Phong cách Chola: Nét đẹp di truyền của văn hóa Latina

Phong cách Chola đặc biệt thu hút những cô gái trẻ thích nổi loạn, những nàng độc thân cá tính mạnh và tất cả những ai yêu chuộng bản sắc văn hóa Pachuca de Soto (Mexico). Đó có thể là niềm đam mê với bút kẻ mắt, sở thích phối các kiểu tóc với Bandana, hoặc […]

Đã cập nhật 27 tháng 8 năm 2015

Bởi TopOnMedia

Phong cách Chola: Nét đẹp di truyền của văn hóa Latina

Phong cách Chola đặc biệt thu hút những cô gái trẻ thích nổi loạn, những nàng độc thân cá tính mạnh và tất cả những ai yêu chuộng bản sắc văn hóa Pachuca de Soto (Mexico). Đó có thể là niềm đam mê với bút kẻ mắt, sở thích phối các kiểu tóc với Bandana, hoặc chịu ảnh hưởng của dòng nhạc Hip-hopvăn hóa đường phố Mỹ, tình yêu với những chiếc xe Lowrider, một kiểu mơ mộng về những gã Cholo lãng tử hay chỉ một chút ngổ ngáo pha trộn giữa các phong cách trang phục Mexican-American. 

1. Nguồn gốc

Cholo (nam) và Chola (nữ) là tiếng lóng được sử dụng phổ biến trong một số các bộ phận văn hóa của Mỹ, những thuật ngữ này nhằm chỉ những người Mỹ Latin, sinh ra tại hoa Kỳ nhưng có nguồn gốc từ Mexico. Đó là những người có thu nhập thấp trong một môi trường sống phức tạp, đặc trưng bởi lối phục sức “hư hỏng” và nổi loạn. Việc sử dụng các thuật ngữ này xuất phát từ nhiều thời điểm, ngữ cảnh và khía cạnh trái chiều, mang đến những ý nghĩa khác biệt. Ngày nay, Cholo/Chola được hình dung gắn liền với văn hóa đường phố của những chiếc Lowrider, là một phần của di sản được truyền lại từ tổ tiên của người Mỹ gốc Mexico.

Các Cholo/Chola là giới thanh niên thế hệ 1980, tiếp nối từ các Pachuco (nam)/Pachuca (nữ) ở những năm 1940 và Chicano (nam)/chicana (nữ) giai đoạn thập niên 60. Các kí ức lịch sử mang ý nghĩa khinh miệt của các tiếng lóng này được bỏ lại trong quá khứ, thay vào đó, được sử dụng như một biểu tượng, và là niềm tự hào về văn hóa Latina trong bối cảnh của các phong trào nổi dậy để chống lại một xã hội Anglo ở thập niên 30 – 40.

Cách ăn mặc, lối trang điểm và cả những phương ngôn của các Cholo/Chola đã hình thành ngữ điệu riêng của một cộng đồng văn hóa. Trong khi chỉ một số ít thanh thiếu niên theo đuổi phong cách Cholo thì ngày nay, phong cách Chola vẫn tiếp tục được “tôn thờ” như một biểu tượng trong lối sống và thẩm mỹ của phụ nữ Latina. 

Ngày nay, trong nhịp tiến hóa của thời trang ngày càng hướng đến Minimal (tối giản) thì Chola đối với đại đa số thị hiếu sẽ gây nên một cái nhìn khó chịu. Tuy nhiên, làn sóng ngầm này vẫn truyền tai nhau những tín hiệu và len lỏi ở khắp mọi nơi trong cộng đồng Latina. Các phong cách của Cholo/Chola hình thành nên cảm hứng Retro Chicana (1960s), Boulevard Queen (1950s) và Pachuca (1940s), đã đem đến những sáng tạo mới mẻ trong văn hóa đường phố, và từ thời trang đến âm nhạc, nghệ thuật.

2. Đặc trưng

Phong cách trang điểm và phục sức quyết định phần nhiều để hình thành một phong cách Chola. Đây là sự hòa trộn các đặc tính quyến rũ, hoang dại và sức mạnh nữ tính, xuất phát từ nét đẹp văn hóa độc đáo và cả về mặt địa lý thỗ nhưỡng. Một Chola, cô ấy chắc chắn phải yêu bút kẻ mắt và thường làm sắc nét những chi tiết trên gương mặt mình, với: đường chân mày “chuốt” cong và mỏng mảnh (và thường là được xăm), những đôi môi mọng đỏ/nâu/tím, được kẻ viền môi bằng các tone màu sẫm và đậm. Cuối cùng là điểm nhấn trên gò má với một biểu tượng của Gangster Latino, các hình xăm 1 – 3 giọt nước ngay bên dưới chân mắt phải.

Các kiểu tóc mang phong cách Chola được nhận dạng với khăn quấn tóc Bandana, cuộn tóc mái bằng gel cứng, mousse phồng cao khi cột đuôi ngựa, tết tóc với khăn hay tạo những đường uốn lượn với lớp tóc mây trên vầng trán.

Trong lối phục sức của các cô nàng Chola, ngoài lớp make up dày còn được phủ đầy các loại trang sức bằng vàng với khuyên mũi, khuyên tai các kiểu, hay bông tai hình vòng cỡ lớn và các loại lắc đeo tay, dây chuyền với mặt hình chữ cái Latin, tên họ hay các thánh giá. Các hình xăm từ “bặm trợn” với dao, súng, xích cho đến cực kỳ lãng mạn “kiểu gangster” như hoa hồng, các hình tượng La Pachuca hay xe Lowrider.

Chính vì những chi tiết “đậm nét” như vậy, các phong cách trang phục có chiều hướng đơn giản hay thậm chí có thể là “xuề xòa“, chủ yếu phơi bày sự gợi cảm và cá tính mạnh. Đồng thời phong cách Cholo/Chola còn mang đặc tính Unisex, với các Bandana cũng dùng cho Cholo hay các nàng Chola với sơ mi caro Flannel mặc ngoài Bra hay Tank-top, quần thụng hay Baggy Zoot-suit, và kết hợp với những đôi giày đen hoặc trắng của Lugz, Nike, Jordans, Stacy Adams, Cortezes, v.v…

3. Tính phổ biến

Tại Châu Mỹ, bản sắc “thổ dân” của các Chicana không chỉ gây ảnh hưởng đến văn hóa Mỹ hiện đại mà còn có sức quyến rũ các cô gái Costa Rica và cả vùng Pureto Rico xa xôi. Dù vậy, đó chỉ có thể là lấy cảm hứng từ phong cách và những nét đặc trưng chứ không thể trở thành một Chola, trừ khi là một người Mỹ Latin gốc Mexico. Các phong cách Chola phổ biến ở khu vực miền nam California như Đông LA, San Diego, Orange County, NYC và cả Miami – nơi Chola còn được gọi là “Chongas“.

Phong cách Chola là một trong những nguồn cảm hứng có tính phổ biến thấp. Ngày nay, phong cách Chola được áp dụng bởi các Latina trưởng thành, độc lập về lối sống cũng như tài chính bởi sự nhạy cảm của hình tượng “băng đảng” trong quá khứ. Ngoài ra, các nàng Chola hiện đại cũng không xuất hiện ở những nơi như văn phòng công sở, trong hình tượng một người nội trợ hay những cô nàng học sinh/sinh viên nổi loạn. Phong cách Chola được chọn lọc và áp dụng trong những sự kiện đặc biệt, bởi những cá nhân hoạt động và làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật hay cốt yếu chỉ là cách để các Chicano/Chicana hồi tưởng về đặc tính di truyền mang đậm bản sắc văn hóa của mình.

Hầu như, phong cách Cholo/Chola về chính thống không có sự ảnh hưởng trực tiếp đến thị hiếu của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, đó là một sự “lây lan” qua sự tiếp cận văn hóa âm nhạc và nghệ thuật đường phố từ các quốc gia đại diện của Phương Đông như Nhật Bản và Hàn Quốc. Bằng cách thức này, Cholo/Chola xuất hiện trong các phong cách thời trang và thị hiếu thẩm mỹ đời thường qua những góc cạnh và diện mạo đã được pha trộn, biến tấu và không có nguồn gốc xác thực. Tuy nhiên, có thể xem như, “ngữ điệu” và nét đẹp đích thực của Cholo/Chola đã thực sự được ứng dụng một cách có ý nghĩa.

4. Nhãn hiệu

Thời trang vốn được mệnh danh là một “tên cướp biển”. Không có nền văn hóa nào là “an toàn” để thoát khỏi sự cướp bóc của thời trang để biến hóa thành thứ cảm hứng nghệ thuật mãnh liệt. Trên tất cả các sàn diễn thời trang, văn hóa là tinh khiết, là cái đẹp. Văn hóa bản địa của các Latina gốc Mexico đã đem đến nguồn xúc cảm để sáng tạo, nổi loạn và thậm chí điên cuồng bởi các nhà thời trang lập dị như: những nàng Chola của Givenchy trong bộ sưu tập Thu Đông 2015, Ready-to-Wear Xuân Hè 2014 của Nineties Rodarte, Ready-to-Wear Xuân Hè 2015 của The BlondsNasir Mazhar Thu Đông 2014 hay John Galliano với “Chonga” trong các thiết kế Xuân 2012.

5. Các gương mặt biểu tượng

Phong cách Chola gắn liền cùng những biểu tượng âm nhạc Âu Mỹ, những nhân vật đã bước ra từ niềm tự hào hay chịu sự ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa La Pachuca sự nghiệp âm nhạc, nghệ thuật lẫn trong đời sống như: Amy Winehouse, FKA Twigs, Gwen Stefani, Madonna, Lady Gaga, Rihanna, Nicki Minaj, Selena Gomez,  Miley Cyrus.