Temozolomide

Tên gốc: temozolomide

Đã cập nhật 3 tháng 2 năm 2020

Bởi TopOnMedia

Temozolomide

Tên gốc: temozolomide

Tên biệt dược: Temodar®

Phân nhóm: hóa trị gây độc tế bào

Tác dụng

Tác dụng của thuốc temozolomide là gì?

Thuốc temozolomide được dùng để điều trị một số bệnh ung thư não. Đây là một thuốc hóa trị liệu hoạt động bằng cách làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Thuốc này cũng có thể được sử dụng để điều trị các bệnh ung thư khác (như ung thư xương).

Một số tác dụng khác của thuốc không được liệt kê trên nhãn thuốc đã được phê duyệt nhưng bác sĩ có thể chỉ định bạn dùng. Bạn chỉ sử dụng thuốc này để điều trị một số bệnh lý khác khi có chỉ định của bác sĩ.

Liều dùng

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

Liều dùng thuốc temozolomide cho người lớn như thế nào?

Liều dùng thông thường cho người lớn bị bệnh u sao bào giảm biệt hóa

Đường uống:

Liều khởi đầu: bạn uống 150 mg/m2 mỗi ngày một lần.

Liều duy trì: bạn uống 200 mg/m2 mỗi ngày một lần.

Thời gian điều trị trong vòng 5 ngày liên tục trong mỗi chu kỳ điều trị 28 ngày.

Truyền tĩnh mạch:

Liều khởi đầu: bạn được truyền tĩnh mạch 150 mg/m2 trong hơn 90 phút mỗi ngày một lần.

Liều duy trì: bạn được truyền tĩnh mạch 200 mg/m2 trong hơn 90 phút mỗi ngày một lần.

Thời gian điều trị trong vòng 5 ngày liên tục trong mỗi chu kỳ điều trị 28 ngày.

Liều dùng thông thường cho người lớn bị bệnh u não dạng Glioblastoma Multiforme

Giai đoạn đi kèm với phương pháp xạ trị trung tâm:

Đường uống:

Bạn uống 75 mg/m2 mỗi ngày một lần. Thời gian điều trị trong vòng 42 ngày.

Truyền tĩnh mạch:

Bạn được truyền tĩnh mạch 75 mg/m2 trong hơn 90 phút mỗi ngày một lần.

Thời gian điều trị trong vòng 42 ngày.

Liều dùng temozolomide cho trẻ em như thế nào?

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị bệnh u sao bào giảm biệt hóa

Nhỏ hơn 3 tuổi: Tính an toàn và hiệu quả của thuốc hiện vẫn chưa được xác định.

Trẻ từ 3 tuổi trở lên:

Trẻ không được điều trị bằng hóa trị liệu trước đó

Bạn cho trẻ uống 200 mg/m2 mỗi ngày một lần. Thời gian điều trị: trong vòng 5 ngày, sau đó là 23 ngày không điều trị.

Trẻ đã được điều trị bằng phương pháp hóa trị trước đó

Liều khởi đầu: bạn cho trẻ uống 150 mg/m2 mỗi ngày một lần.

Liều duy trì: bạn cho trẻ uống 200 mg/m2 mỗi ngày một lần.

Thời gian điều trị trong vòng 5 ngày đầu tiên của mỗi chu kỳ điều trị.

Liều dùng thông thường cho trẻ em bị bệnh u não dạng Glioblastoma Multiforme

Nhỏ hơn 3 tuổi: tính an toàn và hiệu quả của thuốc hiện vẫn chưa được xác định

Trẻ từ 3 tuổi trở lên:

Trẻ không được điều trị bằng hóa trị liệu trước đó

Uống 200 mg/m2 mỗi ngày một lần. Thời gian điều trị trong vòng 5 ngày, sau đó là 23 ngày không điều trị.

Trẻ đã được điều trị bằng hóa trị liệu trước đó:

Liều khởi đầu: uống 150 mg/m2 mỗi ngày một lần.

Liều duy trì: uống 200 mg/m2 mỗi ngày một lần.

Thời gian điều trị: 5 ngày đầu tiên của mỗi chu kỳ điều trị.

Cách dùng

Bạn nên dùng thuốc temozolomide như thế nào?

Bạn uống thuốc, thường mỗi ngày một lần hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Để làm giảm buồn nôn và nôn mửa, bạn dùng thuốc lúc đói bụng (1 giờ trước hoặc 3 giờ sau bữa ăn) hoặc trước khi đi ngủ, trừ khi có chỉ dẫn khác của bác sĩ. Để đảm bảo lượng thuốc trong cơ thể của bạn được duy trì ở mức ổn định, dùng thuốc vào cùng thời điểm mỗi ngày (luôn 1 giờ trước bữa ăn tối hoặc luôn 3 giờ sau bữa ăn tối).

Bạn nên nuốt trọn viên nang kèm theo một ly nước đầy (240 ml). Liều lượng thuốc được dựa trên tình trạng sức khỏe, kích thước cơ thể và khả năng đáp ứng với thuốc của bạn.

Tác dụng phụ

Bạn sẽ gặp tác dụng phụ nào khi dùng thuốc temozolomide?

Bạn hãy đến Bệnh Viện ngay lập tức nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng: phát ban; khó thở; sưng phù ở mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Gọi bác sĩ ngay lập tức nếu bạn mắc phải một trong các tác dụng phụ nghiêm trọng như:

  • Co giật (động kinh);
  • Tê cóng hoặc ngứa ran ở một bên cơ thể;
  • Các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, đau họng, các triệu chứng cảm cúm, dễ bị thâm tím hoặc chảy máu (chảy máu mũi, chảy máu nướu răng), chán ăn, buồn nôn và nôn mửa, suy nhược bất thường;
  • Ho khan, cảm giác thở hụt hơi, sụt cân, đổ mồ hôi vào ban đêm;
  • Đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện;
  • Nổi đốm trắng hoặc đau nhức bên trong miệng hoặc ở môi;
  • Buồn nôn, đau ở vùng bụng phía trên, ngứa, chán ăn, nước tiểu có màu sậm, phân có màu đất sét, vàng da.

Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Rụng tóc;
  • Cảm giác mệt mỏi;
  • Tiêu chảy, táo bón;
  • Phát ban nhẹ ở da;
  • Choáng váng, thị lực kém;
  • Vấn đề về giấc ngủ (mất ngủ);
  • Vị giác bất thường hoặc khó chịu ở miệng.

Đây không phải là danh mục đầy đủ tất cả các tác dụng phụ và có thể xảy ra những tác dụng phụ khác. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.

Thận trọng/Cảnh báo

Trước khi dùng thuốc temozolomide, bạn nên lưu ý những gì?

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Bạn cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp này;
  • Bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Bạn đang dùng những thuốc khác (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng);
  • Bạn định dùng thuốc cho trẻ em hoặc người cao tuổi;
  • Bạn đang hoặc đã từng mắc các bệnh lý.

Những điều bạn cần lưu ý khi dùng thuốc trong trường hợp đặc biệt (mang thai, cho con bú, phẫu thuật,…)

Vẫn chưa có đầy đủ các nghiên cứu để xác định rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú. Trước khi dùng thuốc, hãy luôn hỏi ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.

Tương tác thuốc

Thuốc temozolomide có thể tương tác với những thuốc nào?

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng phụ. Tài liệu này không bao gồm đầy đủ các tương tác thuốc có thể xảy ra. Hãy viết một danh sách những thuốc bạn đang dùng (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa và thực phẩm chức năng) và cho bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn xem. Không được tự ý dùng thuốc, ngưng hoặc thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự cho phép của bác sĩ.

Thuốc có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống nào?

Thức ăn, rượu và thuốc lá có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe nào ảnh hưởng đến thuốc temozolomide?

Những vấn đề sức khỏe mà bạn đang mắc phải có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Chắc chắn báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Các vấn đề về tủy xương (như thiếu máu, bệnh bạch cầu, hội chứng loạn sản tủy, chứng giảm huyết cầu toàn thể, chứng giảm tiểu cầu);
  • Các vấn đề về gan – dùng thuốc thận trọng. Thuốc có thể làm cho các tình trạng này trầm trọng hơn;
  • Bệnh thủy đậu (bao gồm bộc phát gần đây);
  • Bệnh zona – có thể làm tăng nguy cơ bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng tới các bộ phận khác của cơ thể;
  • Bệnh thận nặng;
  • Bệnh gan nặng – dùng thuốc cẩn trọng.

Bảo quản thuốc

Bạn nên bảo quản thuốc temozolomide như thế nào?

Bạn nên bảo quản ở nhiệt độ phòng, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Không bảo quản trong phòng tắm hoặc trong ngăn đá. Bạn nên nhớ rằng mỗi loại thuốc có thể có các phương pháp bảo quản khác nhau. Vì vậy, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn bảo quản trên bao bì hoặc hỏi dược sĩ. Giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

Bạn không nên vứt thuốc vào toilet hoặc đường ống dẫn nước trừ khi có yêu cầu. Thay vì vậy, hãy vứt thuốc đúng cách khi thuốc quá hạn hoặc không thể sử dụng. Bạn có thể tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc công ty xử lý rác thải địa phương về cách tiêu hủy thuốc an toàn.

Dạng bào chế

Thuốc temozolomide có những dạng và hàm lượng nào?

Thuốc temozolomide có dạng viên nang 5 mg, 20 mg, 100 mg, 140 mg, 180 mg, 250 mg.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Tags: