Phong tục đi chợ tết của người Việt và các chợ tết nổi tiếng ba miền

Mục lục 1 Nguồn gốc phong tục đi chợ tết người Việt 2 Các phiên chợ tết nổi tiếng ở miền Bắc 2.1 Chợ hàng mã 2.2 Chợ đào Lạc Long Quân 2.3 Chợ hoa Quảng Bá 2.4 Chợ hoa hàng Lược 2.5 Chợ cây Hoàng Hoa Thám 3 Các phiên chợ tết nổi tiếng […]

Đã cập nhật 13 tháng 1 năm 2021

Bởi TopOnMedia

Phong tục đi chợ tết của người Việt và  các chợ tết nổi tiếng ba miền

Nguồn gốc phong tục đi chợ tết người Việt

Tết Nguyên Đán là lễ hội cổ truyền lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Từ xa xưa, người Việt ta đã coi ngày tết như một dịp cảm tạ trời đất, là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để đón nhận những điều mới mẻ và may mắn hơn. Theo chu kỳ vận hành của đất trời, trải qua bốn mùa xuân – hạ – thu – đông , Tết khởi đầu cho  một năm mới tốt đẹp vào ngày đầu xuân, khi cây cối bắt đầu ra hoa nảy lộc. 

Để chuẩn bị cho những ngày tết đủ đầy và trọn vẹn, có một niềm vui mà ai cũng chờ đợi trong không khí náo nức mỗi khi tết về đó là: đi chợ tết. Theo suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều biến cố và thay đổi, tuy nhiên ý nghĩa về tinh thần của chợ tết vẫn còn nguyên vẹn, nó chứa đựng những điều háo hức, hân hoan, mong chờ của tất cả mọi người từ cụ già tới trẻ nhỏ. Mọi người đi sắm tết không chỉ để chuẩn bị đồ ăn thức uống, trang trí nhà cửa đón tết, cắm những bình hoa đào ngày tết, những món quà tết mà còn để tận hưởng mùi vị ngọt ngào của tết sau một năm dài vất vả. 

Thường thì, chợ Tết bắt đầu từ ngày 23 âm lịch khi cúng ông Công ông Táo, kéo dài đến tận chiều 30 Tết. Ở chợ Tết, ai ai cũng tất bật hối hả, người bán người mua đều háo hức và mong chờ được trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cúng đủ đầy và những bữa cơm đoàn viên ấm cúng. Dọc theo chiều dài đất nước, ở mỗi vùng miền chợ tết lại có những nét độc đáo riêng, chúng ta sẽ cùng khám phá Top những chợ tết nổi tiếng lâu năm trong mỗi dịp Tết về. 

Các phiên chợ tết nổi tiếng ở miền Bắc

Chợ hàng mã

Hàng Mã là tên một trong 36 phố cổ, chạy từ ngã tư Hàng Đường đến phố Phùng Hưng. Đối với Hàng Mã, trước kia, đây là khu chuyên sản xuất và buôn bán giấy tiền vàng cúng lễ, các đồ chơi, đồ trang trí bằng giấy… còn ngày nay, các mặt hàng đã được bày bán phong phú hơn, thay đổi linh hoạt vào mỗi dịp lễ hội như:  đồ trang trí các dịp lễ, Tết, đồ chơi trẻ em

Cứ vào dịp cuối năm cả con Phố Hàng Mã được nhuộm bởi sắc đỏ, vàng lung linh của đèn lồng, dây pháo và những món đồ trang trí rực rỡ sắc màu. Tại đây, ngoài công việc mua bán quen thuộc chúng ta còn cảm nhận được những nét đặc trưng của những lễ hội cổ truyền dân tộc. Chính vì vậy, phố Hàng Mã đã thu hút được rất nhiều du khách  đến tham quan và mua sắm, tận hưởng không khí lễ tết độc đáo, hấp dẫn. 

Chợ đào Lạc Long Quân

Chợ đào Lạc Long quân diễn ra vào khoảng tháng 12 âm lịch hàng năm, nơi đây được xem là chợ hoa Tết lớn nhất của Hà Nội, với chiều dài 4,5 km. Cả con phố Lạc Long Quân sôi động người mua bán từ sáng sớm cho đến đêm muộn, ngoài các loại đào tết để trưng trong dịp tết, nơi đây còn bày bán vô vàn các loại quất, bưởi, mai, các loại lục bình… với đủ mọi kích cỡ. Lợi thế của đường hoa này chính là nằm gần chợ hoa đêm nổi tiếng nhất Hà Nội ở Nghi Tàm, cùng với các làng hoa vang bóng một thời như Quảng Bá, Quảng An, Tứ Liên. Đây là điểm mua hoa không thể bỏ qua của bạn khi Tết về.

Chợ hoa Quảng Bá

Chợ hoa Quảng Bá là một trong những chợ hoa lớn nhất Hà Nội nằm bên cạnh đê Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Ban đầu, chợ được lập ra để nhân dân Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá…mua bán, trao đổi hoa và cây cảnh mình trồng được. Dần dần, chợ đã trở thành chợ đầu mối lớn nhất tại Hà Nội cung cấp các loại hoa tươi được đưa về từ các nhà vườn ở các vùng lân cận như: Tây Tựu, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Yên, Mê Linh…  thậm chí còn được mang về từ Sapa, Đà Lạt hay nhập khẩu từ nước ngoài với nguồn hoa chất lượng, phong phú. Chợ hoa mở cửa quanh năm và chỉ diễn ra vào buổi tối (thường mở cửa từ 23h đêm đến 6h sáng hôm sau). Đây là điểm đến vô cùng hấp dẫn và là địa điểm check in lý tưởng bạn nên ghé qua để khám phá những nét đặc trưng của Hà Nội. 

Chợ hoa hàng Lược

Chợ hoa hàng Lược mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cho tới 30 Tết. Chợ hoa Hàng Lược trải dài qua các con phố: phố Hàng Lược và một phần các phố Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Mã, Hàng Đồng. Từ khi bắt đầu, đến bây giờ trải qua nhiều thế kỷ, khu chợ hoa này này vẫn chưa hề ngưng một phiên chợ nào. Chợ hoa Hàng Lược được mệnh danh là khu chợ hoa lâu đời nhất Việt Nam. 

Chợ cây Hoàng Hoa Thám

Từ lâu, người dân trên phố này đã có một mặt hàng kinh doanh khá đặc trưng, đó là kinh doanh cây cảnh. Từ khu  Dốc Đốc Ngữ đến chợ Bưởi là nơi bày bán rất nhiều loại cây cảnh, phong phú và đa dạng. Ngoài ra, chợ cây cảnh Hoàng Hoa Thám còn bày bán phong phú các loại chim cảnh, chó cảnh, cá cảnh… Đi chợ cây cuối năm, có người mua hoa chơi Tết, có người ngắm cây cảnh, người mua giống cây, giống hoa, nhưng cũng có người đến chợ đơn giản chỉ là một thú vui mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Các phiên chợ tết nổi tiếng ở miền trung

Chợ tết Gia lạc –  Huế

Chợ xuân Gia Lạc ở xã Phú Thượng (Huyện Phú Vang, Thừa Thiên  Huế), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km được họp thường niên vào 3 ngày tết ( từ mùng 1 tới mùng 3).  Người Huế đến chợ Gia Lạc không chỉ để mua bán mà vì thói quen, tập tục đã có lâu đời để lấy vui, cầu may. Chợ Gia Lạc chỉ họp vào ban ngày bởi vì ngoài mua bán trao đổi, chợ còn tổ chức ăn uống, chơi trò chơi dân gian như: bài chòi, hát đối đáp…Đặc biệt, người Huế có tập tục mua trầu cau để mong năm mới ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn.

Chợ tết Bích La – Quảng Trị

Chợ Đình Bích La ( xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong)  là lễ hội độc đáo, một phiên chợ quê hiếm có chỉ họp mỗi năm một lần bắt đầu vào lúc nửa đêm (đêm mùng 2 đến sáng 3 Tết âm lịch) ngày mùng 03 Tết Nguyên Đán. Ở chợ đình Bích La, các mặt hàng khá đa dạng, nhưng chủ yếu là những sản vật của địa phương hàng như: lá chè, cành cây phát lộc, cây mía, cau trầu, gói muối, cá chép…Ai đến chợ cũng cố mua cho được một thứ gì đó với mục đích cầu may mắn. Điểm đặc biệt của lễ hội chợ Đình Bích la là  lễ cầu thần Kim Quy với ước mong một năm thuận lợi, mùa màng bội thu, con cái, gia đình hạnh phúc, thuận hòa.

Chợ Gò trường Úc –  Bình định

Chợ Gò là một trong số ít chợ đặc biệt của người Việt mỗi năm họp chợ 1 lần vào mùng 1 Tết tại thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Hàng năm vào sáng mùng một và sáng mùng hai Tết Nguyên Đán người dân địa phương gần đó lại mang hoa quả, bánh kẹo tết, mứt tết, trầu cau và những sản vật địa phương, nhà có đến bán.Việc mua bán tại Lễ hội Chợ Gò không giống như việc mua bán thông thường. Ai nấy đều xởi lởi. vui vẻ, như đi trẩy hội với tinh thần ” Mua may bán rủi “. Đây là phiên chợ mang đậm nét văn hóa của vùng đất Bình Định và được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xếp hạng 100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam.

Chợ Chuộng – Thanh Hóa

Chợ Chuộng được tổ chức trên dải đất rộng ven sông Hoàng, nơi giáp ranh giữa 3 huyện Đông Sơn,Thiệu Hóa và Triệu Sơn  tỉnh Thanh Hóa, là  phiên chợ diễn ra vào mùng 6 Tết Nguyên đán hàng năm. Tham gia phiên chợ, ngoài tham gia các trò chơi dân gian và mua bán hàng hóa thì mọi người sẽ có một màn “choảng nhau’ độc đáo bằng cà chua nhằm xua đi xui xẻo, đồng thời cầu may mắn tài lộc cho năm mới. Quan niệm của người dân nơi đây, nếu tại phiên chợ, ai được ném nhiều cà chua vào người, trong năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió. Đây là một phiên chợ vô cùng độc đáo, mang đậm nét văn hóa và đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. 

Các chợ tết nổi tiếng ở miền Nam

Chợ Hoa Hồ Thị Kỷ

Chợ hoa Hồ Thị Kỷ Nằm ngay giữa trung tâm quận 10 của thành phố được thành lập từ những năm 1980 và trở thành điểm tập trung các đầu mối buôn bán hoa lớn nhất của Sài Gòn. Chợ hoa được mở suốt cả ngày lẫn đêm nhưng đông vui và nhộn nhịp nhất vẫn là khoảng từ 0h đến 3h sáng. Chợ Hồ Thị Kỷ được mệnh danh là Đà Lạt thu nhỏ ngay giữa lòng thành phố. Tại đây, có vô vàn các loài hoa được bày bán đến từ khắp mọi miền đất nước và nước ngoài. Đây luôn là điểm đến hấp dẫn dành cho du khách và những người yêu hoa, là một địa điểm không nên bỏ lỡ mỗi dịp Tết về. 

Chợ hoa Đầm Sen

Chợ hoa Đầm Sen được thành lập năm 2000, nằm trên đường Nguyễn Văn Phú, quận 11 gần công viên giải trí Đầm Sen. Không phải là ngôi chợ có truyền thống lâu đời, Chợ chỉ mới thành lập vào năm 2000 và được thiết kế rất hiện đại với khu nhà lồng mái cao, rộng lớn chia làm 2 dãy  vô cùng thuận tiện cho người đến mua sắm, tham quan.  Chợ Đầm Sen chỉ hoạt động từ 0h đến 6h sáng, đặc biệt vào các dịp lễ tết chợ hoa càng đông đúc và tấp nập với nhiều loại hoa mùa xuân đặc trưng như: Đào, mai, cúc…. Các loại hoa ở đây vô cùng đa dạng, với hàng trăm chủng loại được nhập từ Đà Lạt, miền tây và cả nước ngoài. Có các loài hoa lạ, quý từ phương tây như: hoa tulip, hoa lan, cẩm tú cầu…

Chợ hoa Hậu Giang

Chơ hoa Hậu Giang, nằm ở chân cầu Hậu Giang, trên đường Hậu Giang, quận 6. Chợ được thành lập năm 2005 với kiến trúc hiện đại là một nhà lồng lớn bao gồm những sạp hoa dựng hai bên. Chợ bán 24/24 nhưng nhộn nhịp nhất vào tầm 1 giờ đến 3 giờ sáng. Nguồn hoa chủ yếu từ Đà Lạt, Đồng Tháp, Tiền Giang và các vùng phụ cận Sài Gòn đều được đưa về đây và được bán sỉ để chuyển đi nơi khác . Ban ngày, các cửa tiệm hoa với nhiều lẵng hoa cắm sẵn đầy nghệ thuật để phục vụ cho các dịp sinh nhật, khai trương…

Vào mỗi dịp Tết về, đi chợ Tết đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của mỗi người. Chợ tết không chỉ đơn giản là để mua sắm chuẩn bị khay mứt tết đầy đủ, mà còn là một dịp hiếm có để tận hưởng không khí Tết, tiết trời Xuân đang đến dần, đang len lỏi vào từng ngôi nhà từng góc phố. Hãy tận hưởng không khí tết đang tới dần và ghé thăm những khu chợ tết náo nhiệt để cảm nhận niềm háo hức, hân hoan và trân trọng hơn những giá trị truyền thống lâu đời của đất nước mình.