Nước hoa của bạn có “thơm” mùi thú hoang?

Nước hoa đôi khi không hề đơn thuần như cái tên của nó, như chỉ có nước và hoa. Các cô nàng có thể chỉ nghĩ đến những mùi hương nước hoa thiên nhiên tao nhã như hoa hồng, hoa oải hương hay những mùi hương hoa quả nhiệt đới nồng nàn. Nhưng, có một […]

Đã cập nhật 25 tháng 12 năm 2017

Bởi TopOnMedia

Nước hoa của bạn có “thơm” mùi thú hoang?

Nước hoa đôi khi không hề đơn thuần như cái tên của nó, như chỉ có nước và hoa. Các cô nàng có thể chỉ nghĩ đến những mùi hương nước hoa thiên nhiên tao nhã như hoa hồng, hoa oải hương hay những mùi hương hoa quả nhiệt đới nồng nàn. Nhưng, có một “mặt nạ” khác của nước hoa, ẩn bên dưới đó là một sự thật nhẫn tâm. Đã có thời hầu hết mọi người say mê những mùi hương nước hoa độc đáo, bào chế từ những chất hương lạ lùng đến mức kinh tởm. Đó là những mùi hương nước hoa có nguồn gốc từ những loài thú hoang dã, chiết nặn từ các tuyến nội tiết và bộ phận tế nhị, bằng cách săn bắt, nuôi nhốt và giết hại.

May mắn thay khi có một số chất hương nguồn gốc động vật nhưng không cần phải tàn sát, như mật ong, sáp ong, dầu từ phân của loài chuột Hyrax hay tinh dầu từ lông cừu và dê. Nhưng hầu hết những mùi hương động vật khác thực sự là một “vũ khí sinh học” lợi hại, chúng thắp lên sự quý phái và kiêu hãnh của con người, đổi lại là sự đau đớn và chết chóc của những loài động vật vô tình sở hữu món quà tự nhiên đó. Xạ hương, long diên hương là những cái tên cao quý mà những ai yêu thích nước hoa đều biết đến. Nhưng cái giá thực sự đằng sau những chai nước hoa đắt tiền đó, liệu ai sẽ quan tâm? Dưới đây là 4 mùi hương nước hoa có nguồn gốc động vật, đi kèm là một “lý lịch” tội lỗi mà bất cứ ai biết đến đều phải cảm thấy e ngại. 

1. Civet (Xạ hương cầy hương)

Bạn yêu thích mùi hương nước hoa xạ hương? Nhưng nếu bạn yêu động vật hơn, bạn sẽ muốn từ bỏ những dòng nước hoa ưa thích ấy. Civet là một chất có mùi hương nồng tiết ra từ tuyến hậu môn của loài cầy hương, ở Việt Nam còn gọi là chồn hương. Loại dịch xạ hương này có dạng sệt, màu vàng bơ và ngả màu nâu theo thời gian.

 

Bình thường, con người có thể thu hoạch civet ở thể khô, rắn do cầy hương bài tiết ra cùng với phân. Nhưng ngành Công Nghiệp nước hoa đã không đủ kiên nhẫn để chờ đợi và tìm kiếm. Những con cầy hương xinh đẹp có thể bị nuôi nhốt trong lồng/chuồng đến 15 năm, phải chịu cảnh các tuyến hậu môn bị “vắt ép” bằng cách cọ cạo khi chúng còn sống. Hầu hết civet được sản xuất bởi các trang trại cầy hương ở Châu Phi, nơi mà cầy hương phải “cống hiến” dịch dầu civet mỗi tuần một lần trong suốt cả cuộc đời của chúng. Một cách khác, những con cầy hương sẽ bị giết và các tuyến hậu môn bị cắt đi (thậm chí cả khi còn sống) cho mục đích lấy dịch tiết.

Thành phần civet có chứa trong các dòng nước hoa rất nổi tiếng như Yves Saint Laurent – Kouros (1981)Chanel – Coco Eau de Parfume (1984). Gần đây nhất, nhiều nhà sản xuất vẫn ưa thích sử dụng civet như một trong những nốt hương quan trọng cho dòng nước hoa của mình như Christian DiorLa Collection Couturier Parfumeur (2010), Tom Ford – Noir (2012), Bond No9 – Dubai Ruby (2015),…

2. Castoreum (Xạ hương hải ly)

Đây là một chất khác tạo ra mùi xạ hương dùng trong nước hoa, nhưng thay vì đối xử tàn bào và giết chết những con cầy hương thì castoreum được lấy từ loài hải ly. Castoreum hay còn gọi xạ hương hải ly hay hải ly hương, là chất hương tiết ra từ túi thầu dầu (một cặp túi castor, khác với tuyến hậu môn, nằm trong 2 khoang rỗng ở bên dưới lớp da giữa xương chậu và gốc đuôi) của những con hải ly trưởng thành.

Loài hải ly dùng dịch tiết từ túi thầu dầu kết hợp với nước tiểu và bùn, rác để đánh dấu lãnh thổ. Theo khoa học hiện đại, chất hương này có dược tính rất cao nên được dùng để bào chế các loại thuốc đắt tiền. Song song đó, nhiều nhà sản xuất nước hoa cũng giết những con hải ly để phục vụ cho ngành công nghiệp mùi hương của họ, đó là những thương hiệu nổi tiếng như Yves Saint Laurent (Opium), Chanel (Antaeus – Chanel men’s perfume 1981, Cuir de Russie parfume by Chanel – 1924), Lancome (Magie Noire), Givenchy (Givenchy III),…

Mặc dù phần lớn các dòng nước hoa hiện đại không còn có thể sử dụng casroreum như một loại thành phần hương duy nhất, bởi sự kiểm soát và ngăn chặn của luật pháp và các tổ chức nhân đạo. Tuy nhiên, hải ly hương vẫn được xem là một loại thành phần quyến rũ, làm tăng sự sang trọng và tính đẳng cấp. Không ít người bày tỏ thái độ tiếc nuối khi xạ hương hải ly tinh khiết chứa nồng độ cao trong nước hoa bị cấm và lên án. Còn bạn thì sao, bạn vẫn muốn “bốc hương” thơm ngát và thể hiện sự sang trọng bằng cách gián tiếp giết hại động vật hoang dã?

3. Ambergris (Long diên hương)

Bạn có biết đến chiến dịch “Save the Whale” mà The Body Shop cùng với Greenpeace hợp tác tổ chức năm 1986? Và những người Anh biểu tình bên ngoài trụ sở Bộ Nông Nghiệp tại Whitehall, London năm 1975? Bởi vì hàng loạt cá nhà táng (thuộc bộ cá voi có răng) đã bị con người giết để có được long diên hương. Đó là một chất sáp đặc màu xám được lấy từ hệ tiêu hóa của cá voi khi chúng nôn mửa hoặc bài tiết ra cùng với phân, nhưng để nhanh và nhiều hơn thì “chúng ta” – con người sẽ lấy trực tiếp từ ruột của những con cá nhà táng.

Từ năm 1970, long diên hương đã bị cấm sử dụng ở một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ. Nhưng nguồn lợi khổng lồ (năm 2012 có giá bằng 2/3 giá vàng) thu được từ long diên hương không ngăn cản được nhiều quốc gia “tự do” khác lẫn những thợ săn bắt lậu. Ngày nay, thảm nạn này đã được ngăn chặn phần nào khi chất long diên hương tổng hợp (gọi là ambroxan) đã được tạo ra, nhưng những người giàu có vẫn ham muốn sở hữu chất hương tự nhiên quý giá của cá nhà táng. Do vậy, vẫn có không ít các nhà sản xuất nước hoa duy trì sử dụng long diên hương thật, tạo ra những chai nước hoa sang trọng và xa xỉ, như Guerlain (Pháp) – Encens Mythique D’Orient (2012), Ann Gérard (Pháp) – Perle de Mousse (2012), M. Micallef (Pháp) – Le Parfum Couture (2013),…

4. Musk (Xạ hương hươu xạ)

Musk nguyên chất được lấy từ một túi lông nằm gần dương vật của hươu xạ đực. Những con hươu xạ đực sử dụng mùi hương đặc biệt này để thu hút bạn tình. Tương tự như các chất xạ hương động vật khác, có thể lấy được xạ hương hươu khi chúng còn sống, nhưng sẽ dễ dàng hơn khi giết đi. Hơn nữa, con người tin rằng chất tiết xạ hương thu được khi hươu xạ chết, sẽ nồng nàn hơn, thu hút hơn. Trước những năm 1970, sử dụng nước hoa chứa tinh dầu musk là rất bình thường. Cho đến khi làn sóng phản đối của những người thuần chay và yêu động vật dâng lên ngày càng nhiều, nước hoa chứa xạ hương hươu xạ bắt đầu bị hạn chế bởi CITES – một công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, có hiệu lực chính thức từ 1/7/1975.

Đến nay, mùi hương nước hoa hấp dẫn này vẫn luôn rất được ưa chuộng. Nước hoa Chanel No5 danh tiếng đã từng sử dụng thành phần musk hươu xạ nguyên chất, một mùi hương tinh tế, gợi cảm được ví như một loại mùi thú hoang với sức quyến rũ khó cưỡng. Ngày nay, dòng nước hoa No5 vẫn được hàng triệu người yêu nước hoa trên khắp thế giới say mê và là dòng sản phẩm đem lại doanh thu lớn cho Chanel. Tuy nhiên, thành phần musk hươu xạ đã được thay thế bằng cách tổng hợp từ các loài thực vật. Musk tổng hợp có thể mang một mùi thơm thoang thoảng tương tự musk xạ hương trong quá khứ, mặc dù không thể sánh được. 

Bên cạnh đó, có nhiều nhà sản xuất/thương hiệu nước hoa tại đâu đó trên khắp thế giới cung cấp tinh dầu musk hữu cơ nguyên chất từ hươu xạ. Họ có thể khẳng định rằng hươu đã được nuôi dưỡng sinh thái trên những trang trại tư nhân đặc biệt, và quá trình thu lấy musk không gây tổn thương và giết hại. Dù vậy, chúng ta yêu những chú hươu xạ ngơ ngác trong khu rừng hơn, hay yêu mùi hương từ chất xúc tác tình dục của chúng hơn?