Khi kem chống nắng an toàn cho bạn nhưng nguy hiểm đối với rặng san hô

Trong năm 2018 này, bạn có thể sẽ bắt đầu nghe thấy một vấn đề mới mẻ mà dường như chưa từng có ai quan tâm đến trước đây. Mùa hè năm ngoái, bạn có thể hồn nhiên thoa kem chống nắng một cách thật kỹ lưỡng khi đi du lịch biển. Nhưng gần đây, […]

Đã cập nhật 24 tháng 5 năm 2018

Bởi TopOnMedia

Khi kem chống nắng an toàn cho bạn nhưng nguy hiểm đối với rặng san hô

Trong năm 2018 này, bạn có thể sẽ bắt đầu nghe thấy một vấn đề mới mẻ mà dường như chưa từng có ai quan tâm đến trước đây. Mùa hè năm ngoái, bạn có thể hồn nhiên thoa kem chống nắng một cách thật kỹ lưỡng khi đi du lịch biển. Nhưng gần đây, theo một báo cáo của Marine Life – một tổ chức bảo tồn biển phi chính phủ, giới chuyên gia thông báo với bạn một sự thật rằng, có thể có đến 82.000 loại hóa chất từ các sản phẩm chăm sóc da cũng tung tăng bơi lội trong lòng đại dương. Và, một trong những loại sản phẩm “đóng góp” nhiệt tình nhất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất cho môi trường biển chính là kem chống nắng. Thế là các tín đồ Làm đẹp bỗng cảm thấy thật ngỡ ngàng, thì ra kem chống nắng an toàn cho chúng ta nhưng từng ngày từng ngày lại là một hiểm họa làm chết dần mòn các rặng san hô đẹp kỳ ảo dưới đáy biển.

Tổ chức Marine Life cũng cho biết, trong năm 2015, ước tính có khoảng 14.000 tấn kem chống nắng đã nằm lại trong các rặng san hô trên khắp các đại dương, và gây ra những tác hại vĩnh viễn không thể khắc phục.

Có chứa các thành phần gây hại cho đại dương

Tiến sĩ Craig A. Downs – giám đốc điều hành của Phòng Thí Nghiệm Môi Trường (Haereticus Environmental Laboratory) từng phát biểu: “85% các rặng san hô ở vùng biển Caribbean đã chết từ trước năm 1999 hoặc 2000. Nguyên nhân không phải do sự nóng lên toàn cầu. Mà chính bởi ô nhiễm”.

Vâng, không phải chỉ tuýp kem chống nắng bằng nhựa hủy hoại môi trường, mà lớp kem giúp bảo vệ làn da trước các tia UV cũng gây nên phiền toái rất lớn. Vậy, những gì khiến kem chống nắng dẫn đến một hậu quả tai hại như thế?

Từ vài năm trước đây, sau khi kiểm nghiệm hơn 50 thương hiệu sản xuất kem chống, tiến sĩ Craig A. Downs cùng các đồng nghiệp của ông bắt đầu xem xét từng loại hóa chất cụ thể và phát hiện oxybenzone và octinoxate là những thủ phạm chính. Lý do các thành phần này được sử dụng rộng rãi trong kem chống nắng là vì chúng có khả năng hấp thụ các tia UV gây hại. Tuy nhiên, oxybenzone độc hại theo 4 cách khác nhau: gây tổn thương cho DNA dẫn tới ung thư và phát triển bất thường, gây rối loạn nội tiết, làm biến dạng ở san hô chưa trưởng thành, và cuối cùng có tính chất tẩy trắng.

Tiến sĩ Craig A. Downs giải thích rằng: “San hô thường bị phai màu khi nhiệt độ trên 31°C, nghĩa là phải thực sự là nước ấm. Nhưng oxybenzone sẽ khiến san hô bị tẩy màu chỉ ở nhiệt độ 25,5°C thay vì 31°C “. Như vậy khi có nhiều oxybenzone phủ quanh, quá trình san hô bị tẩy màu diễn ra nhanh hơn. Thậm chí, với sự phổ biến của kem chống nắng hiện nay, có thể chỉ mất khoảng vài giờ để gây ra những thiệt hại nặng nề đối với san hô. Ngoài oxybenzone và octinoxate, một số chất bảo quản được tìm thấy trong các loại kem chống nắng thông thường như parylen methyl, butyl paraben hoặc phenoxythanol cũng gây ô nhiễm cho đại dương.

Làm ô nhiễm biển, giết chết san hô và còn…

Tác động tàn phá môi trường do nhân loại gây ra sẽ quay trở lại với chính con người. Chúng ta đã phải thừa nhận điều này từ bao lâu nay. Và hậu quả do các loại mỹ phẩm hóa chất để lại sẽ nguy hại đến sức khỏe con người. Bởi vì, không chỉ san hô mà các loài sinh vật biển đều sẽ nuốt vào đủ các loại thành phần hóa mỹ phẩm, và món cá tươi ngon của bạn chỉ đơn giản là “có thêm mùi vị” của oxybenzone và nhiều chất bảo quản khác.

Vấn đề là vậy, nhưng giải pháp là gì?

Trước một thực trạng như vậy, chúng ta nên làm gì để ngăn chặn những hậu quả tiêu cực hơn? Tất nhiên, không thể tẩy chay kem chống nắng trong khi rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe làn da của mỗi người.

Đầu tiên, điều mà các tín đồ làm đẹp có thể làm chính là từ bỏ các loại kem chống nắng và mỹ phẩm dạng phun xịt. Theo Brian A. Guadagno – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Raw Elements – một công ty sản xuất kem chống nắng có trụ sở tại Hawaii, cho biết: “Với một bình phun xịt, các thành phần hóa học vi mô có thể bị hít vào phổi và phân tán trong không khí”. Sau khi chứng kiến những độc hại mà kem chống nắng mang lại cho rặng san hô, công ty Raw Elements của Guadagno đã phát triển công thức không chứa nano oxit kẽm, cho ra đời các sản phẩm kem chống nắng an toàn hơn đối với môi trường. Raw Elements hiện còn là thành viên trong Hội Đồng Kem Chống Nắng An Toàn (The Safe Sunscreen Council) – một liên minh các công ty cùng làm việc để nâng cao nhận thức về tác động của thành phần chống nắng độc hại trên hành tinh chúng ta.

Một giải pháp thay thế an toàn khác cho oxybenzone và octinoxate trong kem chống nắng là titanium dioxide không nano. Từ bây giờ, trước khi mua một sản phẩm kem chống nắng mới, hãy tìm hiểu và xem xét kỹ danh sách thành phần được sử dụng trong đó, lựa chọn các thành phần thân thiện hơn và loại bỏ các chất độc hại đã được đề cập ở trên.

Ngoài ra, một dấu hỏi lớn tiếp theo mà bất cứ ai vừa mới làm quen với kem chống nắng đều phải đối mặt, chính là nên lựa chọn các dòng sản phẩm có chỉ số SPF cao hơn hay thấp hơn thì có lợi? Thực sự, các chuyên gia và nhà nghiên cứu giải thích rằng tác dụng của các công thức chống nắng đã được thổi phồng lên, cũng như khả năng chống thấm nước không hề giống như quảng cáo hay những gì người tiêu dùng thường nghĩ. Dù thế nào, một sản phẩm có nồng độ mạnh với tỷ lệ hóa chất cao thì tỷ lệ thuận với khả năng gây hại môi trường của nó, trong khi hiệu quả mang lại không có sự cách biệt lớn, như SPF 30 và SPF 90 đều có mức độ bảo vệ gần như nhau. Bạn có thể xem bài viết này để tìm hiểu thêm về hiệu quả và giải đáp những lầm tưởng về kem chống nắng, hoặc làm rõ hơn về tác dụng không thấm nước của kem chống nắng tại đây.

Tóm lại, cả nhà sáng lập Brian A. Guadagno và tiến sĩ Craig A. Downs đều đồng ý rằng nếu người tiêu dùng thực sự muốn giảm thiểu các tác động tiêu cực của kem chống nắng đối với rặng san hô và môi trường biển nói chung, ngoài lệ thuộc hoàn toàn vào kem chống nắng (kể cả chỉ sử dụng các loại kem chống nắng an toàn cho rặng san hô hay nguồn gốc hữu cơ và tự nhiên), hãy đầu tư vào nhiều lựa chọn bền vững khác nữa như: quần áo và phụ kiện chống nắng. Thay vì bôi đầy kem chống nắng vào mọi vùng da trên cơ thể, trang phục sử dụng vải chống nắng thực sự (tức không chỉ các loại khăn, áo ninja thông thường) có thể ngăn chặn sự xâm nhập của các tia mặt trời. Vì vậy, nếu bạn có thể dùng kem chống nắng để bảo vệ cơ thể một cách thiết yếu và đúng cách, nhưng ở một mức độ khiêm tốn và hạn chế chất thải, sẽ góp phần mang lại những ý nghĩa tích cực hơn đối với môi trường.