MUA LẠI 0 ĐỒNG KHIẾN CÁC NGÂN HÀNG YẾU KÉM HẾT NGẠO MẠN    

Đó là quan điểm được Thạc sĩ (TS) Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo: “BA NĂM NHÌN LẠI TÁI CƠ CẤU VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG”. Lê Xuân Nghĩa thừa nhận việc Ngân […]

Đã cập nhật 21 tháng 10 năm 2015

Bởi TopOnMedia

MUA LẠI 0 ĐỒNG KHIẾN CÁC NGÂN HÀNG YẾU KÉM HẾT NGẠO MẠN    

Đó là quan điểm được Thạc sĩ (TS) Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chia sẻ với phóng viên bên lề hội thảo: “BA NĂM NHÌN LẠI TÁI CƠ CẤU VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU NGÂN HÀNG”.
Lê Xuân Nghĩa thừa nhận việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mạnh tay mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, cả đồng thuận cả không đồng thuận.
lexuannghia__1__ahiv06_47_34_000000

Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Tuy nhiên, trên quan điểm của cá nhân, ông cho rằng “mua lại 0 đồng” chính là một trong những sáng kiến “kịp thời và tuyệt vời nhất” của NHNN trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong 3 năm qua.
“Mua lại 0 đồng giúp kết thúc nhanh chóng quá trình mặc cả, thói ngạo mạn của nhiều ngân hang thương mại (NHTM) yếu kém. Nó cũng khiến cho các ông chủ nhà băng này hết nghĩ rằng tài sản của ngân hàng mình là vàng, quý hóa như vàng”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, nếu không có động thái quyết liệt từ NHNN, công cuộc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém sẽ còn rất gian nan, tốn thời gian và không hiệu quả. Các ngân hàng yếu kém sẽ vẫn nghĩ rằng tài sản của mình là rất giá trị và ra sức mặc cả, cò cưa dù rằng trên thực tế hoạt động của họ đã hết sức bê bết, âm sâu vốn chủ sở hữu. Đồng thời, “cũng chỉ NHNN mới có đủ công cụ, quyền năng và hiểu rõ nội tình của của các NH yếu kém này, chứ không phải là các NHTM khác”, TS. Nghĩa bổ sung.
Đồng quan điểm với TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng tỏ ra tâm đắc với chính sách “mua lại 0 đồng” của NHNN, thậm chí còn cho đó là sáng kiến tiêu biểu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông Hưởng lý giải: “Việt Nam thực hiện mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng, tức là đánh chuột mà không vỡ bình. Đánh vào HĐQT, đánh vào các cổ đông nhưng tiền gửi của người dân vẫn được bảo toàn, tránh được hiệu ứng đổ vỡ domino lan ra toàn hệ thống”.
“Nhưng NHNN đã căn cứ trên cơ sở pháp lý nào để có thể mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng?”, một phóng viên đặt câu hỏi.
NHNN căn cứ vào đâu?
“Việc thực hiện mua lại một số TCTD của NHNN có sơ sở pháp lý một cách vững chắc”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng khẳng định.
Ông viện dẫn các văn bản quy phạm: Điều 149 Luật các tổ chức tín dụng về “Thẩm quyền của NHNN đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt”; Quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 01 tháng 08 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt; Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 01 tháng 03 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015”;  Quyết định 255…
“Có nhiều người thắc mắc tại sao lại mua với giá 0 đồng (?). Tôi xin làm rõ: NHNN mua lại các TCTD tức là mua lại vốn cổ đông và chúng tôi đã thuê các tổ chức kiểm toán độc lập uy tín trên thế giới đánh giá, định giá lại tài sản của các TCTD này. Kết quả cho thấy, họ đã thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu rất lớn. Và định giá thì là âm đồng chứ không phải là 0 đồng”, Chánh Thanh tra ngân hàng Nguyễn Hữu Nghĩa phân trần.
nguyenhuunghia_shzi06_49_24_000000

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.

Ông Nghĩa cũng khẳng định: NHNN không có ý định mua và gia tăng vai trò chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường tài chính hay làm mất đi môi trường cạnh tranh công bằng giữa các nhà băng trên thị trường tín dụng. Mục đích duy nhất cho hành động của NHNN chỉ là sự an toàn của hệ thống ngân hàng cũng như tính ổn định của nền kinh tế vĩ mô.
Tiền khắc phục hậu quả cho các “ngân hàng 0 đồng” lấy từ đâu?
“Đặc thù của chúng ta là không được dùng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu hay tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nên các ngân hàng được mua lại dù đã chuyển đổi mô hình thành NHTM TNHH Một thành viên do NHNN làm chủ sở hữu thì việc giải quyết hậu quả để lại cũngkhông hề dùng một đồng từ nguồn vốn ngân sách. Ngân sách không mất tiền, NHNN không mất tiền, người dân không mất tiền và kể cả các NHTM được chỉ định hỗ trợ các ngân hàng yếu kém này cũng không phải bỏ tiền vào, trừ việc cử nhân sự tham gia quản trị, điều hành”, ông Nghĩa nêu rõ.
Theo vị Chánh thanh tra này, nguồn lực để xử ý hậu quả quá khứ và vực dậy các “ngân hàng 0 đồng” đến từ 4 nguồn:
Đầu tiên và quan trọng nhất là nguồn vốn huy động mới. Theo đó, trước khi được NHNN thực hiện mua lại, VNCB, OceanBank, GPBank đã phải đối diện với tình trạng rút tiền hàng loạt, khả năng thanh khoản bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi về với NHNN, niềm tin của người gửi tiền vào các NH này đã được cũng cố, tâm lý rút tiền của người dân cũng không còn; thậm chí đã có một lượng lớn tiền gửi mới được huy động vào.
“Lượng tiền gửi mới theo thống kê đến thời điểm này ở Ngân hàng Xây dựng là khoảng 1 nghìn tỷ đồng; GPBank là khoảng 3 nghìn tỷ đồng và OceanBank là khoảng 7 nghìn tỷ đồng”, ông Nghĩa tiết lộ.
nganhang0dong_xfvz06_49_35_000000
Thứ hai là nguồn vốn đến từ các TCTD khác, nguồn vốn liên ngân hàng. Nhưng phải khẳng định rõ nguồn vốn này được dựa trên quan hệ tài chính bình đẳng, rành mạch, có vay, có trả, có tính lãi theo đúng quy định của pháp luật và quy luật thị trường. Bên cạnh đó, trong quá trình tái cơ cấu, các NHTM sẽ hỗ trợ tích cực các NH yếu kém tìm kiếm cơ hội, hỗ trợ thị trường thông qua các hoạt động về hợp vốn để giảm bớt các chi phí.
Thứ ba là nguồn tiền thu về từ việc xử lý nợ xấu và các tài sản không sinh lời.
Thứ tư là nguốn vốn tái cấp vốn của NHNN. Đối với khoản cho vay đặc biệt, NHNN có trách nhiệm trả nợ trước. “Các khoản cho vay đặc biệt hay khoản tái cấp vốn là các khoản mang tính chất quan hệ tín dụng, có vay có trả, có tài sản bảo đảm khi vay. NHNN sẽ không có chính sách ưu ái gì”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đó, với cách làm trên, phí tổn giải quyết hậu quả của các ngân hàng yếu kém sẽ được chi trả bởi chính họ từ việc xử lý nợ xấu cũng như phát triển kinh doanh mà không gây thiệt hại gì cho ngân sách hay xã hội.
Chốt lại vấn đề, Chánh Thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa tái khẳng định: Việc chính phủ đứng ra mua lại 1 NH yếu kém là vấn đề có tính truyền thống, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là không thể đổ vỡ các TCTD; để các cổ đông, chủ sở hữu NH có cơ hội khắc phục tổn thất, yếu kém của họ nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước.
“Nhưng nếu như phương án này không thực hiện được, nhà nước phải ra tay để bảo vệ tài sản của người dân, bảo đảm sự an toàn của hệ thống NH”, ông Nghĩa nói.

Theo Ninh Giang từ An Ninh Tiền Tệ

Tags: