Thương Hiệu Fcuk

Thương hiệu thời trang Anh nhưng có tên French Connection, thường được ghi nhớ với cái tên “fcuk” dễ nhầm lẫn và được yêu thích bởi phong cách độc đáo, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng. Mục lục 1 1. Tính biểu tượng 2 2. Lịch sử thương hiệu 3 3. Các dòng […]

Đã cập nhật 22 tháng 8 năm 2017

Bởi TopOnMedia

Thương Hiệu Fcuk

Thương hiệu thời trang Anh nhưng có tên French Connection, thường được ghi nhớ với cái tên “fcuk” dễ nhầm lẫn và được yêu thích bởi phong cách độc đáo, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng.

1. Tính biểu tượng

Nắm bắt thị hiếu và một vận may hợp thời đại, thương hiệu fcuk ra đời và phát triển như một phong cách nổi loạn và cá tính giữa thị trường thời trang nước Anh thập niên 80 – 90. Fcuk được sử dụng ban đầu là viết tắt của French Connection United Kingdom trong tài liệu giao thương thực hiện qua các bản fax, đến khi trở thành một dấu hiệu nhận biết chính thức của thương hiệu, được sử dụng như một logo vào năm 2000 (Logo chính thức hiện tại chỉ là một chữ “F”). Nét đặc biệt, thú vị và những ý tưởng đầy châm biếm hay chỉ đơn giản là trông buồn cười, thể hiện trong những bộ ảnh quảng cáo của French Connection đã định hình phong cách khác biệt của thương hiệu.

Đối tượng khách hàng của thương hiệu fcuk là những người mua sắm nổi loạn và phóng khoáng, độ tuổi điển hình từ 18 – 35. Các nhân vật của French Connection thường trong một phong cách giản dị và retro, nhưng đủ nổi bật để thu hút các ánh nhìn trên đường phố. Các tín đồ của “fcuk fashion” yêu thích những tuyên ngôn thời trang, trong phong phú sự lựa chọn về xu hướng và thể loại, bao gồm cả những chiếc T-shirt với dòng slogan đơn điệu hoặc thậm chí tối nghĩa. Cảm hứng thời trang của fcuk gây sự chú ý, đôi khi dí dỏm và thông minh. Những chữ viết tắt “fcuk” thường dùng như một điểm nhấn, khiêu khích những “đầu óc đen tối” rồi cuối cùng bật ra sự trêu đùa hóm hỉnh.

2. Lịch sử thương hiệu

Cựu vận động viên quần vợt Stephen Marks – nhà sáng lập của thương hiệu, từng làm việc với nhà thiết kế người Pháp – Louis Féraud trước khi bước ra phát triển sự nghiệp riêng của mình. Ông bắt đầu kinh doanh thời trang từ năm 1969 với ý định hướng xây dựng một thương hiệu tầm trung dành cho các khách hàng nữ. Chuyến đi đến Hồng Kông trên danh nghĩa của một người bạn ở Paris, giúp ông nhập về một lô hàng lớn và thu được lợi nhuận rất tốt tại Anh, khiến Stephen Marks trở thành một trong những nhà bán lẻ đầu tiên nhận ra nguồn lợi tiềm năng từ các nhà cung cấp giá rẻ ở Viễn Đông. Năm 1972, Stephen Marks thành lập công ty “French Connection”, đặt theo tên một bộ phim Mỹ nổi tiếng “The French Connection” ra đời năm 1971.

Ngày nay, thương hiệu fcuk hay French Connection là nhà bán lẻ/ bán sỉ toàn cầu về quần áo thời trang và phụ kiện, đồng thời mở rộng cung cấp cả các sản phẩm nội thất gia đình. Công tỵ mẹ là French Connection Group PLC đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán London từ năm 1984. French Connection phân phối sản phẩm thời trang thông qua các cửa hàng chính hãng tại UK, US, Canada và thông qua các franchise và wholesaler trên toàn thế giới.

Công ty French Connection United Kingdom trở nên rất nổi tiếng từ khi sử dụng “thông điệp fcuk fashion” trong các chiến dịch quảng cáo vào cuối thập niên 1990 – đầu những năm 2000. Stephen Marks đã nhận ra tính khiêu khích của các chữ viết tắt “FCUK” từ các bản fax giữa Hồng Kông và Anh Quốc (FCHK to FCUK). Từ vô tình đến hữu ý, fcuk trở thành bản sắc của thương hiệu French Connection. Tuy nhiên, để giảm bớt tính gây sốc, thương hiệu sử dụng “fcuk” thay vì các chữ in hoa.

Để nổi bật lên từ đám đông, quảng cáo và sự lựa chọn các phương tiện truyền thông là bí quyết thành công của French Connection. Các chiến dịch Marketing xây dựng thương hiệu fcuk trở thành một hình tượng gần gũi với giới trẻ, mang cá tính sáng tạo và nổi bật, thông qua những ý tưởng độc đáo nhằm quảng bá phong cách thời trang của mình.

Bị ấn tượng sâu sắc bởi một poster quảng cáo đồ lót của diễn viên/người mẫu Eva Herzigová cùng với dòng chữ “Hello Boys”, Stephen Marks đầu tư ngân sách cho một chiến dịch quảng cáo mới với một cảm hứng táo bạo. Chiến dịch fcuk đầu tiên của thương hiệu được ra mắt trong mùa Thu Đông 1997, thực hiện bởi nhà quảng cáo người Anh – Trevor Beattie.

Ý tưởng đơn giản nhưng đem lại thành công đáng ngạc nhiên, doanh thu và lợi nhuận của French Connection tăng trưởng vượt trội sau khi mẫu quảng cáo của “fcuk fashion” xuất hiện trên tạp chí. Trong các cửa hàng bán lẻ của con phố mua sắm sầm uất tại London (Regent Street), những chiếc áo phông in slogan gây sốc như “fcuk this”, “Hot as fcuk” hay “Lucky fcuk” gây sự chú ý và sự yêu thích mạnh mẽ cho những khách hàng mang tâm hồn nổi loạn. Sau năm 1997, lệnh cấm từ các nhà quản lý khiến French Connection không tiếp tục thực hiện những chiến dịch quảng cáo “ấn tượng” tương tự, nhưng thương hiệu fcuk vẫn luôn cực kỳ sáng tạo và thông minh trong những “tuyên ngôn thời trang” hài hước điển hình của mình.

Mặc dù những ý tưởng “chơi đùa với con chữ” truyền tải thông điệp đầy cảm hứng của thương hiệu fcuk để lại ấn tượng sâu sắc trong công chúng thời trang, cả tiêu cực lẫn tích cực. “Chìa khóa sống còn” của thương hiệu sau gần 5 thập kỷ chính là thực tiễn kinh doanh mang quan điểm riêng, giá cả phải chăng và tính đa dạng trong sản phẩm. Một ông chủ dồi dào năng lượng như Stephen Marks, đã liên tục vực dậy French Connection. Sự thay đổi nhanh chóng và cân bằng các ý tưởng mới liên tục, giữ gìn tinh thần sáng tạo thú vị và độc đáo trong các sản phẩm của mình, thương hiệu fcuk vẫn chèo kéo được công ty sau những suy thoái, dù đã có lúc gần như “rơi tuột ra khỏi thời trang” trong những cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ như Zara (1975), Mango (1984), Asos (2000),…

3. Các dòng sản phẩm nổi bật

French Connection đã mở rộng danh mục đầu tư vào đa dạng các lĩnh vực, không chỉ cung cấp quần áo may sẵn và các phụ kiện dành cho nam & nữ như kính mát, gọng kính quang học, đồ dùng du lịch, đồng hồ, đồ bơi và nước hoa; thương hiệu còn tấn công sâu vào nhóm các sản phẩm nội thất từ đồ dùng thiết yếu sang trọng cho nhà bếp, phòng ngủ đến các vật dụng trang trí cơ bản nhưng mang phong cách riêng.

Mùa Thu Đông 2013, French Connection xây dựng chiến dịch “From Sketch to Store”, thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Rankin. Thể hiện triết lý thời trang không sợ hãi (fearless) của mình, các người mẫu của Fcuk gần như khỏa thân trong trang phục phác họa bởi Illustrator Jo Bird của Jelly London.

Bộ sưu tập Xuân Hè 2016 của French Connection hồi sinh hơi thở của “À la Mode 1990”. Chiến dịch quảng cáo được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Harley Weir, với gương mặt đại diện là các người mẫu trẻ như Angie Sherbourne, Coco Kate, Wilson Oryema, ca sĩ/nhạc sĩ Will Heard và nghệ sỹ Conie Vallese. Bộ ảnh quảng cáo được lấy cảm hứng từ những ấn phẩm cổ vũ cho phong trào Cool Britannia (một phong trào phục hưng văn hóa pop của Anh, cảm hứng từ 1960 và xuất hiện lại vào 1996). Những khoảnh khắc thời trang mang tính biểu tượng của thập niên 90, như chiếc đầm sequin của Kelly Macdonald trong bộ phim hài Trainspotting (1996).

Chuẩn bị cho mùa Thu Đông 2017, thương hiệu đã sẵn sàng ra mắt đoạn phim quảng cáo “Denim: A firm favourite”, giới thiệu những thiết kế đơn giản với sơ mi denim, boyfriend jeans và chân váy mini.

4. Thị trường Châu Á

French Connection sớm đã có sự kết nối với các nhà cung cấp Châu Á: từ Hồng Kông đến Anh và xây dựng hình ảnh “Fcuk” – French Connection United Kingdom. Thương hiệu đặt trụ sở và đội ngũ thiết kế tại London, nhưng sản xuất tại các nhà máy ở Châu Âu và Châu Á. Trên thị trường Viễn Đông, ngoài các cửa hàng bách hóa và cửa hàng đa thương hiệu tại Hồng Kông, thương hiệu Fcuk đã mở rộng phân phối, cấp phép cho các nhà bán lẻ và bán buôn tại Châu Á. Giấy phép của French Connection tại Nhật Bản, Hồng Kông và Trung Quốc (từ năm 2004) đối với các doanh nghiệp liên doanh, cho phép thương hiệu này nắm giữ 50% vốn cổ phần.

Gia nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2015, French Connection được biết đến nhiều hơn dưới tên Fcuk. Các sản phẩm thời trang, phụ kiện của thương hiệu dành cho cả nam và nữ, thỏa thuận cấp phép phân phối bởi công ty BFF – trực thuộc tập đoàn Vingroup. Hệ thống cửa hàng của Fcuk Việt Nam hiện có mặt tại 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Ngoài chuỗi cửa hàng tại các trung tâm thương mại Vincom và Vincom Mega Mall, cuối tháng 7/2016, thương hiệu đã khai trương cửa hàng Fcuk Việt Nam thứ 5 trên toàn quốc tại Saigon Centre (TPHCM) với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng trong nước, cũng như đại diện cao cấp từ Lãnh Sự Quán Anh.

Các thương hiệu khác

Thông tin thương hiệu H&M
Thông tin thương hiệu Prada
Thông tin thương hiệu Zara
Thông tin thương hiệu Givenchy
Thông tin thương hiệu Burberry

Các chuyên mục khác

Thời trang
Làm đẹp
Phong cách sống
Sự kiện
Leflair.vn là trang web đầu tiên tại Việt Nam giới thiệu đến người mua những thương hiệu hàng đầu thế giới với mức giá hấp dẫn. Mỗi ngày, “cửa hàng” Leflair.vn sẽ “mở cửa” vào lúc 8 giờ sáng với những chương trình ưu đãi mới cho các sản phẩm hàng hiệu thời trang, làm đẹp, nội thất và hơn thế nữa. Leflair.vn chỉ làm việc trực tiếp với các thương hiệu và nhà phân phối chính thức, vì vậy bạn có thể hoàn toàn an tâm về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng sản phẩm và mức giá tốt nhất.