Nếu bạn là fan trung thành của dầu dừa, thì xin lỗi, có thể bài viết này sẽ làm bạn hụt hẫng đôi chút. Dầu dừa là loại nguyên liệu “thần thánh”, nhưng không phải với tất cả mọi thứ. Khi bạn sử dụng dầu dừa mà gặp tình trạng mụn, hoặc các nốt mụn ngày càng trở nên nghiêm trọng, có lẽ bạn nên tham khảo qua bài viết này để có được cái nhìn chân thực nhất.
Liệu dầu dừa có gây bít lỗ chân lông hay không?
Những công dụng kỳ diệu của dầu dừa…
Bỏ qua mối băn khoăn đặt ra ở đầu bài, chúng ta không thể không nhắc đến những công dụng mà dầu dừa mang lại cho sức khỏe. Giúp móng chắc khỏe, tẩy trắng răng, tẩy trang một cách hiệu quả, ngay cả với những lớp makeup dày và cứng đầu nhất. Không những thế, dầu dừa giúp đốt cháy mỡ thừa, và còn là người bạn đồng hành thân thiết trong cuộc chiến chống lại căn bệnh tiểu đường.
Thật sự để có thể liệt kê hết công dụng của dầu dừa, có lẽ chúng ta sẽ còn phải lật sang một trang dài. Vì vậy, tạm gác lại tại đây, hãy bước sang phần tiếp theo của bài viết để tìm cho mình câu trả lời, về việc liệu dầu dừa có gây bít lỗ chân lông hay không?
… không phải luôn đúng cho tất cả!
Trong dầu dừa có chứa hàm lượng axit béo và chất chống oxi hóa rất cao. Những thành phần này sẽ làm tăng lượng cholesterol “tốt” cho cơ thể. Tuy nhiên, chính chất chống oxi hóa có trong dầu dừa lại là nguyên nhân gây bít lỗ chân lông.
Chất chống oxi hóa có trong dầu dừa chính là nguyên nhân gây bít lỗ chân lông (Nguồn: Internet)
Chúng ta nhận được nhiều lời khuyên nên sử dụng dạng dầu dừa nguyên chất (extra-virgin) để thu lại hiệu quả cao nhất. Thật không may rằng, phiên bản giàu dinh dưỡng này lại khiến lỗ chân lông không thể “mở ra” để hô hấp, vì bị bao phủ bởi lớp dầu cô đặc.
Khả năng khóa ẩm của dầu dừa thật sự tốt, nhưng đôi khi lại vượt xa hơn cả mong đợi của chúng ta. Và vô tình “khóa” luôn khả năng hô hấp của các nang lông.
Câu trả lời là có, nhưng chính xác quá trình này diễn ra như thế nào?
Dầu dừa có thể được coi là một dạng Comedogenic – nghĩa là có thể sản sinh hoặc kích thích quá trình hình thành mụn. Nên nhớ rằng, bao phủ lớp da là một hỗn hợp gồm tế bào chết và các loại vi khuẩn hoạt động trên bề mặt. Và khi bạn thoa lớp dầu dừa bao phủ lên toàn bộ – sẽ tạo ra môi trường lí tưởng cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở và tấn công vào các tế bào.
Cấu tạo của làn da (Nguồn: Internet)
Nguyên liệu này được xem là một trong những loại dầu tinh chế khá cô đặc và “dày dặn” so với các loại dầu như oliu, argan,… Vì thế, dù nổi tiếng với khả năng thẩm thấu nhanh, thì dầu dừa vẫn phần nào khó vượt qua được hàng rào của lớp da trên cùng. Và phần lớn, sẽ dừng lại ở lớp hạ bì, hình thành nên một lớp màng che phủ tầng nang lông, cùng với tế bào chết và vi khuẩn sẽ kích thích sản sinh nhiều bã nhờn hơn.
Trong khi đó, lỗ chân lông không thể “thở” được, và bạn biết điều gì sẽ xảy ra rồi đấy. Là cơn ác mộng mang tên … MỤN.
Khi bạn gặp rắc rối với combo mụn và dầu dừa (Nguồn: Internet)
Lời phán quyết cuối cùng
Tùy theo tình trạng da của mỗi người, sẽ có một cách phản ứng khác nhau. Nếu bạn tự tin rằng mình sở hữu một làn da khỏe mạnh, bạn có thể áp dụng dầu dừa để dưỡng ẩm cho da, với một liều lượng phù hợp.
Dưỡng ẩm với dầu dừa phù hợp cho làn da khỏe mạnh, với liều lượng phù hợp (Nguồn: Internet)
Nhưng nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm, hoặc đang gặp bất kì vấn đề nào về mụn, hay thậm chí là lỗ chân lông to, thì tốt nhất bạn nên cân nhắc thật kĩ.
Hoặc là, bạn có thể sử dụng dầu dừa như một loại dầu tẩy trang hiệu quả và lành tính, không chứa cồn. Khi da mặt còn nguyên lớp makeup, bạn có thể thoa dầu dừa và massage trong khoảng 1 – 2 phút. Sau đó dùng một miếng bông tẩy trang lau đi lớp dầu. Nếu cảm thấy lớp makeup vẫn còn, bạn có thể lặp lại thao tác một vài lần cho đến khi sạch hẳn. Và cuối cùng, làm sạch da mặt thật kĩ với sữa rửa mặt.
Dầu dừa giúp tẩy trang hiệu quả (Nguồn: Internet)
Điều này sẽ giúp loại bỏ lớp dầu dừa còn đọng lại trên da và hạn chế tình trạng bít lỗ chân lông.
Liệu câu trả lời này có thuyết phục được bạn không nào? Cùng đón xem những bài viết bổ ích khác từ Đẹp 365 trong năm mới này nhé!