Thập niên 20 là cuộc cách mạng trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Lịch sử gọi thập kỷ này là “The Roaring Twenties” – “Những năm hai mươi gào thét” bởi sự bùng nổ trên mọi phương diện khoa học công nghệ, văn học, nghệ thuật. Trong các giai đoạn văn hoá, thời kỳ nào sản sinh ra những thế hệ chống đối với lề thói xã hội càng cao, thì sự phát triển của thời kỳ đó càng rực rỡ và có sức ảnh hưởng vượt trội. Chịu sự tác động mạnh mẽ bởi nghệ thuật, văn hoá và xã hội, thời trang càng không là ngoại lệ. Phong cách thời trang những năm thập niên 20 được xem là một trong những bước ngoặc của lịch sử thời trang.
1. Bối cảnh lịch sử
Giai đoạn hậu Thế chiến thứ I, ảnh hưởng của những dao động về chính trị xã hội, thúc đẩy sự đổi mới văn hoá của phương Tây. Thời kỳ này đã sinh ra một thế hệ những người trẻ với tư tưởng hướng ngoại, tự do và nổi loạn. Các trào lưu văn hoá cùng với những tư tưởng cách tân, kéo theo sự phát triển của thời trang nói riêng và tiêu chuẩn thẩm mỹ của xã hội nói chung.
Thời kỳ hoàng kim của phong cách thời trang thập niên 20 diễn ra vào giai đoạn nửa cuối. Từ năm 1925, “đại dịch Flappers” bùng nổ, trên đường phố người ta dễ dàng bắt gặp những cô nàng yêu kiều trong những chiếc váy suông hạ eo, ngắn trên gối và “xúng xính” trong những đôi giày kitten heels, vừa quý phái, vừa tinh nghịch. Phụ nữ phương Tây chính thức “giải phóng” khỏi những năm tháng gò mình, ép bụng, độn mông như những “con ong” trong những bộ váy “quý tộc” của thế kỷ XVIII – XIX. Phụ nữ khẳng định bản thân trong mối quan hệ gia đình, trở thành lực lượng lao động quan trọng của xã hội, giành được quyền bỏ phiếu. Thời trang trở thành món “vũ khí” trong công cuộc đấu tranh nữ quyền. Các xu hướng thời trang trở nên dễ tiếp cận, giảm sự phân hoá, thiết thực trong các hoạt động thường nhật, đồng thời cũng trở nên mạnh mẽ và nam tính hơn.
2. Đặc trưng
Trong giai đoạn nghệ thuật 1920, thời trang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa siêu thực (Surrealism). Sau chiến tranh thế giới thứ I, phong trào nghệ thuật/văn hoá từ Art Nouveau – đặc trưng bởi các đường cong trừu tượng, di chuyển từ từ sang Art Deco với cảm hứng hình học, cấu trúc khối phẳng mịn và hướng dần đến sự tối giản.
Những năm 1920, phụ nữ bắt đầu trút bỏ chuẩn mực khắt khe bởi những chiếc corset cùng với kiểu váy thắt đáy lưng ong gợi cảm của các thế kỷ trước, đồng thời bình dị hoá các mốt thời trang thượng lưu của giai đoạn 1910. Bước vào kỷ nguyên của nhạc Jazz, phong cách thời trang thập niên 20 gắn liền với trào lưu của váy Flappers. Khi mới xuất hiện, các quý cô sành điệu trong chiếc váy Flappers là tiêu điểm của những định kiến và chỉ trích xã hội. Đó không chỉ bởi phong cách thời trang “hở hang”, để lộ nhiều phần da thịt của cơ thể từ chân, tay, vai và phần lưng trần gợi cảm. Đó còn là lối sóng phóng túng cởi mở bởi những cô nàng thả sức kiêu kỳ, lối trang điểm sắc sảo với kiểu kẻ mắt mèo, môi mọng đỏ, điệu đà trên những ngón tay đeo găng với chiếc tẩu thuốc, lượn lờ giữa làn khói và điệu nhạc jazz đến thâu đêm. Phong cách ăn mặc và lối sống bất cần ấy, là cách để phụ nữ lúc bấy giờ yêu chiều bản thân mình. Họ tự tin, họ quyến rũ, họ thể hiện mình, họ biết thưởng thức cuộc sống – những điều mà trước đây phụ nữ chưa làm được hoặc không được phép làm.
Thế hệ phụ nữ trẻ 1920 đã “quy định” hình bóng thời trang “hình chữ nhật” của thập niên này. Giai đoạn này là tiền đề cho trào lưu menswear và tomboy trong các thời kỳ cận hiện đại. Phụ nữ thoải mái mặc lên người những bộ cánh “làm phẳng” và triệt tiêu những đường cong của tạo hoá, định nghĩa lại sự “gợi cảm” trên luận điểm nữ quyền.
Thập niên 20 được ghi nhận là giai đoạn đạt được nhiều thành tựu lớn trong lịch sử thời trang. Thời kỳ này đã cho ra đời nhiều phát kiến mới từ phong cách, lối sống cho đến các hàng loạt các loại nguyên phụ liệu phục vụ ngành Công Nghiệp may mặc, có sức ảnh hưởng và giá trị sử dụng cho đến tận ngày nay. Bên cạnh đó, trang phục của các quý ông trong giai đoạn này cũng đạt được những chuyển biến nhất định. Các quý ông thập niên 20 bắt đầu ăn mặc giản dị hơn, ít “hợm hĩnh” hơn. Có thể nói, y phục nam giới những năm 1920 là khởi đầu của thời trang hiện đại và các phong cách thời trang thể thao quen thuộc với chúng ta ngày nay.
3. Tính phổ biến
Thời trang thập niên 20 tất yếu cần một bước đệm thời gian để cách tân và thoát khỏi các giá trị cũ, từ đó đã hình thành 2 giai đoạn khác nhau. Trong những năm đầu của thập kỷ này, sự tiếp nhận các xu hướng mới diễn ra chậm chạp, dường như chỉ có một bộ phận những người trẻ “chống đối” chấp nhận thay đổi cách ăn mặc thoải mái hơn. Cho đến 1925, các trào lưu thời trang mới bắt đầu có sức sống với sự đón nhận nhiệt tình của công chúng, kéo dài cho đến những năm đầu thập niên 30.
4. Nhãn hiệu & nhà thiết kế
Phong cách ăn mặc của phụ nữ những năm 1920 gắn liền với huyền thoại thời trang Coco Chanel – một trong những phụ nữ đầu tiên mặc quần tây, cắt tóc ngắn và từ chối corset. Coco Chanel là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất đến thời trang đầu thế kỷ XX, trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt của thời trang cho đến tận ngày nay. Đối thủ lớn nhất của bà lúc bấy giờ là nhà thiết kế thời trang người Ý – Elsa Schiaparelli, cùng với Coco Chanel, là một trong những nhân vật nổi bật nhất, trong giai đoạn thời trang phương Tây nằm kẹp giữa hai cuộc đại chiến thế giới.
Các thương hiệu ra đời và trải qua thời kỳ chuyển tiếp trong giai đoạn thời trang 1920 có thể kể đến như: Norman Hartnell, Hilda Steward, Victor Stiebel, Paul Poriet, Chanel, Gucci, Lanvin, Lacoste, Prada, Adidas,…
5. Gương mặt đại diện
Trong những năm 1920, thời trang phụ thuộc vào cấp độ xã hội, phụ nữ và nam giới hướng tới các biểu tượng thời trang trong giới điện ảnh. Ngoài những nhân vật tiêu biểu của thập niên này như Coco Chanel hay Elsa Schiaparelli, những ngôi sao Hollywood được xem là gương mặt đại diện của thời trang thập niên 20 như: Louise Brooks, Greta Garbo, Rudolph Valentino, Clark Gable, Clara Bow, Shirley Temple, Joan Crawford,…