Nếu ai đó biết chút chút về tài chính, đều hiểu rằng một bảng cân đối tài sản trong hiện tại luôn có sự kết nối với quá khứ của nó, đơn giản vì số dư cuối kỳ kế toán này, phải được chuyển tiếp thành đầu kỳ tới. Trong marketing hay bán hàng thì không như vậy, 1 sản phẩm sau ra đời, không nhất thiết phải có tính kế tục với sản phẩm trước đó, chính vì vậy tính sáng tạo trong nghề cũng cao hơn.
Trên đây là một ví dụ ẩn dụ cho một thông điệp rằng, môn học tài chính cần phải rất bài bản, từ trước tới sau, từ thấp đến cao thì mới thành tài, mới ra hình ra dáng được. Khác với ngành học Marketing, tuy không nắm được 1 số khái niệm cơ bản, người học vấn có thể hành nghề khá ổn ở 1 số lĩnh vực ngách, chẳng hạn như PR, tổ chức sự kiện, digital marketing vv…
Thử thách của ngành tài chính là nó đòi hỏi nhiều kiến thức nền tảng quá. Để là một ” cao thủ” về tài chính bạn không cần phải biết in 1 hóa đơn thế nào, sử dụng ERP ra sao nhưng phải nắm khá rõ về nguyên lý kế toán tài chính, thậm chí cũng phải biết ít nhiều về kế toán quản trị, chẳng hạn như năm rõ khái niệm chi phí chìm (sunk costs) , chi phí cơ hội ( opportunity costs), chi phí liên quan (relevant costs)….
Thử thách kế tiếp là tài chính có khá nhiều khái niệm, công thức kiểu như “same same but different”, khiến những đệ tử nhập môn cực kỳ bối rối và thậm chí là bấn loạn. Ví dụ như : đòn bẩy tài chính ( financial gearing) được tính bằng nợ/ (nợ + vốn chủ sở hữu), trong khi tỷ lệ nợ ( debt ratio) cũng tính bằng công thức tương tự, sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ khái niệm đầu chỉ dùng nợ dài hạn, khái niệm sau dùng cả nợ ngắn hạn mà thôi. Môn học tài chính cũng gây khó cho ngưòi học bởi khái niệm ngắn hạn và dài hạn, mà nếu coi thường nó thì cũng khó mà thành tài, cần phải nắm chắc bản chất thì mới tiến xa được. Ví dụ, khi nói về vốn lưu động, ta nói về các yếu tố ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán ( hàng tồn kho, nợ phải trả , khoản phải thu ), nếu học tài chính hời hợt ta dễ cho rằng có thể dùng nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho chúng, tuy nhiên trong thực tế vận hành doanh nghiệp, vốn lưu động là thành tố vận hành theo kiểu “cuốn chiếu”, mãi mãi cho đến khi đóng cửa, vì vậy nguồn vốn tài trợ phải là dài hạn. Người làm tài chính cũng cần cái nhìn tổng quát thì mới tránh được sự lân lộn giữa các khái niệm, ví dụ vốn điều lệ ( registered capital) và vốn cổ phần ( share capital) là cùng một con số nhưng tại sao lại là hai tên gọi khác nhau? Vốn điều lệ, theo ngữ cảnh pháp lý, phải được ghi trên bảng điều lệ và là nguồn tài chính bảo đảm cho trách nhiệm tài chính hữu hạn của công ty. Vốn cổ phần theo ngữ cảnh kế toán (là một phần của vốn chủ sở hữu), có ý nghĩa phân chia quyền lợi và trách nhiệm của các bên góp vốn.
Tài chính khó vậy, có đáng học không ? Câu trả lời là: rất đáng! Thứ nhất, khi vượt qua ải khó rồi, mọi cái sẽ trở nên dễ dàng và thú vị, cũng giống như leo núi thì cực, nhưng khi lên tới đỉnh sẽ thấy cảnh đẹp vậy. Thứ hai, bạn sẽ có kiến thức để tự đầu tư kiếm tiền một cách linh hoạt, biết bạn đang ở đâu, xung quanh bạn có gì, bạn muốn đi đâu, và làm sao để đi đến đó. Hoặc giả, nếu bạn không kiếm tiền thì cũng khó bị mất tiền do thiếu kiến thức được. Một người học MBA chung chung vẫn có thể bị quỹ đâu tư dụ dỗ góp tiền cho họ vài chục năm, dựa trên một vài hứa hẹn, một vài giả thiết, một chuyên viên tài chính sẽ thấy rõ điều đó rủi ro ra sao.
Tài chính khó vậy thì học tài chính thế nào? Hãy xây dựng cho mình một niềm tin, một lộ trình và một sự kiên nhẫn đáng kể, hãy đừng quá hấp tấp, nhưng cũng không nên quá cầu toàn để rồi nắm kiến thức nền tảng quá hời hợt, hay cứ mãi loay hoay với chúng. Có những khái niệm cơ bản trong tài chính, mà bạn chỉ thấy rõ chúng khi leo lên đỉnh rồi cơ. Quân tử ” trả thù” 10 năm chưa muộn! Hãy cứ leo đi rồi sẽ đến đỉnh, và khi lên đến nơi rồi, bạn sẽ được thưởng thức “cảnh đẹp” mà ít ngưòi biết đến!
Trịnh Việt Ba