Hiện nay, trong các trường học đang áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực. Các phương pháp này mang lại hiệu quả cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện và tăng hứng thú với học tập hơn. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp những thông tin cơ bản nhất về các phương pháp dạy học tích cực để phụ huynh có thể hiểu rõ hơn.
Phương pháp dạy học tích cực là gì?
Được hiểu là cách học mà giáo viên chỉ là người đưa ra các gợi ý và học sinh mới đóng vai trò chính, các phương pháp dạy học tích cực giúp các em chủ động hơn, phát triển năng lực tuy duy cùng các kỹ năng mềm cần thiết khác. Phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải có trình độ chuyên môn cao, kiến thức vững chắc và tâm huyết với người học để hướng dẫn các em một cách tốt nhất.
Các phương pháp dạy học tích cực hiệu quả hiện nay
Phương pháp dạy học tích cực theo nhóm
Là một trong những phương pháp dạy học được ứng dụng nhiều nhất, dạy học theo nhóm mang đến rất nhiều ưu điểm cho học sinh. Nhờ phương pháp này, học sinh sẽ rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, biết cách kết nối và cộng tác với các thành viên khác. Giáo viên sẽ đóng vai trò là người đưa ra chủ đề và phân chia nhóm, tiếp đó học sinh sẽ tự chủ động thảo luận với nhau và cuối cùng trình bày kết quả để nhận đánh giá, nhận xét của giáo viên.
Phương pháp đóng vai dạy học tích cực
Phương pháp đóng vai là phương pháp mà học sinh sẽ được nhập vai để ứng xử trong các tình huống thực tế liên quan đến bài học mà giáo viên đưa ra. Phương pháp này giúp học sinh hiểu rõ hơn về bài học, ghi nhớ lâu và tạo không khí hào hứng trong lớp học. Các bước để thực hiện phương pháp bao gồm:
- Giáo viên giúp chọn tình huống.
- Chia nhóm và đưa ra các yêu cầu cụ thể cho từng nhóm.
- Các nhóm tiến hành thảo luận.
- Mỗi nhóm sẽ đóng vai và diễn theo tình huống.
- Giáo viên đánh giá và hướng dẫn học sinh rút ra bài học.
Dạy học tích cực qua phương pháp trò chơi
Phương pháp trò chơi khơi dậy hứng thú của các em học sinh trong quá trình học. Thông qua trò chơi, các bài học sẽ được lồng ghép để học sinh hiểu bài một cách tự nhiên và ghi nhớ lâu hơn. Phương pháp này luôn nhận được phản hồi tích cực từ phía người học. Để tiến hành, đầu tiên giáo viên sẽ phổ biến nội dung trò chơi. Tiếp đó, học sinh sẽ chơi thử và cuối cùng là đánh giá và rút ra bài học.
Các kỹ thuật dạy học tích cực
Cần có một số kỹ thuật dạy học để việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực hiệu quả và đúng cách hơn. Dưới đây là một vài gợi ý để phụ huynh và giáo viên có thể tham khảo.
Kỹ thuật “Chia sẻ nhóm đôi”
“Chia sẻ nhóm đôi” là kỹ thuật giúp học sinh tăng năng lực giải quyết vấn đề và phát triển khả năng tư duy. Học sinh sẽ lắng nghe và tổng hợp lại các ý kiến, từ đó đưa ra giải pháp tốt nhất. Tuy vậy nhược điểm của phương pháp này là học sinh sẽ không tập trung vào vấn đề mà chỉ nói chuyện riêng.
>> Xem thêm: 15 cách vàng rèn luyện kỹ năng lắng nghe
Kỹ thuật dạy học tích cực 5W1H
5W1H bao gồm what (cái gì), where (ở đâu), when (khi nào), who (ai), why (tại sao), how (như thế nào). Kỹ thuật dạy học dựa trên việc đặt câu hỏi này sẽ giúp chủ động hơn trong việc tìm hiểu vấn đề đồng thời có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau. Nhưng hạn chế của kỹ thuật này là có thể làm giảm sự cộng tác của các thành viên trong lớp.
Kỹ thuật dạy học bằng sơ đồ tư duy (Mindmap)
Kỹ thuật này được khuyến khích ứng dụng vì những lợi ích mà nó mang lại. Không chỉ dễ thực hiện với các dụng cụ đơn giản, sơ đồ tư duy còn giúp người học tăng khả năng sáng tạo, phát triển năng lực tư duy logic. Thông qua sơ đồ tư duy, học sinh sẽ dễ dàng ghi nhớ và hiểu rõ bài học hơn. Tuy nhiên, kỹ thuật dạy học này không dễ lưu trữ và chỉnh sửa.