Mỹ phẩm sinh học đang dần trở thành tiêu chuẩn mới trong ngành Công Nghiệp làm đẹp. Theo đó, các “tiêu chuẩn xanh” trong mỹ phẩm sinh học bắt buộc loại bỏ các thành phần có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và môi trường. Trong số rất nhiều các tiêu chuẩn khắt khe nhất về mức độ an toàn và tính bền vững của ngành công nghiệp mỹ phẩm, 5 cam kết “không” nhằm đánh giá mức độ đáng tin cậy và tính nhân văn của sản phẩm Làm đẹp được đề ra, bao gồm:
1. Không chứa dầu khoáng
Dầu khoáng (mineral oil) đã được ứng dụng trong ngành hóa mỹ phẩm suốt nhiều thập kỷ, thường có trong các loại sản phẩm điều trị da khô, dưỡng ẩm (giữ ẩm) và trong các loại dầu chống hăm tã cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, ngày nay, có rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm sẵn sàng loại bỏ dầu khoáng ra khỏi thành phần của mình, kể cả khi dầu khoáng đã được “trắng án” và nhiều nghiên cứu kết luận rằng loại thành phần này không mùi, tinh khiết và an toàn cho da. Bởi, quá trình tinh lọc dầu khoáng bắt buộc phải sử dụng một lượng dầu mỏ khổng lồ, từ đó, người ta đặt câu hỏi rằng: liệu chúng ta có đang sử dụng quá nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên mà sẽ phải mất hàng triệu triệu năm mới có thể tích lũy được. Và rằng, thế hệ tương lai chắc chắn sẽ oán trách chúng ta vì đã “tiêu xài” quá nhiều, thay vì sáng chế và khám phá ra những giá trị hữu ích hơn?
Nói không với dầu khoáng, ngành mỹ phẩm sinh học đã mang đến các loại dầu thực vật được nhận định là tương tự như chất béo tự nhiên của da. Hơn nữa, không những là nguồn thực vật được canh tác dựa trên các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, mà còn đem lại nhiều lợi ích và cung cấp các dưỡng chất giúp duy trì làn da săn chắc, khỏe mạnh. Trong khi đó, dầu khoáng chỉ tồn tại như một “lớp màng” bảo vệ, ở lại trên da, giữ chức năng khóa ẩm, hầu như không gây hại cho da nhưng cũng không đem đến lợi ích nào hơn cho làn da cũng như sức khỏe.
2. Không chất bảo quản
Chất bảo quản – parabens (phổ biến như isobutyl parabens, ethyl parabens, methyl parabens, propyl parabens, butyl parabens) đã được áp dụng trong mỹ phẩm từ rất lâu, chủ yếu nhằm chống lại các loại nấm và vi khuẩn gây hư hại, hữu ích trong việc kéo dài hạn sử dụng của sản phẩm. Không chỉ trong ngành công nghiệp làm đẹp, parabens còn có mặt trong các loại sản phẩm tiêu dùng như kem đánh răng, nước súc miệng, thuốc và thậm chí là thực phẩm.
Ngày nay, chất bảo quản có thể vẫn nằm trong danh sách thành phần an toàn và được phép sử dụng. Nhưng thành phần này đang dần được thay thế bởi các chất khác có cùng đặc tính, hay còn gọi là paraben tự nhiên có trong quả mâm xôi, dâu đen hay các chiết xuất dầu tự nhiên (húng tây, hương thảo, oải hương, rễ cây mao lương,…).
Bỏ qua các tranh cãi về khả năng paraben gây ung thư và rối loạn nội tiết tố, cũng như có nhiều nghiên cứu đã được đưa ra về tính an toàn của một số nhóm parabens như methyl parabens và propyl parabens, rất nhiều hãng mỹ phẩm đã cho ra đời các sản phẩm mới với tuyên bố “No Parabens”. Chính bởi, mối lo ngại về sự tích lũy parabens lâu dài, từ không đáng kể sẽ dẫn đến nguy hại thực sự, khiến xu hướng người tiêu dùng mong muốn lựa chọn giải pháp nói không với parabens.
3. Không PEGs
PEGs hay Polyethylene glycols, là một hợp chất hóa học có độc tố thấp, do có chứa các tạp chất độc hại tiềm năng và gây hại cho thận nếu áp dụng cho da bị tổn thương. Dù vậy, thành phần này đã được sử dụng như dung môi trong các chất tẩy rửa, sản phẩm làm sạch, các loại kem chăm sóc da và chất bôi trơn. Ngoài ra, PEGs còn có tác dụng ổn định trong quá trình sản xuất và giúp hòa tan một số thành phần, từ đó được ứng dụng trong ngành công nghiệp hóa mỹ phẩm nhằm đem lại hiệu quả thẩm thấu nhanh trên da.
Tuy nhiên, tình trạng dị ứng với PEGs đã được chẩn đoán ngày càng nhiều sau sự gia tăng hàng loạt của các sản phẩm sử dụng PEGs, bao gồm cả thuốc và thực phẩm. Do đó, nhằm triệt tiêu nguy cơ của PEGs trong tương lai, nhiều thương hiệu mỹ phẩm đã đi đến giải pháp sản xuất nói không với PEGs và các thành phần có chứa PEGs.
4. Không silicone
Thành phần silicone được sử dụng trong mỹ phẩm chủ yếu ở dạng dầu. Phân tử silicone có cấu trúc lớn, không thẩm thấu qua da và được dùng như một lớp màng chống thấm nước, cũng như “khóa” lại sự bốc hơi của độ ẩm trên da. Nhóm các silicone không hòa tan (Dimethicone, Cyclomethicone, Cyclopentoxilase, Dimethiconol) được ứng dụng như một đặc tính làm đầy trên bề mặt vốn không phẳng mịn của các lớp biểu bì, do đó là thành phần phổ biến trong các sản phẩm make-up, dầu gội, dầu xả, kem chống nắng và các sản phẩm dưỡng ẩm.
Tuy nhiên, dầu silicone có tính bám lâu, giữ mùi hương và không gây nhờn rít đồng nghĩa với việc rất khó rửa trôi sau thời gian sử dụng lâu dài, dần trở thành lớp “áo” bao phủ lên bề mặt tóc và da. Áp dụng quá nhiều dầu silicone trên da sẽ “khóa chặt” mồ hôi, ngăn hấp thu độ ẩm, dẫn đến tình trạng “bế tắc” trong việc giữ ẩm và “cấm ẩm”. Do đó, trong khi nồng độ silicone không bị nghiêm cấm trong các sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp, một số thương hiệu mỹ phẩm khác đặt sự nghi ngờ mạnh mẽ với tác động lâu dài của nhóm silicone không hòa tan đối với sức khỏe và môi trường.
5. Không có thành phần động vật
Ở thời đại ngày nay, tiêu chuẩn không thứ 5 này đang dần trở nên rất quan trọng trong việc đánh giá tính nhân đạo của ngành công nghiệp mỹ phẩm. Không gây hại, không thử nghiệm trên động vật sống cũng như không sử dụng bất kỳ thành phần nào từ động vật chết – tiêu chuẩn này không những nhận được sự ủng hộ của những người thuần chay mà còn từ bất cứ ai, những người theo đuổi đạo đức thương mại. Ngoài ra, các thành phần thay thế còn đòi hỏi: phải đảm bảo tính an toàn về con người và môi trường đối với thành phần tổng hợp; và tính bền vững tự nhiên (không gây ô nhiễm, không lãng phí tài nguyên quý hiếm, không thay đổi gene) trong chiết xuất thực vật hữu cơ.