Việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non là một quá trình quan trọng giúp trẻ phát triển sự tự lập và tự tin trong cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng tự phục vụ không chỉ bao gồm các hoạt động đơn giản như tự mặc quần áo, tự ăn uống mà còn giúp trẻ hình thành thói quen tốt và ý thức tự giác. Để quá trình này diễn ra hiệu quả, phụ huynh và giáo viên cần lưu ý một số điểm quan trọng dưới đây.
1. Bắt đầu sớm
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ và giáo viên nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động phù hợp với lứa tuổi. Từ 2 tuổi trở đi, trẻ có thể học được cách như tự cầm thìa khi ăn, tự cầm ly uống nước, tự mang balo, tự cất đồ chơi sau khi chơi xong. Việc bắt đầu từ sớm sẽ giúp trẻ làm quen với các công việc tự phục vụ và đồng thời tạo phát triển sự phối hợp tay-mắt và tính kiên nhẫn.
2. Tạo cơ hội thực hành cho trẻ
Khi trẻ đã bắt đầu hình thành thói quen, cha mẹ và giáo viên cần thường xuyên tạo cơ hội và môi trường để trẻ có thể thực hành. Các hoạt động như tự xúc cơm ăn, tự đánh răng, tự đi giày sẽ giúp trẻ thành thạo kỹ năng này một cách tự nhiên và không cảm thấy bị ép buộc. Phụ huynh cũng nên sắp xếp đồ dùng cá nhân của trẻ ở những nơi dễ tiếp cận để trẻ có thể tự lấy khi cần như giày dép, quần áo ở vị trí thấp,…Điều này không chỉ giúp trẻ luyện tập mà còn khuyến khích sự chủ động và độc lập.
3. Dạy trẻ từng bước
Việc dạy trẻ các công việc tự phục vụ nên được thực hiện theo từng bước nhỏ, từ đơn giản đến phức tạp. Trẻ nhỏ có xu hướng tiếp thu và thực hành tốt hơn khi được hướng dẫn chi tiết và cụ thể. Ba mẹ cần thực hiện mỗi bước nhiều lần và tập cho trẻ đến khi thành thạo. Ví dụ, khi dạy trẻ tự mặc quần áo, cha mẹ có thể bắt đầu bằng việc cho trẻ học cách cài cúc áo, sau đó mới đến việc mặc quần, và cuối cùng là cách tự đi giày.
4. Kiên nhẫn với trẻ
Trẻ em ở lứa tuổi này chưa hoàn thiện khả năng vận động và nhận thức, do đó phụ huynh sẽ gặp khó khăn khi trẻ tập luyện. Trẻ có thể làm rơi vãi thức ăn, cài nhầm cúc áo,…Thay vì chỉ trích hay làm hộ trẻ, người lớn cần kiên nhẫn chờ đợi và khuyến khích trẻ tự làm. Đồng thời khi trẻ gặp khó khăn, tốt nhất là đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng, gợi ý để trẻ tìm cách giải quyết. Đặc biệt, khi trẻ hoàn thành một công việc thành công nên dành lời khen để giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc với điều mình đã làm.
5. Tôn trọng sự độc lập của trẻ
Kỹ năng tự phục vụ không chỉ nhằm giúp trẻ thực hiện các công việc cá nhân mà còn khuyến khích trẻ tự tin, tự chủ, tự lập và tự giác hơn trong cuộc sống. Vì thế, người lớn không nên can thiệp quá nhiều hoặc làm thay trẻ khi trẻ đang cố gắng tự làm. Tôn trọng sự lựa chọn và ý kiến của trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy mình được đánh giá cao và có trách nhiệm với những việc mình làm.
Việc rèn kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mầm non là một quá trình dài và cần sự kiên nhẫn, tinh tế từ cha mẹ và giáo viên. Bắt đầu sớm, tạo cơ hội thực hành, dạy trẻ từng bước, kiên nhẫn và tôn trọng sự độc lập của trẻ là những yếu tố then chốt giúp trẻ phát triển kỹ năng này một cách toàn diện và hiệu quả.