Nếu các nàng có thói quen đọc tên thành phần trên bao bì, phiếu thông tin đính kèm hoặc mặt sau của những chai/ hộp đựng mỹ phẩm, ngoài một số tên khoa học và tên viết tắt hợp chất chiết xuất, hẳn sẽ bắt gặp nhóm thành phần “May Contain”. Một cụm từ đơn giản nhưng dường như không thể hiểu rõ được, dịch nghĩa là “có thể chứa” và càng gây nhiều băn khoăn. Với trường hợp, một số sản phẩm được dán nhãn là “Vegan” nhưng danh sách thành phần lại có những cụm từ như “may contain carmine” hay “may contain beeswax”. Trong khi chất carmine* hay sáp ong cần được hiểu là có nguồn gốc từ động vật. Vậy, thực chất danh sách thành phần “May Contain” nên được hiểu như thế nào? Điều đó có mâu thuẫn hoặc có thể chấp nhận được với chứng nhận và nhãn công bố “vegan” trên sản phẩm đó không?
Có ít nhất 3 lý do các thương hiệu mỹ phẩm trình bày minh bạch trên bao bì sản phẩm một danh sách thành phần “có thể chứa” (may contain ingredient list).
1. Một danh sách diễn đạt tất cả “shades of a product”
Các thương hiệu muốn mô tả riêng một danh sách thành phần nhằm diễn đạt tất cả các sắc thái của một sản phẩm (shades of a product), ngay cả khi không có nghĩa là: toàn bộ các sắc thái đều có chứa những thành phần cấu thành nên sắc thái đó.
Trong nội dung bài viết này, “sắc thái của một sản phẩm” có thể hiểu là “shades” của một dòng son hay phấn má, như shade đỏ cam, shade tím và shade hồng phấn đều có chung một nhóm thành phần chính, tuy nhiên mỗi shade của son hay phấn má, sẽ “may contain” tên thành phần tạo nên sắc thái màu đỏ hay hồng của “shades of a product” đó.
Đây cũng là lý do phổ biến nhất của danh sách thành phần “May Contain” xuất hiện trên thông tin thành phần của sản phẩm. Thay vì in nhãn mới hay thay đổi bao bì cho mỗi sắc thái của sản phẩm, sẽ đơn giản và tiết kiệm hơn cho các thương hiệu khi liệt kê các thành phần mà tất cả các sắc thái đều bao gồm, và bổ sung thêm danh sách “May Contain” mà chỉ một số sắc thái có thể có chứa.
Một số thương hiệu áp dụng danh sách “May Contain” với lý do kể trên như: Makeup Geek, ColourPop, Charlotte Tilbury, Anastasia Beverly Hills,…
2. Những thành phần có thể bao gồm do sản xuất trên cùng thiết bị
Đây là một trường hợp mà các thương hiệu thường vô cùng cẩn thận cảnh báo để tránh xảy ra tình huống dị ứng thành phần mỹ phẩm. Trên thực tế, có nhiều thương hiệu dùng chung thiết bị xử lý cho nhiều sản phẩm khác nhau và đôi khi cũng chia sẻ với các thương hiệu khác (chẳng hạn như trong cùng một tập đoàn, các thương hiệu con có thể sản xuất luân phiên trong cùng một nhà máy). Điều này không có nghĩa là những thành phần được liệt kê trong danh sách “May Contain” được dùng trong công thức bào chế, mà chỉ bởi vì chúng có thể có mặt do được sản xuất trên cùng một thiết bị với loại sản phẩm khác thực sự có chứa những thành phần đó.
Tương tự khi chúng ta có thể được cảnh báo bằng ghi chú “sản xuất trên cùng thiết bị với sản phẩm hạt hoặc sản phẩm sữa” trên bao bì thực phẩm. Do đó, đối với những ai có chứng dị ứng và siêu nhạy cảm đối với một số loại nguyên liệu hoặc thành phần dù là ở tỷ lệ rất thấp, thông tin từ danh sách “May Contain” sẽ rất hữu ích để cân nhắc lựa chọn sản phẩm hoặc đề phòng khi sử dụng.
Do có khả năng một lượng nhỏ thành phần không chủ ý sẽ xuất hiện trong sản phẩm, và dù tỷ lệ nhỏ của các thành phần đó là vô hại, minh bạch thông tin với danh sách “May Contain” là một đòi hỏi sự trung thực tuyệt đối trước khách hàng và đảm bảo trách nhiệm của thương hiệu. Chính vì lý do này, một vài thương hiệu không thể tuyên bố hoặc được chứng nhận Vegan, nếu như sản phẩm được sản xuất cùng chung thiết bị với các sản phẩm hoặc thương hiệu có thể bao gồm những thành phần có nguồn gốc từ động vật. Giải đáp cho vấn đề “may contain carmine” hay “may contain beeswax”, “May Vegan” hay không chỉ tùy thuộc vào sự khắt khe kiên định của các tổ chức chứng nhận mà trên hết là của người tiêu dùng.
Một vài thương hiệu cung cấp danh sách “May Contain” với lý do này có thể kể đến như: Charlotte Tilbury, Pixi Beauty, Paula’s Choice,…
3. Thông báo về một phiên bản với công thức mới
Khi thương hiệu đang trong quá trình thay đổi công thức của sản phẩm, và muốn chuẩn bị cho việc tung ra hàng loạt cùng lúc cả 2 phiên bản công thức cũ và mới trên thị trường. Vì vậy, hai nhóm công thức được đóng gói bao bì giống nhau, với danh sách “May Contain” thông báo rằng sản phẩm có thể có chứa những thành phần được bổ sung trong công thức mới.
Tuy nhiên, khác với lĩnh vực nước hoa hay thực phẩm, lý do này hiếm khi xảy ra vì các thương hiệu mỹ phẩm không thường xuyên cải tiến công thức chỉ trên một nền tảng hay một vài yếu tố nhất định. Bởi, việc cải tiến công thức mỹ phẩm thường đi đôi với nhiều vấn đề về quy trình sản xuất, đăng ký và chứng nhận pháp lý hoặc những ràng buộc khác. Và nếu như thay đổi công thức chỉ qua việc thêm bớt một vài cái tên thành phần, cũng có thể ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu quả của các loại mỹ phẩm dưỡng da, chăm sóc trị liệu hay trang điểm.
Các thương hiệu như Pixi Beauty và NYX có thể được đề cập để dẫn chứng cho lý do thứ 3 này.
Vậy:
Sau 3 lý do kể trên, có thể khẳng định rằng: việc xem xét kỹ lưỡng tên các thành phần, bao gồm cả danh sách “May Contain”, cũng như quan tâm đến tất cả các ký hiệu, chứng nhận, nhãn thông tin ghi chú/cảnh báo trên bao bì sản phẩm là hết sức cần thiết. Ngày nay, hầu hết các thương hiệu mỹ phẩm đều liệt kê danh sách thành phần và thông tin pháp lý một cách minh bạch. Nếu không, là một người tiêu dùng thông thái, các nàng hẳn nên cân nhắc đến việc lựa chọn thương hiệu đó và thậm chí có quyền thẳng thắn đòi hỏi chính sách về việc sử dụng sản phẩm. Hãy tin rằng, ý kiến khách hàng vẫn luôn là động lực để các thương hiệu cải thiện ngày một tốt hơn.
Ghi chú:
*Carmine là một chất màu đỏ, có thể được gọi là sắc tố đỏ carmine, hồ carmine hoặc ký hiệu E120. Là một chất chiết xuất thu được từ muối nhôm của axit carminic, hoặc từ một số loài côn trùng nhỏ (như rệp son Cochineal).