Hè về, những chuyến du lịch biển đang vẫy gọi. Thời tiết nắng nóng, các cô nàng đang thèm muốn được đắm mình trong làn nước biển trong mát, đùa giỡn cùng sóng và gió, hay thỏa thích ngụp lặn trong những bể bơi ngoài trời. Bạn đã sẵn sàng hành trang cho mùa hè chưa? Bikini gợi cảm, dép tông rực rỡ và những chiếc váy đầm maxi xinh xắn. Tất nhiên, một món đồ không thể thiếu chính là kem chống nắng. Và lúc này, bạn cần nhất là kem chống nắng không thấm nước để giúp bạn thoải mái bơi lội, vui chơi dưới nắng trời mà không lo ngại các tia UV gây hại cho làn da.
Nhưng, liệu chỉ đơn giãn là chống thấm nước không? Điều bạn cần là không thấm nước hay chỉ đơn giản là lớp kem chống nắng lâu trôi hơn khi tiếp xúc nhiều với nước. Tác dụng không thấm nước và chịu nước cao thường được quảng cáo thực chất là gì, hoạt động như thế nào? Dưới đây là những thông tin hữu ích giúp bạn khám phá sâu hơn về tuýp kem chống nắng không thấm nước mà bạn thường vô tư sử dụng. Hãy tham khảo để có được những thông tin mới và lựa chọn tốt nhất để bảo vệ làn da khỏi ánh nắng mặt trời trong mùa hè này.
Điều gì làm cho kem chống nắng không thấm nước?
Kem chống nắng không thấm nước có khả năng bám vào da, không bị rửa trôi kể cả khi tiếp xúc lâu trong nước, chính là nhờ vào hiệu quả của các hóa chất tổng hợp, như silicon và chất hóa dầu. Có nguồn gốc từ dầu thô, các chất hóa dầu như dầu khoáng (mineral oil) không thẩm thấu vào da người vì vậy tạo ra một lớp màn niêm phong không cho nước đi qua.
Mặc dù vách ngăn này có thể giúp lớp kem chống nắng không bị nước rửa trôi, nhưng lại có những ảnh hưởng xấu tới da của bạn. Với những ai có làn da nhạy cảm, dễ bị kích ứng hoặc nổi mẩn đỏ, kem chống nắng không thấm nước hoặc chịu nước cao sẽ gây nóng da, phát ban hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng viêm hoặc khô da. Nguyên nhân là do các hóa chất tổng hợp không chỉ hiệu quả trong việc ngăn chặn nước tác động vào da mà còn khiến lỗ chân lông bị tắc nghẽn.
Vì sao nhãn “waterproof” bị cấm ở Mỹ?
Tại Mỹ, từ năm 2011, Cục Quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) đã có lệnh cấm các tuyên bố hoặc nhãn thông tin “waterproof” hoặc “sweat proof” in trên bao bì sản phẩm chống nắng. FDA lo ngại người dùng sẽ không bôi lại kem chống nắng trong suốt cả ngày và phơi nắng quá mức, vì dễ gây ảo tưởng rằng “waterproof” có nghĩa là 100% bảo vệ, không trôi và hiệu quả lâu dài.
Sự thật, không có kem chống nắng nào mà 100% không thấm nước, cũng như không có loại kem chống nắng nào có thể chặn tới 100% tia UV. Mặt trái khi sử dụng kem chống nắng một cách thiếu hiểu biết là không chỉ gây bít tắc lỗ chân lông, kích ứng da và dễ bị mụn, viêm mà có thể khiến mọi người chủ quan, không áp dụng lại kem chống nắng và sử dụng ít biện pháp chống nắng hơn.
Các chất chống thấm nước sẽ không ngăn được bộ lọc hóa học bị phá vỡ và mất dần hiệu quả theo thời gian do tác động của ánh nắng mặt trời. Nếu loại kem chống nắng mà bạn đang sử dụng có công thức bao gồm bộ lọc hóa học (có thể là hóa chất tổng hợp hoặc thành phần tự nhiên), chúng sẽ dần dần mất khả năng sau một khoảng thời gian, và nếu không bôi lại kem chống nắng, sẽ làm tăng nguy cơ bị ánh nắng mặt trời gây tổn thương ở các lớp da sâu hơn.
Một điều quan trọng khác cần lưu ý là chỉ số SPF của kem chống nắng chỉ cho biết mức độ bảo vệ chống lại bức xạ UVB. SPF không nói với bạn biết bất cứ điều gì về việc bảo vệ chống lại tia UVA nguy hiểm, trừ khi đi kèm các ký hiệu ngôi sao hoặc nhãn thông tin khác. Tia UVB gây cháy da, tia UVA khiến da xuất hiện các nếp nhăn, và cả hai đều là nguyên nhân dẫn đến ung thư da. FDA cho biết kem chống nắng cần phải đồng thời chống lại cả hai loại bức xạ mặt trời, UVA và UVB, vì vậy chỉ định các nhà sản xuất cần cung cấp các sản phẩm bảo vệ phổ rộng (broad spectrum). Chỉ các loại kem chống nắng có chỉ số SPF từ 15 hoặc cao hơn mới được phép giới thiệu về hiệu quả ngăn ngừa cháy nắng và nguy cơ lão hóa, cũng như ung thư da. Tuy nhiên, các nhà quản lý liên bang Mỹ vẫn chưa có quyết định chấm dứt cuộc chạy đua SPF. Mặc dù các mức độ SPF 70, 80 và 100 khiến người dùng lầm tưởng về khả năng bảo vệ cao hơn, nhưng thực sự chúng có thể ít hiệu quả so với những dòng sản phẩm có SPF trung bình từ 30 – 50.
Giải pháp tìm kiếm các chất “waterproof” tự nhiên
Như trên đã đề cập, Cục Quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) ngăn cấm các nhà sản xuất tuyên bố hoăc in nhãn “waterproof” hoặc “sweat proof” để tránh gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Các hóa chất không thấm nước được cảnh báo là không thân thiện với da, đặc biệt là những người sở hữu làn da nhạy cảm.
Vì vậy, nếu bạn có nhu cầu sử dụng kem chống nắng có hiệu quả lâu dài khi đi chơi biển, bơi lội hoặc do đổ quá nhiều mồ hôi trong mùa hè nắng nóng. Hãy tìm kiếm các dòng kem chống nắng không thấm nước sử dụng thành phần sáp ong (bee wax) hoặc sáp dâu (berry wax), thay vì các chất hóa dầu hay silicon, để tăng cường hiệu quả bảo vệ mà vẫn an toàn cho làn da. Các loại sáp tự nhiên có tác dụng ngăn thấm nước nhẹ nhàng, thân thiện với làn da, không làm tắc nghẽn lỗ chân lông, do đó thích hợp với những làn da nhạy cảm như trẻ em, trẻ sơ sinh và người trưởng thành có bệnh ngoài da. Ngoài ra, kể cả khi sử dụng kem chống nắng không thấm nước thành phần tự nhiên và hữu cơ, để chống lại tác động tiêu cực của các tia UV, cần nên thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 – 4 tiếng (tùy thuộc vào sản phẩm) và sau khi bơi.