất quen thuộc. Về tên gọi, điều này vẫn là hợp pháp và đúng quy trình do có chứa thành phần nguồn gốc tự nhiên, có chứa thành phần được chứng nhận hữu cơ nhưng không phải là chứng nhận 95% – 100% đối với toàn bộ danh sách thành phần của một sản phẩm hoàn thiện. Bên cạnh đó, nói rằng đó là mỹ phẩm tự nhiên, mỹ phẩm thiên nhiên không có nghĩa là không có thành phần có nguồn gốc động vật hay thử nghiệm trên động vật. Bởi, có chất trong cơ thể côn trùng, mật ong, nhau thai cừu,…đều là sản phẩm của tạo hóa, của thiên nhiên đất trời. Do vậy, các tín đồ làm đẹp, hãy tìm hiểu thật kỹ những thành phần độc hại “may contain” (có thể có chứa) trong mỹ phẩm trước khi quyết định sử dụng chúng trên làn da quý giá của mình.
Mỹ phẩm xanh
Mỹ phẩm xanh có thể được xem là một phân nhánh của mỹ phẩm tự nhiên. Danh sách thành phần của mỹ phẩm xanh có nguồn gốc từ thực vật hoặc trái cây, không phải là các thành phần tổng hợp. Tuy nhiên, các loại mỹ phẩm như vậy vẫn có thể chứa thành phần gây hại. Ngay cả khi các thành phần có nguồn gốc hoàn toàn từ cây trồng và trái cây, chúng cũng không nhất thiết là nguyên liệu hữu cơ được sản xuất tại nông trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Các nhà sản xuất sử dụng thuật ngữ “mỹ phẩm xanh” để khách hàng hiểu được ý nghĩa tích cực và thân thiện, tạo cảm giác sinh thái, thân thiện và gần gũi với sức khỏe con người bởi loại trừ các thành phần hóa học tổng hợp. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ là một lời cam kết về tính an toàn của “màu xanh”. Bên cạnh đó, thuật ngữ “xanh” không chịu sự ràng buộc hoặc kiểm duyệt, do vậy có không ít nhà sản xuất lợi dụng tính từ “xanh” để rao bán sản phẩm chỉ có chứa nguyên liệu thực vật, thay vì đúng nghĩa danh sách thành phần chứa 100% nguyên liệu rau củ quả. Hơn nữa, mỹ phẩm xanh cũng không bao gồm sự nhân ái đối với động vật, trừ khi được chứng nhận “not tested on animal”.
Mỹ phẩm sinh thái
Mỹ phẩm sinh thái (hay eco cosmetic) cũng là một loại ngôn từ “ong bướm” dễ đánh lừa tâm lý người dùng như cách mà các nhà sản xuất giới thiệu “mỹ phẩm xanh”. Mỹ phẩm sinh thái thường chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn trong giai đoạn thành phẩm, đóng gói như sử dụng bao bì có thể phân hủy, không gây hại môi trường, tiết kiệm điện, nước,…
Tuy nhiên, nếu không có điều gì hơn để biết được danh sách thành phần có nguồn gốc từ hữu cơ hay không, thuật ngữ “sinh thái” chỉ có thể mang tính tham khảo. Một số thành phần trong sản phẩm có thể thực sự thân thiện với môi trường, như chiết xuất tự nhiên hay thậm chí có nguồn gốc hữu cơ, nhưng không phải là sự đảm bảo cho tất cả nếu không có chứng nhận hữu cơ từ tổ chức uy tín. Do vậy, các tín đồ làm đẹp cần nghiêm túc tìm hiểu và “bình tĩnh” trước các cách gọi tên, dù là bao bì “sinh thái” hay tên thương hiệu rất “thân thiện” cũng không đủ để tín nhiệm so với một nhà sản xuất chính hãng được kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan có thẩm quyền như Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) hoặc Ủy Ban Châu Âu (EC), và các tổ chức chứng nhận quốc tếnhư ECOCERT (Pháp), CCOF (California, Mỹ), INDOCERT (Ấn Độ),…
Mỹ phẩm thân thiện với môi trường
Giống với các ngôn từ đầy tính nhân văn đẹp đẽ như “tự nhiên”, “xanh”, “sinh thái/thân thiện sinh thái”. Mỹ phẩm thân thiện với môi trường (Environmentally Friendly Cosmetics) thường được mô tả các loại sản phẩm làm đẹp có tính chất thân ái, hòa nhã với thiên nhiên và cam kết hạn chế tối đa khả năng gây hại đến môi trường, bao gồm cả khía cạnh phân hủy sinh học đối với bao bì sản phẩm.
Tuy nhiên, loại sản phẩm với nhãn thông tin “thân thiện với môi trường” chỉ mang tính chung chung. Nếu sản phẩm không kèm theo chứng nhận từ tổ chức uy tín nào, cũng như không kèm theo những thông tin minh bạch giải thích rõ quá trình, quy trình nuôi trồng và chiết xuất các thành phần, rất khó để xác định đây có là sản phẩm thực sự hữu cơ hay không.
Mỹ phẩm sinh học (mỹ phẩm bio)
Các tiêu chuẩn của mỹ phẩm sinh học (hay mỹ phẩm bio) thoạt nghe khá giống với mỹ phẩm organic. Sự tương tự được biểu thị qua các yêu cầu đối với nguồn gốc thành phần, tức là các nguyên liệu rau củ thảo dược trong quá trình canh tác, không được sử dụng các chất độc hại như phân bón hay thuốc trừ sâu, không biến đổi gen. Ngày nay, quy trình công nghệ sinh học trong sản xuất mỹ phẩm đang trong một bước tiến mới, được xem là một phương pháp tiếp cận toàn diện đối với mục tiêu bền vững. Trong Công Nghiệp thực phẩm cũng như canh tác sản xuất nguyên liệu mỹ phẩm, kỹ thuật sinh học ứng dụng các kiến thức chuyên sâu về sinh học thực nghiệm, sinh học phân tử, công nghệ lên men vi sinh vật, kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật,… để tối ưu hóa quy mô sản xuất công nghiệp với trách nhiệm an toàn và bảo vệ môi trường.
Trong khi mỹ phẩm organic có thể được chứng nhận bởi nhiều tổ chức chính phủ hay tổ chức phi lợi nhuận. Mỹ phẩm sinh học hiện gần như chỉ được chứng nhận có thẩm quyền bởi Liên Hiệp Châu Âu (European Union) dựa trên các yêu cầu và quy định nghiêm ngặt của Cosmos-Standard – một hội đồng được thành lập, sở hữu và quản lý bởi một hiệp hội quốc tế các tổ chức phi lợi nhuận gồm BDIH, Cosmebio, Ecocert Greenlife, ICEA và Soil Association. Một vài thương hiệu mỹ phẩm sinh học với chứng nhận Cosmos-Standard có thể kể đến như: Natura Siberica, Dr.Spiller, CHOBS, Eurobio Lab OU,…