Thai nhi 22 tuần tuổi: Sự phát triển của bé và những lưu ý

Bước sang tuần thứ 22 của thai kỳ, cơ thể bé ngày càng hoàn thiện hơn. Ở giai đoạn này, bé đã hoạt động nhiều hơn và mẹ có thể cảm nhận được từng chuyển động của bé rõ ràng hơn. Cùng Thetips tìm hiểu thai nhi tuần 22 phát triển như thế nào và những thay […]

Đã cập nhật 29 tháng 5 năm 2022

Bởi TopOnMedia

Thai nhi 22 tuần tuổi: Sự phát triển của bé và những lưu ý
  1. Bước sang tuần thứ 22 của thai kỳ, cơ thể bé ngày càng hoàn thiện hơn. Ở giai đoạn này, bé đã hoạt động nhiều hơn và mẹ có thể cảm nhận được từng chuyển động của bé rõ ràng hơn. Cùng Thetips tìm hiểu thai nhi tuần 22 phát triển như thế nào và những thay đổi của mẹ bầu trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 này nhé!

    Thai 22 tuần là mấy tháng?

    Thai 22 tuần tuổi tương đương tuần 20 sau thụ tinh. Thời điểm này là thai đã được hơn 5 tháng tuổi, thuộc tam cá nguyệt thứ 2. Đây là tuần chuyển giao giữa tháng thứ 5 và 6, được coi là giai đoạn quan trọng nhất trong suốt thai kỳ của phụ nữ. Lúc này thai nhi đã lớn, các cơ quan và bộ phận trên cơ thể đã có thể quan sát rõ qua các xét nghiệm, kiểm tra y học.

    Sự phát triển của thai 22 tuần tuổi trong bụng mẹ

    Thai 22 tuần tuổi có kích thước, cân nặng bao nhiêu?

    Thai nhi 22 tuần tuổi có cân nặng khoảng 430g. Đây là mức cân nặng trung bình, chỉ số này có thể sẽ khác nhau ở mỗi bé. Kích thước từ đầu đến chân dài khoảng 27,8cm, tương đương với kích cỡ của quả bí đỏ cỡ nhỏ.

    Thông thường, các chỉ số thai 22 tuần sẽ như sau:

    • Đường kính lưỡi đỉnh (BPD): 50 – 62mm.
    • Chu vi vòng đầu (HC): 199 – 223mm.
    • Chiều dài xương đùi (FL): 37 – 44mm.
    • Chu vi vòng bụng (AC): 72-204 mm.
    Thai 22 tuần tuổi cân nặng bao nhiêu?

    Thai nhi 22 tuần tương đương với kích cỡ của quả bí đỏ cỡ nhỏ (Nguồn: Sưu tầm)

    Thai 22 tuần chiều dài xương mũi bao nhiêu là chuẩn?

    Người ta thường dựa vào độ dài của xương mũi để theo dõi sự phát triển của thai nhi vì mỗi độ tuổi của thai nhi sẽ có những chỉ số nhất định. Nhưng chỉ số chiều dài xương mũi này thường dao động tăng hoặc giảm nhẹ. Nếu ở tuần thứ 20 mà thai nhi có chiều dài xương mũi khoảng 4,5 mm thì là trẻ bình thường, phát triển tốt. Nhưng ở đến 22 tuần, xương mũi thai nhỏ hơn 3.5 mm thì trẻ có thể có nguy cơ mắc hội chứng Down rất cao.

    Thai nhi tuần 22 phát triển như thế nào?

    Bước sang tuần 22, thai nhi đã và đang phát triển nhanh chóng cũng như hoàn thiện dần tất cả các cơ quan chức năng của cơ thể. Cụ thể như sau:

    • Bé đang hình thành vân tay và vân chân – những dấu hiệu đặc thù riêng biệt của bé.
    • Thai nhi 22 tuần tuổi đã có lông mi và lông mày. Lượng lông tóc quá độ sẽ biến mất khi mẹ đến gần ngày sinh, chỉ còn lại lông tóc ở những nơi cần thiết. Bé trai sẽ có lông mi dài nhất, chứ không phải là bé gái.Xúc giác và vị giác của bé phát triển đáng kể trong tuần này.
    • Khi mang thai được 22 tuần, bề mặt não bé – trước đó bằng phẳng – bắt đầu phát triển các nếp gấp. Việc hình thành các nếp gấp trong não sẽ tiếp tục cho đến tuần thứ 34 của thai kỳ, khi não của bé có đủ diện tích bề mặt cho các tế bào não.
    • Não bộ và các mút thần kinh đã đủ trưởng thành để thai nhi có thể bắt đầu cảm nhận được sự va chạm.
    • Chồi vị giác đã bắt đầu hình thành trên lưỡi.
    • Cơ quan sinh dục của bé tiếp tục phát triển. Ở bé trai, hai tinh hoàn bắt đầu hiện ra. Ở bé gái, buồng trứng và dạ con giờ đã định hình và âm đạo phát triển. Trong buồng trứng của bé gái có tất cả lượng trứng cần cho chức năng sinh sản sau này.
    • Tai của bé trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh để chuẩn bị tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Những âm thanh ồn ào như tiếng chó sủa, hay tiếng ồn của máy hút bụi trở nên quen thuộc sẽ không làm bé bối rối khi chào đời. Theo Babycenter, bé có thể nghe thấy giọng nói, nhịp tim của mẹ, bụng đang ùng ục và tiếng rít của máu lưu thông trong cơ thể mẹ.
    • Thị giác cũng trở nên tinh chỉnh hơn. Bé bây giờ có thể nhận biết ánh sáng và bóng tối tốt hơn nhiều so với trước đây, ngay cả khi hai mí mắt khép lại.
    • Thai nhi 22 tuần tuổi có một lớp lông tơ, hay còn gọi là lông măng bao phủ xung quanh cơ thể. Nhiệm vụ của nó giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, bảo vệ các tế bào da bề mặt bên ngoài.
    • Các em bé sinh ra vào tuần thứ 22 cần được hỗ trợ và chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của khoa học, việc chăm sóc trẻ sinh non một tháng tuổi được cải thiện, có nghĩa là những tác động sức khỏe dài hạn đối với trẻ sinh non đã giảm hẳn so với trước kia. 
     Thai nhi tuần 22 phát triển như thế nào?

    Thai 22 tuần tuổi đang phát triển rất nhanh và hoàn thiện các cơ quan trong cơ thể (Nguồn: Sưu tầm)

    Thai nhi 22 tuần tuổi có đạp nhiều không?

    Thai 22 tuần thường đạp nhiều hơn so với bình thường. Ngoài việc đạp trong bụng mẹ, em bé còn biết nấc, vặn mình, lộn nhào, co duỗi cơ thể,… Khi được hỏi thai 22 tuần tuổi máy như thế nào, các mẹ thường trả lời rằng giống như một con cá đang bơi, vùng vẫy trong bụng.

    Nguyên nhân khiến thai 22 tuần đạp nhiều có thể là do bé cần vận động nhiều hơn để tìm cảm giác thoải mái nhất trong bụng mẹ. Ở giai đoạn này, bé có thể đạp từ 15 đến 20 lần mỗi ngày. Các mẹ bầu nên chú ý theo dõi số lần đạp của bé. Nếu thai nhi 22 tuần đột ngột đạp rất ít hoặc giảm hẳn số lần đạp thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ.

    Thai 22 tuần đạp bụng dưới có sao không?

    Thai nhi đạp bụng dưới có thể là bình thường, và trong một số trường hợp lại khá bất thường.

    Các trường hợp thai nhi đạp bụng dưới là bình thường:

    • Mẹ bầu ăn quá nhiều sẽ khiến dạ dày bị căng tức, tạo áp lực lên tử cung. Em bé cũng bị “đè nén” bởi dạ dày. Lúc này, bé sẽ liên tục đạp vào bụng dưới của như thông báo cho mẹ rằng “con khó chịu đấy”.
    • Âm thanh quá lớn: Các nghiên cứu chỉ ra rằng môi trường bên ngoài quá ồn ào cũng gây khó chịu cho thai nhi. Khi tiếng ồn vượt quá giới hạn chịu đựng, thai nhi đấm, đạp và đá vào bụng dưới của mẹ để mẹ khắc phục được tiếng ồn, để bé được yên tĩnh nghỉ ngơi trở lại.
    • Em bé khi cảm thấy thoải mái cũng sẽ đạp nhiều vào bụng dưới. Điều này thường xảy ra khi mẹ nằm nghiêng. Các bác sĩ sản khoa cho biết, nằm nghiêng là tư thế tốt nhất cho cả mẹ và bé, giúp thai phụ tránh được nguy cơ phù nề chân tay do tử cung chèn ép lên tĩnh mạch chủ. Ngoài ra, việc mẹ bầu nằm nghiêng tạo không gian thoải mái giúp bé tự do vận động, xoay người hơn. Vì vậy bé trở nên hiếu động hơn và đạp vào bụng dưới của mẹ. Đây được xem là bộ môn thể thao yêu thích của trẻ, đặc biệt nếu thai nhi đang ở những tháng cuối thai kỳ.

    Các trường hợp thai nhi đạp bụng dưới là nguy hiểm:

    • Khi tần suất thai nhi đạp vào bụng dưới quá thường xuyên, và số lần đạp của thai nhi trên 20 lần/ ngày.
    • Khi thai nhi đạp bụng dưới mạnh hơn thời điểm trước đó. Ngay cả khi mẹ bầu không đói, và cũng không ở trong một khu vực ồn ào.
    • Nếu thai nhi đạp vào bụng dưới khiến mẹ bị xuất huyết âm đạo, đau bụng, hoặc cả hai.
    • Thai nhi đạp vùng bụng dưới và gây ra dấu hiệu rò rỉ nước ối ở mẹ.

    Tất cả những dấu hiệu này cho thấy em bé có vấn đề bất thường trong bụng mẹ. Có thể do mẹ ăn uống chưa khoa học khiến bé nhận được chất dinh dưỡng từ nước ối của mẹ cũng bị ảnh hưởng, hoặc bé bị dây rốn quấn cổ, cũng có thể do mẹ bị viêm nhiễm phụ khoa, các bệnh xã hội khiến vi khuẩn lây nhiễm sang thai nhi thông qua nước ối, nhau thai, dây rốn khiến thai nhi bị bệnh.

    Nếu gặp các dấu hiệu này, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ thăm khám, xét nghiệm, siêu âm để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có hướng xử lý phù hợp.

    Thai 22 tuần đạp bụng dưới có sao không?

    Một số trường hợp thai nhi đạp bụng dưới là dấu hiệu bất thường mẹ cần đến khám bác sĩ (Nguồn: Sưu tầm)

    Thai 22 tuần biết trai hay gái chưa?

    Thời điểm chính xác nhất để biết thai nhi là trai hay gái là từ tuần thứ 20 của thai kỳ, lúc này bộ phận sinh dục của thai nhi đã dần hoàn thiện nên có thể thấy rõ trên hình ảnh siêu âm. Từ tuần 18 – 20 của thai kỳ, quá trình phát triển của thai nhi cũng dần hoàn thiện. Đồng thời, nếu ở giai đoạn này, nếu là con trai thì tinh hoàn của bé đã xuống bìu rồi. Vì vậy lần này sẽ có hình ảnh siêu âm rõ ràng và chính xác đến 85 – 95%.

    Những thay đổi của mẹ khi mang thai 22 tuần

    Bên cạnh những thông tin về sự phát triển của thai nhi thì sự thay đổi của mẹ bầu cũng rất quan trọng. Một số thay đổi về thể chất và tâm lý của mẹ mang thai cuối tháng 5 cụ thể như sau.

    Những thay đổi về cơ thể của mẹ bầu trong tuần thứ 22

    Mang thai tuần 22, mẹ có thể cảm thấy mắt mình khô rát. Triệu chứng này có thể tệ hơn nếu mẹ có đeo kính hoặc kính sát tròng. Thuốc nhỏ mắt bôi trơn hoặc nước mắt nhân tạo có thể có ích. Nhớ đeo kính râm khi ra nắng. Bất kỳ sản phẩm nào có EPF (chỉ số bảo vệ mắt) là 10 thì đều tốt.

    Có thể xuất hiện các vết rạn trên bụng, đùi và hông khi thai nhi 22 tuần tuổi. Chúng xuất hiện khi sợi collagen ở vùng chân bì của da bị kéo dãn và xé rách để có thể phù hợp với một vóc dáng và số đo cơ thể đang “tăng trưởng”. Tiếc là không có loại kem nào có thể thấm qua được lớp ngoài cùng của da để đến được vùng chân bì, cho dù có quảng cáo ra sao trên nhãn mác. Nếu mẹ muốn, hãy xoa bóp bụng bằng một ít kem làm mềm hoặc loại có chứa vitamin E. Thời điểm tốt nhất là sau khi tắm, khi da vẫn còn ấm, ẩm và lỗ chân lông mở rộng hơn.

    Mẹ có thể nhìn thấy những nốt nhỏ như mụn ở quầng vú vào giai đoạn thai nhi tuần 22. Chúng được gọi là những nốt Montgomery và chúng tiết ra chất bôi trơn dạng dầu giúp nuôi dưỡng đầu vú và làm mềm chúng. Đừng chà xát quá mạnh bằng xà phòng khi tắm và đừng nghĩ mẹ cần phải dùng kem Trị Mụn để loại bỏ những nốt sần này.

    Đừng quá lo lắng nếu mẹ cảm thấy mẹ lúc nào cũng thích nuốt nước bọt. Tiết nước bọt quá độ là một triệu chứng thường gặp ở tuần thứ 22 của thai kỳ, và mặc dù nó có thể gây khó chịu, điều này không có nghĩa là có gì không ổn. Hãy thử kẹo cao su, ngậm kẹo bạc hà và đem theo khăn giấy để thấm nước bọt nếu cần.

    Mẹ có thể gặp nhiều cơn đau đầu hơn trong tuần này, vốn có thể ảnh hưởng đến công việc và khả năng tập trung của mẹ. Hãy tìm hiểu nguyên nhân. Đối với nhiều phụ nữ, đó có thể là do chocolate, caffeine, phơi nắng, không uống đủ nước hoặc có lượng đường huyết thấp do ăn không thường xuyên. Nếu nằm nghỉ không giúp được, hãy kiểm tra với bác sĩ hoặc dược sĩ để xem loại thuốc nào có thể sử dụng an toàn.

    Những thay đổi về cảm xúc, tâm lý của mẹ bầu

    Mẹ cảm thấy có mối liên hệ gần gũi với em bé chưa? Mẹ có thể phát hiện ra mình xoa bụng một cách vô thức, mơ màng về việc em bé sẽ trông như thế nào, và thậm chí ngồi cười một mình khi nghĩ về nó.Nhiều cặp đôi khi có thai còn nghĩ ra biệt danh cho em bé ngay khi nó còn nằm trong tử cung. Hãy cẩn thận! Những cái tên bắt đầu một cách vô tư, nhưng có thể bám trụ lâu dài và sau này có thể mẹ sẽ phải tự biện hộ cho những cái tên đó.

    Những thay đổi của mẹ khi mang thai 22 tuần

    Những thay đổi của mẹ khi mang thai 22 tuần (Nguồn: Sưu tầm)

    Khám thai tuần 22 gồm những gì?

    Thai nhi tuần 22 được xem là thời điểm “vàng” để chẩn đoán, phát hiện sớm dị tật bẩm sinh ở trẻ. Khi ở giai đoạn này, thai đã lớn, có thể di chuyển linh hoạt trong tử cung nên bác sĩ sẽ dễ dàng quan sát thai ở nhiều góc độ khác nhau và có thể phát hiện các bất thường về hình thể của thai nhi nếu có.

    Thai 22 tuần siêu âm 4D những gì?

    Khi siêu âm 4D sẽ giúp bác sĩ kiểm tra được một số chỉ số như sau:

    • Đo các chỉ số để xác định trọng lượng thai nhi gồm có chu vi vòng đầu (HC), chiều dài đầu mông (CRL), chiều dài xương đùi (FL), chiều dài xương cánh tay (HUM),…Kiểm tra tất cả các bộ phận trong cơ thể em bé từ đầu đến chân gồm có não bộ, khuôn mặt, tim, nội tạng, bàn tay, chân để xem xét có bất thường nào không.
    • Kiểm tra dị tật sứt môi, hở hàm ếch, thai nhi có đầy đủ tứ chi không.
    • Kiểm tra dị tật về não bộ và cột sống.
    • Kiểm tra các cơ quan nội tạng để đánh giá dị tật liên quan đến tim thai, dịch bất thường trong khoang màng phổi, ổ bụng,…

    Từ những chỉ số kiểm tra được qua việc siêu âm 4D, bác sĩ sẽ đưa ra nhận định thai nhi có dị tật bẩm sinh không chẳng hạn như bệnh tim, bệnh Down, sứt môi, hở hàm ếch, hoặc dị tật tay chân,… Nếu có bất thường ở thai nhi, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu thực hiện các hình thức kiểm tra chuyên sâu hơn. Bên cạnh đó, khám thai còn giúp mẹ bầu theo sát được sự phát triển của thai nhi, giúp mẹ biết cách chăm sóc thai nhi lớn lên an toàn và tốt nhất.

    Thai 22 tuần cần làm những xét nghiệm gì?

    Bên cạnh việc siêu âm, mẹ bầu tuần 22 sẽ được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm khác:

    • Xét nghiệm máu

    Việc xét nghiệm máu trong tuần này giúp phát hiện thai nhi có mắc hội chứng Down hoặc các bệnh khác không. Ngoài ra, việc xét nghiệm máu giúp kiểm tra mẹ bầu có nhiễm các loại virus có nguy cơ gây sảy thai hoặc lây sang con không chẳng hạn như Viêm gan B, HIV, Rubella.

    • Xét nghiệm triple test

    Triple Test là xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh dựa trên 3 chỉ số: hCG, AFP, estriol, có tỷ lệ chính xác lên đến 96%. Việc kết hợp xét nghiệm Triple test, xét nghiệm máu và siêu âm thai có thể giúp bác sĩ chẩn đoán em bé có bị các hội chứng Down, Edward hoặc dị tật ống thần kinh thai nhi.

    • Xét nghiệm nước tiểu

    Xét nghiệm này sẽ giúp kiểm tra mẹ có thừa Glucose không. Đây là nguyên nhân dẫn đến tiểu đường thai kỳ – một căn bệnh khá phổ biến ở nhiều mẹ bầu. Ngoài ra, xét nghiệm nước tiểu còn giúp phát hiện cơ thể mẹ bầu có nhiều đạm không. Đây là nguyên nhân dẫn đến chứng tiền sản giật, khá nguy hiểm đối với mẹ và bé.

    Hình ảnh siêu âm 4D thai 22 tuần tuổi

    Hình ảnh siêu âm 4D thai 22 tuần tuổi (Nguồn: Sưu tầm)

    Thai 22 tuần mẹ nên ăn gì để em bé khỏe mạnh, an toàn

    Khi thai được 22 tuần, nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu tăng lên rất nhiều để hỗ trợ thai nhi phát triển. Chế độ ăn của mẹ phải giàu chất dinh dưỡng, đồng thời phải đa dạng để hạn chế cảm giác chán ăn.

    Một số thực phẩm gợi ý cho mẹ bầu tuần thứ 2 như sau:

    • Thịt nạc và trứng

    Thịt nạc và trứng cung cấp lượng sắt và protein rất tốt, giúp mẹ được nạp đầy năng lượng. Đạm cũng là thành phần vô cùng cần thiết cho việc xây dựng và phát triển các cơ quan như cơ, da,… Vì vậy, mẹ phải đảm bảo cung cấp đủ đạm để bé phát triển khỏe mạnh.

    • Khoai lang

    Nếu đang mang thai được 22 tuần, mẹ bầu đừng quên thường xuyên bổ sung khoai lang vào thực đơn hàng ngày. Bên cạnh tinh bột, khoai lang còn là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất; đặc biệt chất xơ trong khoai lang rất tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu. Khoai lang giúp mẹ cải thiện và ngăn ngừa tình trạng táo bón trong thai kỳ, hơn nữa còn giúp cải thiện tình trạng tiểu đường thai kỳ mà nhiều mẹ bầu có thể gặp phải.

    • Các loại rau lá xanh

    Các loại rau có màu xanh đậm cung cấp nguồn sắt cần thiết cho bà bầu tuần thứ 22. Loại thực phẩm này còn là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ khi mang thai. Rau xanh còn chứa nhiều axit folic có tác dụng tốt trong việc giảm nguy cơ thai nhi dị tật bẩm sinh. Axit folic cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành mô não ở thai nhi. Đây là dưỡng chất quan trọng mà mẹ nên bổ sung cả trước và sau khi sinh con.

    • Quả bơ

    Trái bơ có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt và cần thiết cho bà bầu như axit folic, chất béo lành mạnh và các khoáng chất khác. Các chất dinh dưỡng trong quả bơ rất cần thiết cho mẹ khi mang thai. Tuy nhiên, để đảm bảo mẹ có thể kiểm soát được cân nặng của mình khi mang thai, các chuyên gia dinh dưỡng chỉ khuyên các mẹ bầu nên ăn một lượng vừa phải, khoảng ½ đến 1 quả bơ mỗi ngày.

    • Cá hồi

    Cá hồi cũng nằm trong danh sách được khuyến khích khi chọn thực phẩm cho bà bầu vì rất giàu omega 3, dưỡng chất quan trọng cho sự phát triển trí não của thai nhi.

    • Các loại hạt: óc chó, hạnh nhân mắc ca

    Các loại hạt luôn được khuyến khích cho bà bầu không chỉ khi mang thai tuần thứ 22 mà trong suốt thai kỳ. Những loại hạt này không chỉ giúp mẹ bầu khỏe mạnh mà các chất dinh dưỡng trong các loại hạt giúp bé phát triển rất tốt.

    Thai 22 tuần mẹ nên ăn gì để em bé khỏe mạnh, an toàn

    Chế độ ăn của mẹ bầu phải giàu chất dinh dưỡng và đa dạng để hạn chế cảm giác chán ăn (Nguồn: Sưu tầm)

    Một số lời khuyên cho mẹ bầu tuần thứ 22 để thai kỳ được an toàn

    • Nếu mẹ thường nhuộm tóc, hãy nghĩ đến việc để tóc mình tự nhiên khi đang mang thai. Mặc dù không có bằng chứng khoa học vững chắc nào liên hệ việc nhuộm tóc với rủi ro trong thai kỳ, chọn cách an toàn vẫn hơn. Tương tự, hoãn việc uốn tóc hoặc dùng hóa chất trị liệu trên da đầu, ít nhất là cho đến khi đứa trẻ ra đời.
    • Giữ một ít nước ép nam việt quất trong tủ lạnh. Nguồn vitamin C dồi dào này còn có tác dụng phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài có vị rất ngon, nó có tính axit cao và giúp chống lại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu.
    • Bên cạnh việc mua sắm thêm những bộ quần áo mới, mẹ cũng cần mua thêm những đôi giày mới để phù hợp với kích thước chân đang dần tăng lên của mình.
    • Những hiện tượng như đầy hơi, ợ nóng, phù nề, táo bón, chóng mặt, chuột rút… ở thời điểm này là khó tránh khỏi bởi thai nhi phát triển lớn hơn gây chèn ép xuống vùng bụng và chi dưới. Để khắc phục điều này. mẹ bầu nên điều chỉnh chế độ ăn uống, chia nhỏ bữa ăn trong ngày, uống nhiều nước, nằm nghiêng sang bên trái, massage chân nhẹ nhàng vào mỗi tối.
    • Ngoài ra mẹ cũng cố gắng vận động bất cứ khi nào có thể. Những bộ môn thích hợp với mẹ bầu ở thời điểm này là yoga, thiền, đi bộ, đạp xe.
    • Mẹ hãy trò chuyện với bé nhiều hơn hoặc tham gia lớp tiền sản, các khóa học làm mẹ để chuẩn bị tâm lý thật vững vàng trước khi chào đón con yêu.
    • Đặt một chiếc ghế gác chân bên dưới bàn làm việc và phía trước chiếc ghế bành yêu thích của mẹ. Thả lỏng chân và bàn chân sẽ không giúp gì cho chứng sưng mắt cá chân. Tập thói quen nâng chân khi có thể để tránh tụ máu và sung huyết.
    • Khi mẹ mang thai đến tuần thứ 22, trên đồ lót của mẹ thường có các vệt màu hồng hoặc màu đỏ. Nhưng những vệt máu nhỏ và ít trong tháng thứ 6 trở đi là điều bình thường không đáng lo ngại. Nó thường là kết quả của các vết thâm ở cổ tử cung trở nên nhạy cảm khi làm các xét nghiệm bên trong hoặc do quan hệ tình dục, hoặc đôi khi nó đơn giản là bị kích hoạt bởi các nguyên nhân không rõ.
    • Tuy nhiên, hãy cho bác sĩ biết về bất kỳ các vết chảy máu hoặc đốm máu để phòng ngừa nếu đó là dấu hiệu của vài điều nghiêm trọng hơn đang xảy ra. Nếu mẹ bị chảy máu nhiều hoặc nếu các đốm máu xảy ra kèm theo cơn đau và cảm giác khó chịu, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Bác sĩ sẽ cho mẹ thực hiện siêu âm để xác định xem mẹ có bị bệnh gì hay không.

    Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 22 tuần

    Thai 22 tuần mẹ tăng bao nhiêu cân là bình thường?

    Sự tăng cân của mẹ bầu ở tuần thứ 22 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cân nặng của thai nhi, bánh nhau, nước ối, lượng máu tăng, mỡ tăng, mô và dịch trong cơ thể tăng lên.

    Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tăng cân trong thời kỳ mang thai được ước tính bằng cách sử dụng chỉ số BMI (Body mass index) của người mẹ trước khi mang thai.

    Công thức tính BMI như sau:

    Chỉ số BMI = cân nặng (kg) / (chiều cao x chiều cao) (m)

    Nếu mẹ có cân nặng trước khi mang thai (BMI khoảng 18,5 – 24,9) thì mức tăng cân lý tưởng là 10 – 12 kg. Khi thai 22 tuần, nghĩa là mẹ đang trong 3 tháng giữa thai kỳ, số cân nặng tăng lên phù hợp là từ 4 – 5kg.

    Thai 22 tuần độ trưởng thành 1 có nguy hiểm không?

    Độ trưởng thành của nhau thai là dùng để chỉ sự thay đổi xảy ra ở nhau thai trong quá trình phát triển, được gọi là quá trình canxi hóa nhau thai. Đây là quá trình lão hóa hoàn toàn bình thường và hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe của bà bầu.

    Độ trưởng thành của nhau thai được phân làm bốn cấp độ 1, 2, 3, 4. Thông thường, độ trưởng thành 1 ở tuần 18 đến 29 không quá đáng lo ngại. Vậy nên, thai 22 tuần độ trưởng thành 1 có thể không phải là dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, để yên tâm hơn mẹ bầu vẫn cần hỏi thăm bác sĩ để nhé.

    Thetips hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các mẹ có thêm những kiến thức về sự phát triển của thai nhi 22 tuần tuổi. Tìm hiểu thêm sự phát triển của thai nhi, thay đổi cơ thể ở cơ thể mẹ và những lời khuyên dành cho mẹ bầu tại trang chủ Thetips.

    Nguồn: https://www.huggies.com.vn/mang-thai/thai-nhi-theo-tuan/thai-nhi-tuan-22

Tags: